Nguồn gốc Trung Ương Đảng CSVN

.

.

 

(1) ĐẠI HỘI ĐẢNG TẠI PÁC BÓ

.

“Sử gia” Trần Huy Liệu      

Nhà báo kỳ cựu Trần Huy Liệu,  cựu đảng viên Việt Nam Quốc Dân Đảng, quen biết với ông Trường Chinh thời cùng nhau ra tờ báo Đời Nay tại Hà Nội vào năm 1938.  Và cũng nhờ sự quen biết đó mà tháng 8 năm 1945 ông Liệu được Trường Chinh mời lên Tân Trào để tham dự Đại hội Quốc dân với tư cách đại diện cho Quốc dân Đảng.

Tại Tân Trào ông Liệu tay bắt mặt mừng với ông Hồ Chí Minh là người vào năm 1939 có gởi bài đăng trên báo Đời Nay của ông Liệu với bút hiệu là Lin.  Sau đại hội Tân Trào ông Liệu theo ông Hồ Chí Minh về Hà Nội và được sắp xếp làm Phó chủ tịch cho Chính phủ Lâm thời của ông Hồ Chí Minh để chứng tỏ chính phủ của Mặt trận Việt Minh có đủ mọi thành phần, mọi tổ chức chính trị, trong đó có cả Quốc dân Đảng (Trần Huy Liệu), Đảng Dân Chủ (Cù Huy Cận), Lực lượng Thanh Niên Tiền Phong (Phạm Ngọc Thạch).  Sau này có ông Huỳnh Thúc Kháng làm phó cho ông Hồ Chí Minh thì ông Liệu giữ chức Bộ trưởng Bộ Thông tin tuyên truyền.

Nhưng tới thời Cải cách ruộng đất 1953 thì cố vấn La Quý Ba bắt ông Liệu thôi giữ chức Bộ trưởng Thông tin vì lý do ông là một đảng viên Quốc dân Đảng.  Người ta giao cho ông một công việc có tính cách ngồi chơi xơi nước, đó là “Trưởng ban nghiên cứu Lịch sử Đảng,” hằng ngày đi nói chuyện la cà với những cán bộ lão thành của Mặt trận Việt Minh để thu thập thông tin, viết lại thành một bộ sử của Đảng CSVN.  Dĩ nhiên tất cả đều căn cứ vào trí nhớ hơi hoang đường của các nhân vật trong cuộc.

Đến khi về tiếp thu Hà Nội vào năm 1954 thì ông Trần Huy Liệu mới có thêm một mớ tài liệu của mật thám Pháp.  Và khi bắt đầu viết bộ sử của ĐCSVN thì ông phải căn cứ vào một tài liệu cơ bản của Việt Minh, đó là quyển “Đời Hoạt Động của Hồ Chủ Tịch” do ông Hồ Chí Minh viết vào năm 1947, phát hành năm 1948 dưới tên Trần Dân Tiên.  Sau đó là quyển sách “Vừa Đi Đường Vừa Kể Chuyện” cũng của ông Hồ Chí Minh dưới tên T. Lan, phát hành năm 1960.  Từ đó cho tới khi ông Liệu mất vào năm 1969 thì ông đã hoàn thành một bộ “Lịch sử Đảng” chỉ căn cứ theo các lời kể.

Đến năm 1976 có sự trành giành ảnh hưởng giữa phe ông Lê Duẩn và phe ông Trường Chinh cho nên ông Duẩn khuyến khích một số hồi ký ra đời, trong đó quan trọng nhất là tập hồi ký “Đầu Nguồn” của các ông Hoàng Quốc Việt, Đặng Văn Cáp, Cao Hồng Lãnh, Lê Tùng Sơn, Hoàng Văn Hoan, Lê Quảng Ba, v..v… Theo tập hồi ký này thì nguồn gốc của Ban chấp hành ĐCSVN có hơi khác với tài liệu của ông Trần Huy Liệu.  Rồi đến năm 1986 hồi ký “Giọt Nước Trên Biển Cả” của Hoàng Văn Hoan ra đời thì toàn bộ tập “Lịch sử Đảng” của ông Trần Huy Liệu cần phải viết lại.

.

.

Theo như Trần Dân Tiên và T. Lan thì năm 1930 ông Nguyễn Tất Thành đang ở Thái Lan nghe tin ở Việt Nam có tới 3 đảng Cộng sản cho nên ông kêu lãnh đạo cả 3 đảng sang Hồng Kông rồi ông đứng ra thống nhất 3 đảng thành Đảng Cộng sản Việt Nam; vậy ông là người lập ra ĐCSVN.

Nhưng ngày nay theo như hồ sơ của CSQT thì ông Nguyễn Tất Thành giả danh CSQT để kêu gọi hợp nhất 2 đảng, đó là Đông Dương Cộng sản Đảng của Ngô Gia Tự và An Nam Cộng sản Đảng của Hồ Tùng Mậu.  Sau đó ông mới báo cáo cho CSQT nhưng CSQT không chấp nhận và chỉ thị Trần Phú lập ra Đảng Cộng sản Việt Nam vào tháng 10 năm 1930 tại Hồng Kông.  Rồi 2 tháng sau thì CSQT để nghị Trần Phú đổi tên ĐCSVN thành Đảng Cộng sản Đông Dương.  Như vậy ông Nguyễn Tất Thành không phải là người lập ra Đảng Cộng sản Việt Nam.

.

Việt Minh hội

Cũng theo Trần Dân Tiên và T. Lan thì sau khi ĐCSVN được thành lập, ông Nguyễn Tất Thành bị nhà cầm quyền Hồng Kông bắt năm 1931và sau đó “mất tích” trong 8 năm.  Nhưng ngày nay hồ sơ của CSQT tại Mạc Tư Khoa được giải mật cho thấy ông bị bắt hơn 2 năm, sau đó ông ra tù và chạy về Nga, nhưng tại Nga ông bị Hà Huy Tập gởi thư tố cáo ông bán các đồng chí của mình cho nên ông bị kỷ luật cho đến năm 1938 CSQT mới được tha khỏi diện kỷ luật và tống ông về làm việc cho quân đội của Mao Trạch Đông (Hồ sơ CSQT).

.

(Thiếu tá Hồ Quang)

.

Trong quân đội Trung Cộng ông lấy tên là Hồ Quang, làm sĩ quan tâm lý chiến với quân hàm thiếu tá.  Được gần 1 năm thì chiến tranh Thế giới 2 bùng nổ (Tự truyện của ông HCM dưới tên T. Lan).

– Khi chiến tranh bùng nổ, 1939, thì tại thành phố Côn Minh tỉnh Vân Nam của Trung Hoa có một đảng Cộng sản của người Việt Nam gồm có 3 người là ông Phùng Chí Kiên, Vũ Anh và Hoàng Văn Hoan (Hồi ký của Vũ Anh và hồi ký của Hoàng Văn Hoan).

– Sau khi chiến tranh bùng nổ, cũng tại thành phố Côn Minh, có 3 người Việt không Cộng sản mới đến Côn Minh tị nạn chính trị.  Đó là các ông Phạm Văn Đồng, ông Võ Nguyên Giáp và ông Cao Hồng Lãnh.  (Hồi ký của Đặng Văn Cáp và Vũ Anh).

–  Tháng 5 năm 1940, tại Côn Minh, 3 ông Cộng sản họp với 3 ông không Cộng sản làm thành một nhóm 6 người, mưu tính chuyện lợi dụng chiến tranh thế giới mà “dựng cờ khởi nghĩa,” làm nên “nghiệp lớn” tại Việt Nam.

–  Tháng 10 năm 1940 có thêm ông Cộng sản Nguyễn Tất Thành gia nhập nhóm 6 người, làm thành nhóm 7 người.  Rồi lập ra một đảng chính trị gồm 7 người, lấy tên là Việt Nam Độc Lập Đồng minh Hội, gọi tắt là Việt Minh (Hồi ký Hoàng Văn Hoan).

– Cùng thời gian này tại thành phố Côn Minh tỉnh Vân Nam của Trung Hoa có một tổ chức chính trị của người Việt lưu vong là Nhóm Thiết Huyết do Trần Ngọc Tuân lãnh đạo.  Đây là một chi nhánh của Việt Nam Quốc Dân đảng ly khai   Sau cuộc khởi nghĩa tại Yên Bái thất bại, một số đồng chí của Nguyễn Thái Học trong VNQDĐ chạy sang Trung Hoa lập lại một chi nhánh VNQDĐ lưu vong, do Nguyễn Thế Nghiệp và Vũ Hồng Khanh lãnh đạo.

Đến năm 1935 chi nhánh VNQDĐ lưu vong chia ra làm hai, số đông theo lãnh tụ Vũ Hồng Khanh tiếp tục hoạt động chính trị cho VN tại tỉnh Quảng Tây, Hoa Nam.  Một nhánh nhỏ do Nguyễn Thế Nghiệp lãnh đạo tuyên bố ly khai khỏi tổ chức của Vũ Hồng Khanh, hoạt động chính trị cho VN tại thành phố Côn Minh.

Năm 1936 Nguyễn Thế Nghiệp trở về Việt Nam thành lập Tân Việt Nam Quốc Dân Đảng, những người còn lại do Trần Ngọc Tuân và Bùi Quang Minh lãnh đạo đã đổi danh xưng thành Nhóm Thiết Huyết, tiếp tục hoạt động chính trị cho VN tại Côn Minh.

Tháng 10 năm 1940 Nhóm Thiết Huyết sát nhập vào Việt Minh Hội với những nhân vật lãnh đạo nổi tiếng sau này như Trần Ngọc Tuân (Sau này là Thứ trưởng bộ Thông tin của chính phủ Việt Minh), Bùi Quang Minh (Sau này là thứ trưởng bộ Nội vụ của chính phủ Việt Minh), Lê Tùng Sơn (Thiếu tướng trong quân đội VM), Vương Thừa Vũ (Trung tướng trong Quân đội CSVN)…

.

Đại hội dựng lại đảng tại Pác Bó

–  Cũng tháng 10 năm 1940 tại Việt Nam có 4 ông đảng viên của Đảng Cộng sản Đông Dương bị mật thám Pháp rượt chạy về Pác Bó, biên giới Việt Trung.  Đó là các ông Hoàng Văn Thụ, Trần Đăng Ninh, Chu Văn Tấn và Đặng Xuân Khu (Trường Chinh).

–  Tháng 1 năm 1941, 3 ông Cộng sản tại Trung Hoa do ông Nguyễn Tất Thành dẫn đầu, xưng là Nguyễn Ái Quốc đại diện của CSQT, về Pác Bó tiếp xúc với 4 ông Cộng sản ĐCSĐD.  Đối lại nhóm 4 người ở Pác Bó xưng là Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương, do ông Đặng Xuân Khu là Quyền Tổng bí thư.

–  Ngày 19 tháng 5 năm 1941, 7 ông Cộng sản đang có mặt tại Pác Bó kêu ông Hạ Bá Cang (Hoàng Quốc Việt) đến Pác Bó để mở Đại hội Trung ương ĐCSĐD (Sau này người ta tính là Đại hội Trung ương kỳ 8 của Khóa 1 đại hội toàn quốc).  Ông Hạ Bá Cang tham dự với tư cách là Bí thư Xứ ủy Nam Kỳ.  Trong đại hội các ông bầu Đặng Xuân Khu làm Tổng bí thư và lấy lại tên đảng là Đảng Cộng sản Việt Nam.  Ông Nguyễn Tất Thành làm cố vấn bởi vì ông là Đại diện của CSQT, 6 ông còn lại là Ủy viên Ban chấp hành Trung ương.

– Tháng 7 năm 1942 Ông Nguyễn Tất Thành trở lại Trung Hoa để tìm cách “đãi thời đột nội” (Chờ thời trở về nước cướp chính quyền) một lần nữa.  Nhưng không may ông bị chính quyền Tưởng Giới Thạch bắt giam vì nghi ông là gián điệp của Nhật.

Sở dĩ họ nghi bởi vì trong người của ông có 3 văn bản mù mờ:  2 giấy giới thiệu của cơ quan Tân văn xã thuộc ĐCS Trung Hoa và 1 giấy “sự vụ lệnh” của chính quyền Tưởng Giới Thạch cấp cho công dân Hồ Chí Minh. (Hồ Chí Minh là tên trên giấy tờ của ông Hồ Học Lãm, ông qua đời vào đầu năm 1942; đến khi ông Nguyễn Tất Thành trở lại Trung Hoa vào tháng 5 thì người nhà của ông Lãm đưa giấy tờ hợp pháp của ông Lãm cho ông Thành sử dụng, từ đó ông Thành nấp dưới cái tên Hồ Chí Minh để che giấu lý lịch thật của mình).

Trong thời gian ông Thành bị giam thì tại Nga, Stalin cho giải tán đảng Cộng sản Quốc tế để bắt tay liên minh với Hoa Kỳ và Anh, Pháp để cùng nhau chống Đức, Nhật. Nhờ đó mà chính quyền Tưởng Giới Thạch ra lệnh thả tất cả những người bị giam giữ vì hoạt động cho Cộng sản.  Ông Nguyễn Tất Thành được ông Nguyễn Hải Thần, Chủ tịch của Việt Nam Cách mạng Đồng minh Hội, bảo lãnh ra khỏi nhà tù và mời ông tham gia VNCMĐMH.  Sau đó ông được Tướng Tiêu Văn của Quốc Dân Đảng Trung Hoa đề nghị giúp ông trở về VN để bắt liên lạc với các tổ chức kháng chiến trong vùng Việt Bắc.

.

Thành lập Mặt trận Việt Minh

–  Tháng 11 năm 1944 ông Nguyễn Tất Thành tái xuất hiện tại Pác Bó với tên mới là Hồ Chí Minh, ông theo lệnh của tình báo OSS Hoa Kỳ về Cao Bằng mộ quân cho cơ quan tình báo của quân đội Hoa Kỳ tại Hoa Nam.  Ông kêu gọi nhóm Cộng sản Pác Bó (Chỉ còn 5 ông vì Phùng Chí Kiên và Hoàng Văn Thụ đã bị Pháp giết chết) và nhóm Đồng minh Hội (Gồm có Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp, Đặng Văn Cáp, Cao Hồng Lãnh, Hoàng Sâm và Lê Quảng Ba) hãy tham gia cùng ông dựng cờ làm nên đại sự một lần nữa, bởi vì Stalin đã bắt tay với Mỹ cho nên giờ đây ông ta giúp Mỹ và Nga đánh Nhật.

Lúc này ông Hồ Chí Minh có mang theo tiền và 18 cán bộ quân sự người Việt đã được Tưởng Giới Thạch huấn luyện tại Trường sĩ quan Đại Kiều (Tài liệu của Tưởng Vĩnh Kính, Hồi ký của Trần Trọng Kim, Hoàng Văn Hoan và của Trung tá OSS Patti).  Các ông thành lập “Mặt trận Việt Minh,” tức là liên minh giữa Việt Minh Hội  của ông Hồ Chí Minh và ĐCSVN của Đặng Xuân Khu, bầu ông Hồ Chí Minh làm chủ tịch. (Lúc này Việt Minh Hội có thêm nhóm Thiết Huyết do Trần Ngọc Tuân lãnh đạo).

– Tháng 5 năm 1945 toàn bộ nhóm Cộng sản ở Pác Bó cùng với nhóm Đồng minh Hội và toán tình báo OSS của Hoa Kỳ di chuyển về Tân Trào thuộc tỉnh Tuyên Quang để lập căn cứ huấn luyện biệt kích cho quân đội Hoa Kỳ (Hồi ký của Trung tá OSS Patti).

.

 

(2) ĐẠI HỘI ĐẢNG TẠI TÂN TRÀO

 .

Đại hội quốc dân tại Tân Trào

Tháng 8 năm 1945 tại Tân Trào, Đặng Xuân Khu nghe tin Mỹ thả bom nguyên tử tại Nhật, liền nhân danh Tổng bí thư của ĐCSVN gởi thư mời họp đại hội các cựu đảng viên ĐCSĐD, với hy vọng gom góp được các ủy viên ban chấp hành Trung ương hoặc các Xứ ủy viên mới được tự do sau ngày Nhật đảo chánh Pháp 9-3-1945:

Khu vực Bắc Kỳ mời được Lê Đức Thọ và Trần Quốc Hoàn, hai ông mới được chính phủ Trần Trọng Kim thả vào tháng 7-1945;  nhưng hai ông không phải là Xứ ủy viên.

Khu vực Trung Kỳ mời Bí thư Xứ ủy Tôn Quang Phiệt và Xứ ủy viên Nguyễn Khoa Văn nhưng Nguyễn Khoa Văn sau khi được chính phủ Trần Trọng Kim thả thì vào Sài Gòn sống ẩn dật, còn Tôn Quang Phiệt do có xích mích với Đặng Xuân Khu từ thời 1928 nên không đi, cử một thanh niên tên là Nguyễn Chí Thanh đi thế.

Khu vực Nam Kỳ thì mời được Bí thư xứ ủy Hà Huy Giáp và Xứ ủy viên Ung Văn Khiêm.

Tính ra có tất cả 5 đại biểu đại diện cho 3 Kỳ đến dự Đại hội toàn quốc. Tại Tân Trào có sẵn Tổng bí thư Đặng Xuân Khu, Cố vấn Hồ Chí Minh, Ủy viên Trung ương Hoàng Quốc Việt, Ủy viên Trung ương Chu Văn Tấn, Ủy viên Trung ương Vũ Anh, Bí thư Xứ ủy Bắc Kỳ Trần Đăng Ninh (Thay Hoàng Văn Thụ chết năm 1944) và Xứ ủy viên Bắc Kỳ Hoàng Văn Hoan (Được phong vào năm 1944).

Trong khi đại hội chưa khai mạc thì nhận được tin Nhật đầu hàng. Các ông vội chạy về Hà Nội để kịp cướp chính quyền.  Trước khi đi thì soạn ra danh sách tân ban chấp hành Trung ương:  Cho Lê Đức Thọ, Nguyễn Chí Thanh, Hoàng Văn Hoan và Võ Nguyên Giáp vào Ban chấp hành Trung ương. Lê Đức Thọ làm Thường vụ Trung ương, Nguyễn Chí Thanh làm Bí thư Xứ ủy Trung Kỳ, Võ Nguyên Giáp và Hoàng Văn Hoan làm Ủy viên Trung ương.

Đặc biệt tân Ban chấp hành Trung ương kỳ này có hai khuôn mặt mới trong ĐCSĐD là Nguyễn Chí Thanh và Võ Nguyên Giáp.  Nguyễn Chí Thanh nguyên trước đó có hoạt động Cộng sản tại Huế, do Phan Đăng Lưu kết nạp nhưng chỉ là đảng viên thường.  Đến khi Tôn Quang Phiệt bảo đi Tân Trào dự hội thì phong cho Thanh chức Bí thư tỉnh Thừa Thiên, là đại biểu duy nhất của Trung Kỳ dự đại hội.  Thấy vậy Đặng Xuân Khu bèn phong cho Thanh làm Bí thư Xứ ủy Trung kỳ.

.

.

Còn ông Võ Nguyên Giáp lúc đó là Tổng chỉ huy của đội tuyên truyền giải phóng quân, là người đang liên lạc trực tiếp với Thiếu tá tình báo Thomas của Hoa Kỳ, là thông dịch viên kiêm luôn huấn luyện viên của toán biệt kích Mỹ tại Tân Trào (Tức là đội Tuyên truyền Giải phóng quân thành lập ngày 22-12-1944 ở Pác Bó).

Vì tính cách quan trọng của nhân vật Võ Nguyên Giáp cho nên Hồ Chí Minh, Đặng Xuân Khu và Hạ Bá Cang cùng nhau sắp xếp cho Võ Nguyên Giáp được vào Trung ương Đảng để có thể tham dự các buổi họp tổng khởi nghĩa sắp tới.  Nói phao lên rằng ông Võ Nguyên Giáp vào Đảng năm 1940 tại Trung Quốc, do “Bác Hồ” kết nạp.

Thực ra theo hồi ký của ông Hoàng Văn Hoan thì năm 1944 ông Võ Nguyên Giáp và ông Phạm Văn Đồng vẫn còn ở ngoài Đảng, chỉ giữ chức vụ “cố vấn” cho Tỉnh ủy Cao Bằng.  Sở dĩ hai ông làm cố vấn tỉnh vì là cán bộ của Việt Minh Hội (Việt Nam Độc lập Đồng minh Hội); nhưng hội này không phải là Cộng sản.

Tính ra đến ngày 16-8-1945 thì Ban chấp hành Trung ương ĐCS của Đặng Xuân Khu có 11 ông kể trên, do vì các đại gia Cộng sản đang còn nằm ở trong tù.  Tuy nhiên sự thực lúc đó còn có các ông trùm Cộng sản thứ thiệt đang ở ngoài nhưng các ông không liên lạc được (Hay không muốn liên lạc).  Đó là các ông:

(1) Bùi Công Trừng: Sinh viên tại Pháp, theo học khóa huấn luyện đầu tiên của học viện Stalin năm 1927-1928-1929 cùng với Trần Phú và 3 người nữa là Bùi Lâm, Ngô Đức Trì và Nguyễn Thế Rục.  Năm người là chi bộ Cộng sản đầu tiên của Việt Nam, do Cộng sản Quốc tế thành lập.  Tháng 8 năm 1945 Trừng là Bí thư Xứ ủy Nam Kỳ (Do ông và Nguyễn Văn Trấn tái lập sau biến cố Nam Kỳ khởi nghĩa).

(2) Bùi Lâm: Thợ in tại Pháp, theo học trường Stalin từ 1927-1929 cùng với Trần Phú.  Bị tái tù năm 1939 khi Thế chiến bùng nổ. Tháng 8 năm 1945 mới được chính phủ Trần Trọng Kim tha khỏi tù Sơn La, đang sống ở Sài Gòn.

(3) Hồ Tùng Mậu: Người sáng lập ra An Nam Cộng sản Đảng vào năm 1929, đảng Cộng sản đầu tiên của người Việt Nam. Bị bắt năm 1931 tại Thượng Hải rồi bị dẫn độ về Việt Nam.  Tháng 8 năm 1945 mới được chính phủ Trần Trong Kim tha khỏi tù Sơn La, đang sinh sống tại Ô Cầu Giấy, Hà Nội.

(4) Trương Văn Lệnh: Gia nhập Đảng Cộng sản Trung Hoa năm 1925, gia nhập đảng Cộng sản Việt Nam của Trần Phú năm 1930. Bị bắt tại Hồng Kông năm 1932, vượt ngục năm 1942. Tháng 8 năm 1945 đang sinh sống tại Thái Nguyên.

(5)  Nguyễn Lương Bằng: Gia nhập ĐCSVN của Trần Phú năm 1930, bị bắt tại Thượng Hải năm 1932.  Vược ngục Sơn La năm 1943.  Tháng 8 năm 1945 đang sinh sống tại Thái  Nguyên.

(6) Trần Đình Long: Sinh viên tại Pháp, theo học trường Stalin 1930-1932. Về nước sinh hoạt trong chi bộ ĐCS pháp tại Hà Nội. Tháng 8 năm 1945 đang sống bán hợp pháp tại Hà Nội.

(7) Nguyễn Thế Vinh:  Sinh viên tại Pháp, theo học trường Stalin năm 1926-1927.  Về nước sinh hoạt trong chi bộ ĐCS Pháp tại Hà Nội.  Tháng 8 năm 1945 đang sống bán hợp pháp tại Hà Nội.

(8) Nguyễn Hữu Cần (Phi Vân):  Gia nhập Đông Dương Cộng sản Đảng của Ngô Gia Tự năm 1929, sau đó chuyển thành ĐCSĐD.  Theo học trường Stalin từ 1930 đến 1933.  Bị bắt năm 1936.  Được chính phủ Trần Trong Kim thả vào tháng 7 năm 1945.  Tháng 8 năm 1945 đang cùng Hồ Tùng Mậu sống ở Ô Cầu Giấy, Hà Nội.

(9) Dương Bạch Mai:  Sinh viên tại Pháp, theo học trường Stalin 1929-1932. Về nước sinh hoạt trong chi bộ ĐCS Pháp tại Sài Gòn.  Bị tái tù năm 1940, được tha năm 1943.  Tháng 8 năm 1945 đang sống ở Biên Hòa.

(10) Nguyễn Văn Tạo:  Sinh viên tại Pháp, tham gia Đảng Cộng sản Pháp và được bầu vào ban chấp hành Trung ương ĐCS Pháp năm 1928.  Về nước sinh hoạt trong chi bộ ĐCS Pháp tại Sài Gòn. Bị tái tù năm 1940, được tha vào tháng 2 năm 1945.  Tháng 8 năm 1945 đang sống tại Chợ Lớn.

(11) Trần Văn Giàu:  Sinh viên tại Pháp, theo học trường Stalin năm 1930-1934.  Về nước hoạt động trong chi bộ ĐCS Pháp tại Sài Gòn.  Bị tái tù năm 1940, vượt ngục Tà Lài năm 1941 (Theo lời kể của Trần Văn Giàu.  Nhưng theo các lãnh tụ Hòa Hảo và Đệ Tứ Quốc tế thì Giàu được mật thám Pháp thả ra để làm có mồi bắt nốt những cán bộ Cộng sản còn hoạt động ở bên ngoài).  Tháng 8 năm 1945 đang sống ở Đồng Tháp nhưng hoạt động bí mật ở Sài Gòn.

(12) Nguyễn Văn Trấn:  Sinh viên tại Pháp, theo học trường Stalin năm 1927-1929. Về nước hoạt động trong chi bộ ĐCS Pháp tại Sài Gòn. Tháng 8 năm 1945 đang sinh sống tại Cần Giuộc, Long An.

(13) Võ Nguyên Hiến:  Ủy viên Ban chấp hành Trung ương trong kỳ Đại hội toàn quốc lần thứ 1 tại Ma Cao (Trong khi đó Nguyễn Tất Thành chỉ là Ủy viên dự khuyết). Bị tái tù năm 1939, được tha vào tháng 7 năm 1945.  Tháng 8 năm 45 đang sống tại làng Hậu Luật tỉnh Nghệ An.

Dưới con mắt nhìn của CSQT thì những người từng theo học trường Stalin kể trên có thành tích và trình độ hơn hẳn ông Nguyễn Tất Thành, bởi vì ông Thành cùng với Hoàng Văn Nọn, Nguyễn Thị Minh Khai theo học trường Stalin khóa chót vào năm 1935-1937, khóa này dành cho những cán bộ vùng Viễn Đông kém văn hóa nhưng đã có thành tích hoạt động mà ngày nay người ta gọi là khóa “chuyên tu.”

Nguyễn Khánh Toàn là giáo sư của Trường Stalin vào thời đó đã xác nhận trên tạp chí Người Cộng Sản:

Bác rất khiêm tốn, xuống học lớp dưới, chan hòa với các sinh viên các nước thuộc địa Châu Á để tìm hiểu tình hình…” (Bùi Tín, Mặt thật, trang 66).

Và hồi ký của Hoàng Tùng:

Khoảng năm 1935, ở tù cùng với Phi Vân, tôi hỏi Phi Vân nhận xét về Nguyễn Ái Quốc. Vân nói ông già này không có gì đâu, ở nhà cứ tưởng là nhân vật quan trọng lắm, chứ ông ta dân tộc chủ nghĩa, trình độ lý luận kém. Đó là cách nhận định về Bác của mấy người đi Liên Xô về” (Hoàng Tùng, Những Kỷ Niệm Về Bác Hồ).

Ngoài 13 ông Cộng sản “bề thế” kể trên, còn có hằng trăm ông Cộng sản khác với thành tích bề thế hơn nhiều đang nằm trong các trại tù Côn Sơn, Malagasca, Sơn La, Lao Bảo, Ban Mê Thuột.  So với họ thì Tổng bí thư Đặng Xuân Khu chẳng ra gì.  Vì vậy sau khi cướp được chính quyền Đặng Xuân Khu và Hạ Bá Cang không hề cho lệnh rước các ông từ Côn Đảo trở về.

Phải đợi 1 tháng sau thì ông Bùi Công Trừng mới nhờ một ông Quốc dân Đảng là Tưởng Dân Bảo đem tàu ra rước các “đại gia” trở về.  Nhưng khi các ông về tới nơi vào ngày 19-9-1945 thì Đặng Xuân Khu đang nắm trọn quyền lực tại Miền Bắc và Hạ Bá Cang đang nắm toàn bộ quyền lực tại Miền Nam.

.

Hồ Chí Minh giải tán ĐCSVN của Đặng Xuân Khu

 

Đến tháng 10 năm 1945 Bùi Công Trừng dẫn đầu các ông Côn Đảo và các ông Cộng sản Miền Nam kéo nhau ra Bắc đòi họp đại hội để bầu lại Ban chấp hành Trung ương ĐCSĐD; bởi vì năm 1938 Trừng ra khỏi Côn Đảo được Lê Hồng Phong chỉ định ra Bắc lãnh đạo ĐCSĐD tại Bắc Kỳ, thay thế Nguyễn Thế Rục mới chết vì bệnh lao, lúc đó Đặng Xuân Khu chỉ là Ủy viên của ban tuyên truyền của ĐCSĐD tại Hà Nội; nghĩa là một người sai vặt của Nguyễn Thế Rục và Bùi Công Trừng; không thể nào 1 năm sau đã trở thành Tổng bí thư của ĐCSĐD trong khi tất cả các Ủy viên Trung ương đều nằm trong tù.

Bùi Công Trừng kết luận ĐCSVN của Đặng Xuân Khu là ĐCS tân lập chứ không phải là ĐCSĐD của Trần Phú cho nên hô hào mọi người không công nhận.  Nội vụ đang còn tranh chấp thì vào ngày 11-11-1945 ông Hồ Chí Minh vận động ĐCSVN của Đặng Xuân Khu tự giải tán mặc dầu Khu cực lực phản đối (Hồi ký của Hoàng Tùng). Có 3 ông trùm Cộng sản khác là Trương Văn Lệnh, Trần Đình Long và Nguyễn Thế Vinh đứng ra hô hào chống lại lệnh giải tán ĐCS nên bị mật vụ của HCM thủ tiêu.

Sau khi ĐCSVN của Đặng Xuân Khu bị giải tán thì mọi quyền lực của Mặt trận Việt Minh nằm trong tay Việt Minh Hội của ông Hồ Chí Minh:  Ông Võ Nguyên Giáp giữ chức Bộ trưởng bộ Nội Vụ, Bùi Đức Minh là Thứ trưởng (Ông Minh là người của nhóm Thiết Huyết là một chi nhánh của Việt Nam Quốc dân Đảng). Ông Trần Huy Liệu giữ chức Bộ trưởng Bộ Thông tin tuyên truyền, Trần Ngọc Tuân là Thứ trưởng (Ông Tuân cũng là người của nhóm Thiết Huyết).  Ông Phạm Văn Đồng giữ chức Bộ trưởng Bộ Tài chánh, ông Nguyễn Lương Bằng là Thứ trưởng.

Về phần ĐCSVN thì trở thành “Nhóm nghiên cứu học thuyết Mác-Lê,” phụ giúp chính phủ Việt Minh trong công tác tuyên truyền.  Lúc chính phủ Việt Minh bị Pháp trở mặt đánh đuổi chạy lên chiến khu Việt Bắc vào cuối năm 1946 thì Đặng Xuân Khu viết báo dưới bút hiệu Trường Chinh (Lấy tên từ chiến công Vạn Lý Trường Chinh của Mao Trạch Đông) và Hạ Bá Cang viết báo dưới bút hiệu Hoàng Quốc Việt.

Trong suốt thời gian kháng chiến chống Pháp 1946-1954 thì chính phủ Việt Minh của ông HCM trú tại Tuyên Quang.  Nhóm nghiên cứu học thuyết Mác Lê của Đặng Xuân khu trú tại Thái Nguyên, được sự nuôi ăn giúp đỡ rất lớn của bà địa chủ Nguyễn Thị Năm.  Ngoài công tác viết báo, Đặng Xuân Khu chú tâm dịch 2 cuốn sách của Mao Trạch Đông là cuốn “Tân Dân Chủ” và cuốn “Trì Cửu Chiến Luận.”

Sau khi hai cuốn sách được in ra, Đặng Xuân Khu gởi tặng Mao Trạch Đông và được Mao khen ngợi là đã thông suốt đường lối Mác-Lê.  Từ đó Khu bỏ tên Đặng Xuân Khu và lấy tên Trường Chinh làm tên chính thức trên giấy tờ của mình.  Hạ Bá Cang thấy vậy cũng bỏ tên Hạ Bá Cang mà đổi tên trên giấy tờ thành Hoàng Quốc Việt.

.

 

(3) ĐẢNG LAO ĐỘNG VIỆT NAM

 .

Thế giới phân cực, chia thành hai khối Tự Do và Cộng Sản

 

Sau khi thế chiến lần 2 kết thúc, các nước Đồng Minh gồm Mỹ, Anh, Nga, Pháp, Trung Hoa ngồi lại phân chia thế giới theo trật tự mới.  Tuy nhiên lãnh đạo nước Nga là Stalin không chấp nhận lối phân chia mới nghiêng phần lợi về cho nước Mỹ.  Do đó khối Đồng Minh bắt đầu tan rã, Stalin hô hào chống lại “tay đầu sỏ đế quốc kiểu mới” là Mỹ.

Stalin viện trợ vũ khí cho Đảng Cộng Sản Trung Hoa của Mao Trạch Đông chống lại chính quyền Tưởng Giới Thạch.  Cuối cùng vào tháng 10 năm 1949 Mao Trạch Đông chiếm được toàn bộ nước Trung Hoa, đuổi chính phủ Tưởng Giới Thạch chạy ra Đài Loan.  Sau đó đổi tên nước Trung Hoa thành Trung Quốc.

Tháng Giêng năm 1950 Mao Trạch Đông và Chu Ân Lai sang Mạc Tư Khoa để cùng Stalin vạch lại kế hoạch phát triển chủ nghĩa Cộng Sản tại Á Châu.  Trong bàn bạc có đề cập tới nhân vật Cộng Sản đang lãnh đạo một chính phủ kháng chiến tại Việt Nam là Hồ Chí Minh.  Stalin bèn cho gọi HCM sang Mạc Tư Khoa (Hồi ký Hoàng Tùng, Bí thư Trung ương ĐCSVN).

Tại Mạc Tư Khoa, theo hồi ký của Hoàng Tùng và hồi ký của Võ Nguyên Giáp; Stalin chỉ thị cho ĐCSVN phải chịu sự chỉ huy và yểm trợ của Mao Trạch Đông.  Trước tiên là phải phục hồi lại đảng Cộng Sản của Trường Chinh và sau đó là phải tiến hành “Cách mạng cải cách ruộng đất.”  Chiếm được lãnh thổ tới đâu thì thực hiện cải cách ruộng đất tới đó.  Đặc biệt hồi ký Hoàng Tùng cho biết Stalin không chấp nhận HCM làm Tổng bí thư của ĐCSVN (Nguyên văn: “Nếu bác làm Tổng bí thư thì Liên Xô sẽ gây chuyện”).
.

Mao Trạch Đông lập lại ĐCSVN

Tháng Tư năm 1950 Mao Trạch Đông cử một đoàn cố vấn chính trị do La Quý Ba cầm đầu sang Việt Nam để chuẩn bị công tác triệu tập đại hội thành lập lại Đảng Cộng Sản Việt Nam.  Đến tháng 2 năm 1951 đại hội diễn ra tại Tuyên Quang.  Danh sách các đại biểu tham dự hội nghị đều do Trường Chinh sắp đặt.

Nhờ đó mà các ông Hồ Tùng Mậu, Bùi Công Trừng, Bùi Lâm, Lê Văn Lương, Nguyễn Văn Linh, Lê Duẩn, Văn Tiến Dũng, Dương Bạch Mai, Nguyễn Văn Tạo, Nguyễn Văn Trân, Tôn Đức Thắng, Phạm Hùng, Xuân Thủy, Hà Huy Giáp, Ung Văn Khiêm, Nguyễn Thị Thập… mới được bầu vào Ban chấp hành Trung ương.

Cũng trong đại hội này Nguyễn Chí Thanh được chính thức bầu vào Ban chấp hành Trung ương nhưng Võ Nguyên Giáp vẫn chưa được vào Trung ương (Hồi ký “Đường Tới Điện Biên Phủ” của Võ Nguyên Giáp.  Trong hồi ký ông chỉ viết rằng ông không tham dự mấy ngày cuối của Đại hội, có nghĩa là ông không tham dự bầu bán Ban chấp hành.  Dĩ nhiên không tham dự bầu bán thì không được bầu vào Ban chấp hành).

Cũng từ đó thì “con đường sự nghiệp Đảng” của VNG rất là gian nan vất vả, mặc dầu ông là cánh tay mặt của ông Hồ Chí Minh.  Trong khi đó nhân dân Việt Nam cứ tưởng Võ Nguyên Giáp là rường cột của ĐCSVN.  Sở dĩ VNG còn được lưu lại vị trí Tổng tư lệnh quân đội vì HCM vin vào lý do bên Liên Xô Tướng Jukov là ông tướng của Nga Hoàng vẫn làm Tổng tư lệnh Hồng quân Liên Xô.

Đại hội quyết định lấy tên đảng mới là Đảng Lao Động Việt Nam.  Sở dĩ phải lấy tên là Đảng Lao Động bởi vì các ông đang còn tranh thủ sự ủng hộ của dân chúng.  Nhưng dân chúng Việt Nam rất sợ chế độ Cộng Sản.  Tấm gương do các nạn nhân của chế độ Mao Trạch Đông chạy sang Việt Nam đã cho người Việt biết rằng chế độ Cộng Sản là một chế độ tàn bạo, phi nhân, phi nghĩa; trên không có Trời Phật, dưới không có quốc gia dân tộc, không có cha con vợ chồng. (Vô gia đình, vô tổ quốc, vô tôn giáo).

.

Chiến dịch cải cách ruộng đất

Theo như chỉ thị của Stalin năm 1950 thì HCM phải cho thực hiện cải cách ruộng đất ngay trong vùng chiến khu Việt Bắc là vùng chiếm đóng của Việt Minh.  Nhưng ông HCM và các ông lãnh đạo Đảng biết rằng nếu thực hiện chế độ cải cách ruộng đất thì lộ mặt chính phủ Việt Minh là chính phủ Cộng Sản, sẽ không có ai theo và nhân dân sẽ bỏ chạy về vùng Tự Do của chính phủ Bảo Đại.

Rồi sau 2 năm không thấy HCM thực hiện lời hứa, năm 1952 Stalin lại cho gọi HCM sang Mạc Tư Khoa và bắt phải thực thi cải cách ruộng đất.

Đầu năm 1953 HCM tiếp nhận đoàn cố vấn cải cách ruộng đất của Mao Trạch Đông do Kiều Hiểu Quang làm trưởng đoàn, nhân sự của đoàn cố vấn rải tời từng xã trong vùng Việt Minh.  Tại mỗi xã đoàn cố vấn mở lớp tập huấn cho cán bộ CSVN thi hành chiến dịch cải cách.

Ngày 19-12-1953 HCM ký sắc lệnh cho thực hiện thì điểm cải cách ruộng đất tại tỉnh Thái Nguyên là nơi đang có Trung ương ĐCSVN cư ngụ.  Người địa chủ đầu tiên bị đưa ra hành hình là bà Nguyễn Thị Năm, người đã cưu mang nhóm lãnh đạo CSVN từ năm 1946.

Tháng 4 năm 1954 tin tức về các cuộc đấu tố hành hình trong vùng Việt Minh lấn át luôn tin tức ác liệt của trận Điện Biên Phủ.  Đến tháng 7, đang khi diễn ra hội nghị Geneve thì đã có 25.000 người tị nạn Cộng Sản đã chạy về được tới Hà Nội, 15.000 người về tới Hải Phòng và 5.000 người về tới Kiến An – Hải Dương.  Những người tị nạn choán hết các nhà ga, bến xe, bến tàu và dựng lều ngủ ở giữa đồng. Tại Hà nội thì dân tị nạn chiếm Nhà Hát Lớn và nhà dòng Chúa Cứu Thế. Cuối tháng 7, đã có 20.000 người dân trong tỉnh Thái Bình trốn thoát đến vùng do Quân đội Quốc Gia kiểm soát.

Hiệp định Geneve ký ngày 20-7-1954 cho phép những người nào ở phía Bắc vĩ tuyến 17 mà không thích sống với chế đố Cộng Sản thì có quyền di cư vào Nam với sự giúp đỡ phương tiện của Liên Hiệp Quốc.  Có gần 1 triệu người Miền Bắc đã xin phương tiện của LHQ để di cư vào Nam, chưa kể những người dùng phương tiện tự túc di chuyển bằng đường bộ qua sông Bến Hải.  Những người tị nạn phải trốn lánh mới đào thoát được tới các địa điểm tiếp nhận của LHQ chứ không phải là đi công khai.

.

Sau hiệp định Genève

 

Năm 1954, tháng 10, Hồ Chí Minh dẫn đầu đoàn quân vinh quang trở về Hà Nội và bắt đầu trình diễn tự đánh bóng mình trước dân chúng.  Tuy nhiên đằng sau lưng của ông là Tổng Bí thư Trường Chinh và đằng sau Trường Chinh còn có hai cố vấn vĩ đại là La Quý Ba và Kiều Hiểu Quang.  Lúc này thì cố vấn quân sự Vi Quốc Thanh đã về Trung Quốc, để cho Đại Tướng Võ Nguyên Giáp hưởng trọn những lời tung hô về chiến thắng Điện Biên Phủ.

Năm 1954, ngày 23 tháng 10, tiến hành đợt 2 Cải cách ruộng đất tại 22 xã thuộc tỉnh Thái Nguyên, 100 xã thuộc tỉnh Phú Thọ, 22 xã thuộc tỉnh Bắc Giang, 65 xã thuộc tỉnh Vĩnh Phúc và 66 xã thuộc tỉnh Thanh Hóa.

Năm 1955, ngày 8 -2, tiến hành đợt 3 Cải cách ruộng đất tại 106 xã tại tỉnh Phú Thọ, 84 xã thại tỉnh Bắc Giang, 65 xã thuộc tỉnh Vĩnh Phúc, 22 xã thuộc Sơn Tây, 115 xã thuộc Thanh Hóa và 74 xã thuộc tỉnh Nghệ An.

Năm 1955, ngày 27-6, tiến hành đợt 4 Cải cách ruộng đất tại 17 xã thuộc tỉnh Phú Thọ, 1 xã tại Bắc Giang, 111 xã thuộc Vĩnh Phúc, 60 xã thuộc Bắc Ninh, 71 xã thuộc Sơn Tây, 98 xã thuộc Hà Nam, 47 xã thuộc Ninh Bình, 207 xã thuộc Thanh Hóa, 5 xã thuộc Nghệ An, 227 xã thuộc Hà Tĩnh.

Năm 1955, ngày 25-12, tiến hành đợt 5 Cải cách ruộng đất tại 8 xã Bắc Ninh, 45 xã Ninh Bình, 163 xã Nghệ An, 6 xã Hà Tĩnh, 118 xã Quảng Bình, 21 xã Vĩnh Linh, 217 xã Hải Dương, 149 xã Hưng Yên, 294 xã Thái Bình, 83 xã Kiến An, 47 xã Hà Nội, 9 xã Hải Phòng, 40 xã Hồng Quảng.

Năm 1956, ngày 30-7, trước cao trào nhân dân đồng loạt nổi lên chống lại phong trào Cải cách ruộng đất, ĐCSVN ra lệnh chấm dứt giai đoạn 5 Cải cách ruộng đất và cho thi hành biện pháp sửa sai. Tổng kết: đã thực hiện Cải cách tại 3.314 xã, thuộc 22 tỉnh, trong thời gian 3 năm, gồm 2.435.518 gia đình với 10.699.504 nhân khẩu. Tổng số các ông đội cải cách (cán bộ nòng cốt của Đảng) được huy động vào chiến dịch là 48.818 người.

Năm 1956, ngày 18-8, Hồ Chí Minh gởi thư cho đồng bào nông thôn nhìn nhận có những sai lầm trong cải cách ruộng đất và thông báo:  Trung ương Đảng và chính phủ đã nghiêm khắc kiểm điểm những sai lầm khuyết điểm ấy, và đã có kế hoạch sửa chữa, nhằm đoàn kết cán bộ, đoàn kết nhân dân, ổn định nông thôn, đẩy mạnh sản xuất.
.

Cán bộ Trung Quốc rút về, Hồ Chí Minh hất cẳng Trường Chinh.

 

Năm 1956, ngày 24-8, nhật báo Nhân Dân nhìn nhận hậu quả của Cách mạng cải cách ruộng đất:  “Anh em trong cùng một gia đình không còn dám đến thăm nhau, và dân chúng không dám chào hỏi khi gặp nhau ngoài đường phố.”

Năm 1956, ngày 29-9, Hội nghị lần thứ 10 Ban chấp hành Trung ương Đảng họp trong 1 tháng để kiểm điểm những sai lầm và đề ra phương pháp sửa sai. Trường Chinh từ chức Tổng bí thư.  Hoàng Quốc Việt và Lê Văn Lương bị loại ra khỏi Bộ chính trị, Hồ Việt Thắng bị loại ra khỏi ban chấp hành Trung ương Đảng.

Năm 1956, ngày 29-10, tại một cuộc mít tinh tại sân vận động Hàng Đẫy, Đại tướng Võ Nguyên Giáp thay mặt Hồ Chủ tịch đọc báo cáo của hội nghị Trung ương ĐCSVN chính thức công nhận những sai lầm trong Cải cách ruộng đất.

* Chú giải:  Sau này có rất nhiều nhà nghiên cứu chính trị thắc mắc là tại sao Đại tướng Võ Nguyên Giáp là một người không dính dáng gì đến chính trị lại đứng ra nhận khuyết điểm thay cho ĐCSVN? Việc này sẽ làm tổn hại tới hình ảnh đẹp của người hùng Điện Biên Phủ?

Tuy nhiên sự thật của việc này là do Hồ Chí Minh lợi dụng sự phẩn nộ của dân chúng để từ chối sự can thiệp của cán bộ Trung Quốc, đồng thời dùng quân đội của Võ Nguyên Giáp làm áp lực đẩy Trường Chinh, Lê Văn Lương, Hoàng Quốc Việt và phe đảng của Trường Chinh ra khỏi trung tâm quyền lực.

Sau khi chấm dứt ảnh hưởng của phe thân Trung Quốc, ông HCM giao cho Võ Nguyên Giáp liên lạc với Đại sứ của Liên Xô là Séc-Ba-Cốp (Serbakov) để tiến hành cách mạng vô sản theo chiều hướng xét lại của Khrushchev.  Do đó HCM đưa Võ Nguyên Giáp ra để gián tiếp tuyên bố rằng quân đội với Đảng là một, và đất nước đang đặt trong tình trạng quân quản do Đại tướng Võ Nguyên Giáp chỉ huy.

Nhờ biến cố này mà Đại tướng Võ Nguyên Giáp và ông Phạm Văn Đồng được đưa vào Bộ Chính Trị của ĐCSVN thay thế Hoàng Quốc Việt và Lê Văn Lương.  Rốt cuộc thì cánh Đồng Minh Hội là Hồ Chí Minh, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp, Hoàng Văn Hoan đã thực sự khống chế được trung tâm quyền lực của ĐCSVN.  Lâu nay do áp lực của La Quý Ba các ông phải ẩn nhẫn chịu lép vế.

.

 

(4) TỔNG BÍ THƯ LÊ DUẨN

.

.

Năm 1956, ngày 2-11, dân chúng tỉnh Nghệ An chận đường một xe của Ủy hội Quốc tế Kiểm soát đình chiến đưa đơn xin can thiệp cho được di cư vào Nam.  Một bộ đội dùng báng súng để giải tán dân làng nhưng bị dân chúng đánh trả và tước mất súng. Người bộ đội trở lại với một số đồng đội nhưng bị nông dân kéo ra đông hơn chống trả kịch liệt.

Tới chiều nông dân kéo tới càng đông và chuẩn bị kéo nhau lên tỉnh biểu tình. Hà Nội đưa Đại đoàn 325 đến dẹp loạn, số người bị giết và bị bắt lên dến 6.000 người. Ủy hội Quốc tế kiểm soát đình chiến đánh động việc này với dư luận Thế giới;  nhưng lúc này trùng hợp với vụ quân đội Liên Xô đàn áp nhân dân Hungaria nổi dậy chống Cộng Sản, và vụ Tổng thống Ai Cập cho phong tỏa kênh đào Suez cho nên dư luận thế giới không mấy chú ý đến vụ nổi dậy tại hai huyện Quỳnh Lưu và Đô Lương thuộc tỉnh Nghệ An.

Đợt 5 là đợt tàn khốc nhất trong 5 giai đoạn Cách mạng Cải cách ruộng đất và kéo dài tới 1 năm 7 tháng và phải chấm dứt nửa chừng vì nhân dân bắt đầu nổi loạn.  Lúc đó ông Hồ Chí Minh chỉ biết khoanh tay ngồi nhìn chứ không dám lên tiếng phản đối mặc dầu uy tín của ông đối với dân chúng đã xuống tới mức tận cùng.

Tuy nhiên chính nhờ vậy mà ông mới có dịp quật ngược thế cờ để hạ Trường Chinh.  Ông chờ cho tình thế chín mùi, niềm bất mãn trong Đảng cũng lên đến tột độ ông mới triệu tập đại hội Trung ương Đảng, phê phán kịch liệt chính sách Cải cách ruộng đất tại nông thôn cũng như Cải tạo tư sản tại thành thị, mọi phát biểu đều đổ lỗi cho Trường Chinh đã rước cố vấn Trung Quốc vào.  Rồi tất cả đồng thanh buộc Trường Chinh gửi trả cán bộ Trung Quốc về nước và thực hiện sửa sai.  Trường Chinh đành phải nhận khuyết điểm về mình chứ không dám đổ cho Hồ Chủ tịch mà cũng không dám oán trách Mao Chủ tịch.  Sau đó thì từ chức Tổng bí thư.

.

Lê Duẩn, cứu tinh của Trung ương ĐCSVN

 

Năm 1957.  Sau khi Trường Chinh từ chức, Lê Văn Lương và Hoàng Quốc Việt bị đưa ra khỏi Bộ chính trị. ĐCSVN có nguy cơ bị rơi vào tình trạng mất quyền lực như các năm 1945-1950. (Thời đó quyền lực tập trung trong tay của nhóm “Đồng Minh Hội,” còn “Nhóm nghiên cứu học thuyết Mác Lê” của Trường Chinh chỉ là bộ phận tuyên truyền cho Ủy ban Kháng chiến Việt Minh, giống như Mặt trận Tổ quốc ngày nay).

Vì vậy người lãnh đạo cao cấp nhất còn lại của ĐCSVN là Lê Đức Thọ đã nhanh tay cứu vãn Trung ương Đảng bằng cách vận động đưa Lê Duẩn từ trong Miền Nam ra thay thế Trường Chinh, lấy lý do Lê Duẩn là người duy nhất đã không thi hành lệnh cải cách ruộng đất của La Quý Ba và Kiều Hiểu Quang.

Sự vận động của Lê Đức Thọ có ngay kết quả vì lúc bấy giờ đa số những người lên tiếng chống đối Cải cách ruộng đất là nhóm cán bộ ăn ngay nói thẳng của Miền Nam gồm có Ung Văn Khiêm, Dương Bạch Mai, Nguyễn Văn Tạo, Bùi Công Trừng, Nguyễn Văn Linh, Nguyễn Văn Trấn (Chợ đệm), Hà Huy Giáp, Tôn Đức Thắng, Phạm Hùng, Nguyễn Thị Thập, Nguyễn Văn Trân (Cần Giuộc), Bùi Lâm, Nguyễn Duy Trinh, Nguyễn Kim Cương…

Những người này một mặt phê phán những giết chóc phi lý, một mặt đưa ra dẫn chứng là tại Miền Nam Lê Duẩn đã quyết định không thực hiện thí điểm Cải Cách Ruộng Đất mặc dầu Trung ương Đảng đã nhiều lần nhắc nhở. *(Lúc đó Lê Duẩn không thi hành chỉ vì một lý do rất đơn giản, ông nói: “Mấy cha nội ngoài Bắc biết gì, bọn mình sống nhờ phú nông với địa chủ nuôi, mà bây giờ giết họ thì lấy ai nuôi, mình có chiếm được miếng đất nào đâu mà bảo chia cho người này người kia?”).

Ngoài mặt Lê Đức Thọ lấy cớ là Lê Duẩn sáng suốt trong vụ cải cách ruộng đất, nhưng bề trong ông biết Lê Duẩn có lá bùa để trị ông Hồ Chí Minh.  Lá bùa đó đã được người phụ tá của Lê Đức Thọ là Hoàng Tùng (Bí thư trung ương Đảng, Tổng biên tập tờ báo Nhân Dân) thú nhận trong hồi ký:  

“Anh Lê Duẩn có nói với tôi là Hà Huy Tập báo cáo với Quốc tế (Cộng Sản Quốc tế 3) về việc mật thám (Pháp) đưa bà Thanh (Chị của Nguyễn Tất Thành) đi Trung Quốc tìm Nguyễn Ái Quốc.”

Chi tiết bí mật này được chính Lê Duẩn nói cho Hoàng Tùng biết, có lẽ là để động viên Hoàng Tùng trong việc mạnh tay khống chế phe cánh của Hồ Chí Minh sau khi đã hạ bệ ông ta.  Do đó có thể suy ra Lê Duẩn cũng đã từng tiết lộ cho Lê Đức Thọ trong thời gian hai ông cùng làm việc chung ở Nam Kỳ từ năm 1946 đến 1954, nhờ đó mà Lê Đức Thọ mới nghĩ ra chuyện kêu Lê Duẩn từ Miền Nam về để đối phó với bác Hồ Chí Minh.

Thực ra tài liệu của mật thám Pháp hiện đang lưu trữ trong Văn khố Quốc gia Pháp cho thấy chuyện dẫn bà Thanh đi Trung Quốc tìm Nguyễn Tất Thành là không có. Tuy nhiên truy ngược quá trình hoạt động của Lê Duẩn thì ông là đảng Viên của Tân Việt Cách mạng Đảng, được Tôn Quang Phiệt kết nạp vào năm 1928, lúc đó Lê Duẩn đang làm thư ký cho Sở Hỏa xa Hà Nội.

Đến đầu năm 1930 cuộc khởi nghĩa của Nguyễn Thái Học thất bại, tiếp theo là phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh khởi đầu vào giữa năm 1930 và càng ngày càng tiến tới mục tiêu cướp chính quyền.  Tháng 4 năm 1931 người Pháp quyết định đàn áp phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh, đồng thời nhân đó mở cuộc lùng bắt đảng viên của 3 tổ chức kháng Pháp là Việt Nam Quốc dân Đảng, Tân Việt Cách mạng Đảng và Đảng Cộng Sản Đông Dương.  Lê Duẩn bị bắt tại Hải Phòng ngày 20-4-1931 và bị đưa đi Côn Đảo vì tội tham gia Đảng Tân Việt.

Năm 1936, nhờ Mặt trận Bình dân lên nắm quyền tại Pháp, 252 tù nhân chính trị có mức án dưới 5 năm được tha, trong đó có Lê Duẩn.  Ông về Huế gặp lại Tôn Quang Phiệt và gặp cựu lãnh tụ Tân Việt là Hà Huy Tập, lúc này Tập vừa mới ở Trung Hoa về nước và giữ chức vụ Quyền tổng bí thư Đảng Cộng Sản Đông Dương.  Hà Huy Tập rủ Tôn Quang Phiệt, Lê Duẩn và các cựu đảng viên Tân Việt như Phan Đăng Lưu, Nguyễn Khoa Văn, Đào Duy Kỳ, Đào Duy Dếnh, Nguyễn Duy Trinh, Nguyễn Thị Quang Thái… tham gia ĐCSĐD.

Nhờ đó mà từ năm 1936 đến 1940 Lê Duẩn có dịp sinh hoạt chung với Trần Ngọc Danh, Hà Huy Tập, Lê Hồng Phong và Nguyễn Thị Minh Khai là những người biết rõ con người thật của nhân vật Nguyễn Tất Thành dưới tên Nga là Nguyễn Ái Kvak.  Riêng Hà Huy Tập là tác giả của bức thư tố cáo Nguyễn Tất Thành cộng tác với Lâm Đức Thụ bán các đảng viên An Nam Cộng Sản Đảng của Hồ Tùng Mậu.  Ngoài Hà Huy Tập còn có Trần Ngọc Danh là em ruột của Trần Phú, Tổng bí thư đầu tiên của ĐCSVN;  Phú cũng đã từng gởi thư tố cáo Nguyễn Tất Thành phạm những sai lầm nghiêm trọng thời thành lập Đảng 1930-1931.

Có lẽ qua đánh giá của các nhân vật lãnh đạo ĐCSĐD, nhất là Hà Huy Tập, mà Lê Duẫn biết ông Nguyễn Tất Thành đã phạm tội nặng đối với phong trào cách mạng Việt Nam nhưng ông không nắm rõ là tội gì cho nên ông mới bắn tin cho Lê Đức Thọ và Hoàng Tùng biết những thông tin xa xa như vậy để cho các ông mạnh tay trong việc triệt hạ bệ ông Hồ Chí Minh.

Quả nhiên ông HCM sợ Lê Duẫn một nước.  Nhưng không phải vì chuyện bà Thanh đi với mật thám Pháp, mà vì những thư tố cáo của Trần Phú ngày 17-4-1931, của Hà Huy Tập ngày 20-4-1935 và của Trần Ngọc Danh ngày 10-1-1950 hiện đang còn lưu trữ tại Mạc Tư Khoa.  Lê Duẩn chỉ cần nhân danh Tổng bí thư của ĐCSVN xin Mạc Tư Khoa cho xem lại những hồ sơ đó thì sự nghiệp của ông HCM đi đời (Những hồ sơ này đã được đưa ra công chúng vào năm 1992 và được sử gia Qiunn Judge in thành sách năm 2003).

Lê Duẩn triệt Võ Nguyên Giáp

.

.

Ngoài nhân vật Hồ Chí Minh, ông Lê Duẫn còn trị được nhân vật số 2 của Việt Minh Hội, đó là ông Võ Nguyên Giáp:  

“Lê Duẩn nói sau tổng khởi nghĩa, Lê Duẩn ở Miền Nam ra thấy Giáp đưa tên Dương (Bùi Đức Minh), một tên Quốc Dân Đảng mật thám cũ lên làm thứ trưởng Bộ NộiVvụ (sau này là Bộ Công An). Lê Duẩn đã có ý hồ nghi đối với Giáp. Lê Duẩn có nói với Giáp và Giáp có thanh minh vì cần thiết cho mặt trận với Quốc Dân Đảng và Việt Cách” (Hồi ký của Phó thủ tướng Trần Quỳnh).

Thuở đó quả tình Hồ Chí Minh đang bị áp lực của Tướng Tiêu Văn cho nên ông Giáp lấy cớ do đòi hỏi vủa Việt Cách (Nguyễn Hải Thần) mà nhận Dương là một người Quốc Dân Đảng làm Thứ trưởng cho Giáp.

Nhưng thực ra Bùi Đức Minh là Quốc dân Đảng ly khai, tức là nhóm Thiết Huyết, kẻ thù của Quốc dân Đảng Vũ Hồng Khanh. Toàn nhóm Thiết Huyết đã Cộngtác với ông Hồ Chí Minh từ năm 1940 tại Côn Minh, tham gia Mặt trận Việt Minh năm 1944.  Cũng nhờ tay Bùi Đức Minh mà tháng 11 năm 1945 Hồ Chí Minh thanh toán 4 ông trùm Cộng Sản là Nguyễn Hữu Cần, Trần Đình Long, Trương Văn Lệnh và Nguyễn Thế Vinh.  Sang năm 1947 thì thanh toán ông Trùm Cộng Sản Lâm Đức Thụ.

Cho đến năm 1951, Mao Trạch Đông cử La Quý Ba sang Thái Nguyên lập lại Đảng CSVN thì Bùi Đức Minh (Dương) và nhóm Thiết Huyết là những người đầu tiên bị đuổi ra khỏi Tổng bộ Việt Minh (Ngoại trừ Tướng Vương Thừa Vũ).  Dĩ nhiên Võ Nguyên Giáp cũng bị liên can, lẽ ra ông cũng bị khai trừ vì quan hệ mật thiết với nhóm Thiết Huyết từ năm 1940  (Bùi Đức Minh đã dẫn Võ Nguyên Giáp và Phạm Văn Đồng từ Hà Nội chạy sang Côn Minh, Trung Hoa).

Tuy nhiên cuối cùng Võ Nguyên Giáp được Lê Duẫn cứu nên mới tiếp tục còn ở trong Đảng nhưng không được ở trong Ban chấp hành Trung ương.  Còn trong quân đội thì Giáp bị giám sát bởi Nguyễn Chí Thanh, Văn Tiến Dũng, Lê Quang Đạo và Song Hào.  Kể từ đó Võ Nguyên Giáp sợ Lê Duẫn một nước.  Hồi ký của Phó thủ tướng Trần Quỳnh:

“Lê Duẩn hồi ấy đã ốm nặng rồi nhắc lại một số chuyện về Giáp trong đó có việc đưa tay Dương làm thứ trưởng Bộ nội vụ, Giáp thanh minh và trong thanh minh cũng có nói “tôi rất biết ơn anh Ba đã cứu tôi nhiều lần.”

Hồi ký của ông Vũ Thư Hiên có thắc mắc tại sao sau khi Trường Chinh bị hạ do vụ Cải cách ruộng đất thì lẽ ra Võ Nguyên Giáp phải là người thay thế Trường Chinh làm Tổng bí thư Đảng mới đúng bởi vì năm đó, 1956, uy thế của Võ Nguyên Giáp chỉ thua có ông Hồ Chí Minh.

Nhưng Vũ Thư Hiên không biết được rằng quả tình HCM muốn đưa Võ Nguyên Giáp vào thay Trường Chinh nhưng Lê Đức Thọ đã nhanh tay hơn. Chẳng những triệt Võ Nguyên Giáp, Lê Đức Thọ còn muốn hạ luôn Hồ Chí Minh và Trường Chinh.

.

 

(5) THEO NGA HAY THEO TÀU?

.

Năm 1960, ngày 5-9, Đại hội toàn quốc lần thứ 3 chính thức bầu Lê Duẩn làm Bí thư thứ nhất (Do vì ở Liên Xô cũng không có chức vụ Tổng bí thư, Krushchev cũng chỉ là Bí thư thứ nhất của Liên Xô). Đặc biệt kỳ này sửa đổi điều lệ Đảng, đặt ra chức Chủ tịch Đảng dành cho ông Hồ Chí Minh nhưng không có điều lệ nào quy định nhiệm vụ của Chủ tịch Đảng. Ngoài ra quy định Ban chấp hành Trung ương gồm có 47 người, nhưng thành phần dự khuyết lên tới 31 người.  Nghĩa là sẽ có vô số ông mất chức không biết lúc nào.

Đại hội cũng quyết định Đại tướng Võ Nguyên Giáp thôi giữ chức Phó thủ tướng kiêm Tổng tư lệnh Quân đội, xuống giữ chức Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Nhà nước, Tướng Chu Văn Tấn thay Võ Nguyên Giáp giữ chức Tổng tư lệnh.  Thực ra việc ngưng chức đã xảy ra trước đại hội 2 tháng. (Nhằm giải tỏa áp lực của cánh HCM trong đại hội, các đại biểu tham dự đại hội đều hiểu rằng VNG đã bị không chế).

Năm 1960, mùa thu, Krushchev triệu tập Hội nghị 81 đảng Cộng Sản trên thế giới tại Mạc Tư Khoa nhằm vạch ra đường lối mới cho phong trào Cộng Sản Quốc tế.  Đảng CSVN cử Lê Duẩn, Trường Chinh và Nguyễn Chí Thanh là 3 lý thuyết gia Cộng Sản của Việt Nam đi tham dự. Cùng đi có hai thư ký là Trần Quang Huy, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, chủ nhiệm tạp chí “Học tập” (cơ quan lý luận của Đảng).  Và Trần Quỳnh, Bí thư Trung ương Đảng, Phó Văn phòng Trung ương Đảng.

Theo Trần Quỳnh thì mới đầu Mạc Tư Khoa cho phân phát bản dự thảo nghị quyết của Hội nghị (Bản dự thảo tức là bản nháp); theo đó thì:

“… đã xuất hiện khả năng quá độ hòa bình lên CNXH trong lòng các nước tư bản.  Vì những lẽ trên đây, giữa các nước thuộc cộng đồng XHCN và các nước tư bản vấn đề ai thắng ai sẽ giải quyết bằng thi đua hòa bình, xây dựng kinh tế, phát triển khoa học kỹ thuật, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, tạo ra tính ưu việt chế độ, chế độ nào trong cuộc thi đua ấy tỏ ra ưu việt hơn sẽ cuốn hút được đa số nhân dân và sẽ chiến thắng.” (Trần Quỳnh, Những Kỷ Niệm Về Lê Duẩn).

Cũng theo Trần Quỳnh thì Lê Duẩn và Nguyễn Chí Thanh phản đối tinh thần bản dự thảo vì “chung sống hòa bình” có nghĩa là Liên Xô sẽ không ủng hộ chiến tranh, bao nhiêu hy vọng đánh chiếm Miền Nam trở thành mây khói.

Nhưng không ngờ Trường Chinh lại quyết định theo Liên Xô, ông nhờ một nghiên cứu sinh đang học tại trường Đảng Liên Xô là Vũ Tuấn đến thảo luận và chuẩn bị bài phát biểu cho phái đoàn ĐCSVN.  Tại khách sạn xảy ra tranh cãi gay go giữa 3 nhà lãnh đạo ĐCSVN, Lê Duẩn và Nguyễn Chí Thanh quyết định không theo Liên Xô nhưng Trường Chinh thì nhất định theo.  Cuối cùng thì Trường Chinh chịu thua vì rơi vào thiểu số, vả lại Lê Duẩn là trưởng đoàn.

Để giải thích thái độ của Trường Chinh, Trần Quỳnh viết:

“Tôi hiểu vì sao Trường Chinh hành động như vậy.  Một là anh ấy rất ‘căm’ Trung Quốc vì anh cho rằng Trung Quốc đã xúi anh phạm sai lầm trong cải cách ruộng đất và chỉnh đốn tổ chức cớ đó mà bị kỷ luật, buộc phải thôi giữ chức Tổng bí thư lúc bấy giờ, đó là lý do chính. Hai là anh ấy không bằng lòng với Lê Duẩn vì Lê Duẩn đã thay thế anh làm bí thư thứ nhất của Đảng.”

Cuối cùng thì phái đoàn CSVN phát biểu theo ý của Lê Duẩn:

“Không thể có chung sống hòa bình giữa chủ nghĩa đế quốc và những dân tộc và giai cấp bị chúng áp bức và bóc lột”… “Đề ra chủ trương quá độ hòa bình lên CNXH như là một tất yếu của lịch sử là thủ tiêu đấu tranh giai cấp, thủ tiêu cách mạng, trói tay trói chân giai cấp công nhân và nhân dân lao động…”

Năm 1960, ngày 2-11,  phái đoàn Việt Nam gần 50 người do ông Hồ Chí Minh dẫn đầu tham dự Hội nghị các nước Cộng Sản tại Mạc Tư Khoa.  Sau khi nghe đọc bản dự thảo của nghị quyết, ông HCM chỉ thị cho Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Ung Văn Khiêm thảo ra văn bản tuyên bố tán thành nghị quyết cũng như kêu gọi sự hòa giải giữa hai đảng Cộng Sản đàn anh. Nghĩa là Hồ Chí Minh đã quyết định ngược lại với chủ trương của Lê Duẩn.  Vì vậy Lê Duẩn cho họp đại hội để chính thức hạ HCM. (Hồi ký “Nói Với Mẹ và Quốc Hội” của Nguyễn Văn Trấn).

.

Triệt vây cánh của Hồ Chí Minh



Năm 1960, ngày 28-12, họp Đại hội lần thứ 2 Trung ương Đảng CSVN để nghe tường trình của phái đoàn tham dự Hội nghị tại Liên Xô.  Đại hội biểu quyết không ngã theo chủ trương sống chung hòa bình của Krushchev.  Nghĩa là tán thành Lê Duẩn và phản đối HCM.

Ngoài ra quyết định Đại tướng Nguyễn Chí Thanh ra khỏi Quân đội, giữ chức Chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch Phát triển nông nghiệp; Đại tướng Văn Tiến Dũng thay Nguyễn Chí Thanh giữ chức Bí thư Quân ủy và Trung tướng Song Hào thay Nguyễn Chí Thanh giữ chức Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị.

Đây là một cuộc âm thầm đảo chánh cho nên quyết định của đại hội Trung ương chỉ phổ biến trong nội bộ 47 người, và được bảo mật tuyệt đối.  Tuy nhiên theo hồi kí của Trần Quỳnh thì không chuyện gì giấu được tình báo của Trung Quốc và Liên Xô:

“Cái phức tạp hơn là ở chỗ khác. Tình báo của Trung Quốc cũng như của Liên Xô đầy dẫy khắp nơi. Ngoài ra nhiều đảng viên không làm tình báo cho Trung Quốc và Liên Xô vô tình, vì tình cảm của mình mà lộ ra cho biết việc nhà của Đảng ta.
Mạng lưới tình báo ấy có hiệu quả đến nỗi những cuộc họp của Bộ chính trị ở số 4 Nguyễn Cảnh Chân diễn ra thì trong ngày tin tức về nội dung cuộc họp đã đến tai Liên Xô và Trung Quốc. Nếu là vấn đề quan trọng thì trong ngày trên bàn làm việc của lãnh đạo mỗi nước đều có báo cáo.”

Cũng theo Trần Quỳnh thì người đứng đầu làm nội gián cho Liên Xô là Võ Nguyên Giáp, và đứng đầu làm nội gián cho Trung Cộng là Hoàng Văn Hoan.

* Chú giải: Tại sao Võ Nguyên Giáp và Nguyễn Chí Thanh bị hạ?

Sở dĩ hai ông Đại tướng bị hạ thấp quyền lực vì sau vụ cải cách ruộng đất 1956 ông HCM đã hạ bệ Trường Chinh, bắt TC phải từ chức Tổng bí thư, đuổi Lê Văn Lương, Hoàng Quốc Việt ra khỏi Bộ chính trị, và giao cho VNG đứng ra ổn định tình thế, rồi đưa VNG vào Trung ương đảng (Trước đó VNG đứng ngoài Trung ương, theo hồi ký “Đường tới Điện Biên Phủ” của VNG).

Lợi dụng sự thất thế của băng Trường Chinh sau chiến dịch CCRĐ, Võ Nguyên Giáp đã thẳng tay triệt hết vây cánh của Trường Chinh đê âm mưu nhảy lên thống trị ĐCSVN.  Điều này đưa tới sự căm ghét ngầm của Trường Chinh.  Còn Nguyễn Chí Thanh bị vạ lây vì ông ta nắm Bí thư quân ủy cho nên thế lực của ông ta trong quân đội không thua gì VNG;  Vả lại NCT rất được HCN tin tưởng, thậm chí có tin HCM nhận ông Thanh làm con nuôi.

Hồi ký của Vũ Thư Hiên cho rằng Tướng Giáp bị hạ tầng công tác là do năm 1954 người ta phát hiện một lá đơn của ông gửi Toàn quyền Pháp để xin được đi du học, lời lẽ trong thư rất tệ mạt.  Còn Tướng Nguyễn Chí Thanh thì bị ông Đặng Xuân Thiều tố cáo là thời 1941 Thanh đã phản bội tổ chức, khai báo cho thực dân bắt các đồng chí.

Và hồi ký Mặt Thật của ông Bùi Tín cũng cho biết năm 1975 người ta tìm được bằng chứng phản bội của Tướng Nguyễn Chí Thanh trong hồ sơ lưu trữ của Chính quyền Sài Gòn.  Tuy nhiên cho tới nay chưa có một thông tin nào khác để có thể kiểm chứng nguồn tin của ông Vũ Thư Hiên cũng như của ông Bùi Tín.

Trong khi đó hồi ký của Phó thủ tướng Trần Quỳnh thì cho rằng chính Trường Chinh tố cáo có lần (1938) ông ta đến chơi nhà ông Đặng Thái Mai thấy ông Mai đang xem một bức thư của chánh mật thám Pháp Martini với hàng chữ đầu là: “Các con Mai và Giáp thân mến.

*(Nhưng khi ông Trần Quỳnh viết lên chi tiết này thì ông Trường Chinh đã qua đời cho nên khó biết ông Chinh có nói hay không.  Vả lại tình tiết có vẻ phi lí cho nên dẫu cho ông Chinh có nói thì cũng không thể tin được.

Có thể giải thích cho vụ này:  Đó là vì Trường Chinh căm VNG lợi dụng lúc Trường Chinh thất thế mà có ý đồ thống lĩnh ĐCSVN nên Trường Chinh về hùa với Lê Duẩn để triệt VNG, chính Trường Chinh đứng ra làm chứng tố cáo VNG và Đặng Thái Mai, bố vợ của Tướng Giáp; dĩ nhiên là làm chứng gian, bởi vì nếu có thật tại sao Trường Chinh vẫn tiếp tục Cộng tác với VNG và Đặng Thái Mai từ 1938 đến đến 1960?  Phải chăng Trường Chinh cũng đồng lõa với VNG?  Còn về phần người Pháp đã có VNG làm tay trong thì tại sao lại để thua Việt Minh?)

Cuối cùng là sự thật:  Sau trận Điện Biên Phủ Võ Nguyên Giáp đã ưỡn ngực tự nhận với thế giới rằng mình là người làm nên chiến thắng.  Nhưng trong nội bộ CSVN thì mọi người thừa biết cố Vấn Vi Quốc Thanh mới là người chỉ huy trận đó; và bộ tham mưu của trận ĐBP là đoàn cố vấn quân sự của TC.  Cho nên thời đó Lê Duẩn chỉ cần công bố VNG không phải là người chỉ huy trận ĐBP thì sự nghiệp vĩ đại của VNG đi đời. Chính vì sự thật này mà VNG đành chịu lép đến cuối đời mặc dầu Lê Duẩn đã chết.

Còn Nguyễn Chí Thanh cũng bị phát hiện khai man lý lịch là do năm 1957 Lê Duẩn từ Miền Nam ra thì gặp lại đàn anh của mình là Tôn Quang Phiệt (Phiệt kết nạp Duẩn vào Đảng Tân Việt năm 1928.  Và cả hai cùng gia nhập ĐCSĐD năm 1938 do Hà Huy Tập và Trần Ngọc Danh kết nạp).  Còn Tố Hữu thì gặp lại thầy của mình (Tố Hữu tên thật là Nguyễn Kim Thành được Lê Duẩn và Nguyễn Khoa Văn kết nạp vào năm 1938).

Gặp lại Lê Duẩn thì Phiệt và Thành tố cáo Nguyễn Chí Thanh không xứng đáng ngồi trong ban chấp hành Trung ương do vì xuất thân không phải gai cấp cố nông, chỉ là khai man lý lịch (Con nhà quan lại, học trường Tây).  Nghe vậy thì Lê Duẫn để đó, đợi đến đại hội toàn quốc thì đưa Tôn Quang Phiệt vào Ban chấp hành Trung ương rồi sau đó họp đại hội Trung ương đưa Nguyễn Chí Thanh ra kiểm điểm và buộc Thanh ra khỏi quân đội.

.

 

(6) CHỦ TRƯƠNG ĐÁNH VÀO MIỀN NAM

.

Mao Trạch Đông không cho đánh vào Miền Nam

 

Tập tài liệu “Sự thật về quan hệ Việt Nam-Trung Quốc trong 30 năm qua” do Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam công bố vào tháng 10 năm 1979 ghi rõ:

“Ngày 22-7-1954, khi ăn cơn với Ngô Đình Luyện, em ruột Ngô Đình Diệm tại Geneve, Thủ tướng Chu Ân Lai đã gợi ý mở một Công sứ quán của Sài Gòn ở Bắc Kinh.  Dù Ngô Đình Diệm đã bác bỏ gợi ý đó, nhưng đây là một bằng chứng rõ ràng là chỉ 24 giờ sau khi Hiệp định Geneve được ký kết, những người lãnh đạo Bắc Kinh đã lộ rõ ý họ muốn chia cắt lâu dài nước Việt Nam.” (Trang 38).

“Tháng 11 năm 1956 Chủ tịch Mao Trạch Đông nói với những người lãnh đạo Việt Nam: “Tình trạng nước Việt Nam bị chia cắt không thể giải quyết được trong một thời gian ngắn, mà cần phải trường kỳ… Nếu 10 năm chưa được thì phải 100 năm.” (Trang 38).
 
“Tháng 7 năm 1955, Tổng bí thư Đảng Cộng Sản Trung Quốc Đặng Tiểu Bình dọa: “Dùng lực lượng vũ trang để thống nhất nước nhà sẽ có hai khả năng: một là thắng và một khả năng nữa là mất cả Miền Bắc. ” (Trang 37).

“Tháng 7 năm 1957, Chủ tịch Mao Trạch Đông lại nói: “Vấn đề là phải giữ biên giới hiện có.  Phải giữ vĩ tuyến 17..  Tôi mong thời gian dài thì sẽ tốt.” (Trang 37).

* Chú giải:  Ngày nay nếu lấy con mắt chiến lược mà quan sát ý đồ của các nhà lãnh đạo Bắc Kinh thì rõ ràng là họ có lý.  Nếu muốn đối đầu với Hoa Kỳ thì vấn đề không phải là bao nhiêu người, bởi vì ông Mao Trạch Đông thừa người; nhưng mà là bao nhiêu tiền? và tiền ở đâu ra?

Mao Trạch Đông, Chu Ân Lai, Đặng Tiểu Bình né tránh đương đầu trực tiếp với quân đội Hoa Kỳ.  Nếu đương đầu mà không hao tổn tiền của thì Bắc Kinh đã tấn công “giải phóng” Đài Loan, Hồng Kông hay Ma Cao mặc dầu quân đội Hoa Kỳ đang trấn đóng (xâm lược) trên đảo Đài Loan, mặc dầu Đài Loan và Hồng Kông đang bị “chia cắt lâu dài với đất nước Trung Quốc.” Họ Mao thừa biết nếu thành công thì chỉ có dân Trung Hoa chết, nhà cửa của dân Trung Hoa đổ nát mà chẳng mang lại mối lợi nào cho ĐCS Trung Quốc.

Trái lại chỉ có hại trầm trọng do phải nuôi ăn nhân dân sau chiến tranh và xây dựng lại Đài Loan, Hồng Kông trên đống đổ nát. Điều này chỉ làm cho đất nước đi xuống một thời gian dài do vì kiệt quệ kinh tế.  Bắc Kinh thừa biết cái giá phải trả cho một cuộc chiến tranh với Hoa Kỳ là như thế nào.  Trong khi đó các nhà lãnh đạo Đảng CSVN lại có những toan tính không khác gì các ông nông dân thất học, chỉ cần biết bành trướng quyền lực; còn con em của dân chúng chết mặc kệ, nhân dân đói mặc kệ, đất nước hoang tàn mặc kệ.

Năm 1956, ngày 14-5, Pháp gởi thông báo đến hai đồng chủ tịch hội nghị Geneve (Anh và Liên Xô) cho biết kể từ ngày 28-4-1956 Pháp không còn chịu trách nhiệm thi hành Hiệp định Geneve nữa và quân đội Pháp sẽ rút khỏi Miền Nam Việt Nam.

Nghe được tin này các cán bộ Miền Nam tập kết ra Bắc đòi trở về Nam, họ nói rằng cho họ về Nam đánh Mỹ cứu nước.  Thật ra thì họ quá ngán chế độ khắc nghiệt và tình hình kinh tế đói kém của chủ nghĩa Cộng Sản, lại thêm thái độ bất thân thiện của nhân dân Miền Bắc.  Bằng mọi giá họ phải trở về Miền Nam, trở lại với đời sống vô tư giữa thiên nhiên với những cánh đồng vô tận, không bao giờ lo lắng tới cái ăn, cái đói.

Tài liệu của CSVN:

“Rồi sau đó khi mà quân và dân Miền Nam chúng ta không chịu nổi sự khủng bố tàn bạo dã man của Mỹ-ngụy đã đứng lên tổ chức đánh trả thì Trung Quốc nói với ta nên kềm chế, chỉ tổ chức lực lượng đánh trả ở quy mô cấp đai đội, còn Liên Xô thì nói ta chỉ nên tổ chức chiến đấu bảo vệ Miền Bắc.” (Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam, Lịch Sử Kháng Chiến Chống Mỹ Cứu Nước 1954-1975, trang 214 và 215).

* Chú giải:  Trước phản ứng đòi làm loạn của hai sư đoàn bộ đội Miền Nam tập kết do Tướng Đồng Văn Cống và Tướng Tô Ký chỉ huy, các nhà lãnh đạo Hà Nội cũng tính tới chuyện cho họ trở về Nam (hồi kết) bắt đầu kháng chiến chống Mỹ với vũ khí tự tìm lấy.  Dĩ nhiên là những cán binh hồi kết sẽ tự nuôi ăn bằng cách xin thân nhân của họ tiếp tế.  Còn nếu như họ chết thì chẳng trách ai được.  Được như vậy thì Hà Nội khỏi phải nuôi ăn và khỏi phải hứng chịu những trận “làm reo” của đám bộ đội Miền Nam.

Tuy nhiên có một vấn đề mà Hà Nội lo sợ nhất là có khả năng những bộ đội hồi kết sẽ ra hồi chánh theo Việt Nam Cộng Hòa, bởi vì bộ đội đã thấy rõ dân tình dưới chế độ Cộng Sản, mọi người dân Miền Bắc đều muốn đào thoát vào Nam (Giống hệt như dân chúng Miền Nam sau 1975).  Riêng về phần 2 sư đoàn bộ đội Miền Nam tập kết thì cũng sẽ giống như bộ đội CSVN tại Campuchia sau này, hễ gần tới biên giới Thái Lan thì họ vượt biên tập thể, xin tị nạn trên đất Thái.

Đáng tiếc là khi đó tại Miền Nam chưa có chính sách “Chiêu hồi”, mà chỉ có luật 10/59.  Luật này đặt những người cán binh CSVN hồi kết ra ngoài vòng pháp luật. Luật 10/59 không phải chỉ riêng có tại Miền Nam Việt Nam, mà có chung cho các nước đang có phong trào Cộng Sản như Nam Hàn, Đài Loan, Phi Luật Tân, Mã Lai… để ngăn chặn phong trào du kích Cộng Sản đang bành trướng mạnh trên thế giới.

Do áp lực của người Mỹ mà Tổng thống Ngô Đình Diệm phải ký luật 10/59 đặt những người Cộng Sản Việt Nam ra ngoài vòng pháp luật, nhưng thực ra trong thâm tâm ông muốn mở đường tiếp nhận những cán binh Cộng Sản từ Miền Bắc trở về.  Mãi tới năm 1963 khi quan hệ giữa Mỹ và Tổng thống Diệm trở nên xấu đi thì ông mới ra đạo luật Chiêu hồi vào ngày 17-4-1963.  Nhưng lúc đó người Mỹ lại nghĩ rằng Tổng thống Diệm đang mở đường để bắt tay với Hà Nội cho nên họ tìm cách sớm loại bỏ ông.

.

Nghị quyết 15 trung ương ĐCSVN: Đánh vào Miền Nam

 

Năm 1957, tại Hà Nội, Tư lệnh phó Sư đoàn 330 là Đại tá Lê Đức Anh gặp ông Lê Duẩn từ Miền Nam ra (1957), ông Anh hỏi tại sao không tổ chức võ trang chiến đấu cho Miền Nam?  Ông Duẩn đáp:

“Ở trỏng, quân Mỹ ngụy bắn giết, tàn sát dân mình quá thể, sau một vài trận đầu ta thử nghiệm có hiệu quả, chừ khắp miền Nam đang rậm rịch chuẩn bị và nóng lòng chờ lệnh cho hoạt động võ trang.  Nhưng từ hôm ra Miền Bắc tới nay mới chỉ một vài tháng mà tôi đã thấy tình hình quốc tế, tình hình trong nước nó phức tạp quá, và càng thấy rõ một điều rằng, dù mình rất muốn nhưng không thể nôn nóng được.” (Khuất Biên Hòa, Đại Tướng Lê Đức Anh, trang 57).

Lê Đức Anh giải thích thêm:

“Liên Xô thì khuyên ta ‘thi đua hòa bình, hãy bảo vệ Miền Bắc, còn ở Miền Nam thì đấu tranh bằng hòa bình, thi hành hiệp định.’  Còn Trung Quốc thì bảo ta hãy ‘Kiên trì mai phục, xây dựng làm cho Miền Bắc mạnh lên sẽ phát huy tác dụng với Miền Nam.’ ”  Cả hai người bạn lớn của ta đều không muốn ta phát động đấu tranh vũ trang” (Trang 59)..

Năm 1959, ngày 5-1, theo hồi ký của Mai Chí Thọ:

“Tháng 01/1959 Trung ương họp và đồng ý cho phép cuộc cách mạng đấu tranh ở Miền nam được sử dụng hình thức võ trang tuyên truyền và võ trang tự vệ… Cuộc họp tuy có biên bản nhưng chưa ra được văn bản nghị quyết…” (Cuối năm 1959 văn bản Nghị quyết 15 mới tới Xứ ủy Nam Bộ, quyển 2, trang 91 và 92).

* Chú giải:  Văn bản nghị quyết được ký chính thức là ngày 31-1-1960, sau khi bà Nguyễn Thị Định tổ chức một cuộc nổi dậy của lực lượng Cộng Sản tại 3 huyện Minh Tân, Mỏ Cày, Thạnh Phú thuộc tỉnh Bến Tre vào ngày 17-1-1960 (Almanac Những Sự Kiện Lịch Sử Việt Nam, trang 984).  Và sau trận Mai Chí Thọ tấn công Trung đoàn 32 của VNCH tại Tua Hai, Tây Ninh vào ngày 26-1-1960.

Các nhà nghiên cứu sử đã đánh một dấu hỏi tại sao nghị quyết 15 chỉ có biên bản nhưng không ra được văn bản?  Rồi đến khi ra văn bản lại có một văn bản dõm đưa vào Miền Nam vào cuối năm 1959 trong khi giấy tờ lưu cho thấy văn bản thật được ký vào ngày 31-1-1960? (Almanac Những Sự Kiện Lịch Sử Việt Nam, trang 112).

Thực ra không có gì khó hiểu.  Tất cả các cuộc họp của Trung ương đảng đều có người của ông Mao Trạch Đông ngồi ở đó, cho nên các văn bản nghị quyết của Trung ương Đảng đều được chuyển về Bắc Kinh.  Nhưng Mao Trạch Đông không cho phép vũ trang chiến đấu tại Nam Việt Nam.

Năm 1961, đầu năm.  Hồi ký của Trần Quỳnh:

“Năm 1961 (vào khoảng đầu năm nếu tôi không nhớ lầm), khi phong trào Đồng Khởi lên cao, thành phần yếu tố vũ trang tăng lên khá, báo chí Mỹ la lối rùm beng là ta phát động chiến tranh, vi phạm Hiệp Định Genève (mà chúng đã vi phạm từ đầu), Trung Quốc chất vấn, yêu cầu ta giải thích tại sao ta phát động đấu tranh vũ trang ở Miền Nam.

Bác Hồ thấy Trung Quốc chất vấn rất lo, bèn phái Lê Duẩn sang trình bày với Trung Quốc… Lê Duẩn sang Bắc Kinh, Chu Ân Lai tiếp và nói:

Vì sao các anh lại đấu tranh vũ trang ở Miền Nam? Các anh phải thấy nếu các anh phát động đấu tranh vũ trang ở Miền Nam thì chiến tranh sẽ lan ra Miền Bắc. Nếu chiến tranh ra Miền Bắc thì chúng tôi báo cho các anh biết Trung Quốc không thể gửi quân sang giúp các anh để đánh Mỹ được đâu.”

*Chú giải: Tại sao Mao Trạch Đông không cho đánh Miền Nam?

Năm 1954 người Mỹ có 350 ngàn quân tại Nhật (để giúp Nhật phòng thủ quốc phòng vì sau 1945 Nhật không có quân đội). Mỹ cũng có 320 ngàn quân tại vĩ tuyến 38 của Hàn Quốc để chặn quân Bắc Hàn (Nâng tổng số quân Mỹ và Nam Hàn tại vĩ tuyến 38 lên tới 1 triệu quân).  Và cũng có 230 ngàn quân Mỹ tại Đài Loan để ngăn ngừa quân Trung Cộngtấn công Đài Loan.

Trong khi đó tại Nam Việt Nam chỉ có 200 ngàn quân VNCH (Hậu thân của quân đội Quốc gia thời Bảo Đại) cho nên người Mỹ có khuynh hướng muốn đưa vài trăm ngàn quân đến Việt Nam như là tại các nước kia, mục đích chính là ngăm đe ông Mao Trạch Đông đừng tính tới chuyện đánh chiếm Nam Việt Nam.  Bởi vì hễ thôn tính Nam Việt Nam thì ông Mao phải thôn tính quân Mỹ trước, tạo nên chiến tranh Mỹ-Trung.  Đến lúc đó Mỹ có quyền xài cả bom nguyên tử để tấn công Trung Cộng.

Tuy nhiên ý tưởng này không được sự tán đồng của nhiều người Mỹ cũng như của Tổng thống Ngô Đình Diệm.  Người Mỹ thì cho rằng kinh tế Trung Cộng kiệt quệ sau khi xây dựng chế độ Cộng Sản tại Hoa Lục không thành công cho nên Mao Trạch Đông không còn hơi sức đâu để nhòm ngó Nam Việt Nam; vả lại đã có Bắc Việt làm trái độn, khi nào quân Bắc Kinh vào trấn đóng tại Bắc Việt thì lúc đó Mỹ mới đưa quân vào Nam Việt Nam.

Còn Tổng thống Ngô Đình Diệm thì cho rằng không cần phải đưa hằng trăm ngàn quân Mỹ vào Việt Nam để chống lại hoạt động du kích của quân CSVN tại vùng đồng bằng sông Cửu Long với dao găm, mã tấu và vài cây súng cũ.  Ông chỉ cần người Mỹ trang bị vũ khí cho lực lượng dân sự tại xã ấp (Quốc sách Ấp chiến lược).

Năm 1972, trong cuộc tiếp đón Tổng thống Nixon viếng thăm Bắc Kinh.  Chủ tịch Mao Trạch Đông đã thân mật nói với Nixon rằng “Các ông đã phạm sai lầm lớn khi quyết định loại bỏ Ngô Đình Diệm” (Hồi ký của Nixon)…  Ngày đó Nixon cũng như ngày nay ít có người phân tích được câu nói của họ Mao, không hiểu tại sao việc loại Ngô Đình Diệm lại sai lầm.

Thực ra trước khi Tổng thống Diệm bị giết thì tình thế của CSVN tại Miền Nam được ghi trong hồi ký của Đại tướng công an CSVN Mai Chí Thọ, Ủy viên Bộ chính trị CSVN:

“Rất tiếc bấy giờ chúng ta chỉ nêu lên việc người dân Miền Nam bị áp bức, khổ sở mà không thấy rõ đựoc khía cạnh phức tạp của chủ nghĩa thực dân kiểu mới.  Rõ ràng đời sống kinh tế ở Miền Nam lúc bấy giờ kinh tế có khá lên, đó là mặt khác của vấn đề mà chúng ta phải nhìn nhận” (Theo Bước Chân Lịch Sử, trang 84).

“Diễn biến tình hình trên đây đã làm cách mạng Miền Nam chịu tổn thất hết sức nghiêm trọng… Đảng bộ Miền Đông Nam Bộ từ 21 ngàn đảng viên, đến khi đồng khởi vào đầu năm 1960 chỉ còn không tới 800 đảng viên (3,8%), trong đó chỉ còn lại ba chi bộ của tỉnh Gia Định và một chi bộ của tỉnh Biên Hòa, số đảng viên còn lại đều sinh hoạt đơn tuyến.”  (Theo Bước Chân Lịch Sử, quyển 2, trang 54).

Nếu ngày đó Mỹ chịu nghe lời Tổng thống Diệm trang bị vũ khí cho lực lượng dân sự tại nông thôn Miền Nam thì 3,8% đảng viên còn lại của CSVN sẽ còn 0%.  Lúc đó Mao Trạch Đông sẽ không bao giờ dám mơ tới chuyện đổ của cho Hà Nội đánh vào Miền Nam.

Sau này có nhiều người mến mộ Tổng thống Diệm cứ cho rằng ông Diệm phản đối việc Mỹ muốn đưa hằng trăm ngàn quân Mỹ vào Việt Nam cho nên Mỹ giết NĐD để được đưa quân vào Việt Nam (sic).  Nhưng thực ra Tổng thống Diệm chỉ phản đối trước năm 1961 chứ năm 1965 thì chính Mao Trạch Đông tuồn vũ khí và đô la cho CSVN để Hà Nội đưa hằng trăm ngàn quân Bắc Việt tràn vào Nam với cấp Sư đoàn cùng với vũ khí hạng nặng, nếu Tổng thống Diệm còn tại vị ông cũng phải tán thành ngay mà thôi. Tình hình quân sự Nam Việt Nam trước 1961 và sau 1965 khác nhau một trời một vực.

.

 

(7) MAO TRẠCH ĐÔNG QUYẾT ĐỊNH ĐÁNH MỸ

.

Mao Trạch Đông đổi ý, quyết định đánh Mỹ tại Nam Việt Nam

 

Năm 1963, mùa hè, Trung Quốc mời Hà Nội cử một phái đoàn sang Vũ Hán, Trung Quốc để bàn về dự thảo đường lối chính sách của Bắc Kinh.  Bộ chính trị lại cử Lê Duẩn, Trường Chinh và Nguyễn Chí Thanh sang Bắc Kinh, lần này có 3 thư ký là Trần Quỳnh, Trần Quang Huy và Vũ Tuấn.

Sau mấy ngày làm việc, đoàn Việt Nam đồng ý hầu hết dự thảo của Trung Quốc, chỉ phản đối 2 điểm, một là cáo buộc Liên Xô đã chuyển theo Chủ nghĩa Tư bản và hai là đề nghị thành lập một tổ chức Cộng sản quốc tế mới, do Trung Quốc cầm đầu.

Sau đó là nghe Mao Chủ tịch nói chuyện.  Mao nói:

“Tôi đã xem ý kiến đóng góp của các đồng chí. Việt Nam là một Đảng nhỏ mà có được 4, 5 ý kiến đóng góp như thế là trình độ lí luận các đồng chí khá đấy, không tồi.  Nhưng nay tôi muốn nói với các đồng chí một chuyện khác…”

“Tôi phải làm lại một cuộc cách mạng mới (Cuộc đại cách mạng văn hóa với đoàn thanh thiếu niên Hồng Kỳ binh). Tôi sẽ đánh đổ giai cấp địa chủ và giai cấp tư sản đang thống trị. Tôi sẽ đưa giai cấp bần nông và giai cấp công nhân lên nắm chính quyền trở lại. Tôi sẽ tổ chức một đội quân bần nông năm trăm triệu người.  Tôi sẽ giải phóng cho cả Đông Nam Á, cho cả Việt Nam, các đồng chí không cần đánh.”  (Hồi ký Trần Quỳnh).

Cũng theo Trần Quỳnh:  

“Ra khỏi phòng họp, khi Mao tiếp kiến xong, Trường Chinh kéo tay tôi nói một cách vui vẻ: ‘Nghe Mao Trạch Đông nói mới thấy là ông ta cho đến tận xương tủy đều thấm nhuần chủ nghĩa Mác Lênin.’ ”

“Cuộc gặp mặt với Mao Trạch Đông có một tác động bất ngờ đối với ta. Khi đoàn ta về đến Hà Nội, Trường Chinh nói không chống đối dự thảo báo cáo và nghị quyết của Bộ chính trị về các vấn đề quốc tế nữa (Ngã theo Trung Quốc), mà còn thúc giục thông qua nhanh và triệu tập hội nghị Trung ương sớm để thông qua.”

* Chú giải:  Trần Quỳnh cho rằng chỉ nghe Mao Trạch Đông nói chuyện là Trường Chinh hết căm Trung Quốc rồi đổi từ ủng hộ Liên Xô chuyển sang thân Trung Quốc.  Nhưng có lẽ sự thực không đơn giản như vậy.  Chắc chắn trong mấy ngày thảo luận thì lãnh đạo Trung Quốc đã có tiếp xúc riêng với ông Trường Chinh và Trường Chinh đã thuận ngã theo Trung Quốc.  Còn câu nói của Trường Chinh với Trần Quỳnh sau khi nghe Mao Trạch Đông phát biểu chỉ là động tác giả nhằm hợp thức hóa sự chuyển đổi quan điểm của ông.

Về phần ông Lê Duẩn thì chắc chắn ông ta phải cảnh giác về mối liên hệ giữa Trung Quốc với Trường Chinh.  Hễ Trung Quốc càng ủng hộ Trường Chinh thì địa vị Bí thư thứ nhất của Lê Duẩn càng có vấn đề.  Tuy nhiên ông yên trí đã có người khác trị Trường Chinh, đó là ông Lê Đức Thọ.  Ông này theo Trường Chinh từ hồi ở Tân Trào 1945 và biết được sự thật của việc Hồ Chí Minh bắt tay với Trường Chinh lập ra Mặt trận Việt Minh vào tháng 12 năm 1944.

Vì vậy ông Thọ dư sức làm chứng trước Đảng rằng đại hội Đảng tại Tân Trào là do Trường Chinh và Hồ Chí Minh bịa ra chứ sự thực đại hội đó không có.  Cho nên chuyện Trường Chinh được bầu làm Tổng bí thư và Võ Nguyên Giáp, Lê Đức Thọ, Nguyễn Chí Thanh, Hoàng Văn Hoan được bầu vào Ban chấp hành Trung ương Đảng trong đại hội Tân Trào cũng chỉ là chuyện bịa.

*(Năm 1976 Lê Duẩn ra lệnh không tính Hội nghị Tân Trào là đại hội Trung ương của ĐCSVN. Trước đó Hội nghị Tân Trào được tính là Đại hội Đảng toàn Quốc lần thứ 2, sau đại hội lần thứ Nhất tại Ma Cao năm 1935).

Hơn nữa, lâu nay Lê Duẩn đang bị thôi thúc bởi những tin tức đáng phấn khởi từ Miền Nam đưa ra. Lợi dụng chính phủ Ngô Đình Diệm đang phải đối phó với phong trào tranh đấu của Phật giáo đang càng ngày càng dữ dội, quân du kích CSVN nổi lên quấy phá, khủng bố khắp các miền nông thôn Nam Việt Nam.  Vì vậy Lê Duẩn sẳn sàng ngã theo Mao Trạch Đông để có vũ khí đánh chiếm Miền Nam.

Đặc biệt là các ông ở Miền Nam đã đánh lừa các ông Hà Nội:  Tất cả các báo cáo từ Miền Nam nói về các cuộc biểu tình của Phật giáo đều được ghi là:

“Nhân dân ta không chịu nổi áp bức của Mỹ-Diệm cho nên một mặt đứng lên phá đổ ‘Ấp chiến lược,’ một mặt biểu tình đòi lật đổ Diệm.  Công cuộc đấu tranh của nhân dân Miền Nam càng ngày càng lan rộng khắp nơi từ thôn quê đến thành thị.  Ngày tàn của chế độ Diệm đã sắp tới.” (Hồi ký của Mai Chí Thọ).

Nghe như vậy thì Hà Nội quýnh lên, các ông tính chuyện đưa gấp người và vũ khí vào Miền Nam để có thể kịp thời nhận lấy chính quyền sau khi Tổng thống Diệm bị lật đổ.

Trong khi các ông đang quýnh quáng thì cả Liên Xô lẫn Trung Quốc đều từ chối giúp đỡ Hà Nội đánh chiếm Miền Nam, họ sợ phải đối đầu với Hoa Kỳ.  Do đó Lê Duẫn ngày đêm mong ngóng một cái gật đầu của Liên Xô hoặc là của Trung Quốc.  Giờ đây ông vui mừng thấy Mao Trạch Đông tỏ ý chấp thuận.  Chính tai ông đã nghe Mao Trạch Đông phát biểu tại Hội nghị Vũ Hán:

“Bom nguyên tử là con hổ giấy. Nếu chiến tranh nguyên tử xảy ra, bất quá là Trung Quốc chết đi 400 triệu người, cũng còn lại 300 triệu. Còn bọn xâm lược sẽ bị tiêu diệt. Dân Trung Quốc mắn đẻ lắm. Chẳng bao lâu dân số Trung Quốc sẽ lên 700 triệu, thậm chí 800 triệu, 1 tỉ. Có gì mà phải sợ chiến tranh nguyên tử?” (Hồi ký Trần Quỳnh).

Cũng cùng một tư tưởng như Mao Trạch Đông, Lê Duẩn không ngại chết dân, chết lính, ông chỉ ngại không có vũ khí.  Bà Bảy Vân, vợ bé của Lê Duẫn đã nhắc lại lời của ông trong cuộc phỏng vấn của đài BBC ngày 23-12-2008:

 “Anh Ba (Duẩn) nói với lãnh đạo Trung Quốc rằng: ‘Chúng tôi đã hi sinh 10 triệu người rồi, nếu Trung Quốc chi viện cho chúng tôi thì chúng tôi thắng Mỹ với những hi sinh thấp hơn, còn như Trung Quốc không chi viện, chúng tôi dù phải hi sinh vài triệu người nữa, chúng tôi vẫn thắng Mỹ.’ ”

Suy cho cùng thì chết ai chứ đâu có chết con cái hay những người thân trong gia đình của các ông đâu mà lo.  Còn nếu như thành công thì gia đình và phe đảng của ông hưởng đủ chứ đâu cần phải chia cho gia đình của những người chết, chỉ cần cấp cho họ cái bằng “liệt sĩ” hay cái bằng “mẹ anh hùng” là họ đủ cảm thấy vinh quang rồi.  Mà bằng liệt sĩ và huân chương thì ông có thiếu gì, muốn bao nhiêu thì có bấy nhiêu.

.

Hội nghị trung ương 9

 

Năm 1963, tháng 12, sau hội nghị Vũ Hán,  Lê Đức Thọ vận động Lê Duẩn cho triệu tập đại hội Trung ương Đảng để dứt khoát theo Liên Xô hay theo Trung Quốc.  Lúc này đa số đã nghiêng về Trung Quốc; bởi vì các ông đang chủ trương dùng vũ lực đánh chiếm miền Nam Việt Nam nhưng lúc đó người lãnh đạo của Liên Xô là Krushchev lại chủ trương hòa hoãn với Hoa Kỳ, trong khi Mao Trạch Đông chỉ trích Krushchev là quá sợ Hoa Kỳ, theo ông ta thì Hoa Kỳ chỉ là “con hổ giấy” và ông ta muốn hỗ trợ Hà Nội đánh vào Miền Nam.

Bạch thư của CSVN phát hành năm 1979 có ghi:

“Trung Quốc trước đây đã quyết tâm đánh Mỹ đến người Việt Nam cuối cùng” (trang 22).

“Trong những cuộc hội đàm với phía Việt Nam năm 1963, họ (Trung Quốc) tìm cách thuyết phục Việt Nam chấp nhận  quan điểm của họ là phủ nhận hệ thống Xã hội Chủ nghĩa và mở cho họ một con đường xuống Đông Nam Á” (trang 41).

Vì thế Lê Duẫn mở đại hội Trung ương, quyết định theo Tàu.  Hội nghị này là hội nghị Trung ương thứ 9 của Đại hội toàn quốc lần 3.  Nghị quyết của đại hội 9 không được viết thành văn bản và giữ bí mật tuyệt đối.  Sau đó Trường Chinh triệu tập một đại hội cốt cán gồm 400 nhân vật hàng đầu trong Đảng để phổ biến và giải thích nghị quyết nhưng tất cả chỉ nói miệng chứ không có văn bản. Có một số công khai chống lại nghị quyết, đó là Bùi Công Trừng, Lê Liêm và Ung Văn Khiêm (Hồi ký Trần Quỳnh).

Tại hội nghị ông Hồ Chí Minh bị Lê Đức Thọ công khai tỏ thái độ khinh thường khiến cho các đại biểu hiểu rằng thời đại của ông Hồ Chí Minh đã chấm dứt.  Và quả nhiên từ đó ông sống như một cái bóng.
.

.

Một đoạn hồi ký của Nguyễn Văn Trấn ghi lại lời kể của Bùi Công Trừng trong cuộc họp đảo chánh HCM:  

“Mày coi, coi nó tội nghiệp không. Đồng chí Hồ Chí Minh muôn vàn kính yêu của chúng ta bận đồ lụa gụ, chủ trì hội nghị mà mặt day ra sân. Có lỗ tai tự nhiên phải hứng những lời mạt sát Liên Xô.  Khi chướng tai quá, quay vô, đưa tay để nói, thì thằng Thọ lễ phép Bắc hà:  ‘Bác hãy để cho anh em người ta nói đã mà.’

Tao đếm lão Hồ đưa tay mấy lần, lần nào thằng Thọ cũng kịp ngăn.  Cuối cùng ông cũng cho hội nghị nghe, ông nói ca dao bằng tiếng khóc:  ‘Khi thương trái ấu cũng tròn.  Khi ghét bồ hòn cũng méo’ và ông nói xụi lơ ‘Thấy lợi người ta cho thêm lửa vô; thấy bất lợi người ta rút ra đó mà.’ ” (Nguyễn Văn Trấn, Viết gửi Mẹ và Quốc hội, trang 328).

Qua cách dùng chữ của các nhà lãnh tụ CSVN thời 1963, họ gọi là “lão Hồ” và nói một cách châm biếm là “đồng chí Hồ Chí Minh muôn vàn kính yêu của chúng ta,” đủ nói lên uy thế của HCM vào thời điểm tột đỉnh của thành công như thế nào, mặc dầu Bùi Công Trừng và Nguyễn Văn Trấn là những người ủng hộ Hồ Chí Minh chống lại phe đảo chánh.

Và hồi ký “Đèn Cù” của Trần Đĩnh:  

“Xong Nghị quyết 9 (1963), tôi được nghe truyền đạt rằng từ nay Cụ Hồ thôi họp Bộ chính trị – vì sức khoẻ – còn Võ Nguyên Giáp, Lê Liêm thì ngồi chơi xơi nước và học nhạc lý cùng piano. Đảng ra tay trấn áp rất nhanh. Nghe nói lục soát cả chỗ làm việc.“ (Trang 266).

(Bạch thư của Nhà nướcCộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam năm 1979, trang 20 và 21)

 .

(8) ĐI GIÂY GIỮA NGA VÀ TÀU

 

Lê Duẩn đi giây giữa Liên Xô và Trung Cộng 

Năm 1964, ngày 27-1, sau hội nghị Trung ương 9 Lê Duẩn cầm đầu một phái đoàn sang Liên Xô để trần tình cho Krushchev thông cảm vì sao mà ĐCSVN phải quyết định theo Trung Cộng.  Phái đoàn gồm Lê Duẩn, Lê Đức Thọ, Hoàng Văn Hoan, Tố Hữu, và  thư ký của đoàn là Trần Quỳnh. Trước khi đi Lê Duẫn cho soạn thảo sẵn một bản danh sách nhu cầu vũ khí mà Hà Nội cần cho công cuộc đánh vào Miền Nam.

Trần Quỳnh kể lại:

“Nhưng lạ thay khi gặp phía Liên Xô, Lê Duẩn không nói gì về Nghị quyết 9 mà nói về tình hình cách mạng Miền Nam, thông báo cho phía Liên Xô biết sự tiến triển của tình hình và yêu cầu Liên Xô ủng hộ và giúp đỡ. Rồi đưa cho Liên Xô danh mục những thứ chúng ta cần lúc này.

Khơ-rút-sốp và những người Liên Xô khác nhẹ nhõm cả người. Ông ta vui vẻ chấp nhận về nguyên tắc yêu cầu của ta và sẽ giao cho các cơ quan có trách nhiệm của Liên Xô nghiên cứu và giải quyết…”

* Chú giải:  Theo như lời kể của Trần Quỳnh thì có vẻ như Krushchev hoàn toàn không biết gì về nghị quyết 9 (ngã theo Trung Quốc), nghĩa là Lê Duẫn đã đánh lừa được Krushchev khiến cho ông ta thỏa thuận cung cấp vũ khí cho Hà Nội.  Sau đó là bút sa gà chết, vì đã lỡ tuyên bố cho nên Krushchev đành phải thực hiện lời hứa.

Tuy nhiên không ai tin rằng một phái đoàn lãnh đạo của một quốc gia sang thăm một quốc gia khác mà không thông báo trước nội dung của cuộc viếng thăm, hoặc không thông báo trước nội dung những văn bản sẽ được ký kết trong cuộc viếng thăm.  Chắc chắn là Krushchev biết nội dung Nghị quyết 9 ngay sau khi vừa được thông qua tại Hà Nội. *(Chính Trần Quỳnh đã xác nhận Võ Nguyên Giáp là gián điệp của Liên Xô nằm ngay trong Bộ chính trị).

So lại với hồi ký của Hoàng Văn Hoan thì ông Hoan cho rằng mới đầu Liên Xô yêu cầu Lê Duẩn ký thông cáo chung, nhưng Lê Duẩn từ chối vì đã có giao hẹn trước với Bộ chính trị CSVN là sẽ không có tuyên bố chung.  Tuy nhiên:

“Việc Đoàn đại biểu Việt Nam không chịu ký thông cáo chung đã làm cho Liên Xô không vui lòng, nên khi Đoàn đại biểu Việt Nam về nước, Liên Xô chỉ mua cho bốn cái vé máy bay hàng không dân dụng, mà thông thường thì một Đoàn đại biểu như vậy là Liên Xô phải phái một máy bay chuyên cơ. *(HVH nhớ lầm vì phải là 5 vé, vé thứ 5 dành cho thư ký Trần Quỳnh).

Trong khi Đoàn đại biểu Việt Nam đang ngồi chờ máy bay dân dụng ở sân bay Mạc Tư Khoa thì Liên Xô kéo Lê Duẩn đi bàn riêng. Thế là Lê Duẩn tự ý ký bản thông cáo chung với Liên Xô rồi về chỗ ngồi cũ gặp mấy người chúng tôi và giải thích rằng, không ký thông cáo chung với Liên Xô là không xã giao…” (Hoàng Văn Hoan, Giọt Nước Trong Biển Cả).

Lê Duẩn đã tương kế tựu kế mà đi dây giữa Liên Xô và Trung Quốc bởi vì ông ta đang cần sự yểm trợ của cả hai bên.  Krushchev biết rõ phe thân Trung Quốc đã thắng thế trong nội bộ Trung ương ĐCSVN cho nên ông phải chấp nhận viện trợ vũ khí cho Lê Duẩn để ít ra CSVN không thể rơi hẳn vào tay Trung Quốc mà phản lại Liên Xô.

Chính vì toan tính này mà Lê Duẩn và Lê Đức Thọ đã nâng Võ Nguyên Giáp từ chức vụ Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Nhà nước lên làm Bộ trưởng Bộ Quốc phòng vào đầu năm 1963.  Mặc dầu Đặng Kim Giang đã khai rằng Võ Nguyên Giáp là linh hồn của nhóm “Xét lại chống đảng” (Thân Liên Xô).

Trần Quỳnh cũng kể rằng cuối buổi gặp gỡ với Krushchev, Tố Hữu đã cao hứng ngâm một đoạn thơ của một nhà thơ Liên Xô nhưng sau đó khi chia tay Krushchev đã vỗ vai Tố Hữu và nói:

“Này thi sĩ ơi, hãy về mà học thuộc thơ của Mao Trạch Đông đi!”  Chứng tỏ Krushchev đã biết trước nội dung của Nghị quyết 9.

Khi về đến Hà Nội, Lê Duẩn phát hiện tờ báo Nhân Dân của Hoàng Tùng đã đăng 2 bài viết lên án “chủ nghĩa xét lại” của Liên Xô.  Lê Duẩn liền cho gọi Hoàng Tùng đến và ra lệnh không được đăng những bài viết như thế nữa (Hồi ký Hoàng Văn Hoan).

Năm 1964, ngày 6-8, nhân sự kiện tàu Bắc Việt tấn công tàu chiến của Mỹ tại Vịnh Bắc Bộ, Mỹ cho thả bom tại Vinh, cửa sông Gianh và Hòn Gai.  Chính quyền Trung Cộng tuyên bố:

“… Mỹ xâm lược nước Việt Nam Dân Chủ Cộng hòa tức là xâm lược Trung Quốc. Nhân dân Trung Quốc quyết không khoanh tay ngồi nhìn mà không cứu. Nhất định Mỹ phải trả món nợ máu đối với nhân dân Việt Nam.

Sau đó Mao Trạch Đông đã cho 10 vạn nhân dân TQ biểu tình tại Bắc Kinh, 1 triệu 80 vạn nhân dân TQ biểu tình tại Thượng Hải, 10 vạn nhân dân TQ biểu tình tại Phúc Châu; và các tỉnh thành khác để tỏ quyết tâm ủng hộ CSVN.

Động thái trên đây chỉ thuần là hô hào, kích động; nhằm xúi nhân dân Bắc Việt liều mình với “đế quốc Mỹ” cho tới người Việt Nam cuối cùng…(sic).  Còn chính quyền Trung Cộng thì ào ạt đổ vũ khí cho CSVN nhưng kèm theo một quyển sổ nợ khổng lồ mà CSVN phải trả sau này.

Cảm kích trước ân nghĩa trời biển của Mao Trạch Đông, nhà thơ Tố Hữu cho đăng trên báo Nhân Dân ngày 2-9-1964:

Sáng rồi rộn rã trong tim,/ Đường về phơi phới, cánh chim tung hoành./ Cờ bay Vạn Lý Trường Thành,/Bắc Kinh tay chị tay anh triệu vòng./ Bạn mừng ta những chiến công, / Vui như tiền tuyến giữa lòng hậu phương”. *(Ý muốn nói Bắc Việt là tiền tuyến còn Trung Cộng là hậu phương.  Nghĩa là nhân dân Việt Nam đánh Mỹ là để bảo vệ cho Trung Cộng!)

Năm 1964, tháng 10, Phạm Văn Đồng và Lê Đức Thọ đi Mạc Tư Khoa để dự lễ kỷ niệm Cách mạng tháng Mười Nga.  Theo Hoàng Văn Hoan thì Đồng và Thọ đề nghị Liên Xô cử một phái đoàn sang thăm VN và viện trợ quân sự cho CSVN để hóa giải bớt uy tín của Trung Cộng đối với nhân dân VN.  Liên Xô đồng ý.

Năm 1965, ngày 6-2, phái đoàn do Thủ tướng Kosygin dẫn đầu sang thăm Hà Nội. Ngày 10-2-1965 Kosygin và Phạm Văn Đồng ký tuyên bố chung:

Hai Chính phủ đã đi tới một thỏa thuận thích đáng về những biện pháp sẽ được tiến hành nhằm củng cố khả năng quốc phòng của nước Việt Nam.

Năm 1965, ngày 17-4, Lê Duẩn và Võ Nguyên Giáp đi Mạc Tư Khoa để bàn thảo về hiệp định viện trợ quân sự cho CSVN.

.

Vụ án “Nhóm xét lại chống đảng”

.

Năm 1966, vào đầu năm.  Tại Bắc Kinh Mao Trạch Đông phát động chương trình “Đại cách mạng văn hóa,” giáng chức hoặc bắt giam những ai có tư tưởng không đồng tình với tư tưởng Mao Trạch Đông, nhất là những người “thân Liên Xô”.

Tại Việt Nam nhóm thân Trung Quốc gồm có Trường Chinh, Hoàng Văn Hoan, Lê Đức Thọ, Trần Quốc Hoàn… cũng phát động chiến dịch giáng chức hoặc bắt giam những phần tử nghi ngờ theo Liên Xô chống lại Trung Cộng.  Những người này đựoc gọi là “Nhóm xét lại chống Đảng”.

Hồi ký‎ của Trần Quỳnh:

“Không tán thành đường lối chống xét lại của Đảng ta, một số cán bộ cao cấp và trung cấp theo học ở trường Đảng cao cấp Liên Xô và trường quân sự cao cấp Liên Xô bàn kế hoạch chống lại đường lối của Đảng.  Họ lập một nhóm vận động thành lập một tổ chức lấy việc thay đổi Bộ chính trị làm mục tiêu.” 

“… trước hết là những sĩ quan cao cấp trong quân đội và những ủy viên trong Trung ương. Trong tổ chức đó có Đặng Kim Giang, Lê Liêm. Theo lời khai của Ðặng Kim Giang thì linh hồn của tổ chức là Võ Nguyên Giáp.”  ‎ 

“… Riêng về Giáp kỷ luật được đề nghị là khai trừ khỏi Bộ chính trị, Lê Duẩn không đồng ý. Lê Duẩn nói rằng chúng ta đang cần đến sự giúp đỡ của Liên Xô trong công cuộc xây dựng Miền Bắc và nhất là trong sự nghiệp giải phóng Miền Nam. Giáp là người của Liên Xô, nếu kỷ luật Giáp sẽ động đến Liên Xô ảnh hưởng không nhỏ đến sự viện trợ của Liên Xô.”

Ngoài việc lấy lòng Liên Xô, Lê Duẩn còn lưu Võ Nguyên Giáp trong vị trí Bộ trưởng Bộ quốc phòng nhằm hù các nhà quân sự Mỹ.  Bởi vì kể từ sau 1954, người Pháp có khuynh hướng biến Võ Nguyên Giáp thành một thiên tài quân sự bẩm sinh.  Sở dĩ người Pháp làm như vậy là để cho sự thua trận của họ đỡ nhục nhã.

Thế rồi căn cứ vào sự “muối mặt” thú nhận của người Pháp mà  thế giới mặc nhiên coi như Võ Nguyên Giáp là một nhà quân sự hàng đầu của thế giới.  Khiến cho các ông tướng ngồi tại Ngũ Giác Đài ngày đêm nơm nớp với mọi động thái của Tướng Giáp.  Mỗi “rục rịch” của quân du kích tại Miền Nam VN đều được gán cho là mưu lược kinh hồn của Tướng Giáp (sic).

Thấy rõ điều đó cho nên Lê Duẩn để cho VNG ngồi trên chiếc ghế Bộ trưởng Quốc phòng làm con ngáo ộp hù dọa các ông tướng Mỹ.  Trong khi Lê Duẩn thừa biết Võ Nguyên Giáp chẳng có tài năng gì về quân sự, bằng chứng là các trận đánh lớn vào các năm 1968, 1971, 1972, 1975 Lê Duẩn đều trực tiếp chỉ huy và để cho VNG ngồi xem ông ta điều binh khiển tướng.

.

 

(9) ĐÁNH MỸ TẠI TÂY NGUYÊN

 .

Lê Duẩn đi đêm với Krushchev

Tháng 12 năm 1963 hội nghị Trung ương 9 ĐCSVN quyết định theo Tàu.  Tháng 1 năm 1964 Lê Duẩn dẫn một phái đoàn sang Liên Xô. Theo như hồi ký của Trần Quỳnh thì đây là một chuyến đi cầu viện vũ khí.  Nhưng theo Hoàng Văn Hoan thì Lê Duẩn đã bí mật đàm phán riêng với Krushchev nhưng không biết là đàm phán chuyện gì.

Tháng 10 năm 1964 Phạm Văn Đồng và Lê Đức Thọ đi Liên Xô.  Và ngày 8-2-1965 Thủ tướng Liên Xô Kosygin sang Việt Nam.  Hai bên ký thông cáo chung về “củng cố khả năng quốc phòng của CSVN”, nghĩa là cung cấp vũ khí cho Hà Nội.

Năm 1965, ngày16-2, một tuần sau khi Kosygin đến Hà Nội.  Quân đội VNCH bắt được một tàu chở vũ khí của CSVN tại Cảng Vũng Rô thuộc tỉnh Khánh Hòa.  Trên tàu gồm có 3.600 khẩu AK47 còn mới nguyên, hơn 1 triệu viên đạn, 1.000 thỏi chất nổ Beta, 2.000 quả đạn súng cối, 500 lựu đạn chồng chiến xa, 250 ký thuốc nổ TNT, 250 ký thuốc tây.

Mỹ hoảng hồn, TrungCộng bật ngữa; nghĩa là Mạc Tư Khoa đã âm thầm cung cấp vũ khí cho Hà Nội từ tháng 10-1964.  Liên Xô cung cấp các loại vũ khí tối tân nhất chứng tỏ Krushchev quyết tâm đánh Mỹ để lấy lại uy tín sau khi ông ta đã phải rút hỏa tiễn ra khỏi Cuba. Lúc này súng AK47 là loại súng trường tối tân nhất của thế giới nhưng chưa bao giờ xuất hiện trên chiến trường.

Nhật ký hải hành của chiếc tàu cho thấy đây là chuyến thứ 23 đổ người và vũ khí vào Miền Nam.  Ngũ Giác Đài không biết đã có bao nhiêu vạn khẩu AK47 và bao nhiêu vạn quân đã được đưa vào Nam bằng đường biển và đường bộ *(Thực ra đây chỉ là chuyến tiếp tế vũ khí duy nhất, sau đó thì chuyển qua cảng Sihanoukville). Chính phủ Mỹ vội vàng lên kế hoạch đổ quân vào Việt Nam trước khi mọi chuyện trở nên quá muộn.

Năm 1965, ngày 8-3, một tháng sau vụ Vũng Rô.  Hai tiểu đoàn TQLC Mỹ đổ bộ vào cảng Đà Nẳng.  Cùng lúc này CIA cho bộ trưởng Quốc phòng Mỹ MacMamra biết rằng quân bắc Việt đã hiện diện tại Miền Nam là 170.000 quân, và nhiều trung đoàn, sư đoàn khác đang trên đường vào Nam. *(CIA bị mắc lừa, Thực ra đây là tin dõm do CSVN tung ra).  Ngày 1-4-1965 Mỹ đưa thêm 2 tiểu đoàn nữa và một số đơn vị công binh, nâng tổng số lên 20.000.

Năm 1965, ngày 19-4, hai tháng sau vụ Vũng Rô.  Mỹ quyết định tăng số quân đội Mỹ tại Việt Nam lên 82.000 người, trong đó có 7.000 quân của các nước đồng minh của Hoa Kỳ.  Đến tháng 7 thì nâng lên 127.000.

Năm 1965, hồi ký Hoàng Văn Hoan:

Vào khoảng giữa năm 1965, trong dịp thăm Mạc Tư Khoa, Lê Duẩn đã triệu tập nhân viên Sứ quán Việt Nam và đại biểu học sinh Việt Nam học ở Liên Xô về Sứ quán nói chuyện ca ngợi Liên Xô, và phê phán một số chính sách của Trung Quốc.”

“… khi Lê Duẩn còn ở Mạc Tư Khoa, Tố Hữu đã mở một cuộc hội nghị cán bộ tuyên huấn toàn miền Bắc, cho phép Trần Quỳnh đứng ra phê phán một số chính sách của Trung Quốc với những luận điệu y hệt như luận điệu của Lê Duẩn đã nói chuyện ở Sứ quán Việt Nam tại Mạc Tư Khoa…” 

Phê phán hành động “đánh ngầm” của Lê Duẩn, Hoàng Văn Hoan viết:

“Vì sao Lê Duẩn là một người tham gia cách mạng đã lâu năm, mà đối với một người bạn đã từng cùng hoạn nạn, cùng chiến đấu với nhân dân Việt Nam suốt hơn hai mươi năm như Trung Quốc mà lại có một thái độ vong ơn bội nghĩa như vậy?  Vì trong đầu óc Lê Duẩn đã sẵn có một thứ tư tưởng chống Trung Quốc do thực dân Pháp nhồi nhét từ trước và sau lại được chủ nghĩa xét lại Khơ-rút-sốp nhồi nhét thêm” (sic). 

*(Đây không phải là suy nghĩ chủ quan của Hoàng Văn Hoan, mà là trào lưu “cảm kích ân nghĩa trời biển” của Trung Cộng trong lòng nhân dân Miền Bắc.  Hoàng Văn Hoan vô tư nguyền rủa Lê Duẩn “vong ơn bội nghĩa” mà không hề ngượng miệng bởi vì mọi người đều đồng tư tưởng như vậy cả, không phải trong Đảng, mà trong dân chúng cũng vậy).

Năm 1965, tháng 5, Trung Cộng từ chối đưa phi công quân sự sang chiến đấu tại BV theo như hiệp ước quân sự bí mật đã ký trước đó với Hà Nội (Bạch thư của Nhà nước CHXHCNVN, trang 46).

.

Chiến trường Tây Nguyên

 

Tháng 9 năm 1964, các tướng Nguyễn Chí Thanh, Trần Độ, Lê Trọng Tấn, Hoàng Cầm, Nguyễn Hòa vào Nam bằng máy bay đến Singapor rồi đi bằng tàu buôn Trung Quốc cập bến Sihanoukville, rồi đến biên giới Tây Ninh vào cuối năm 1964.  Trong khi đó Thiếu tướng Chu Huy Mân, Thượng tá Đặng Vũ Hiệp, Thượng tá Bùi Nam Hà đi bằng tàu buôn Trung Quốc, cập bến Vũng Rô, Phú Yên;  rồi ra Quảng Ngãi.

Tháng 10 năm 1964, Sư đoàn 325, do Sư đoàn trưởng Nguyễn Hữu An chỉ huy, đang hoạt động tại vùng Quảng Bình, Quảng Trị vào Nam bằng cách theo đường xe hơi từ Đồng Hới vượt biên giới Lào Việt tại đèo Mụ Già.  Tháng 12 năm 1964 thì đến Dakto thuộc tỉnh Kontum.  Tuy nhiên vì tình trạng không đủ gạo ăn cho nên Thượng tá Nguyễn Hữu An để lại Trung đoàn 101 tại Kontum, dẫn Trung đoàn 18 và Trung đoàn 95 xuống hoạt động tại vùng rừng núi Bình Định, Quảng Ngãi.

Năm 1965, ngày 31-5, CSVN đưa Trung đoàn 320 và Trung đoàn 101 bao vây tần công đồn Biệt kích Đức Cơ, cách biên gới Việt Miên 13 cây số. Quân đội VNCH đưa 3 tiểu đoàn Nhảy Dù và 2 tiểu đoàn TQLC đến tiếp viện.  Hai trung đoàn CSVN bị đánh tan, bỏ lại tại trận 556 xác chết và 27 bị bắt sống.

Năm 1965, tháng 7, Hà Nội điều các ông Chu Huy Mân, Đặng Vũ Hiệp, Bùi Nam Hà, Nguyễn Hữu An từ Bộ tư lệnh Khu 5 ở Quảng Ngãi lên Tây Nguyên thành lập Mặt trận Tây Nguyên (B3). Mặt trận có 2 trung đoàn chủ lực là Trung đoàn 320 (Còn có tên là Trung đoàn 32) và Trung đoàn 101 (Sau đổi thành Trung đoàn 33).

Năm 1965, tháng 8, tại Tam Kỳ, Quảng Tín. Trung đoàn 95 CSVN tập trung tại bán đảo Ba Làng An để chuẩn bị tấn công căn cứ Chu Lai của Mỹ.  Tướng Lewis Walt của Mỹ điều động 2 tiểu đoàn TQLC Mỹ cùng với chiến xa và hải pháo lùa trung đoàn 95 CSVN đến cuối bán đảo và tiêu diệt, quân CSVN để lại tại chỗ 700 xác chết.  Phía Mỹ không có tổn thất về nhân mạng. Đây là trận đánh đầu tiên và cũng là trận đánh đẹp nhất của quân đội Mỹ (Hồi ký của Tướng Westmoreland).

Năm 1965, đầu tháng 9, Tướng Westmoreland đưa Sư đoàn 101 khinh kỵ Mỹ lên An Khê, giữa Bình Định và Pleiku, để tăng cường phòng vệ cho Cao Nguyên.  Hà Nội đưa thêm 2 trung đoàn CSVN vào Cao Nguyên để dựng lại hai Trung đoàn 320 và 101.  Sau đó đổi thành Trung đoàn 32 và Trung đoàn 33.

Năm 1965, ngày 19-10, hai Trung đoàn 32 và 33 CSVN bao vây tấn công đồn Biệt kích Pleime. Phía VNCH đưa 2 Tiểu đoàn Biệt Động quân, 2 đại đội Biệt kích tiếp ứng, 1 tiểu đoàn chiến xa, 1 đại đội pháo binh đến gải cứu cho đồn Pleime.  Ngày 26-10 hai trung đoàn CSVN bị đánh tan phải chạy dạt về thung lũng Ia Drang, vùng biên giới Miên. Để lại tại chỗ 400 xác chết và 5 bị bắt sống.

Năm 1965, ngày 27-10, Lữ đoàn 1 Khinh kỵ Mỹ mở cuộc hành quân lục soát khu vực thung lũng sông Ia Drang để tiêu diệt tàn binh của hai trung đoàn 32 và 33 CSVN.  Ngày 14-11 quân Mỹ đụng độ với Trung đoàn 66 CSVN mới từ ngoài Bắc vào Tây Nguyên.  Trung đoàn này thuộc sư đoàn 304 CSVN do Đại tá Nguyễn Nam Khánh làm Chính ủy.  Đại tá Khánh cùng với 2 trung đoàn còn lại (9 và 57) đang trên đường vào Nam.

Từ ngày 14 đến ngày 17-11 hai bên đánh nhau một trận lớn nhất trong lịch sử đánh nhau giữa quân CSVN và quân Mỹ.  Kết quả quân CSVN để lại tại chỗ 1.249 xác, 25 bị bắt.  Phía Mỹ có 79 chết và 125 bị thương.

Năm 1965, ngày 18-11, quân Mỹ tại mặt trận Ia Drang được thay thế bằng 5 tiểu đoàn Nhảy dù VNCH.  Tàn quân của 3 trung đoàn 32, 33 và 66 CSVN bị càn quét lượt chót.  Quân CSVN bỏ lại tại chỗ 265 xác, bị bắt 10.

Năm 1965, ngày 8-12, Tướng CSVN Chu Huy Mân họp Đảng ủy Mặt trận Tây Nguyên.  Để tổng kết chiến dịch Tây Nguyên.  Hội nghị kết luận vừa qua các đơn vị CSVN “đã cơ bản hoàn thành nhiệm v.ụ được đặt ra.  Cách hành quân “Vây điểm diệt viện” của Đảng ủy là đúng đắn.

*[Đây là một cách nói thông lệ trong các cuộc kiểm thảo của CSVN.  Hễ khi nào thắng thì nói là thành công mỹ mãn, thành công vượt bực.  Khi nào huề thì nói là đã hoàn thành chỉ tiêu đã đề ra hay là hoàn thành chỉ tiêu cấp trên giao phó.  Còn khi nào thất bại thì nói “cơ bản hoàn thành” (nghĩa là chưa hoàn thành). Hoặc là nói “đã thi hành đúng đắn” thì có nghĩa là thất bại nhưng không có chỗ nào sai sót (không ai có lỗi, chẳng ai bị phạt)].

.

Mỹ tìm đường điều đình với CSVN

Dư âm của trận đụng độ đầu tiên giữa quân đội Mỹ với quân đội CSVN tại thung lũng sông Ia Drang với 79 lính Mỹ chết và 125 bị thương khiến cho người Mỹ mất hồn.  Ngũ Giác Đài nhận ra là họ đã sai lầm khi xua voi đi bắt chuột.  Với cái lối chiến tranh bán du kích như thế này thì quân Mỹ hoàn toàn bị động, họ không biết quân địch có bao nhiêu và ở đâu.  Đây là một trận chiến không có chiến tuyến, quân địch có mặt ở khắp mọi nơi và trong bóng tối.

Đó là cuối năm 1965, đến đầu năm 1966 thì tài liệu của CIA được giải mật năm 2009 cho thấy:

“Hoa Kỳ có ý tìm một giải pháp chính trị cho cuộc chiến Việt Nam từ mùa Xuân năm 1966 khi John Hart đến Sài gòn thay thế Peer de Silva. Hart cho mở một phòng (gọi là Viet Cong Branch) chuyên lo việc tìm đường giây tiếp xúc với MTGP không qua các thông tin từ phía VNCH (CIA and The Generals, bản dịch của Trần Bình Nam).

.

 

(10) ĐÁNH MỸ TẠI NAM BỘ, JOHNSON CẦU HÒA

.

Năm 1966, tháng 6, 2 sư đoàn Quân Mỹ và VNCH mở cuộc càn quét từ vòng đai Sài Gòn, theo quốc lộ 13, đến vùng Mỏ Vẹt là biên giới Việt Miên, cách Sài Gòn 50 cây số.  Theo tự truyện của tướng Lê Đức Anh thì lúc này toàn bộ lực lượng quân sự của CSVN tại mặt trận B2 (Đông Nam Bộ) mới chỉ có 1 sư đoàn gồm Trung đoàn Q761, Q762, và Trung đoàn 3.  Trung đoàn 3 là trung đoàn mới tuyển mộ từ Miền Tây.

Tướng CSVN Trần Nam Trung cho 2 trung đoàn Q761 và Q762 theo Trung ương cục dạt qua mặt trận B1 (tức là bên kia biên giới Cam Bốt), còn Trung đoàn 3 và một phần của Chỉ huy sở Trung ương Cục “hòa tan” vào dân chúng (Ban ngày là công dân VNCH, ban đêm là cán binh CSVN).

Năm 1966, ngày 14-9, quân đội Hoa Kỳ mở cuộc hành quân mang tên “Attleboro” đánh vào vùng mật khu Dương Minh Châu, phía Tây tỉnh lỵ Tây Ninh.  Cuộc hành quân kéo dài 2 tháng, kết quả chỉ là chạm súng lẻ tẻ với các đơn vị du kích địa phương. Hầu hết là du kích bắn sẻ vào đoàn quân trước khi quân HK tiến vào làng.  Nhưng sau khi gọi phi pháo quân HK tấn công vào làng thì quân du kích đã biến mất; chỉ thấy người già, phụ nữ và trẻ con đang nấp dưới các hầm tránh bom.

Năm 1966, cuối năm, theo tự truyện của Tướng CSVN Lê Đức Anh:  

“… cuối năm 1966 ông được Trung ương gọi ra miền Bắc báo cáo tình hình mọi mặt của chiến trường Miền Nam.  Sau đó đồng chí Lê Duẩn cử ông là thành viên của phái đoàn Việt Nam do Thủ tướng Phạm Văn Đồng dẫn sang Trung quốc.  Cùng đi trong đoàn có cả ông Lý Ban là Thứ trưởng Bộ Ngoại thương Việt Nam…”

“Khi gặp đoàn Mao chủ tịch hỏi: ‘Hiện nay cách mạng ở Miền Nam của các đồng chí có khó khăn gì?’…  Ông Anh cũng trả lời ‘“… hiện nay có khó khăn rất lớn là xe tăng và máy bay của Mỹ rất nhiều nhưng Việt Nam thiếu vũ khí chống tăng, đánh máy bay và đánh tàu thủy; thiếu đô la để mua gạo ở Căm Pu Chia và Thái Lan là chủ yếu, mà mua bên đó phải mua bằng đồng đô la.’ ”  

“Nghe ông báo cáo vậy, ông Mao liền chỉ tay vào các quan chức, những người dưới quyền ông đang có mặt tại đó: ‘Hãy giải quyết cho các đồng chí Việt Nam súng đạn và tiền!’ ”(Khuất Biên Hòa, Đại tướng Lê Đức Anh, trang 73).

Năm 1967, tháng giêng. Trích sách “Victory Lost” của giáo sư Stephen Young, Phụ tá đặc biệt của đại sứ Mỹ Ellswoth Bunker:

 “Câu chuyện của tôi khởi đầu từ năm 1967.  Vào tháng giêng năm này, Tổng thống Lyndon Johnson đã bổ nhiệm ông Ellsworth Bunker làm đại sứ Hoa Kỳ tại Sài Gòn với nhiệm vụ bí mật chuẩn bị việc Hoa Kỳ rút quân chiến đấu ra khỏi Miền Nam Việt Nam” (Bản dịch của Nguyễn Vạn Hùng, trang 27).

Năm 1967, những ngày đầu tháng Giêng, quân đội HK mở cuộc hành quân mang tên “Cedar Falls” tại vùng mật khu Tam Giác Sắt của CSVN (Ranh giới 3 tỉnh: Tây Ninh, Bình Dương và Bình Long.  Lực lượng tham dự gồm các đơn vị thuộc Sư đoàn 1 Bộ binh HK, Lữ đoàn 173 Dù HK, Sư đoàn 25 Bộ binh HK, Sư đoàn 4 Bộ binh HK, Lữ đoàn khinh chiến 196 HK, Trung đoàn 11 Thiết giáp HK.  Phối hợp với Lữ đoàn 1 Dù VNCH, Trung đoàn 7 và 8 của Sư đoàn 5 Bộ binh VNCH và 1 tiểu đoàn Biệt động quân VNCH.

Cuộc hành quân kéo dài 18 ngày nhưng kết quả hành quân cũng chỉ chạm súng lẻ tẻ với các đơn vị du kích CSVN.

Năm 1967, ngày 22-2, quân đội HK mở cuộc hành quân mang tên “Junction City,” kéo dài 3 tháng trong khu vực Chiến Khu C của CSVN.  Lực lượng hành quân khoảng 25.000 người; gồm các đơn vị thuộc Sư đoàn 1/BB, Sư đoàn 25/BB, Lữ đoàn 173 Dù, Lữ đoàn 196 Khinh binh, Lữ đoàn 199 Khinh binh, Lữ đoàn 3 thuộc Sư đoàn 4/BB, 1 Lữ đoàn thuộc Sư đoàn 9/BB, Trung đoàn 11 Thiết giáp và 17 tiểu đoàn Pháo binh. Phối hợp với 2 trung đoàn thuộc Sư đoàn 5 VNCH.

Kết quả Trung ương cục CSVN trốn qua bên kia biên giới Cam Bốt, 100 cơ sở du kích địa phương bị phá hủy với 2.728 chết, 34 bị bắt, 139 xin ra hàng.  Phía HK có 270 chết và 1.500 bị thương. Tịch thu 194 vũ khí các loại.

Hồi ký của Tướng Westmoreland cho rằng 3 trung đoàn của CSVN đã bị đánh tan với bằng chứng là 2.728 xác chết, nhưng tự truyện của Tướng Lê Đức Anh cho biết thực ra 2 trung đoàn đang sống nhởn nhơ bên kia biên giới, còn lại 1 trung đoàn ban ngày là dân VNCH, ban đêm là du kích CSVN.

Con số 2.728 xác chết so với 194 vũ khí bị tịch thu đã chứng minh được rằng hằng ngàn xác chết không có súng.  Như vậy không phải là đánh trận, mà là tấn công vào khu dân cư của CSVN.  Dĩ nhiên tất cả đều là cán binh Cộng sản, nhưng là những cán binh không có súng.  Còn con số 270 lính Mỹ chết và 1.500 bị thương thì có nghĩa là chết vì bị bắn tỉa và bị thương vì đạp hầm chông.

.

Johnson cầu hòa, Lê Duẩn không cho hòa

 

Năm 1967, ngày 8-2, Tổng thống Hoa Kỳ Lyndon B.Johnson gởi một bức thư cầu hòa cho ông Hồ Chí Minh:

“Thưa ngài. Tôi viết cho ngài với niềm hy vọng là cuộc chiến Việt Nam có thể chấm dứt.  Cuộc chiến này gây tổn thất nặng nề – về sinh mạng, về thương tích, về tài sản và tình trạng khốn khó của con người.  Nếu chúng ta không tìm được một giải pháp hòa bình và công chính, lịch sử sẽ nghiêm khắc phán xét chúng ta.” (Hồ sơ lưu trữ Quốc gia Hoa Kỳ.  Giáo sư Lê Văn Khoa trích dịch và đăng trong tác phẩm “Việt Nam 1945-1995”, trang 526).

Lúc này ông Hồ Chí Minh không còn họp Bộ chính trị cho nên bức thư tới tay Lê Duẩn, ông ta biết là Mỹ đã thối chí trong khi Hà Nội chưa ra quân.  Một mặt Lê Duẩn cầm thư này đi Bắc Kinh và Mạc Tư Khoa để vay thêm viện trợ, một mặt lên kế hoạch chuẩn bị Tổng tấn công chiếm Miền Nam.  Đồng thời trả lời cho Johnson:

Chỉ sau khi có sự chấm dứt vộ điều kiện các vụ oanh tạc và các hành động gây chiến khác của Mỹ chống VNDCCH thì VNDCCH và nước Mỹ mới ngồi vào bàn thương thuyết và thảo luận các vấn đề liên quan tới hai bên.”

“Nhân dân Việt Nam sẽ không bao giờ chịu khuất phục trước sức mạnh, họ sẽ không bao giờ chịu thương thuyết trước sức mạnh của bom đạn. Chính nghĩa của chúng tôi tuyệt đối đúng.  Hy vọng rằng Chính phủ Mỹ sẽ hành động theo lý trí”. (Hồ sơ lưu trữ Quốc gia Hoa Kỳ.  Giáo sư Lê Văn Khoa trích dịch và đăng trong tác phẩm “Việt Nam 1945-1995”, trang 528).

Bức thư trả lời đã có một ý nghĩa rất ngắn gọn là “Hoa Kỳ phải ngưng chiến vĩnh viễn trước khi hòa đàm chứ không phải dùng hòa đàm để xin ngưng chiến.”  Đây là một câu từ chối ngưng chiến, bởi vì ngưng chiến vĩnh viễn thì còn gì nữa đâu mà hòa đàm.  Hơn nữa, đơn phương ngưng chiến vô điều kiện thì có nghĩa là đầu hàng.

Và câu kết luận: “Hy vọng rằng chính phủ Mỹ sẽ hành động theo lý trí” là một câu vô cùng bất lịch sự đối với một công hàm Ngoại giao.

Năm 1967, tháng 2, bên kia biên giới Miên.  Tướng Nguyễn Chí Thanh, Bí thư Trung ương cục Miền Nam bị thương trong một trận thả bom của B52, ông được đưa ngay ra Hà Nội chữa trị.

Khi Nguyễn Chí Thanh về tới Hà Nội thì cũng là lúc Lê Duẩn bắt đầu lên kế hoạch đánh chiếm Miền Nam.  Từ đó hai ông cựu trùm của xứ Nam Bộ là Lê Duẩn và Phạm Hùng phối hợp với ông Bí thư Trung ương cục Miền Nam Nguyễn Chí Thanh cùng nhau bàn bạc về phương án tác chiến cho chiến dịch “Tổng công kích Tết Mậu Thân.”

Năm 1967, ngày 9-7, Tài liệu của CIA:

“… Loan bắt được một đường giây với MTGP do việc cảnh sát bắt được một cán bộ cấp thấp của MT là Trương Đình Tòng. Anh ta mang một lá thư của Trần Bạch Đằng gởi đại sứ Bunker đề nghị trao đổi tù nhân. Đại sứ Bunker yêu cầu Thiệu giúp đồng thời làm việc với Loan” (Tướng Nguyễn Ngọc Loan là trùm mật vụ của VNCH.  Ông Trần Bạch Đằng là Ủy viên thường trực của Trung ương cục Miền Nam).”

“Ngày 9/7/67 Loan giao Trương Đình Tòng cho CIA để trả về Cục R theo đường Củ Chi. Hơn 10 ngày sau Tòng trở lại mang thư của Trần Bạch Đằng cho biết sẵn sàng nói chuyện với Hoa Kỳ về việc trao đổi tù nhân…  ngày 28/9 CIA đưa Tòng về cục R qua biên giới Việt Miên. CIA yêu cầu tướng Westmoreland ngưng tấn công trong vùng đó 24 giờ để bảo đảm an toàn cho Tòng.” (CIA and The Generals, bản dịch của Trần Bình Nam).

Năm 1967, ngày 21-7, một chính trị gia Pháp là Raymond Aubrac đi cùng với một nhà khoa bảng chính trị Pháp tên là Marcovich đến Hà Nội để tìm cách dàn xếp một cuộc tiếp xúc giữa Hà Nội và Washington.  Chuyến đi này được sự ủy quyền của Tổng thống Johnson qua một nhân vật trung gian là giáo sư Kissinger.  Chuyến đi cũng được sự chấp thuận của Tổng thống Pháp De Gaule.

Aubrac là bạn của ông Hồ Chí Minh thời ông Hồ sinh sống tại Pháp.  Tuy nhiên chuyến đi cầu nối của Aubrac không thành công vì sự thực Hồ Chí Minh không có quyền lực, trong khi Lê Duẩn đang chuẩn bị đánh chiếm Miến Nam vào đầu năm 1968).

Năm 1967, “Đầu tháng 12/67 Bunker đích thân gặp Thiệu và thuyết phục Thiệu đồng ý trả tự do cho 3 người gồm bà Mai Thị Vàng, vợ của Trần Bạch Đằng và…, bà theo một đoàn xe của quân đội Mỹ đi Tây Ninh và được thả dọc đường, nơi có hẹn trước vào ngày 5/1/68. Ngày 18/1 Tòng trở lại cho biết MTGP sẽ trả tự do cho 2 tù nhân Mỹ và 14 tù nhân Việt Nam.” (CIA and The Generals, bản dịch của Trần Bình Nam).

.

 

(11) CHUẨN BỊ TRẬN MẬU THÂN

 .

Nội bộ CSVN trước trận Mậu Thân

.

Năm 1967, ngày 5-7, Tướng CSVN Nguyễn Chí Thanh đến chào Chủ tịch HCM để chuẩn bị lên đường trở lại Trung ương cục Miền Nam sau 5 tháng điều trị vết thương do một trận B52 dội bom tại Cam Bốt. Không ngờ chiều hôm đó ông bị lên cơn nhồi máu cơ tim và chết tại bệnh viện vào sáng hôm sau.

Cái chết của Tướng Nguyễn Chí Thanh được giữ bí mật cho đến năm 1984 sau khi ông Hoàng Văn Hoan đào thoát sang Trung Quốc và viết hồi ký tố cáo Lê Duẩn giết Nguyễn Chí Thanh bằng thuốc độc.  Để phản biện, Lê Duẩn cho người viết sách kể rõ về cái chết của Nguyễn Chí Thanh với lời chứng của gia đình Tướng Thanh.

Năm 1967, tháng 7, sau đám tang Tướng Thanh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp và vợ đi nghỉ mát dài hạn tại Hungaria.  Sau này Lê Duẩn giải thích với các tướng tá là để đánh lừa tình báo của Hoa Kỳ trong kế hoạch tổng tấn công vào dịp Tết Mậu Thân.

Trước khi lên đường Tướng Giáp phải viết sẵn một bài báo nhan đề “Chiến thắng vĩ đại, trách vụ to lớn.”  Bài viết được đăng báo và đọc trên đài phát thanh vào giữa tháng 9 năm 1967 để cho CIA in trí rằng Tướng Giáp không hề nghĩ đến chiến tranh.

Năm 1967, ngày 16-7, Phó thủ tướng Phạm Hùng lên đường vào Nam thay Nguyễn Chí Thanh làm Bí thư Trung ương cục Miền Nam, đồng thời sắp đặt kế hoạch chuẩn bị cho trận Mậu Thân. Cùng đi với Phạm Hùng là Trung tướng Nguyễn Văn Vịnh, Thường trực quân ủy Trung ương CSVN. Sau khi Tướng Vịnh lên đường, ngày 27-7 lý thuyết gia của nhóm “Xét lại chống đảng” Hoàng Minh Chính bị bắt.

*(Tướng Vịnh là một tướng thân cận của Võ Nguyên Giáp.  Lê Duẩn đưa ông vào Nam là để cô lập băng nhóm “xét lại chống đảng” của VNG.  Tướng Vịnh chỉ trở lại Hà Nội 1 tháng trước khi trận Mậu Thân khai diễn. Và ông bị cách chức 6 ngày sau khi nổ ra trận Mậu Thân).

Năm 1967, ngày 24-7, Ông Hồ Chí Minh và Thủ tướng CSVN Phạm Văn Đồng tiếp hai sứ giả hòa bình của Tổng thống Jonhson là Raymond Aubrac và Herbert Marcovich.  Aubrac là người quen biết với HCM thời 1946, khi HCM tham dự hội nghị Fontainebleu có trú ngụ tại nhà của Aubrac.

Lúc HCM tiếp kiến hai sứ giả thì Tướng Nguyễn Chí Thanh vừa mới chết vì bệnh tim trước đó hai tuần; và Tướng Võ Nguyên Giáp bị đưa đi “nghỉ mát” tại Đông Đức. Theo tài liệu của Lưu văn Lợi thì hai bên đã gần như thỏa thuận các chi tiết thực hiện đàm phán với điều kiện Johnson phải tuyên bố ngưng ném bom Bắc Việt.

Năm 1967, ngày 25-8, Aubrac và Marcovich chuyển tới đại diện của Hà Nội tại Paris thông điệp sẵn sàng ngưng ném bom của Tổng thống Johnson.  Tuy nhiên lời nhắn của Tổng thống HK Johnson không được đáp ứng.  Bởi vì Lê Duẩn đang chuẩn bị đánh trận Mậu Thân.  Trong khi đó Tướng Võ Nguyên Giáp và Chủ tịch Hồ Chí Minh bị đưa đi xa khỏi Hà Nội để giữ bí mật tuyệt đối cho kế hoạch.

*(Các cuộc họp Bộ chính trị để bàn về kế hoạch tấn công sẽ không có mặt hai ông.  Ông Giáp chỉ biết được kế hoạch tấn công sau đó hơn 5 tháng, nghĩa là chỉ 1 ngày trước khi trận đánh bắt đầu.  Và hồi ký của Hoàng Văn Hoan cũng cho thấy ông ta chẳng biết gì trước và sau trận Mậu Thân.  Những gì ông ta viết lại về thời kỳ này đều là những gì ông nghe được trên Đài phát thanh Hà Nội).

Năm 1967, ngày 5-9, sau khi dự lễ Quốc Khánh CSVN, Chủ tịch Hồ Chí Minh lên đường đi Bắc Kinh để chữa bệnh.  Tuy nhiên việc chữa bệnh của ông cũng giống như việc nghỉ mát của Tướng Võ Nguyên Giáp, chỉ là cái cớ bên ngoài, còn sự thực bên trong là Bộ chính trị CSVN tổng thanh toán phe nhóm “Xét lại chống đảng” mà Võ Nguyên Giáp là người cầm đầu. Ngày 18-10-1967, cựu thư ký riêng của HCM là Vũ Đình Huỳnh bị bắt.

Năm 1967, ngày 11-9, Thứ trưởng Ngoại giao CSVN Mai Văn Bộ chuyển cho Aubrac và Markocich thư của Hà Nội trả lời thông điệp ngày 25-8 của Tổng thống Johnson: Hà Nội kiên quyết bác bỏ đề nghị đàm phán nếu Mỹ không ngưng ném bom Bắc Việt.

Ngày 11-9-67, Tổng thống Johnson trả lời thư của Hà Nội: HK sẵn sàng ngưng ném bom để đàm phán nếu Hà Nội cam kết không lợi dụng việc ngưng ném bom để chuyển quân vào Miền Nam.  Ngày 29-9-67, Hà Nội bác bỏ đề nghị của Johnson. Nghĩa là không cam kết sẽ không đưa quân vào Nam.

Năm 1967, ngày 20-9, từ Hungaria Tướng Võ Nguyên Giáp gửi thư cho Đại tá Nguyễn Văn Hiếu, Chánh văn phòng bộ TTM/CSVN, để hỏi thăm tình hình tại Hà Nội.

Ngày 11-11-1967, Tướng Võ Nguyên Giáp lại gửi thư cho Đại tá Hiếu, hỏi thăm về số phận của cá nhân ông: “Lúc về sẽ bố trí ăn ở làm việc như thế nào?” (Huy Đức, Bên Thắng Cuộc, Chương XV).

Năm 1968, ngày 6-1; Đại tá Lê Trọng Nghĩa Cục trưởng Cục tình báo CSVN, bị bắt cùng với cục trưởng Cục tác chiến Đỗ Đức Kiên; Đại tá Lê Minh Nghĩa, Phó văn phòng Bộ TTM CSVN… Riêng Đại tá Nguyễn Văn Hiếu, Chánh văn phòng Bộ TTM, bị đưa đi an trí tại Học viện Quân sự Tam Đảo.

Năm 1968, ngày 29-1, Tướng Võ Nguyên Giáp được phép trở về Hà Nội.  Ngày 30-1, ông được Đại tá Vũ Lăng, Cục trưởng cục Tác chiến, báo cáo về kế hoạch tồng công kích tại Miền Nam sẽ khai diễn vào ngày mai.  Như vậy Tướng Võ Nguyên Giáp hoàn toàn không dính dáng đến trận tổng tấn công Mậu Thân, trái với các sách vở quân sự hiện đang lưu hành tại Hoa Kỳ.

Năm 1968, ngày 6-2, Trung tướng Nguyễn Văn Vịnh, Thứ trưởng bộ quốc phòng, bị cách chức vì có liên quan đến vụ “âm mưu chống Đảng” mà người ta nghi là do Võ Nguyên Giáp cầm đầu.

Những người thân cận của Tướng Giáp như Tướng Đặng Kim Giang, Tướng Lê Liêm, Đại tá Nguyễn Trọng Nghĩa, Đại tá Đỗ Đức Kiên, Đại tá Lê Minh Nghĩa… đều bị bắt.  Theo hồi ký của Vũ Thư Hiên thì những người này bị ép phải khai ra là do Võ Nguyên Giáp lãnh đạo.

.

Trung ương cục Miền Nam trước trận Mậu Thân

 

Năm 1967, tháng 10, Lê Duẩn cử Tướng Hoàng Văn Thái vào Mặt trận B2 (Miền Đông Nam Bộ)  làm Tư lệnh quân Giải phóng Miền Nam để soạn thảo kế hoạch cho trận tổng công kích Mậu Thân.  Theo hồi ký của Mai Chí Thọ thì Hoàng Văn Thái chỉ bàn thảo kế hoạch với Nguyễn Văn Linh; còn ông và Võ Văn Kiệt, Trần Bạch Đằng chỉ biết trước có 5 ngày.

Trong khi đó tại Tây Nguyên Tướng Hoàng Minh Thảo lên làm Tư lệnh Mặt trận Tây Nguyên thay thế Tướng Chu Huy Mân từ Tây Nguyên về chỉ huy vùng duyên hải Quân khu 5 (các tỉnh Nam Ngãi Bình Phú).

Không hiểu Lê Duẩn chỉ thị như thế nào mà Tướng Hoàng Minh Thảo vừa mới nhận nhiệm vụ đã tập trung 2 sư đoàn đánh một trận lớn với quân Hoa Kỳ tại Dak Tô khiến cho 2 sư đoàn bị tan tành trước tết Mậu Thân có 2 tháng.

Có thể là Lê Duẩn muốn đánh lừa để Tướng Westmoreland lo tập trung đối phó tại rừng núi Cao Nguyên mà mất cảnh giác tại các thành thị trên khắp Miền Nam.  Nhưng cũng có thể là Lê Duẩn quyết định đánh chiếm tỉnh Kontum và tiến xuống Bình Định để cắt đôi lãnh thổ VNCH làm tiền đề cho trận tổng công kích Mậu Thân.

Ngày 19-10-1967, khi trận Dak-Tô chưa khai diễn,  Hà Nội tuyên bố hưu chiến trong 7 ngày để nhân dân ăn tết, bắt đầu từ ngày 30-1-1968.  Để đáp lại thiện chí của CSVN, Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu cũng tuyên bố hưu chiến trong 3 ngày tết.

Ngày 31-12-1967 Bộ trưởng Ngoại giao CSVN Nguyễn Duy Trinh tuyên bố nếu Hoa Kỳ chịu tuyên bố ngưng ném bom một cách vô điều kiện thì Hà Nội sẵn sàng bước vào bàn đàm phán.  Đây cũng chỉ là động tác giả của Lê Duẩn nhằm đánh lừa Washington.

Năm 1967, ngày 28-12, Bộ chính trị CSVN ra nghị quyết: “Chuyển cuộc chiến tranh cách mạng Miền Nam của ta sang một thời kỳ mới – Thời kỳ giành thắng lợi quyết định.” Lúc này Chủ tịch Hồ Chí Minh vừa từ Bắc Kinh trở về nước vào ngày 23-12.  Sau hội nghị thì ông lên đường trở lại Bắc Kinh tiếp tục chữa bệnh.  Còn Đại tướng Võ Nguyên Giáp vẫn còn đang “tham quan” nước Hung-Ga-Ri.

Tháng Giêng năm 1968 Hội nghị Trung ương ĐCSVN thông qua nghị quyết của bộ chính trị:

“Nhiệm vụ trọng đại và cấp bách của ta trong thời kỳ mới là động viên những nỗ lực mới nhất của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta ở cả hai Miền, đưa cuộc chiến tranh cách mạng của ta lên bước phát triển cao nhất, dùng phương pháp tổng công kích, tổng khởi nghĩa để giành thắng lợi quyết định.” (Đặng Vũ Hiệp, Ký ức Tây Nguyên, trang 263). 

Năm 1968, ngày 30-1, Tài liệu của CIA:  “Ngày 30/1, cộng sản mở cuộc tấn công Mậu Thân, nhưng Hoa Kỳ vẫn không lơ là theo dõi việc trao trả tù nhân.  Ngày 3/2 Miller gặp Thiệu yêu cầu Thiệu thả thêm tù nhân đế đáp lễ MTGP. Theo một danh sách của Miller thì CSVN đã trả tự do cho 70 quân nhân Mỹ Việt trong khi phía VNCH mới thả 40 tù nhân bị thương và bệnh hoạn.” (CIA and The Generals, bản dịch của Trần Bình Nam).

Cũng theo “CIA and The Generals” thì Miller đến gặp Phó Tổng thống Nguyễn Cao Kỳ và cho biết CSVN tổng công kích là để tạo điều kiện cho cuộc thương thuyết (sic). Miller khuyên phía Việt Nam hãy thả thêm tù nhân, Kỳ hứa sẽ thảo luận thêm với Thiệu.

Năm 1968, ngày 22-2, hai mươi ngày sau khi trận Mậu Thân bùng nổ khắp nước, người sứ giả móc nối của CSVN tên Tòng được thả cùng với 4 người khác.  Sau đó Tòng bị Trần Bạch Đằng thủ tiêu để giữ bí mật chuyện bắt tay với CIA.

.

 

(12) SAU TRẬN MẬU THÂN

.

Kết quả trận Mậu Thân nhìn từ phía CSVN

.

Hồi ký của ông Mai Chí Thọ, Ủy viên Bộ chính trị CSVN, đã dành 1 chương với tiêu đề “Cái giá phải trả do sai lầm chủ quan của chúng ta sau trận Mậu Thân 1968.” Ông viết:

“Lực lượng võ trang mà ta đã bí mật mai phục ở Miền Đông Nam bộ sau Hiệp định Geneve (Cũng là lực lượng chủ lực đánh trận Tua Hai), trong chiến tranh chống Mỹ, phát triển thành Trung đoàn chủ lực của Miền Đông Nam bộ, đã bị tiêu hao gần hết trong và sau Mậu Thân.”

“Lúc đó đồng chí Võ Văn Kiệt, đồng chí Trần Bạch Đằng và tôi đã báo cáo tình hình thực tế về Trung ương Cục.  Cả ba chúng tôi cùng ký vào bức điện đề nghị chuyển hướng mục tiêu, không nên tiếp tục tổng công kích, tổng khởi nghĩa nữa, nhất là đánh vào Sài Gòn và các đô thị.” (Mai Chí Thọ, Theo Bước Chân Lịch Sử, trang 173).

Và tự truyện của Đại tướng Lê Đức Anh cũng thú nhận:

“Tôi có gặp anh Trần Bạch Đằng (Anh Trần Bạch Đằng cùng ở Tiền phương 2 với anh Võ Văn Kiệt), anh Linh cũng đang có mặt tại đây.  Tôi đề xuất không nên mở đợt 2 đánh vào nội đô nữa vì không còn yếu tố bí mật bất ngờ…”

“Sau đợt 2, tôi đề nghị dứt khoát thôi, rút ra.  Dân chỉ giúp đỡ chứ không ‘nổi dậy’ thì quân ta không ở nữa, rút ra!  Riêng biệt động thành ở lại thực hiện ‘điều lắng’ (tan, hòa tan vào dân).  Anh Linh lặng im và đồng ý.  Hồi đó, làm việc ở R (rờ) ‘làm thinh là đồng ý’…” (Khuất Biên Hòa, Đại tướng Lê Đức Anh, trang 90, 91Cơ quan Rờ tức là Trung ương Cục Miền Nam).

Sách lịch sử “Quân Khu 9, 30 Năm Kháng Chiến” của nhà xuất bản Quân đội Nhân dân:

“Sau Mậu Thân 1968,… do ta chuyển hướng không kịp, nhất là các tỉnh vùng trung tâm sông Hậu, nên chủ lực và địa phương tổn thất nặng nề. Mỗi tiểu đoàn xuất quân chiến đấu đông tới bốn, năm trăm người, đến lúc rút ra củng cố, tổ chức lại chỉ còn không đầy một trăm.  Có tiểu đoàn khi đi vào tiến công đô thị trên hai trăm xuồng, khi trở về chỉ còn lẻ tẻ vài chục xuồng, mỗi xuồng vài ba người…”

“Cả khu 9 có 50 xã (trong số 250 xã) đảng viên bỏ chạy ra khỏi địa bàn xã; 40 xã mỗi xã chỉ có 1, 2 đảng viên, không có chi bộ.  Đầu năm 1968 lực lượng du kích xã, ấp toàn Khu có 45.000.  Đến cuối 1969 chỉ còn 6.500 người.”

“Tỉnh Cà Mau có 13 xã giải phóng nhưng chỉ thu được có 7 tân binh bổ sung cho bộ đội chủ lực Khu, 6 người bổ xung cho bộ đội Huyện.  Trong khi đó toàn khu (Chưa tính Vĩnh Trà) có 12.000 chiến sĩ bỏ ngũ về nhà.  Còn ở Vĩnh Trà tình hình cũng tương tự như vậy…”

Nghị quyết 21/BCHTU ngày 13-10-1973 của ĐCSVN kiểm điểm về trận Mậu Thân:

“Qua đợt tiến công nổi dậy 68, cả thế và lực của ta bị tổn thất nghiêm trọng.  Lực lượng vũ trang nói chung, lực lượng đặc công biệt động nói riêng thiệt hại nặng nề…”

“… nhiều đơn vị lực lượng vũ trang địa phương cũng như chủ lực, các cơ quan lãnh đạo, chỉ huy các mặt trận, các địa phương phải cơ động lên biên giới, sang đất bạn tạm trú đóng quân, xốc lại đội hình, bổ sung người, vũ khí tiếp tục chiến đấu.”.

“Nguyên nhân của tình trạng nói trên là do ta chủ quan trong đánh giá tình hình, nên đã đề ra yêu cầu chưa sát với tình hình thực tế.”

Tài liệu “Tổng Kết Cuộc Kháng Chiến Chống Mỹ Cứu Nước” phát hành tại Hà Nội năm 1996 ghi nhận:

“Sau đợt Tổng tiến công Tết…  chủ lực ta bị đẩy xa các thành phố, thị xã, các bàn đạp tấn công bị mất, lực lượng, vũ khí, trang bị kỹ thuật, lương thực, thực phẩm và thuốc men bị tiêu hao nhiều chưa được bổ sung, sức chiến đấu của bộ đội giảm sút…”

“… Tình trạng mất dân, mất đất đã diễn ra ở nhiều nơi, vùng giải phóng và vùng tranh chấp bị thu hẹp.  Do mất dân, mất đất nên lực lượng vũ trang không những không duy trì được thế đứng chân mà quân số nhiều đơn vị ngày một giảm dần…”

Hồi ký của Tướng CSVN Đặng Vũ Hiệp ghi lại tình hình tại Tây Nguyên sau Mậu Thân:

“Quân và dân Tây Nguyên bước vào năm 1969 gặp muôn vàn khó khăn, có lúc tưởng chừng không thể khắc phục được, nhất là lương thực…  Nguy cơ thiếu đói là không thể tránh khỏi đối với cán bộ, chiến sĩ Tây Nguyên.” (Trang 273).

Và cuối cùng là tự truyện của ông Võ Văn Kiệt do Huy Đức ghi:

Trong Chiến dịch Mậu Thân, ông Võ Văn Kiệt ở Sở chỉ huy Tiền Phương, vào sát cửa ngõ Sài Gòn. Tiền phương của Sài Gòn cũng nhận được những lệnh liên tiếp tập kích vào đô thị để “giành thắng lợi tối đa.”

“Mậu Thân quả là đã gây được những tiếng vang chính trị trong lòng nước Mỹ, nhưng những người trực tiếp ở chiến trường như ông đã phải chứng kiến sự hy sinh quá lớn. Ông nói: ‘Lúc đó tôi đau đến mức nhiều lần bật khóc.’ Hơn 11 vạn quân giải phóng đã hy sinh trên toàn chiến trường. Phần lớn căn cứ địa Quân Giải phóng ở nông thôn đã trở thành ‘đất trắng.’ ” (Huy Đức, Hiện tượng Võ Văn Kiệt, chương 1).

Theo thống kê của quân đội VNCH căn cứ theo lời khai của các tù binh trên 34 mặt trận xảy ra trên toàn quốc vào Tết Mậu Thân thì toàn bộ quân CSVN trước khi tham gia trận chiến là 85.000 quân, không kể 1 sư đoàn chính quy tại Tây Nguyên và 2 sư đoàn tại Khe Sanh.  Như vậy con số hơn 11 vạn của ông Võ Văn Kiệt có nghĩa là quân CSVN đã hoàn toàn chết hết.

.

Kết quả trận Mậu Thân nhìn từ phía Mỹ

 

Trước tết Mậu Thân 2 tháng, Tướng Tư lệnh quân đội Mỹ tại VN là Westmoreland về Mỹ công tác.  Ngày 19-11-1967 ông họp báo tại Washington và tuyên bố tình hình quân sự tại Việt Nam đã ổn định, chương trình bình định phát triển nông thôn là bước tiến tiếp theo để quân đội Hoa kỳ có thể rút ra khỏi Việt Nam trong tư thế chiến thắng.

Và rồi cho tới ngày 31-1-1968 thì trận Mậu Thân diễn ra trên toàn quốc, Tướng Wesmoreland họp báo trấn an dư luận rằng với tầm cỡ của một cuộc chiến rộng lớn như thế này, quân CSVN chắc chắn sẽ chuốc lấy thất bại.  Tuy nhiên báo chí đã tung tin ngược với lời tuyên bố của Westmoreland:

“Dường như người ta nói láo bằng một sự bênh vực mỹ miều và một chiến thắng ngoạn mục mà Westmoreland cùng nhiều người khác muốn tô điểm”; “Westmoreland đang đứng trên đống gạch vụn mà dám huênh hoang rằng mọi thứ sẽ tốt đẹp…” (Hồi ký của Westmoreland, bản dịch của Duy Nguyên trang 470).

Một tuần sau trận Mậu Thân, Ngày 8-2-1968 Thượng nghị sĩ Robert Kennedy mở màn cuộc tranh cử chức tổng thống Hoa Kỳ với lời tuyên bố:

“Đã đến lúc Hoa Kỳ phải đối diện với sự thật rằng một cuộc chiến thắng bằng quân sự chẳng bao giờ tìm thấy được và sẽ chẳng bao giờ xảy ra.”

Ba ngày sau đó, bình luận gia của đài truyền hình CBS Hoa Kỳ là Walter Cronkite đến Việt Nam để quan sát tình hình sau trận Mậu Thân.  Khi trở lại Hoa Kỳ ông  phát biểu trên đài truyền hình rằng:

“Hoa Kỳ đã lún sâu vào chỗ không lối thoát”“Đó là hậu quả của một cuộc chiến bi thảm… Tôi sẽ làm mọi thứ có thể làm được để chấm dứt cuộc chiến.”

*[Cũng ông ký giả Walter Cronkite này, 39 năm sau, ông ta đến Hà Nội để làm phóng sự truyền hình.  Hà Nội sắp xếp cho ông ta được tiếp xúc với Tướng Võ Nguyên Giáp đã 95 tuổi.  Tướng Giáp cười ha hả khi nghe Cronkite hỏi thăm về chiến thắng vĩ đại của ông trong trận Mậu Thân, ông thú thực với Cronkite:

Cho tới nay chúng tôi vẫn không hiểu nổi tại sao người Mỹ các anh lại chấm dứt thả bom Hà Nội (1972). Các anh đã tròng cổ được chúng tôi rồi.  Nếu các anh nhấn thêm một chút nữa, chỉ một hoặc hai ngày nữa, chúng tôi đã sẵn sàng đầu hàng.  Cũng giống như trận tết Mậu Thân, các anh đã đánh bại chúng tôi rồi.” (Cuộc phỏng vấn được truyền trên đài truyền hình CBS ngày 8-12-2007)].

Hai tuần sau trận Mậu Thân, Tướng Tổng tham mưu trưởng liên quân Mỹ là Earle Wheeler đến Sài Gòn để lượng giá yêu cầu tăng quân của Westmoreland, sau đó ông trở về Mỹ và tỏ ra bi quan:

“Wheeler cho rằng trong đợt tấn công đầu tiên, cộng quân gần như đã thành công trong việc chiếm giữ hằng chục thành phố, thị trấn, điều đó có nghĩa là, hy vọng một cuộc chiến thắng bằng quân sự của phe đồng minh còn trong mong manh, xa vời.” (Stephen Young, Victory Lost, bản dịch của Nguyễn Vạn Hùng, trang 204).

Mặc dầu Washington rất tin tưởng Westmoreland nhưng bắt buộc phải nghi ngờ về những cam đoan của Tướng Westmoreland.  Họ nghĩ rằng mọi chuyện đã vuột khỏi tầm tay của ông Tướng.  Sau đó MacNamara từ chức Bộ trưởng Quốc phòng và tướng Westmoreland rời nhiệm sở tại Việt Nam là những bằng cớ hiển nhiên cho thấy Washington nghĩ rằng họ đã thua đậm.  Vấn đề còn lại là trình diễn màn thua sao cho coi được.

Năm 1968, ngày 26-2, “Cơ quan tình báo CIA tại Hoa Thịnh Đốn đã đệ nạp chính phủ một bản nghiên cứu tổng hợp nhằm tái lập chính sách tại Miền Nam Việt Nam từ A đến Z.  Bản báo cáo này đưa ra nhận định rằng chính quyền Miền Nam Việt Nam quá yếu kém, vì vậy trong tương lai không thể nào đủ khả năng để đương đầu với Cộng sản Hà Nội.

Một bản phúc trình thứ ba, cũng tương tự như thế, CIA cho rằng, trong vài tháng sắp tới, tình hình nguy khốn sẽ xảy ra cả về phía quân đội lẫn chính quyền Miền Nam Việt Nam, vô phương cứu vãn.” (Stephen Young, Victory Lost, bản dịch của Nguyễn Vạn Hùng, trang 185).

Tướng Tổng tham mưu trưởng Liên quân Mỹ là Wheeler trình xin tân Bộ trưởng Quốc phòng Clifford tăng thêm 200 ngàn quân tại VN.  Clifford đã hỏi lại: “Nếu thêm 200 ngàn quân chúng ta có biết chắc là sẽ thắng hay thua không?  Nếu thêm 200 ngàn mà vẫn chưa đủ thì bao nhiêu mới đủ?”

Sau khi không ai trả lời được, Clifford nói với Tổng thống Johnson:

“Vấn đề không phải là nên rút quân hay không, mà là nên theo đuổi chiến tranh Việt Nam hay không?  Nếu không thì rút quân.”

Từ đó con tàu chính trị Mỹ chuyển hướng, tất cả đồng lòng rút quân khỏi Việt Nam bằng phương cách hòa đàm với Hà Nội, nghĩa là buộc phải hy sinh VNCH.  Có hai người cố công đi ngược lại chủ trương này, đó là Nixon và Nguyễn Văn Thiệu, cả hai đều bị lịch sử loại bỏ.

.

(13) MAO TRẠCH ĐÔNG KHÔNG CHO ĐÀM PHÁN

.

Một tháng sau khi trận Mậu Thân bùng nổ, Tư lệnh Quân đội Mỹ tại VN là Westmoreland gởi văn thư xin tăng thêm 206 ngàn quân.  Không may cho ông văn bản này bị một viên chức của Ngũ Giác Đài tiết lộ cho tờ New York Time (Vụ Pentagon Paper).  Dư luận thế giới càng tin chắc là Mỹ đang thua đậm tại VN.  Lê Duẩn phấn khởi ra lệnh tấn công đợt 2 mà không ngờ quân đội CSVN đã chết gần hết sau một tháng tổng tấn công.

 

Mỹ dọn đường đàm phán

Năm 1968, một tháng rưỡi sau trận Mậu thân, ngày 18-3 tại Washington. Đại sứ VNCH tại Hoa kỳ là Bùi Diễm được Tổng thống Johnson mời vào tòa Bạch Ốc vào khoảng 5 giờ chiều.  Bùi Diễm kể lại:

“Lúc ngồi xuống, đối diện sát ông, tôi mới nhận thấy là mới cách đó vài tháng (lần trước tôi gặp ông là tháng 11 năm 1967) mà ông già hẵn đi.  Trông ông có vẻ mệt mỏi, ưu tư hiện rõ trên nét mặt, dường như gánh nặng của chiến tranh Việt Nam đang thử thách sức chịu đựng của ông… 

Trong phòng không một tiếng động.  Bên ngoài trời đã sẩm tối.  Đến khi tôi dứt lời thì Tổng thống Johnson ngồi yên đến hai ba phút rồi mới chậm rãi phát biểu ý kiến.  Ông nói: ‘Nếu chúng ta không thắng thì rắc rối to.  Tôi đã cố gắng hết sức nhưng một mình tôi không thể cầm cự mãi được.’ ” (Bùi Diễm, Gọng Kìm Lịch Sử, trang 363).

Hai ngày sau, 20-3, Đại sứ Bùi Diễm đến gặp tân Bộ trưởng Quốc phòng Clifford.  Ông kể lại:

“Ông không ngần ngại, nói đốp chát, cộc lốc, đi thẳng vào vấn đề… Ông nói: ‘Lúc này không còn phải là lúc dùng những danh từ mỹ miều ngoại giao nữa (We have run out of time for diplomatic niceties)…  Dân chúng Hoa kỳ đã mất hết tinh thần, và sức ủng hộ của chúng tôi có giới hạn… Chúng ta bắt buộc phải tìm ra một giải pháp nào đó, nếu không thì chắc chắn sẽ có tai họa.’ ” (Trang 365).

Vài ngày sau 20-3, Đại sứ Bùi Diễm đến gặp Ngoại trưởng Hoa Kỳ Dean Rusk.  Ông thuật lại lời của Ngoại trưởng: “Chúng tôi không có sự lựa chọn nào khác, và mục tiêu của chúng tôi không còn là thắng lợi quân sự nữa, nhưng là hòa bình trong danh dự.(Trang 366).

Năm 1968, ngày 31-3, Tổng thống Hoa Kỳ Johnson tuyên bố giảm ném bom Bắc Việt và không ra tranh cử tổng thống nhiệm kỳ 2.  Để đáp lại, Hà Nội tuyên bố sẵn sàng gặp nhau tại Paris để thương lượng ngưng bắn.

 .

Mao Trạch Đông không đồng ý cho Hà Nội đám phán

.

Hồi ký của Hoàng Văn Hoan, Ủy viên Bộ chính trị CSVN:

“Ngày 31-3-1968 là ngày cách chiến dịch Mậu Thân vừa đúng hai tháng, Tổng thống Mỹ Giôn-xơn một mặt tuyên bố cuộc ném bom bắn phá miền Bắc chỉ hạn chế từ vĩ tuyến 20 (Nghệ An) trở vào, một mặt chính thức đưa ra kiến nghị muốn đàm phán với Hà Nội, thì ngày 3 tháng 4 năm 1968, Lê Duẩn tự ý tuyên bố sẽ cử Đại biểu đàm phán với Mỹ.

Lúc này Hồ Chủ tịch đang dưỡng bệnh ở Bắc Kinh, Thủ tướng Chu Ân Lai được biết tin này, liền đến hỏi Hồ Chủ Tịch, Hồ Chủ tịch cũng ngẩn cả người ra và nói là không biết gì về việc này…  đáng lẽ Lê Duẩn phải đích thân đến Bắc Kinh báo cáo với Hồ Chủ tịch để cùng trao đổi ý kiến với Trung Quốc, nhưng Lê Duẩn không làm như thế…”

Theo Hoàng Văn Hoan thì ngay từ 1964, khi Mỹ bắt đầu ném bom tại Miền Bắc, thì Lê Duẩn đã muốn hòa đàm nhưng lại sợ Hồ Chí Minh không tán thành (HVH không hay biết là HCM đã mất hết quyền lực).  Cũng theo HVH thì:

“Hồ Chủ tịch nói,… Phải lấy đánh làm chính, đồng thời cũng có thể tỏ ý sẵn sàng đàm phán. Nhưng vấn đề này cần phải được bàn kỹ với các đồng chí Trung Quốc…”

Thực ra HVH không biết rằng BCT/CSVN coi HCM không ra gì.  Sau này Phạm Văn Đồng đã ghi lại trong Bạch Thư của nước CHXHCNVN những động thái của Bắc Kinh nhằm ngăn chặn Hà Nội tiến hành đàm phán với Mỹ:

Trong cuộc hội đàm với Hà Nội vào tháng 4 năm 1968, Bắc Kinh ni:  Lúc này Việt Nam chấp nhận đàm phán chưa phải là thời cơ, và trên tư thế cao, ta đã nhân nhượng một cách vội vã”

“Báo chí Bắc Kinh không đưa tin về đàm phán tại Paris giữa Mỹ và ta nhưng lại nhấn mạnh:  Nhân dân Việt Nam cần giải quyết số phận của mình không phải trên bàn hội nghị mà trên chiến trường…” (Bạch thư của CSVN trang 51).

“Ngày 9-10-1968, một nhà lãnh đạo Bắc Kinh đã gặp Thứ trưởng Ngoại giao ta và nói: Sự thỏa hiệp của Việt Nam với Mỹ là một thất bại lớn, tổn thất lớn đối với nhân dân Việt Nam… Nên để cho Mỹ bắn phá trở lại khắp Miền Bắc. làm như vậy là để Mỹ phân tán mục tiêu oanh tạc, đồng thời chia sẻ bớt khó khăn cho Miền Nam.” (trang 51).

“Ngăn cản nhân dân Việt Nam thương lượng với Mỹ, khuyến khích Mỹ tăng cường ném bom Miền Bắc Việt Nam, đây chính là cái mà tướng Mỹ M. Tây lơ gọi là quyết tâm của những người lãnh đạo Trung Quốc ‘Đánh Mỹ tới người Việt Nam cuối cùng.’ ” (trang 52).

“Ngày 17-10-1968, tại Bắc Kinh, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Cộng Trần Nghị gặp đại diện ta và nói:  Lần này các đồng chí chấp nhận 4 bên đàm phán tức là giúp cho Johson và Humphrey đạt được thắng lợi trong bầu cử… Như vậy giữa hai đảng và hai nước chúng ta còn cần nói chuyện gì nữa.” (Bạch thư của CSVN, trang 52, 53).

Sau đó Bắc Kinh giảm 20% kim ngạch viện trợ cho Hà Nội trong tài khóa 1969.  Đến tháng 8 năm 1969 lãnh đạo Trung Quốc đã hỏi kháy Thứ trưởng Ngoại thương của Hà Nội: “Thế Việt Nam đánh hay hòa để Trung quốc tính việc viện trợ?”  Và quả nhiên trong năm 1970 Bắc Kinh giảm 50% kim ngạch viện trợ cho Hà Nội.

.

Mưu đồ của Mao Trạch Đông

.

Mao Trạch Đông không muốn Hà Nội ngưng chiến bởi vì họ Mao muốn lợi dụng thế bí của Hoa Kỳ trong chiến tranh Việt Nam để làm áp lực buộc Hoa Kỳ phải giải tỏa lệnh bao vây cấm vận Trung Cộng và để cho Trung Cộng hòa nhập với thế giới.  Đồng thời thừa nhận Đài Loan chỉ là một tỉnh của Trung Cộng, trả lại cho Trung Cộng chiếc ghế đồng chủ tịch Hội đồng Liên Hiệp Quốc mà Đài Loan đang nắm giữ.

Sau khi xảy ra xung đột với Liên Xô, họ Mao chỉ còn có cách thương lượng với Hoa Kỳ để giải quyết tình trạng bị thế giới bao vây kinh tế. Và chiến tranh Việt Nam sẽ là một động lực thúc đẩy Hoa Kỳ phải thương lượng với Bắc Kinh.

Trong khi đó tại Mỹ xuất hiện ứng cử viên Nixon với kế hoạch toàn cầu của ông ta, mà trong đó Nixon quan niệm giảm sự căng thẳng trong chiến tranh lạnh để đi đến chung sống hòa bình.  Vì vậy sau khi Nixon thắng cử, tháng 11 năm 1968, Bộ Noại giao Trung Cộng tuyên bố muốn nối lại cuộc đàm phán chung sống hòa bình với Mỹ tại Varsava, thủ đô nước Ba Lan.

Mao Trạch Đông không hề quan tâm tới số phận của Bắc Việt đang bị dội bom, nhưng ông ta quan tâm tới số phận của Trung Quốc:  Sau 17 năm chiến tranh với đế quốc Nhật và nội chiến, tất cả tiềm năng kinh tế của Trung Hoa đã chạy ra Đài Loan, về nhân lực cũng như tài lực, về chất xám cũng như vốn liếng tiền bạc.  Năm 1968 nhân dân Trung Quốc người người bận áo vá, nhà nhà ăn cơm độn;  trong khi đó lại phải tập trung quân để đối phó với quân đội Liên Xô tại khu vực biên giới.

Phương cách duy nhất có thể giải thoát cho Bắc Kinh là thuyết phục Hoa Kỳ chấp thuận Trung Quốc được hội nhập với thế giới và được vào Liên Hiệp Quốc.  Nhưng muốn mau chóng được sự chấp thuận của Hoa Kỳ thì không có gì hay hơn là xúi Hà Nội tiếp tục tấn công quân Mỹ tại Miền Nam Việt Nam. CSVN càng gây khó khăn cho Mỹ thì Mỹ càng đến gần Bắc Kinh.

.

Washington càng nôn nóng thì Bắc Kinh càng trì hoãn

  .

Năm 1968, ngày 9-5, phái đoàn Hà Nội đến Paris, trưởng phái đoàn là Xuân Thủy và phó là Hà Văn Lâu.  Trước khi lên đường Xuân Thủy đã nhận được chỉ thị của Lê Duẩn:

“.Hãy lợi dụng diễn đàn Paris để tranh thủ công luận thế giới.”

Sau đó Xuân Thủy ghé qua Bắc Kinh để gặp Thủ tướng Trung Quốc Chu Ân Lai.

Chu cho rằng Hà Nội đã hớ khi nhanh chóng chấp thuận đề nghị hòa đàm của Johnson.  Theo Chu thì phải làm eo làm phách để chứng tỏ rằng ta đây đang chiếm thế thượng phong.  Sau đó Chu khuyên: “Hãy trì hoãn.” (Lưu Văn Lợi, Các Cuộc Thương Lượng Giữa Lê ĐứcThọ Và Kissinger Tại Paris)

Năm 1968, ngày 13-5, cuộc họp tại Paris bị trễ 3 ngày so với dự định.  Tuy nhiên cuộc họp không đi đến kết quả nào vì việc ấn định các thành phần tham dự.  Phía Mỹ thì muốn là một cuộc họp bàn tròn gồm đại diện 3 chính phủ của 3 quốc gia tham chiến là Hoa Kỳ, Bắc Việt Nam và Nam Việt Nam.  Trong khi đó Hà Nội chỉ muốn một cuộc họp tay đôi giữa Bắc Việt và Hoa Kỳ.

Điều này trở thành không thể chấp nhận được; bởi vì quân đội Hoa Kỳ đến Việt Nam với tư cách là một đồng minh, giúp bảo vệ quốc gia Việt Nam Cộng Hòa.  Nay nếu Hoa Kỳ đơn phương đàm phán với Bắc Việt thì coi như từ trước tới nay thủ đô của Việt Nam Cộng Hòa đặt tại Washington.  Đây chính là lý do để Tổng thống Thiệu từ chối tham dự.

Nhưng sự từ chối của Tổng Thống Thiệu lại trái ý của Washington cho nên ngay tức khắc CIA chỉ thị cho UCIS (cơ quan tuyên truyển của CIA) thuê báo chí loan tin Nguyễn Văn Thiệu không muốn đàm phán là để bảo vệ chiếc ghế Tổng thống của ông ta.  Từ đó báo chí Mỹ và báo chí VNCH kết án Nguyễn Văn Thiệu cản trở hòa bình.

(Bạch thư NướcCộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam, trang 52 và 53)

.

 

(14) LÊ DUẨN BỊ LỪA

.

Một tháng sau trận Mậu Thân, Lê Duẩn quyết định xua 2 sư đoàn Bắc Việt (16.000 quân) tấn công căn cứ Khe Sanh đang được 5.000 Thủy quân lục chiến Hoa Kỳ và 1.000 Biệt động quân VNCH trấn giữ. Washington rúng động, phóng viên báo chí quốc tế đổ xuống sân bay Huế để săn tin về một trận Điện Biên Phủ thứ hai.

Năm 1968, ngày 23-3, Tướng Westmoreland được thông báo chuẩn bị rời chức vụ Tư lệnh quân đội Hoa Kỳ tại Việt Nam để về Washington nhận nhiệm vụ Tham mưu trưởng Lục quân.

Năm 1968, ngày 31-3, Tổng thống Hoa Kỳ Johnson đọc diễn văn loan báo giảm ném bom Bắc Việt, kêu gọi hòa đàm; và tuyên bố không ra tranh cử Tổng thống nhiệm kỳ 2.

.

Lê Duẩn bị lừa

.

Những tin tức quân sự đầy bi quan trong nội bộ chính giới Mỹ được tình báo Liên Xô chuyển về Hà Nội khiến Tổng bí thư Lê Duẩn ngơ ngác, ông ta không ngờ mình mới vừa đại chiến thắng, có nằm mơ ông ta cũng không tin nổi là địch đã mất vía đến nỗi phải thú nhận bại trận và van xin hòa đàm.

Thế là ông ta quyết định vét hết quân và đạn dược còn lại để tổ chức tổng tấn công đợt hai.  Lần này không phải để “tổng nổi dậy”;  mà là để “tổng tháu cáy.”  Nghĩa là nỗ lực hù dọa Hoa Kỳ sau khi dư luận Hoa Kỳ hoảng loạn do vì MacNamra từ chức, Westmoreland bay chức và Johnson không ra tranh cử nhiệm kỳ 2 (Coi như từ chức).

Ngoài ra Lê Duẩn còn ra lệnh cho các phương tiện truyền thông của CSVN “mở hết máy” để ca ngợi chiến thắng tại Miền Nam cũng như ca ngợi tài chỉ huy thiên phú Võ Nguyên Giáp.  Thuở đó dân hai miền Nam Bắc hễ mở mắt dậy là nghe tin Mac Namara từ chức, Westmoreland mất chức, Johnson không dám tái ứng cử, Tướng Võ Nguyên Giáp tuyên bố, Hồ chủ tịch khen ngợi, v.v…  Và sau đó là các lời bình luận của những nhà quân sự học, những nhà quan sát chính trị, những bình luận gia truyền thông quốc tế.

Không những mạnh miệng trong chiến tranh tuyên truyền, Lê Duẫn còn mạnh miệng hơn nữa tại Hội nghị Paris.  Ông muốn biến Hội nghị Paris trở thành một Hội nghị Geneve thứ hai.  Ông ra lệnh cho Trung ương cục Miền Nam (Phạm Hùng) hãy tổ chức những đợt tổng tấn công lần 2, lần 3, lần 4, lần 5… cho tới khi nào quân Mỹ tháo chạy như quân Pháp đã chạy sau trận Điện Biên Phủ.  Ông sẽ đưa thêm quân bổ sung từ ngoài Bắc vào.

Trong khi đó thực tế tại chiến trường Miền Nam hoàn toàn trái ngược với tưởng tượng của Lê Duẩn.  Sau trận Tổng tấn công đợt 1, tự truyện của Đại tướng Lê Đức Anh ghi lại:

Tôi có gặp anh Trần Bạch Đằng (Anh Trần Bạch Đằng cùng ở Tiền phương 2 với anh Võ Văn Kiệt), anh Linh cũng đang có mặt tại đây.  Tôi đề xuất không nên mở đợt 2 đánh vào nội đô nữa vì không còn yếu tố bí mật bất ngờ…”

Sau khi đợt 2 kết thúc (tháng 6 năm 1968):

“Sau đợt 2, tôi đề nghị dứt khoát thôi, rút ra.  Dân chỉ giúp đỡ chứ không ‘nổi dậy’ thì quân ta không ở nữa, rút ra!  Riêng biệt động thành ở lại thực hiện ‘điều lắng’ (hòa tan) vào dân.”  (Khuất Biên Hòa, Đại tướng Lê Đức Anh, trang 90).

Đoạn này cho thấy chính Lê Đức Anh cũng không ngờ là dân không hề nổi dậy.  Đó là nói theo cách nhìn của Lê Đức Anh chứ trong thực tế thì dân chẳng những không nổi dậy mà lại “bỏ chạy” khi thấy quân CSVN tiến vào.  Thực tế tại Huế đã cho thấy dân bỏ chạy là phải.

Và sau khi đợt 3 kết thúc (tháng 10 năm 1968), hồi ký của Đại tướng Công an Mai Chí Thọ ghi nhận:

Sau đợt tiến công Mậu thân lần 3, lực lượng ta đã đuối sức nhiều, nhưng do các báo cáo không đúng với thực tế khiến lãnh đạo cấp trên không nắm sát tình hình ở các địa phương dẫn đến sai lầm chủ quan trong việc quyết định tiếp tục tấn công các đợt 4 và 5.

Lúc đó đồng chí Võ Văn Kiệt, đồng chí Trần Bạch Đằng và tôi đã báo cáo tình hình thực tế về Trung ương Cục.  Cả ba chúng tôi cùng ký vào bức điện đề nghị chuyển hướng mục tiêu, không nên tiếp tục tổng công kích, tổng khởi nghĩa nữa, nhất là đánh vào Sài Gòn và các đô thị.” (Mai Chí Thọ, Theo Bước Chân Lịch Sử, trang 173).

.

Báo cáo láo

.

Tại sao tới tháng 10 năm 1968 các ông chỉ huy mặt trận mới báo cáo thực tế cho Trung ương cục?  Đó là vì từ trước tới nay các ông chuyên môn báo cáo láo.  Theo báo cáo của các ông với Trung ương cục Miền Nam thì trong năm 1964 các ông đã giết được 119.000 quân VNCH, nghĩa là gần hết số quân chủ lực của VNCH vào thời đó trong khi không có một trận chiến nào lớn.  Nhận được báo cáo của Trung ương cục Miền Nam thì Hà Nội giảm đi 10 lần, nghĩa là phỏng đoán quân VNCH bị giết hại là 12.000 quân. Nhưng trên thực tế thì năm 1964 quân VNCH bị thương vong chưa quá 700 người.

Lần này cũng vậy, tổng cổng kích đợt 1 chết gần hết, đến tổng công kích đợt hai chết sạch.  Đến tổng công kích đợt 3 trên toàn quốc chỉ có 2 trận đánh cấp tiểu đoàn ở vùng biên giới, và riêng tại Sài Gòn thì chỉ có pháo kích được đúng 19 quả.  Đến nông nỗi đó mà Hà Nội lại ra lệnh tổng công kích đợt 4, đợt 5 (!)  Bí quá các ông Võ Văn Kiệt, Trần Bạch Đằng và Mai Chí Thọ mới đồng lòng báo cáo sự thật về cho Phạm Hùng (Bí thư Trung ương cục Miền Nam, đang nằm tại Mặt trận B1, tức là bên kia biên giới Miên).

Dĩ nhiên các ông không thể nói rằng lâu nay chúng tôi báo cáo láo.  Nhưng các ông bắt đầu báo cáo rằng tuy chiến thắng nhưng ta cũng bị hao tốn quá nhiều lực lượng.  Mỗi ngày các ông báo cáo tổn thất một mớ, lần hồi đến tháng 6 năm 1969 (sau đợt 4) thì các ông báo cáo quân của các ông còn Zéro.  Lúc đó Hà Nội mới ngồi tổng kết và thấy từ đầu năm 1969 tới tháng 6 năm 1969 quân CSMN đã chết hết 500.000 quân.

Sở dĩ các ông phải báo cáo như vậy vì lâu nay các ông đã khai khống số quân của các ông để dụ cho Hà Nội cung cấp vũ khí và tiền bạc.  Các ông biết chắc Hà Nội không thể nào biết được thực tế các ông có bao nhiêu quân và chết bao nhiêu quân.  Cho nên các ông khai khống vô tội vạ để trừ hao Hà Nội giảm bớt hoặc bị thất thoát trên đường vận chuyển hay để bù vào số thất thoát do đụng trận.

Chính vì khai khống vô tội vạ mà quân số trên lý thuyết của các ông lên tới 500.000 quân trong khi thực tế của trận Mậu Thân (Tổng kết lời khai của các tù binh về đơn vị của họ trên khắp các mặt trận toàn quốc) cho thấy tất cả quân số của  CSMN là 85.000.

Vì vậy khi nghe tin Lê Duẩn sẽ đưa quân Miền Bắc vào bổ sung cho các đơn vị bị thiệt hại thì các ông Miền Nam sợ bị lộ cái tội khai khống.  Cho nên mới vội vàng khai khống số thiệt hại để bù lại con số khai khống lúc ban đầu.

Hồi ký của Tướng Westmoreland, bản Việt ngữ trang 399:

“Một năm sau khi tôi rời nhiệm sở, Tướng Giáp của Bắc Việt tiết lộ cho nhà báo Ý Đại Lợi Oriana Fallaci, hay rằng đến thời điểm đó (nửa đầu năm 1969) quân Bắc Việt đã thiệt hại trên nửa triệu quân.  Con số này nhiều bằng bình phương con số do chúng tôi ước tính.” (Nghĩa là Ngũ Giác Đài ước tính trong khoảng thời gian nửa đầu năm 1969 quân CSVN bị chết 707 người).

Lúc đó Tướng Westmoreland đang làm Tham mưu trưởng Lục quân tại Ngũ Giác Đài, ông đã duyệt lại các trận đánh trong nửa đầu năm 1969 thì không thấy có một trận nào đáng kể.  Và cho tới 20 năm sau, khi viết hồi ký, Westmoreland vẫn tin rằng chuyện CSVN bị thiệt hại 500 ngàn quân trong nửa đầu của năm 1969 là có thật (sic).

.

Chiến tranh cân não

.

Có một điều cần phải lưu ý về con số 500.000 quân CSVN bị chết do Tướng Giáp cung cấp cho Fallaci. Lúc đó, đầu năm 1969, Võ Nguyên Giáp vẫn đang còn là tội đồ của Đảng CSVN (Cầm đầu nhóm “Xét lại chống đảng”).  Cho nên Tướng Giáp không đủ tư cách để tiết lộ một tin động trời như vậy cho báo chí quốc tế, mà phải là do lệnh của Bộ chính trị, tức là của Lê Duẩn.  Vấn đề được đặt ra là Lê Duẩn nghĩ sao lại chỉ thị cho Võ Nguyên Giáp tung tin như vậy?

Câu trả lời là Lê Duẩn muốn “rung cây nhát khỉ,” ông muốn cho dư luận Hoa Kỳ biết rằng ông sẵn sàng thí thêm nhiều triệu quân nữa và tốn thêm 10 năm, 20 năm nữa để theo đuổi chiến tranh.  Con số 500.000 người bị chết không nghĩa lý gì đối với quyết tâm của Hà Nội. Không những chỉ 500 ngàn, mà thậm chí tới một vài triệu cũng không thành vần đề, nhưng trước khi vài triệu người nữa bị chết thì ít nhất họ cũng giết được ít nhất là 1 triệu quân Mỹ, vấn đề là người Mỹ có dám chịu chết thêm 1 triệu người nữa hay không?!

Cái dở của tình báo Mỹ là họ tin ngay lời của Võ Nguyên Giáp nói với Fallaci, nếu họ hay hơn một chút thì họ sẽ làm một con tính để thấy rằng Hà Nội không thể nào có khả năng tồ chức một hệ thống tiếp liệu cho 500 ngàn quân trong điều kiện tiếp tế bí mật tại chiến trường Miền Nam. Và chắc chắn Hà Nội không thể nào có đủ tài chánh để trang bị và nuôi nổi một đạo quân 500 ngàn người.  Hồi ký của Đại Tướng CSVN Lê Đức Anh cho biết quân đội CSVN đông nhất là vào năm 1979 với 550 quân nhưng đó là một gánh nặng mà cả Nam-Bắc Việt Nam không thể nào kham nỗi trong 6 tháng.

Để đối phó với lời tiết lộ của Võ Nguyên Giáp với nhà báo Fallaci, Cơ quan USIS của Hoa Kỳ và Nha chiến tranh tâm lý của quân đội VNCH cho in bích chương, truyền đơn nguyền rủa Võ Nguyên Giáp là vô nhân đạo, là dã man, coi thường mạng sống của binh lính CSVN. Vô tình các truyền đơn này có tác dụng ngược, binh lính VNCH mất hồn trước sự dã man tàn bạo của Tướng Võ Nguyên Giáp.  Họ nơm nớp lo sợ rồi đây quân của Võ Nguyên Giáp sẽ tràn vào như kiến cỏ, và lúc đó họ sẽ  khó có cơ hội còn sống sót.

.

(15) ÁP LỰC DẪN ĐẾN HÒA ĐÀM PARIS

.

Đánh mạnh tại Khe Sanh

.

Sau khi Tổng thống Hoa Kỳ tuyên bố giảm ném bom Bắc Việt và không ra tranh cử nhiện kỳ 2.  Đài phát thanh Hà Nội tuyên bố các trận đánh trong dịp Tết chỉ mới là khúc dạo đầu của chiến dịch tổng công kích; quân CSVN sẽ tiếp tục tấn công nhiều đợt nữa và hứa hẹn những đợt sau mới là n.hững đòn thấm thía đối với “Mỹ ngụy.”  Lời tuyên bố của Hà Nội khiến cho dư luận báo chí Hoa Kỳ mất vía, cứ nơm nớp lo sợ một màn nhục nhả đến với quân đội Hoa Kỳ tại Khe Sanh giống như quân đội Pháp tại Điện Biên Phủ.

Nhưng rồi đến đầu tháng 4-68 CSVN tuyên bố giải tỏa bao vây Khe Sanh như là một chứng tỏ thiện chí hòa bình để đáp lại lệnh giảm ném bom Miền Bắc của Tổng thống Hoa Kỳ (Thực chất là 2 sư đoàn trong số 4 sư đoàn bao vây Khe Sanh bị bom B52 tiêu diệt).

Báo chí Hoa Kỳ tiếp tục làm áp lực buộc Tổng thống Johnson phải thay thế tướng Tư lệnh quân đội Mỹ Westmoreland. Ông tướng rời chức vụ như một kẻ chiến bại trong khi ông ta mới vừa chiến thắng oanh liệt, chỉ tiếc là quân HK không đếm được xác quân CSVN bị vùi chôn dưới những nấm mồ khổng lồ quanh Khe Sanh đề ông tướng có đủ bằng chứng thuyết phục báo chí.

Sau đó Washington quyết định ngồi vào bàn đàm phán với Hà Nội tại Paris.  Cuộc tiếp xúc đầu tiên được ấn định là ngày 10-5-1968.

Tuy nhiên những ngày đầu tháng 5 là những ngày Hà Nội đang chuẩn bị kỷ niệm chiến thắng Điện Biên Phủ (7-5-1954).  Vì thế Hà Nội ra lệnh tổng tấn công đợt 2 trước khi có cuộc tiếp xúc đầu tiên.  Đẹp nhất là chiến thắng trong ngày 7-5 là ngày kỷ niệm chiến thắng Điện Biên Phủ.

.

Tổng công kích đợt 2

.

Năm 1968, ngày 5-5, tại Sài Gòn, lúc 3 giờ sáng, nhiều toán đặc công CSVN xuất hiện tại nhiều nơi như khu Chợ Cầu Muối, Cầu Kho, khu Đề Thám, Bùi Viện, Gò Vấp, Phú Thọ Hòa, Khánh Hội.  Mỗi toán đặc công khoảng 4, 5 người; có toán 10, 12 người, họ rải truyền đơn kêu gọi nổi dậy.

Lê Duẩn không ngờ là ông ta đã bị đánh lừa về quân số của CSVN tại chiến trường Miền Nam. Sự thực họ chỉ còn khoảng 2.500 người trong khi Lê Duẩn đinh ninh là 500.000 người.  Do đó trận tổng tấn công là trận nướng cho hết số quân còn lại rồi báo cáo với Hà Nội rằng đã bị thương vong gần hết.

Năm 1968, ngày 19-6, tình hình yên tỉnh trở lại trên toàn quốc với tổng kết 3 trung đoàn chính quy CSVN hoàn toàn bị đánh tan.  Hầu hết bị tiêu diệt ngoài số đầu hàng hoặc hồi chánh.  Trong số đó có Đại tá Lê Văn Ngọt, tư lệnh phó Sư đoàn 5 CSVN; Thượng tá Huỳnh Thành Đồng, Tham mưu trưởng Sư đoàn 1/CSVN.  Trung tá Phan Việt Dũng, Trung đoàn trưởng Trung đoàn 165 thuộc Sư đoàn 7/CSVN;  Trung tá Huỳnh Cự và Thượng tá Tám Hà.

*Chú giải:  Hồi ký của tướng CSVN Lê Đức Anh:

Sau đợt 2, tôi đề nghị dứt khoát thôi, rút ra.  Dân chỉ giúp đỡ chứ không ‘nổi dậy’ thì quân ta không ở nữa, rút ra!  Riêng biệt động thành ở lại thực hiện ‘điều lắng’ (tan, hòa tan vào dân).  Anh Linh lặng im và đồng ý.  Hồi đó, làm việc ở R (rờ) ‘làm thinh là đồng ý’… “ (Khuất Biên Hòa, Đại tướng Lê Đức Anh, trang 90, 91 Cơ quan Rờ tức là Trung ương Cục Miền Nam).

Tổng kết cuộc tổng tấn công đợt 2, quân đội CSVN chỉ mở có 6 cuộc tấn công với cấp tiểu đoàn hoặc trung đoàn;  so với đợt 1 là 29 cuộc tấn công cấp tiểu đoàn trở lên.  Nhưng lần này các tiểu đoàn và trung đoàn chỉ là những đơn vị được phóng đại.  Thí dụ như Trung đoàn Quyết Thắng là trung đoàn chủ lực Miền nhưng quân số chỉ có 400 người, so với một trung đoàn chính quy Bắc Việt là 2.600 người.  Con số 400 quân chưa đủ để gọi là tiểu đoàn (từ 500 đến 600 người) thế nhưng CSVN nói phao lên rằng đó là Trung đoàn Quyết Thắng.

Và tổng cộng trong đợt 2 tại thủ đô Sài Gòn chỉ có 3 trung đoàn (Khoảng 1.200 quân) và 6 tiểu đoàn địa phương (Cao lắm là 1.200 quân) đủ nói lên rằng lực lượng vũ trang của quân CSVN đã hoàn toàn bị tiêu diệt.

Năm 1968, ngày 10-6, CSVN làm lễ thành lập Chính phủ lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam, nhằm xếp hàng ngang với vị trí của chính phủ VNCH tại hòa hội Paris.  Điều này khiến cho Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu nhất định không tham dự hòa đàm, ông muốn VNCH phải ngồi ngang hàng với Bắc Việt.  Báo chí Mỹ cáo buộc Nguyễn Văn Thiệu hiếu chiến và sợ mất cái ghế Tổng thống (sic).

.

Tổng công kích đợt 3

.

Năm 1968, ngày 17-8, sau nhiều ngày ngăm đe, quân CSVN mở cuộc tổng công kích đợt 3; đồng loạt pháo kích tại Vùng 1, Vùng 2 và Vùng 3 chiến thuật.  Riêng thủ đô Sài Gòn và Vùng 4 yên tĩnh.

Năm 1968, ngày 22-8, quân CSVN pháo kích 19 hỏa tiễn 122 ly vào Sài Gòn, Chợ Lớn.  Có 10 quả rơi vào Sài Gòn, 6 quả rơi vào Chợ Lớn, 3 quả rơi vào bến Bạch Đằng.

Tại Vùng 2, quân CSVN tấn công trại Bu Prang thuộc tỉnh Quảng Đức, cách biên giới Cam Bốt 5 Km.  Trận chiến chỉ kéo dài vài ngày, kết quả quân CSVN bị chết 776, quân Biệt kích Mỹ có 116 chết, trong đó có 2 người Hoa Kỳ.  Đây là trận tấn công lớn nhất của đợt 3 tổng tấn công và cũng là trận cuối cùng trong năm 1968 của CSVN.

Tổng kết đợt 3, quân CSVN mở ra 15 cuộc tấn công trên toàn quốc, nhưng chỉ có 2 trận cấp Tiểu đoàn, và cả hai trận đều ở vùng biên giới chứ không phải trong thành thị hay nông thôn Miền Nam.  Số lần pháo kích là 95 lần so với 433 lần trong đợt 2.  Riêng Sài Gòn chỉ có 3 lần pháo kích với 19 quả đạn.  Chứng tỏ lực lượng vũ trang của quân CSVN đã hoàn toàn tan nát, số đạn pháo cũng đã cạn kiệt.  Nhưng đáng tiếc là cơ quan CIA của Hoa Kỳ tại Sài Gòn không thấy ra điều này.

Năm 1968, ngày13-10, đại sứ Bunker cùng với Phó đại sứ Berger và Tư lệnh quân đội Hoa Kỳ tại Việt Nam là Tướng Abrams đến dinh Độc Lập trình bày diễn biến những gì mới xảy ra tại Paris và yêu cầu Tổng thống Thiệu chuẩn bị soạn thảo một tuyên bố chung với Tổng thống HK về việc ngưng ném bom toàn Miền Bắc và xúc tiến hòa đàm.

Tổng thống Thiệu không tin CSVN thực sự muốn đàm phán, ông nghĩ rằng Hà Nội chỉ bắt nọn các chính trị gia HK trong cuộc vận động tranh cử đang tới hồi kết thúc.  Rồi ông cho biết ông chỉ ký tên vào bản tuyên bố chung nếu Hoa Kỳ vẫn còn duy trì một lực lượng đủ để đối phó nếu Hà Nội xua quân qua vùng phi quân sự, và Hoa Kỳ phải bảo đảm sẽ tái oanh tạc Bắc Việt nếu Hà Nội lợi dụng hòa đàm để tạo lợi thế tấn công quân sự.

.

Johnson thông báo ngưng ném bom Bắc Việt hoàn toàn và vô điều kiện

.

Năm 1968, ngày 31-10, lúc 7 giờ chiều, tại Washington, Tổng thống Johnson đọc thông báo ngưng ném bom Bắc Việt hoàn toàn, phiên họp đàm phán sẽ diễn ra sau đó 1 tuần, và chính phủ VNCH sẽ không tham dự.

Năm 1968, ngày 1-11, lúc 8 giờ sáng, Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu đọc một bài diễn văn đặc biệt trước lưỡng viện Quốc hội.  Sau vài câu mào đầu, ông đi thẳng vào vấn đề chính:

“Chính phủ Việt NamCộng Hòa rất tiếc là không thể tham dự những cuộc hòa đàm sơ bộ hiện nay tại Paris.”  Cả Quốc hội đồng loạt đứng dậy vỗ tay.

Sau đó ông phân tích tình hình chiến sự hiện tại và giải thích vì sao VNCH không thể ngồi vào bàn đàm phán mặc dầu làm như vậy thì có thể dân tộc Việt Nam sẽ không còn sự hỗ trợ của đồng minh nữa.  Ông nói “Nếu cần thì dân tộc Việt Nam sẽ chống Cộng một mình.”

.

Tới phiên Nixon gởi thư cầu hòa cho Hồ Chí Minh

.

Năm 1968, ngày 27-11, Hoa Kỳ và VNCH ra thông báo chung sẽ cùng tham dự Hòa đàm Paris. Đây là do đại diện của Tổng thống đắc cử Mỹ Nixon nhờ đại sứ VNCH tại Mỹ thuyết phục Tổng thống Thiệu và Phó Tổng thống Kỳ.

Năm 1969, ngày 25-6, Ngoại trưởng Hoa Kỳ William Rogers mời Đại sứ Bùi Diễm đến dùng cơm trưa tại Bộ Ngoại giao.  Theo hồi ký của ông Bùi Diễm thì Rogers có vẻ phân vân chưa tìm ra giải pháp để khai thông hòa đàm Paris, cuối cùng ông hỏi phía Việt Nam có “sáng kiến” gì không?  Ba ngày sau Đại sứ Diễm đến gặp Cố vấn an ninh Quốc gia Kissinger thì ông này cũng không khá gì hơn; lại cũng hỏi Việt Nam có sáng kiến gì không?

Năm 1969, ngày 14-7. Sainteny, một thương thuyết gia của chính phủ Pháp thời 1946, bí mật đáp xuống Washington để gặp Tổng thống Nixon.  Đây là do Kissinger móc nối để nhờ Sainteny chuyển trực tiếp đến Hà Nội những mật thư của Tổng thống Nixon. Ngày 15-7 Sainteny gặp Nixon, sau đó trở lại Paris liên lạc với Hà Nội để xin gặp thẳng Chủ tịch Hồ Chí Minh nhưng Hà Nội từ chối vì ông HCM đang bệnh nặng.  Sainteny bèn trao cho Xuân Thủy thư tay (Không đề ngày) của Nixon gởi cho Hồ Chí Minh:

“Thưa Chủ tịch, Tôi biết rằng thật khó mà có thể trao đổi ý kiến một cách có ý nghĩa qua cái hố ngăn cách tạo ra bởi 4 năm chiến tranh.  Nhưng chính cũng vì hố sâu ngăn cách này – và vì sự nghi ngờ về thiện chí của chúng tôi được phía ngài nêu ra ở Ba Lê – Tôi muốn nhân dịp này long trọng tái xác nhận ước nguyện của tôi muốn đạt được một nền hòa bình công chính.

Tôi tin tưởng mãnh liệt rằng cuộc chiến tranh Việt Nam đã kéo dài quá lâu và trì hoãn việc chấm dứt chiến tranh không đem lợi cho ai cả – ít nhất là không có lợi cho nhân dân Việt Nam… …Tất cả chúng ta đều đứng trước các quyết định quan trọng.  Bây giờ là lúc cần có tiến bộ trong hòa đàm dẫn đến một giải pháp chấm dứt cuộc chiến tranh thảm khốc này…” (Hồi ký của Kissinger, bản dịch của Nguyễn Mạnh Hùng).

Nixon không ngờ đây là món quà vô giá cho Hà Nội.  Trong khi Hà Nội đang điếng người vì Phạm Hùng báo cho biết 500 ngàn quân CSVN đã chết sạch mà Washington vẫn không hề hay biết.  Có nằm mơ Lê Duẩn cũng không nghĩ ra là cơ quan tình báo của Mỹ lại tệ đến như vậy.

.

.

 

Bùi Anh Trinh

(Nguồn: http://quanvan.net/bui-anh-trinh-nguon-goc-trung-uong-dcsvn-1-dai-hoi-dang-tai-pac-bo/)

.

Nguồn gốc Trung Ương Đảng CSVN – Bùi Anh Trinh

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *