Tiếng Việt đang “dài” ra!

.

 

*

 

Văn chương “nhập khẩu” từ miền Bắc và hiện tượng nói dài, nói dai đang ngày càng trở nên phổ biến trong sách báo và văn bản tiếng Việt hiện nay. Vì sao?

 

 

Trong một chương trình “Chào buổi sáng” (đài VTV1) mới đây, viên sĩ quan cảnh sát giao thông trả lời phỏng vấn rằng:

 

 

“Chúng tôi đã xác định được những cơn mưa kéo dài trên một tiếng đồng hồ hoặc dưới một tiếng đồng hồ gây ngập lụt là 53 điểm.”

 

 

Tại sao không nói cho gọn (?) là: “Chúng tôi đã xác định được 53 điểm cứ mưa to là ngập.

 

 

Cũng chương trình này, hàng ngày vẫn ra rả “người tham gia giao thông,” “các phương tiện tham gia giao thông…”  Sao không nói “người đi lại,” “xe cộ…” cho ngắn gọn lại một chút, đỡ mất thời giờ?

 

 

Dai và dài (nhưng an toàn!?)

 

 

Anh dân quân đánh vần chưa thạo chữ quốc ngữ trong truyện “Đôi mắt” của Nam Cao đã nói thuộc lòng một bài ba giai đoạn kháng chiến phòng ngự, cầm cự, tổng phản công… “dài đến năm trang giấy.” Những người này cứ nói ra là thấy “đề nghị, yêu cầu, phê bình, cảnh cáo, thực dân, phát xít, phản động, xã hội chủ nghĩa, dân chủ với cả tân dân chủ nữa…” (trích “Đôi mắt,” 1948).

 

 

Cách nay 63 năm đã xuất hiện trên cửa miệng người dân bình thường những khái niệm cao xa mà chẳng mấy ai hiểu hết ý nghĩa. Sáu, bảy chục năm là khoảng thời gian tạo ra hai thế hệ, đủ dài để hình thành thói quen nói năng sao cho đúng giáo điều mà không cần phải hiểu thấu đáo ý nghĩa (?). Điều này dẫn tới hệ lụy là xã hội hình thành thói quen chấp nhận, tư duy thụ động, không muốn sửa lại nghĩa lý của từ ngữ, câu chữ, khái niệm và lập luận khi tiếp nhận văn bản. Vả lại, nếu ai đó muốn bình luận sẽ tạo ra những lời nghịch nhĩ và trở thành “người có vấn đề.” Kết quả là người ta chỉ lo, cố gắng nói năng sao cho an toàn; cầm giấy phát biểu theo những giáo điều, dần dần hình thành thói quen kết luận mà không chú ý tới lý lẽ thuyết phục. Nhiều người nghèo đi về ngôn từ và tư duy, nhưng vẫn cần “thể hiện” mình. Kết quả sinh ra lối nói sang trọng với nhiều chữ Hán – Việt nhưng lại không hiểu thấu đáo; và dùng những câu hùng hồn dài dòng rỗng nghĩa.

 

 

Những lối nói dư thường gặp

 

 

Qua phim truyền hình và một số chương trình truyền hình gần đây, chúng ta có thể bắt gặp những lối nói dư sau:

 

 

1. Dùng lặp lại chữ Hán – Việt và thuần Việt đồng nghĩa

 

 

Chẳng hạn như “Nạn rải đinh tái xuất hiện trở lại” (Chương trình “Chào buổi sáng,” 6.5.2011). “Tái xuất hiện” là “xuất hiện trở lại.” Nói “nạn rải đinh xuất hiện trở lại” là đủ.

 

 

Và “Mời các bạn nghe những tin tức cập nhật đầu tiên trong ngày” (Chương trình “Chào buổi sáng,” 13.1.2010). “Cập nhật” là “trong ngày.” Nói “tin tức đầu tiên trong ngày” là đủ.

 

 

Nguyên nhân chính của loại nói dư quá phổ biến này là trong nhận thức của người Việt hiện nay, nghĩa của nhiều yếu tố Hán – Việt đã “mờ” đi nên nhiều người không còn thấy “” nữa.

 

 

 

2. Lặp lại những diễn đạt đồng nghĩa

 

 

Như “Mục đích cô đến đây để làm gì?” (Phim “Cuộc gọi lúc 0 giờ,” tập 18, VTV3). Sao không biên tập thành “Cô đến đây làm gì?” cho gọn?

 

Lại nữa: “Chắc có lẽ là vậy” (Phim “Cuộc gọi lúc 0 giờ,” tập 19). “Chắc” và “có lẽ” là hai loại chữ thể hiện hành vi phỏng đoán một sự việc không chắc chắn. Chỉ cần nói “Chắc vậy” hoặc “Có lẽ vậy” là đủ.

 

 

3. Đưa vào lời nói những yếu tố đương nhiên

 

 

Như “Anh xin lỗi! Anh đã tát vào má em” (Phim “Sự quyến rũ của người vợ,” VTV3, 1.6.2011). Một khi mở bàn tay đánh vào má thì gọi là “tát,” đánh vào mông gọi là “phát,” đánh vào mồm miệng gọi là “vả,” đánh vào tai gọi là “bạt.” Vậy chỉ nói “Anh xin lỗi! Anh đã tát em” là đủ.

 

 

4. Nói dư thành sai

 

 

Như “Ở Việt Nam chủ yếu có mấy loại gấu? Gợi ý: hai, ba hay bốn?” (Chương trình “Đấu trường 100,” VTV3, 30.5.2011). Lời giải (lời MC): “Hai. Không có thêm loại gấu nào nữa đâu.” Chữ “chủ yếu” khiến câu hỏi định lượng này mang tính xác suất. Trả lời là “Hai” khiến người nghe nghĩ rằng còn một loại gấu thứ ba (thứ yếu) nữa. Dù 99,9% gấu ở Việt Nam là hai loại gấu ngựa và gấu chó thì vẫn có 0,1% thuộc loại gấu thứ ba. Nói như MC “Không có thêm loại gấu nào nữa đâu” là không chuẩn. Còn như, nếu chỉ có hai loại gấu thì chữ “chủ yếu” làm câu hỏi trên sai.

 

 

Thêm ví dụ khác: “Sáng tác này của Trần Hoàn vào năm nào: a) 1948, b) 1958, hay c) 1968?” Đội A trả lời: “1958.” Lời MC: “Trả lời này hoàn toàn sai”; Đội B: “1948.” Lời MC: “Vâng, hoàn toàn chính xác!” (Chương trình “Trò chơi âm nhạc,” VTV3, 29.7.2011). Nếu “1948 là hoàn toàn chính xác,” và “1958 là hoàn toàn sai” thì “năm nào là chính xác không hoàn toàn?”  “Năm nào là sai không hoàn toàn?” MC nói dư chữ “hoàn toàn.”

 

 

5. Dùng chập những chữ đồng nghĩa

 

 

Như “Một nữ tử tù trốn thoát, điều này chưa từng xảy ra bao giờ từ trước đến nay” (Phim “Nữ tử tù,” VTV3, 17.5.2009). “Chưa từng” là “chưa bao giờ” và cũng là “từ trước đến nay chưa xảy ra.” Vì vậy, câu trên dư đến ba lần. Có ba cách nói ngắn hơn: “điều này chưa xảy ra bao giờ”; “điều này chưa từng xảy ra” và “điều này từ trước đến nay chưa xảy ra.

 

 

Thói quen nói năng đúng giáo điều mà không cần hiểu thấu đáo dẫn tới hệ lụy là hình thành thói quen chấp nhận, tư duy thụ động, không muốn sửa lại nghĩa lý của câu chữ, khái niệm và lập luận khi tiếp nhận văn bản. Đây là nguyên nhân chính dẫn tới lối nói dư thừa.

 

 

 

GS Nguyễn Đức Dân

 

 

 

Trần Văn Giang (ghi lại)

Tiếng Việt đang “dài” ra! – GS Nguyễn Đức Dân

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *