Đi Đám Ma

.

 

 

*

 

 

Thành thật mà nói, tôi không thích đám ma và cũng không thích đi dự đám ma.  Nhiều khi phải đi dự vì không thể có một lý do nào khả dĩ để tránh.  Yogi Berra (1925 – 2015), một Cầu thủ và Huấn luyện Viên nổi tiếng của đội “BaseballNew York Yankees đã nói:

 

 

(nguyên văn…. Bằng Anh ngữ khá đơn giản, không cần lời dịch)

Always go to other people’s funerals; otherwise they won’t go to yours.

 

 

Nhiều người tấm tắc khen câu nói này hay và chí lý.  Riêng cá nhân tôi lại không hoàn toàn đồng ý như vậy.  Ở Mỹ, khi có người chết, người ta không thể để xác ở nhà 3-4 ngày, hoặc để gần thối mới đem chôn như ở Việt Nam ta.  Luật lệ ở Mỹ bắt buộc xác chết phải được các cơ quan có giấy phép bảo quản và sau đó phải được đem chôn hay thiêu trong môt khoảng thời gian ngắn nhất; không kể là đám tang có người tham dự hay không?!

 

 

Đi dám ma, chúng ta thường chứng kiến các sự kiện, thủ tục qua từng chặng một gần như “bất di bất dịch.”  Nếu làm khác đi, dễ bị quở lắm!

 

 

Bỉ nhân (thuộc loại người “Khíu Chọ” – Khó chịu?!) cũng lại không thích cái “sáng kiến” (ideas) đem “bày” xác chết ở nhà quàn, với quan tài mở một nửa, để mọi người “thăm viếng” coi / xem “dung nhan sau mùa lá rụng” (?) trong một hay vài ngày.  Mọi người dù có dịp nhìn mặt xác người chết nhưng đâu có ai biết là Nhà quàn, đôi khi để tiết kiệm công và của cho cơ sở của họ, không mặc quần dài, không mang giày dép, hay vớ cho thân chủ khi đặt xác vào hòm…  Áo “Vest” cũng vậy, đôi khi chỉ có phần trình diễn phía trước rất trang trọng đẹp mắt nhưng không có mảnh vải che lưng?!  Who cares!  Nhiều thi thể còn được Nhà quàn trang điểm một cách vụng về, hoặc hơi “quá tải” (overdone) thành ra đôi khi nhan sắc người chết thay đổi tới mức nhận không ra ai?  Rất rùng rợn, ớn chè đậu luôn – Nhìn giống y như đào / kép trên sân khấu Cải lương Hồ Quảng, hay mấy anh “Gay” / “Pê-đê” mà chúng ta thường thấy trên TV News trong các buổi diễn hành hàng năm ở West Hollywood (còn gọi là “Gay Pride / Drag Queen Parade”).  Tôi thấy sao nói vậy; chứ không hề dám loạn ngôn ở chi tiết tế nhị này.

 

 

*

 

 

Đâu đó giữa đám tang, có tiếng xì xầm (một cách không thích đáng – Yeah!  No respect!) Bỉ nhân xin mạn phép ghi lại để quý vị đọc cho biết rồi bỏ qua làm phước; chứ đừng ghi tâm mần chi nhe:

 

 

“Ông ấy nhìn đẹp trai ghê?!”

“Chị à!  Ông ấy chết rồi…”

“Tui biết.  Nhưng ngay khi ông ấy còn sống cũng không nhìn đẹp trai như vậy.”

 

 

“Ủa!  Trên Cáo phó thấy Cụ bà qua đời hưởng thọ 88 tuổi mà sao hình để trên bàn thờ nhìn như lúc còn con gái mới lấy chổng lấn thứ… hai?”

“Ừa.  Nhìn hình của Bả (trên bàn thờ) làm tui tưởng tui đi đám ma lộn phòng!”

 

 

“Are you from the same family?”

“Yes!  We all from the PEEK Family…”

 

 

“Ủa Cụ ông đi lính lên Đại tá hồi nào vậy?  QLVNCH sao nhiều Đại tá quá dzị hè?”

 

 

“Trời đất!  Ông này học trường nào?  Hồi nào?  Mà có bằng tiến sĩ vậy  cà?  Có lẽ là ổng ấy học trường ‘du kíck’ on-line?”

 

 

“Má ơi! Ổng nội này đậu bằng Bác sĩ hồi nào mà tui hổng hay?  Trên Cáo phó có đề là Bác sĩ… rõ ràng?””

“Có lẽ là Bác sĩ đông y đấm bóp châm cứu, chỉ cần học 6 tháng thui…”

 

 

*

 

 

Thiệt tình!  Lúc sống thì chẳng thấy có ai đến tặng hoa; nhưng khi chết thì sao các tiệm hoa chở các vòng hoa lớn bé (trung bình giá khoảng $200.00 một vòng) đến Nhà quàn tới tấp.  Chỉ có khác là hoa đủ loại ào đến cùng một lúc.  Kể ra đến cũng khá muộn rồi (?)  Đây là một sự lãng phí lớn.  Nếu quý vị có thời giờ đi theo đám tang ra nghĩa địa, sẽ thấy người ta vất các vòng hoa trên đất và hôm sau xe rác đến nhặt bỏ thùng rác hết ráo. Nhiều gia đình đã ý thức được chuyện này và yêu càu “Xin Miễn Vòng Hoa” trên Cáo phó; và xin cúng tiền vòng hoa cho từ thiện.  Hết biết!

 

 

Tài thật!  Người chết, từ một phó-thường-dân không tên tuổi mà suốt cuộc đời, từ lúc sống đến lúc chết, chỉ đạt được vỏn vẹn có 2 “Chứng chỉ” (Certificates) – “Giấy khai sinh” (Birth Certificate) và “Giấy Khai Tử” (Death Certificate) – bỗng nhiên trở thành nổi tiếng.  Mọi người lần lươt lên trước “Micro” chia buồn cùng gia đình kèm theo lời tán dương công đức người quá cố rất tốt đẹp gần tới trời xanh! (ngược hẳn với các tiếng xì xầm đầy ác ý ghi ở bên trên).

 

 

Lời Cuối

 

 

Bỉ nhân không dám vô lễ vọng ngôn chỉ bảo quý vị chuyện “Nên hay Không Nên Làm,” hay “Nói hay Không Nên Nói” cái gì khi đi tham dự  một đám tang.  Chỉ xin mạn phép mượn lời của một vị đã từng làm quản lý trên 30 năm cho vài Nhà quàn Mỹ-Việt ở vùng Nam California để cùng nhau suy gẫm như sau:

 

 

Vài Điều Nên / Không Nên LÀM Khi Đi Đám Ma

 

 

– Nên đến tham dự đám ma của người mình quen biết.  “Present, or being there, is the best PRESENT.”  Sự hiện diện của quý vị có ý nghiã rất lớn đối với tang quyến trong lúc họ có chuyện buồn lớn.

 

 

– Một cái bắt tay, vỗ vai cũng đủ bày tỏ sự chia sẻ các mất mát.

 

 

– Không nên nói chuyện với một người (hay nhiều người) trong tang quyến quá lâu vì họ rất bận phải tiếp một số lượng người khá lớn trong một thời gian ngắn.  Mình không nên lấy mất đi khoảng thời gian quý báu này của họ; ngoại trừ họ có cho mình biết rõ là họ muốn nghe thêm…

 

 

– Khi đi đám ma nên ăn mặc kín đáo, đơn giản không lòa loẹt (không nhất thiết thiết phải là màu đen) vì đây không phải là buồi Họp mặt thân mật, hay Đại hội chào mừng… Đừng tưởng bở!

 

 

– Không nên mang thức ăn thức uống gì theo mình khi đến dự 1 đám ma.  Nhá quàn không phải là Nhà hàng.

 

 

– Không nên mang theo con nhỏ, hay con thơ vào giữa đám ma.  Đây không phải là lúc quý vị phân trần với người vừa mất mẹ, mất bố, mất chị…  là quý vị không tìm ra “baby sitter.”

 

 

Vài Điều Nên / Không Nên NÓI Khi Đi Đám Ma

 

 

Nên tránh nói các câu thường tình, khuôn mẫu, không thật lòng (fake), đã được lập đi lập lại khá nhiều trong các đám tang như sau:

 

 

– “I know what you feel.”  Không.  Quý vị hoàn toàn không hiểu họ buồn như thế nào mặc dủ chính ngay quý vị vừa mới mất 1 người thân.  Mỗi hoàn cảnh đều có các sự kiện khác nhau can dự,

 

 

– “Call me if you need something.”  Rất thừa.  Họ sẽ không bao giờ gọi quý vị để nhờ vả chuyện gì.  Quý vị nên gọi họ, hay tốt nhất là đến thăm tang quyến sau đám ma.

 

 

– “He’s in a better place.”  Không ai biết rõ nơi kế tiếp là nơi nào?  Vào lúc cô em gái tôi mất, khi nghe ai nói với tôi câu này, tôi nghĩ trong bụng là: “I want her HERE.”

 

 

– “He looks like he’s sleeping.”  Rất nguy hiểm!  Không bao giờ nên nói với trẻ con của người qua đời như vậy.  Trẻ con biết tỏng là “He is NOT sleeping. He is DEAD.”  Trẻ con khi được nghe là ngưới chết đang ngủ, chúng sẽ sợ không dám ngủ!  Vì sợ phải nằm trong thùng gỗ!

 

 

– Không cười nói lớn tiếng…  Như vậy rất vô phép, bất kính.  Không bàn về nhan sắc (đẹp trai / đẹp gái) người chết; không bàn như chuyên gia về bệnh tật của người chết… Tốt nhất là không nói gì cả; chỉ trả lời giới hạn nếu người nhà của tang quyến có chuyện quan tâm và hỏi trực tiếp đến mình.  Im lặng là vàng.

 

 

Chuyện nhân gian vui buồn đều có.

Kiếp nhân sinh như gió thoáng qua.

Sinh ra trong một kiếp con người.

Sớm ở tối về là lẽ thường thôi.

An giấc ngàn thu nhé…

 

 

 Peace be with you!

 

 

Trần Văn Giang

Orange County

Tháng 5/2025

 

Đi Đám Ma – Trần Văn Giang

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *