Tản mạn ngày đại hội Nông Nghiệp Toàn Cầu năm 2011

(Tại Quận Cam, California – USA)

2011

.

Mục đích quý báu và cần thiết của hội Nông Nghiệp là tạo cơ hội để anh chị em Nông Nghiệp gặp nhau ở cái tuổi “cổ lai hi.”

Mùa thu năm 2011, sự gặp gỡ có vẻ xôm tụ hơn các lần trước vì danh xưng của đại hội được “nâng cấp” lên cho oai hơn là “Đại hội Nông Nghiệp Toàn Cầu” và được chia ra làm 3 chương trình khác nhau; tuần tự như sau:

1- Tiền đại hội: Ngày thứ Sáu 7 tháng 10 năm 2011, được tổ chức thân mật với tính cách gia đình tại tư gia của anh chị Nguyễn Văn Thông thuộc thành phố Fountain Valley, Orange county.

2- Đại hội chính: Ngày thứ Bẩy 8 tháng 10 năm 2011, được tổ chức tại nhà hàng Seafood Palace, thành phố Westminster, Orange county, California.

3- Hậu đại hội: Ngày Chủ nhật 9 tháng 10 (và 2 ngày kế tiếp sau đó) năm 2011, chương trình “tour vuốt đuôi” (“tailgate party”) đi Las Vegas, Nevada; và Grand Canyon, Arizona.

Tôi chỉ có cái may mắn được tham dự hai chương trình hai ngày đầu; và qua sự nhắn nhủ riêng của anh Hoàng Mai Chào, viết vội lên đây vài dòng ghi lại những diễn tiến đáng chú ý (trong hai ngày đầu đại hội) để anh chị em nào không có dịp tham dự đại hội lần này (vì bất cứ lý do gì) có thể biết qua (mà thấy tiếc !)

.

Tiền đại hội

.

Trước khi bắt đầu vào câu chuyện, thành thật cảm ơn công lao rất lớn của mọi người trong Ban Tổ Chức (BTC), ngoại trừ người viết bài này chả làm được trò trống gì cả, chỉ là một thành viên của khối NATO – viết tắt của câu “No Actions Talk Only” – chỉ có tên trong danh sách của Ban Tổ Chức (BTC) cho đẹp mắt thôi! Nhất là phải ghi lại công sức (“credits”) của anh Trầm Hữu Tình. Nên biết, anh Trầm Hữu Tình với tính tình vui vẻ hòa nhã và hăng say vác ngà voi cật lực không hề biết mệt mỏi… Anh được anh chị em các khóa, từ lớn tới bé, mến mộ. Anh Trầm Hữu Tình, ngoài cái tên cúng cơm rất “hữu tình” là Trầm Hữu Tình ghi trên giấy căn cước cá nhân, anh là người thứ hai (?) của đất nước Việt Nam hình chữ “S”có nhiều vô số bí danh, biệt hiệu, tên gọi, nghề nghiệp nhất nước (Do you know who is number one?)… Các tên gọi của anh nghe rất “ngầu” như: Ông Ngoại Tình, nhà thơ Trầm Tư Lịnh, thi sĩ Trầm Tử Linh, nhà văn Trầm Tử Luôn…

“Nhiệt liệt” hoan nghinh BTC làm việc gần trầy trán, rụng tóc trong việc dàn xếp công việc đưa đón các anh chị đến từ các vùng xa – Pháp, Canada và thành phố xa Orange County trên đất Mỹ… – từ ngày thứ Năm (10/6), sáng thứ Sáu (10/7)… cho đến chiều ngày thứ Sáu 10/7/2011. Thể theo nhã ý của anh chị Nguyễn Văn Thông (nên biết anh chị Thông đã “made an offer that BTC can not refuse!), các anh chị gia đình Nông Nghiệp đã vui vẻ tuần tự, lần lượt rủ nhau đến cùng một lúc tranh dành chỗ đậu xe (vì tư gia của anh chị Thông chỉ có “limited parking spaces”), để được dịp hội ngộ tai tư gia của anh chị Thông ở Fountain Valley.

Theo lời anh “chủ xị” Hoàng Mai Chào:

“Đây là dịp để chúng ta gặp nhau, hàn huyên, nhắc nhở lại những kỷ niệm của trường xưa, bạn cũ… để chúng ta có một buổi tiệc nhỏ thân mật mà mọi người tham dự vừa là khán giả, vừa là thính giả, vừa là diễn giả, vừa là ca sĩ, vừa là nhạc sĩ…”

Nếu nói văn hoa theo kiểu quảng cáo kêu gọi tình nguyện nhập ngũ của “Lục quân Hoa kỳ” (“US Army”) thì nhà anh chị Nguyễn Văn Thông là chỗ của buổi họp mặt mà tất cả các anh chị sẽ “Be all you can be…,” một đêm “tự do và hạnh phúc” (chẳng cần đến hai chữ “độc lập” vì đã có mặt của chị Độc Lập là đủ rồi) tới bến, cho đến hết mùa hoa mướp…

Tôi đếm nhanh, thấy có trên 100 người già trẻ tham dự. Thật là hào hứng! Tôi còn ghi được thêm, ngoài những mục mà anh Hoàng Mai Chào gọi là “hàn huyên,” còn có xen lẫn cả tiếng trách móc, tiếng chửi (bad words), mắng vốn (excuses) về những sao lãng trong việc thăm hỏi nhau trong những ngày tháng qua ; vắng mặt, lặn trong các lần họp mặt trước đây v.. v..

Sau khi anh chị Nông Nghiệp và thân hữu thưởng thức các món ăn nhanh, các món ăn chậm; các món uống mạnh và uống nhẹ; các món tráng miệng lỏng và đặc ngon quá cỡ thợ mộc của ban Ẩm thực (tiện đây xin cám ơn bàn tay khéo léo của chị Trần Thị Hằng và chị Thông gia chủ), nhà thơ Trầm Tử Linh thay mặt BTC chức khai hỏa mặt trận miền Tây nước Mỹ; khai mạc phần thứ hai của buổi tối – còn gọi phần văn nghệ – mà tôi tạm đặt tên là “Chương trình Bolsa không có gì lạ đâu em.” Thi sĩ Ngoại Tình rất “tự tin” cam kết chương trình văn nghệ sắp đến sẽ hay không thua kém gì chương trình “Thúy Nga Paris;” bởi vì chương trình này sẽ được điều khiển bởi hai “em-xi” còn bảnh hơn cặp Nguyễn Ngọc Ngạn – Kỳ Duyên đó là anh “em-xi” Tạ Cự Hải đến từ trên hai ngàn dặm xa (miền Đông nước Mỹ tuyết lạnh) và chị “dzăng sĩ” Kathy Trần (hiền thê anh Bùi Công Thắng) của địa phương Cali (miền Tây nắng ấm, trời quang mây tạnh). Thiệt tình! Đại hội Nông Nghiệp Toàn Cầu có một cặp “em-xi” thần kỳ “the ones and only,” hài hòa tất cả các yếu tố có liệt kê sẵn trong sách phong thủy: Lưỡng nghi (âm dương), thiên thời (khí hậu), địa lợi (địa phương, phong thổ), nhân hòa (tinh thần Nông nghiệp)…

Ngay sau khi tuyên bố khai mạc chương trình văn nghệ, ông Ngoại Tình lẹ tay bán cái, chuyển nhẹ cái “micro” cho “em-xi” Tạ Cự Hải. Hình như đã có một sự thỏa thuận ngầm – vì không thấy ai công bố công mẹ chính thức – là anh Tạ Cự Hải sẽ điều khiển chương trình tối thứ Sáu 10/7/2011; và chị Kathy Trần sẽ dẫn chương trình ngày Đại hội chính thứ Bẩy 10/8/2011.

Tối hôm đó, anh Tạ Cự Hải vừa mới bước chân ra khỏi máy bay tại phi trường Orange County là đã chạy xe đến thẳng một mạch tới ngay buổi họp mặt tại nhà anh chị Nguyễn Văn Thông; và cầm “micro” liền. Nói dài giòng vòng vo tam quốc như vậy để thấy là chương trình văn nghệ buổi tối này diễn tiến lớp lang rất đẹp mắt, không cần tập dượt trước là do sự dẫn dắt khéo léo của anh Tạ Cự Hải. Anh Tạ Cự Hải xứng đáng được tặng một “huân chương (?)” – bên quê nhà bi giờ gọi cái huân chương đó là “Em-xi nhân rân!

Anh Tạ Cự Hải mở đầu qua lời giới thiệu cho biết chương trình không sắp đặt trước, có sao xài vậy, hoàn toàn “tự giác” và “tự phát.” Trước hết, anh Tạ Cự Hải gọi / đặt tên ban nhạc phụ trách phần nhạc đệm tối hôm đó là ban nhạc “Thái-Minh-Châu” – do tên của ba nhạc sĩ thân hữu gia đình Nông Nghiệp đánh đàn và trống Thái, Minh và Châu. Tài thật!

Tôi ghi được 15 tiết mục hấp dẫn; tuần tự như sau (Xin nói trước, nếu có gì thiếu / sai sót xin các anh chị lượng tình bỏ qua vì trí nhớ người viết cũng bắt đầu có vấn đề rồi!):

1- Anh Nguyễn Văn Thông, gia chủ, được hân hạnh mời lên sân khấu hát mở màn. Nhưng trước khi hát mở màn, anh Thông đã khéo léo đưa đẩy vài lời cám ơn các anh chị em đã bớt thời giờ quá bộ đến nhà anh, đã cám ơn mọi đóng góp công sức của BTC; và quan trọng nhất là đã không (dám) quên cám ơn bà xã anh đã giúp anh một tay rất đắc lực trong việc tổ chức đón tiếp tối nay… Sau đó anh Thông hát song ca với chị Nguyễn Thị Hà bài “Về dưới mái nhà” của Xuân Tiên.

2- Kế tiếp, chị Châu Thị Nga, NLS Bảo lộc, hát một bài nhạc Pháp lời Việt nghe rất “lãng mạn!”

3- Anh Phan Công Toàn, một giọng hát cơ hữu, được ưa chuộng của gia đình Nông Nghiệp, hát điêu luyện với bài “What a wonderfull world.”

4- Chị Nguyễn Thị Hà trở lại “sân khấu” đơn ca bài “Em còn nhớ hay em đã quên” của Trịnh Công Sơn.

5- “Sư phụ” Hồ Hán Dân với thể lực còn rất mạnh giỏi như trai trẻ, vẫn còn “théc méc” là “sao em không lấy chồng gần mà lị đi lấy chồng xa?” qua bài “Tiếng hát chim đa đa” của Võ Đông Điền.

6- Chị Hoàng Dung nối tiếp chương trình của ban văn nghệ tùm lum qua một bản đơn ca đã làm các sư phụ Nông Nghiệp gốc cựu quân nhân bùi ngùi nhớ lại những giây phút ngày xưa lúc chuyển quân ở trong rừng qua bài “Mưa rừng” của Huỳnh Anh.

7- Thân hữu Trần Thiện Khải làm nhiều sư mẫu Nông Nghiệp cảm động muốn rơi nước mắt với bài “Lần cuối cho em” của Nguyên Vũ.

8- Chị Kim Thư, cũng là một thân hữu Nông Nghiệp, đã làm các bác Nông Nghiệp gốc “Ớt hiểm” (Huế) ray rứt nhớ Huế với bản “Gợi giấc mơ xưa” của Lê Hoàng Long.

9- Đôi song ca “Ngọc Cẩm – Nguyễn Hữu Thiết” “tự phát” tân thời (Chị Trân và anh Thái) du dương tha thiết trao đổi lời hát trong bản “Nuối tiếc” của Trịnh Nam Sơn.

10- Cô Ngọc Thủy, em vợ anh Nguyễn Hoàng Long, một ca sĩ, một phóng viên rất khả ái đã làm nhiều anh, nhiều bác Nông Nghiệp dù đã vợ con đùm đề rồi mà vẫn cứ suýt xoa, loay hoay, nghĩ ngợi tìm cách trả lời câu hỏi của cô qua bài hát “Anh Đã quên mùa thu?” của Nam Lộc. Ngay sau đó, vì thấy các bác Nông Nghiệp lên tiếng ào ào ủng hộ hơn mức độ bình thường, cô Ngọc Thủy tới luôn với một “message” chung cho các bác vẫn còn đang ngơ ngẩn qua bài “Điều giản dị” của Phú Quang.

11- Anh chàng trẻ tuổi đẹp giai con nhà giầu học giỏi Dương Thụy Lân không chịu chờ lâu hơn, trả lời cô Ngọc Thủy ngay ngon ơ qua bài “Yêu em dzật dzờ” của Vũ Thư.

12- Chị Hồng Anh, bà xã anh Hoàng Ngọc Chương, góp giọng ca ngọt ngào với bài “Thoi tơ” của Đức Quỳnh (phổ thơ Nguyễn Bính).

13- Một gương mặt quen thuộc của các buổi họp mặt Nông Nghiệp là thi sĩ, văn sĩ, nhạc sĩ và “tổ-chức-họp-mặt… sĩ” (nhiều “sĩ” quá xá?) Nguyễn Tùng Buông hát bản “Buổi chiều em ra thăm biển” do tự anh Buông sáng tác.

14- Chị Thảo (vợ anh Minh) hát tiếp bài “Xin thời gian qua mau” của Lam Phương.

15- Cuối cùng anh Trần Đại Hiền, môt thân hữu Nông Nghiệp, bố của ca sĩ tài hoa Trần Thái Hòa (Thúi Nga Paris), bạn anh Hồ Phùng; và cũng là đồng nghiệp thầy giáo với bà chị vợ tôi ở trường Trung học Tổng hợp Ban Mê Thuật trước năm 1975, đã lên kết thúc chương trình “tiền họp mặt” với màn độc tấu Harmonia độc đáo trong một bản nhạc ngoại quốc.

Thấm thoát mà đã đến 10 giờ tối. Buổi họp mặt tại tư gia anh Nguyễn Văn Thông phải tạm kết thúc để thứ nhất khỏi làm phiền hàng xóm đang cần sự yên lặng nghỉ ngơi; thứ hai là mọi người tham dự cũng cần về nghỉ ngơi đế lấy sức cho buổi họp mặt kết tiếp quy mô hơn vào ngày mai; và sau chót là để gia đình anh Nguyễn Văn Thông còn có đủ thời giờ dọn dẹp nhà cửa.

Một lần nữa thành thật cám ơn lòng tốt của anh chị Nguyễn Văn Thông.

.

Đại hội chính

.

Ngày thứ Bẩy 8 tháng 10 năm 2011 là một ngày thật đẹp: nắng ấm, trời trong… anh chị em Nông Nghiệp lại có dịp tái hội ngộ một cách chính thức long trọng tại nhà hàng Seafood Palace thuộc thành phố Westminster, California, USA.

Buổi tiệc chính thức của đại hội bắt đầu lúc 12 giờ trưa. Các anh chị, sau khi đã ghi tên vào sổ khách thăm dự và đóng tiền lệ phí, được mời vào an tọa tại bàn tiệc. Tôi quan sát thấy các anh chị ngồi kín 15 bàn, tức là đã có khoảng 150 người tham dự đại hội chính. Chương trình sau đó được khai mạc và dẫn bởi “em-xi” Kathy Trần. Chị Kathy Trần trong dịp này cũng giới thiệu hai cuốn sách mới xụất bản của chị. Chị yêu cầu các anh chi hăng hái mua ủng hộ (với giá giới thiệu); bởi vì tất cả tiền bán sách sẽ được đem mến tặng hết cho hội Nông Nghiệp. Thành thật cảm ơn nghĩa cử này của chị Kathy Trần, một cô dâu Nông Nghiệp.

Vì các anh chị lâu ngày mới gặp lại nhau; mừng rỡ quá xá nên đã không ngừng chụp ảnh lưu niệm, hàn huyên, trao đổi chuyện trò; tiếng cười tiếng nói vang động lấn át cả dàn âm thanh cỡ lớn hôm đó tại nhà hàng…. BTC phải nhiều lần yêu cầu “các anh chị vui long vặn âm thanh vừa đủ nghe” để chương trình văn nghệ giúp vui được diễn tiến theo dự định…

Tôi ghi được 14 tiết mục (lại một lần nữa nếu có ghi chép thiếu / sai sót gì thì xin các anh chị làm phước bỏ qua dùm). Phần lớn các tài năng “tên tuổi” (mọi người tham dự đều đã biết tên; và biết cả tuổi!) đóng góp văn nghệ hôm nay đã có trình diễn tối hôm qua rồi (dĩ nhiên là với bài bản khác):

1- Mở đầu chương trình là tiếng hát quen thuộc của chị Nguyễn Thị Hà qua bài “Những ngày thơ mộng” của Hoàng Thi Thơ.

2- Anh chàng trẻ tuổi đẹp giai Dương Thụy Lân hát bài “Phiến đá sầu” của Diệu Hương.

3- Chị Hoàng Dung hát bài “Phố đêm” của Tâm Anh.

4- Thi sĩ tài hoa Đặng Đức Bích của gia đình Nông Nghiệp lên sân khấu chào mừng ngày Đại Hội Nông Nghiệp Toàn Cầu và ngâm tặng hai bài thơ do anh sáng tác riêng cho buổi họp mặt kỳ này.

4- Anh Phan Công Toàn với “Top hit Oldie” tên “Unchained Melody.”

5- Chị Hồng Anh, vợ anh Hoàng Ngọc Chương, hôm nay hát một bài hát đặc biệt cây nhà lá vườn Nông Nghiệp. Đó là bài “Chút tình riêng gởi Huế” phần nhạc viết bởi Hồ Phùng (TL6) và lời thơ của Ngô Hữu Hùng (TL7).

6- Anh Nguyễn Văn Thông không thấy có vẻ gì là mệt mỏi (sau cuộc dọn dẹp nhà cửa tối hôm qua) hát bài “Cây đàn bỏ quên” của Phạm Duy.

7- Chị Châu Thị Nga tình tự với bài “Áo lụa vàng” của Phạm Thế Mỹ.

8- Cặp song ca “Thái-Trân” trở lại tái diễn hai thần tượng “Ngọc Cẩm – Nguyễn Hữu Thiết” bản “Nuối tiếc” của Trịnh Nam Sơn. Mặc dù nghe lại bài cũ nhưng vẫn thấy mùi mẫn không kém!

9- Màn đặc biệt nhất của buổi họp mặt đại hội chính này phải kể là màn vũ, ca nhạc cảnh “Miền sơn cước” do ba cô sơn nữ NLS Bảo Lộc trong y phục sơn nữ thơ mộng: Chị Châu Thị Nga, chị Hoàng Dung và chị Độc Lập (aka “Aviva!”) Bản vũ lạ mắt này được hoan hô, tặng hoa, chụp ảnh mệt nghỉ…

9- Không thể thiếu mặt thi nhạc ca sĩ Nguyễn Tùng Buông với “Mời em về đêm nay” cũng do chính anh Buông sáng tác.

10- Cô Kim Thư với “Tà áo tím” của Hoàng nguyên.

11- Người đẹp Ngọc Thuỷ được kéo lên sân khấu với bài “Hoa soan bên thềm cũ” của Tuấn Khanh.

12- Màn “Hò Ba Miền” rất chua nhưng có duyên của 3 người đẹp: “Hoa hậu áo dài” Đại úy US Army Trần Thị Được (vai con gái Bắc), Hoàng Dung (con gái Trung); Trần Thị Hằng (con gái Nam); và 3 chàng ngư lâm pháo đại: Ông anh Bắc kỳ (? Sorry, tôi hổng nhớ tên Bác này), Ông Ngoại Trầm Hữu TTình (con trai Trung Kỳ) và Nguyễn Tùng Buông (trai Nam kỳ lục tỉnh).

13- Chị Châu Thị Nga nối tiếp chương trình hát với một bản nhạc Pháp nổi tiếng một thời “La plus belle pour aller dancer.

14- Cuối cùng để kết thúc buổi họp mặt, dưới sự dàn dựng, điều khiển của đạo diễn “tên tuổi” Dương Thụy Lân, tất cả anh chị em cùng hát hợp ca bài “Và con chim đã vui trở lại” của một “người di tản hết buồn” (vì anh chàng 65 tuổi vừa về Việt Nam lấy thêm bồ nhí 21 tuổi!) đó là nhạc sĩ Đức Huy.

Đến lúc này nhân viên nhà hàng lên tiếng nhắc nhở BTC là đã 4 giờ chiều rồi… Nhà hàng cần thời giờ để sắp đặt cho đám cưới buổi tối.

Thế là tất cả anh chị tạm ca bài “ò… e” chia tay nhau… Một số anh chị em sẽ gặp lại nhau ngày mai 9 tháng 10 năm 2011 tại “Phước Hạnh Tour” ở đường Bolsa để tiếp tục chương trình thứ ba của ngày đại hội: Đi “Tour” Las Vegas, Grand Canyon. Số còn lại (kể cả người viết) sẽ phải về nhà để nghỉ ngơi; để ngày thứ Ba 11/10/2011 còn đi cày trả nợ tiếp…

.

 

Trần Văn Giang ghi lại

Orange County, 11/2/2011.

.

Tản mạn ngày đại hội Nông Nghiệp Toàn Cầu năm 2011 – Trần Văn Giang

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *