Chuyện Trong Tuần

NursingHome

 

“Be nice to your children. After all, they are going to choose your nursing home.”
-Steven Wright

*

Tuần vừa qua, nhóm học trò chúng tôi đi thực tập ở một viện dưỡng lão. Chúng tôi được quyền chọn bệnh nhân để khám sức khoẻ và viết “clinical reports (1).”

Ở viện dưỡng lão này, phần lớn là người Mỹ, một số nhỏ thuộc những giống dân khác, và có một vài cụ người Việt Nam. Lẽ dĩ nhiên tôi chọn hai cụ người Việt Nam. Hai cụ lại ở cùng phòng, nên càng thuận tiện cho tôi.

Căn phòng nhỏ, cũ kỹ, sơ sài trống trải, chẳng trang hoàng bày biện gì, chỉ có hai cái giường nhỏ kê song song với nhau, hai cái tủ bé tí ở mỗi đầu giường, một cái xe lăn và một cái “walker (2).” Tôi đã đọc trước hồ sơ bệnh lý của hai cụ nên cũng biết hai cụ đều đã trên tám mươi, và hai cụ là vợ chồng. Cụ ông thì thôi đủ thứ bệnh: nào bệnh tim, bệnh huyết áp cao, bệnh tiểu đường, bệnh phong thấp. Nhưng thật lạ, cụ bà chẳng có bệnh nào ngoài bệnh già, đi lại hơi yếu, phải dùng “walker.”

Gặp được người đồng hương, hai cụ mừng lắm, nhất là cụ bà, cứ thao thao bất tuyệt. Sau khi khám sức khoẻ xong cho hai cụ, tôi lân la hỏi chuyện. Thăm hỏi được vài câu thì cụ ông than mệt nên xin kiếu lên giường nằm. Tôi ngồi lại nói chuyện với cụ bà.

Tôi hỏi:

– Cháu thấy bác chả có bệnh gì. Sao bác không ở nhà với con cháu, mà lại vào đây?

Cụ phân trần:

– Tôi có chín đứa con, những bốn đứa ở ngay San Jose này đấy! Chúng nó đứa nào cũng có nhà lầu hai tầng cả đấy chứ! Nhưng chúng nó bảo sợ tôi ở nhà leo lầu rồi ngã. Mà tôi có dám leo đâu mà ngã? Mí lại ông ấy bệnh, chúng nó bảo mẹ vào đây trông nom bố. Tôi thì thích ở nhà chơi mí mấy đứa cháu, vui hơn ở đây cô ạ.

Tôi nghe cụ kể mà buồn. Tôi nhủ thầm, chắc các con cụ kiếm cớ đẩy cụ vào đây luôn cho tiện thể! Thật là tội nghiệp.

Tôi hỏi tiếp:

– Sao bác không treo hình các con, các cháu bác trong phòng cho vui?

Cụ bảo:

– Treo làm gì! chúng nó bảo ở tạm đây khi nào bố khoẻ thì về.

Nhưng thực ra, trong hồ sơ của hai cụ, tôi thấy để ở phần “discharge planning (3)” là “long term resident (4).” Như vậy con cái của cụ đã nói dối với cụ, Hai cụ sống ở đây với một hy vọng là một ngày nào đó sẽ trở về nhà lại. Tự nhiên tôi nghĩ đến một người bạn sau năm 1975 bị đi “học tập cải tạo” bảy năm. Anh bảo lòng hy vọng được trở về xum họp với gia đình chính là mãnh lực đã giúp cho anh vượt qua được mọi khổ đau trong ngục tù cộng sản. Rồi tôi lại tự nghĩ là sự so sánh như thế này cũng không đúng hẳn, vì các cụ ở đây có người trông nom chứ không bị ngược đãi. Nhưng nó giống nhau ở chỗ là các cụ cũng sống với lòng hy vọng một ngày nào đó được trở về vui vầy, đoàn tụ với con cháu. Nếu biết rằng mình sẽ không bao giờ ra khỏi chốn này, liệu các cụ có lý do gì để mà ham sống hay không? Nhất là cụ bà có bệnh tật gì đâu? Cụ bắt buộc phải đi theo cụ ông. Thật đúng là cảnh “xuất giá tòng phu.” Giống như mấy bà Hoàng Hậu Ai Cập hồi xưa, vua chết cũng bị chôn sống theo. Cả đời cụ hy sinh cho chồng cho con. Bây giờ cụ đã già. Phần thưởng của cụ là bốn bức tường trắng của viện dưỡng lão và một người chồng bệnh hoạn khó tính.

Cụ ít khi đi ra khỏi phòng, vì ra đến hành lang, là cụ đã bước vào một thế giới khác, một thế giới lạ hoắc với những người không cùng màu da, chủng tộc, phong tục, tập quán, và ngôn ngữ. Thỉnh thoảng, tiếng than khóc la hét của những người “residents (5)” khác chắc hẳn làm cho cụ sợ hãi thêm. Cụ có vẻ buồn, cô đơn, nhớ con nhớ cháu, mặc dù có cụ ông ở ngay giường bên cạnh.

Còn một điều đáng để ý nữa, là trong hồ sơ của cụ ông, thấy có một mục viết rằng: “Monitor his behaviors toward his wife, because he often screamed and yelled at her (6).” Những người con cái của cụ, chắc họ nghĩ rằng: “thôi cha ở đây thì mẹ cũng vào đây cho trọn tình trọn nghĩa phu thê,” mà không nghĩ đến những gì mẹ mình phải chịu đựng. Cụ ông ở trong viện dưỡng lão một mình thì đã sao đâu? Thỉnh thoảng đôi ba ngày cụ bà và các con cháu vào thăm cũng được mà?

Tôi nghĩ là cụ bà cần có một đôi lúc ra khỏi nơi đây để tạm xa khỏi sự la hét và chửi rủa của cụ ông. Nhưng rất có thề là tôi cũng lại nghĩ sai! Biết đâu, ngay cả trong cái sự cau có và gay gỏng của cụ ông, cụ bà vẫn nhìn thấy cái tình nghĩa vợ chồng?

Tôi đứng dậy xin phép cụ trở về trường mà lòng man mác buồn. Ánh mắt đục mờ mệt mỏi của bà cụ như vẫn đi theo tôi suốt buổi thực tập hôm đó. Ánh mắt nhẫn nhục, buồn bã, làm cho tôi liên tưởng đến đôi mắt của mẹ tôi.


Trần Văn Giang

____________
Chú Thích:

(1) clinical report: tờ trình y tế.
(2) walker: dụng cu giúp người già đi bộ.
(3) discharge planning: chương trình xuất viện dưỡng lão.
(4) long term resident: bịnh nhân / người già ở dài hạn.
(5) residents: bịnh nhân / người già sống trong viện dưỡng lão.
(6) tạm dịch là: “Phải thường xuyên theo dõi (để ý) đến cách cư xử của bệnh nhân này đối với người vợ của ông ta. Ông ta thường la hét vợ!”

(*) Trần Văn Giang viết theo ý của một Sinh Viên Y Khoa Việt Nam đang thực tập ở San Jose, California, USA.

Chuyện Trong Tuần – Trần Văn Giang

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *