Những “Trận Bút Chiến” nổi tiếng

.

Writing

 

1- Ngô Thời Nhiệm và Đặng Trần Thường.

 

Câu chuyện thứ nhất:

Ngô Thời Nhiệm là một mưu sĩ đã giúp vua Quang Trung giữ yên bờ cõi và đánh thắng giặc Thanh. Mưu sĩ là phải người rành tâm ý, có cặp mắt tinh đời, Ngô Thời Nhiệm nhận thấy Đặng Trần Thường (ĐTT) không phải là hạng người có thể dùng được (loại tiểu nhân và tham danh lợi…) cho nên từ chối sự “đầu quân” của Đặng Trần Thường.

Tây Sơn Ngô Thời Nhậm không dùng thì ĐTT về đầu Nguyễn Ánh để đánh lại Tây Sơn. Sau khi nhà Nguyễn thắng được Tây Sơn, Ngô Thời Nhậm bị bắt đưa đến ĐTT. Đặng Trần Thường ra câu đối, bị Ngô Thời Nhậm chỉnh lại. Nếu là bậc chính nhân quân tử thì ĐTT đã phục tài, đến cởi trói tha cho Ngô Thời Nhậm. Ngược lại, Đặng Trần Thường nhớ lại mối hận ngày xưa (bị bác đơn tuyển dụng!) và mối hận ngày nay là thua trí Ngô Thời Nhậm cho nên Đặng trần Thường đã hành hạ ông Ngô thời Nhậm cho đến chết.

Kẻ tiểu nhân dù có học cao cách mấy thì cùng có lúc lộ mặt tiểu nhân. Đặng Trần Thường có học nên dùng sức học ra vẻ nho nhã dùng văn chương đối đáp. Nhưng lúc thua bí thì Đặng Trần thường lại lộ ngay bản chất tiểu nhân, dùng oai để tra tấn (đánh một trăm roi) Ngô Thời Nhiệm cho đến chết.

*

Câu chuyện thứ hai:

Cũng có câu chuyện ngược lại là, Ngô thời Nhiệm và Đặng trần Thường là bạn từ hồi nhỏ, cùng học một thầy là Ngô Thời Sĩ, bố của Nhiệm. Lớn lên, cả hai đều đậu tiến sĩ và cùng làm quan cho nhà Lê mạt. Nhiệm có những hành vi làm xấu hổ, nhục nhã cho giòng họ và gia đình đến nỗi ông Sĩ phải tự tử chết. Nhiệm bỏ nhà Lê theo phò Tây Sơn tiêu diệt nhà Lê. Khi Nhiệm theo quân Tây Sơn vào Bắc hà thì Thường theo vua Lê chạy sang tàu. Nhiệm Thuyết phục dụ dỗ Thường bỏ nhà Lê theo phe chiến thắng Tây Sơn để được hưởng vinh hoa phú quý, phải thức thời vụ mới là người tuấn kiệt v.v… nhưng Thường không chịu.

Sau khi nhà Lê đã hoàn toàn thất bại, Thường trốn vào nam theo Gia Long chống lại Tây Sơn.Vì thế khi bắt được Nhiệm, Thường nhắc lại chuyện xưa đó là:

“Ai công hầu, ai khanh tướng, trong trần ai, ai dễ biết ai.”

Nhiệm chống chế rằng:

“Thế chiến quốc, thế xuân thu, gặp thời thế, thế thời phải thế.”

Đồng thời, trong một quyển sách của vi-xi lại chép là:

“Thế chiến quốc thế xuân thu, gặp thời thế, thế thời cứ thế (?)”

Với một nhân vật rất là quan trong trong phe Tây Sơn như Nhiệm mà không bị chặt đầu mổ bụng hay tru di tam tộc, thì thật lạ. Thường chỉ xử Nhiệm về vấn đề mất đạo đức, đại nghịch bất đạo của một sĩ phu bắc hà là bất trung, bất hiếu, bất nghĩa v.v…(Phản vua, giết cha, hại bạn…) Nhiệm chỉ bị xử phạt đánh một trăm gậy và đục tên ra khỏi bia tiến sĩ rồi thả về. Một trăm gậy là đánh tượng trưng thôi vì lúc đó Nhiệm khoảng bẩy mươi tuổi, nếu đánh thật thì Nhiệm bỏ mạng tại chỗ chứ đâu có mà về thời gian lâu sau mới chết như thế.

Bọn cs miền nam, nhất là thành phần trí thức thiên tả, thành phần thứ ba v.v… bóp méo lịch sử, ca ngợi Ngô thời Nhiệm là để giải thích, biện minh cho hành vi “phản thùng:” hưởng ơn huệ, bổng lộc của miền nam mà lại theo cs miền bắc chống đối chính phủ miền nam. Còn ngược lại, Đặng trần Thường mới là hình ảnh của những người trí thức quốc gia. Hãy tưởng tượng nếu ngược lại, Thường bị Nhiệm bắt thì Thường sẽ bị Nhiệm đối xử như thế nào? Chẳng phải đa số trong chúng ta đã từng trải qua hay sao?

*

Tiểu sử của Ngô Thời Nhiệm để rộng đường dư luận:
Bách khoa toàn thư mở Wikipedia

Ngô Thì Nhậm (呉時任; còn gọi là Ngô Thời Nhiệm[1]; 1746–1803), tự là Hy Doãn, hiệu là Đạt Hiên, là danh sĩ, nhà văn đời hậu Lê–Tây Sơn, người có công lớn trong việc giúp triều Tây Sơn đánh lui quân Thanh. Ngô Thì Nhậm xuất thân gia đình vọng tộc chốn Bắc Hà, là con Ngô Thì Sĩ, người làng Tả Thanh Oai, ngày nay thuộc huyện Thanh Trì Hà Nội.
Sự nghiệp
Ngô Thì Nhậm thông minh, học giỏi, sớm có những công trình về lịch sử. Ông thi đỗ giải nguyên năm 1768, rồi tiến sĩ tam giáp năm 1775. Sau khi đỗ đạt, ông được bổ làm quan ở bộ Hộ dưới triều Lê–Trịnh, được chúa Trịnh Sâm rất quý mến. Năm 1778 làm Đốc đồng Kinh Bắc và Thái Nguyên. Khi đó cha ông làm Đốc đồng Lạng Sơn. Cha con đồng triều, nổi tiếng văn chương trong thiên hạ.

Sau Vụ án năm Canh Tý (1780), ông bị nghi ngờ là người tố giác Trịnh Khải nên phải bỏ trốn về quê vợ ở Thái Bình lánh nạn.

Năm 1788, Nguyễn Huệ ra Bắc lần hai, xuống lệnh “cầu hiền” tìm kiếm quan lại của triều cũ. Danh sĩ Bắc Hà đã đầu quân cho nhà Tây Sơn từ trước đó mới chỉ có Trần Văn Kỷ[2], Ngô Văn Sở và Đặng Tiến Đông[3]. Tuy vậy, tới thời điểm này thì cả vua Lê lẫn chúa Trịnh đều đã đổ. Ngô Thì Nhậm và một số thân sĩ Bắc Hà khác như Phan Huy Ích, Bùi Dương Lịch[4]; các tiến sĩ Ninh Tốn, Nguyễn Thế Lịch, Nguyễn Bá Lan; Ðoàn Nguyễn Tuấn (anh rể Nguyễn Du); Vũ Huy Tấn; Phạm Huy Lượng (tác giả “Tụng tây Hồ phú” )… lần lượt ra làm quan cho nhà Tây Sơn. [5]Sử cũ viết khi được Thì Nhậm, Nguyễn Huệ mừng mà rằng:

Thật là trời để dành ông cho ta vậy,” và phong cho ông chức Tả thị lang Bộ Lại, sau lại thăng làm thượng thư Bộ Lại – Chức vụ cao cấp nhất trong Lục bộ.

Cuối năm Mậu Thân (1788) do vua Lê Chiêu Thống cầu viện, 29 vạn quân Thanh kéo sang Đại Việt, với chiêu bài diệt Tây Sơn dựng lại nhà Lê. Ngô Thì Nhậm đã có kế lui binh về giữ phòng tuyến Tam Điệp – Biện Sơn (Ninh Bình) góp phần làm nên chiến thắng của nhà Tây Sơn.
Năm 1790, vua Quang Trung đã giao cho Ngô Thì Nhậm giữ chức Binh bộ thượng thư. Tuy làm ở bộ Binh, nhưng Thì Nhậm chính là người chủ trì về các chính sách và giao dịch ngoại giao với Trung Hoa. Ông là người đứng đầu một trong những sứ bộ ngoại giao sang Trung Hoa.[6]
Sau khi Quang Trung mất, ông không còn được tin dùng, quay về nghiên cứu Phật học.

Sau khi Gia Long tiêu diệt nhà Tây Sơn, Ngô Thì Nhậm, Phan Huy Ích, Nguyễn Thế Lịch và một số viên quan triều Tây Sơn thì bị đánh bằng roi tại Văn Miếu năm 1803. Ngô Thì Nhậm sau trận đánh đòn, về nhà thì chết.

 

Câu ứng đối nổi tiếng

Tương truyền Ngô Thì Nhậm và Đặng Trần Thường có quen biết với nhau. Lúc Ngô Thì Nhậm được vua Quang Trung trọng dụng thì Đặng Trần Thường đến xin Nhậm tiến cử. Trông thấy vẻ khúm núm làm mất phong độ của kẻ sĩ, Nhậm thét bảo Thường:

“Ở đây cần dùng người vừa có tài vừa có hạnh, giúp vua cai trị nước. Còn muốn vào luồn ra cúi thì đi nơi khác.”

Đặng Trần Thường hổ thẹn ra về, rồi vào Nam theo Nguyễn Phúc Ánh.

Sau khi nhà Tây Sơn mất, các võ tướng và một số quan văn bị giải về Hà Nội để bị xử phạt đánh bằng roi ở Văn Miếu, trong số đó có Phan Huy Ích và Ngô Thì Nhậm. Chủ trì cuộc phạt đánh đòn đó là Đặng Trần Thường.

Vốn có thù riêng, Đặng Trần Thường kiêu hãnh ra vế câu đối cho Ngô Thì Nhậm:

“Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai.”

Ngô Thì Nhậm khảng khái đáp:

“Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế.”

Có thuyết nói rằng, nguyên câu đối lại của Ngô Thì Nhậm là:

“Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, dù thời thế, thế nào cũng thế.”

hoặc là:

“Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế nào vẫn thế.”

Đặng Trần Thường bắt ông phải sửa lại như câu nói “thế đành theo thế” (hay “thế thời theo thế” hoặc là “thế thì phải thế”). Ngô Thì Nhậm không nói lại. Thường tức giận sai người dùng roi tẩm thuốc độc đánh ông.

Sau trận đòn về nhà, Phan Huy Ích không bị đánh bằng thuốc độc nên còn sống. Còn Ngô Thì Nhậm bị thuốc độc ngấm vào tạng phủ, biết mình không qua khỏi, trước khi qua đời ông có làm bài thơ gửi tặng Đặng Trần Thường như sau:

Ai tai Đặng Trần Thường
Chân như yến xử đường
Vị Ương cung cố sự
Diệc nhĩ thị thu trường

Nghĩa là:

Thương thay Đặng Trần Thường. Nay quyền thế lắm đấy, nhưng khác nào như chim yến làm tổ trong cái nhà sắp cháy, rồi sẽ khốn đến nơi. Giống như Hàn Tín giúp Hán Cao tổ, rồi bị Cao tổ giết ở cung Vị Ương. Kết cục của ngươi rồi cũng thế đó.

 

Tạm dịch nôm:
Thương thay Đặng Trần Thường
Tổ yến nhà xử đường
Vị Ương cung chuyện cũ
Tránh sao kiếp tai ương?

Quả nhiên sau này bài thơ ứng nghiệm, Thường bị Gia Long xử tử vì tội gian lận thuế.

*

Đặng Trần Thường, lúc còn hàn vi, đã đến “xin việc” (đầu quân) với tướng Tây Sơn Ngô Thời Nhiệm. Không hiểu vì sao mà tướng Ngô Thời Nhiệm hình như có ác cảm với Đặng Trần Thường từ trước, và đối xử không được đẹp với Đặng Trần Thường cho lắm.

Đặng Trần Thường đã bỏ theo Chúa Nguyễn. Khi nhà Tây Sơn bại, ông đã là một quan lớn. Giải tướng Ngô Thời Nhiệm đến trước ông, có lẽ nhớ lại hận xưa. Ông đối:

“Ai công hầu, ai khanh tướng, trong trần ai, ai dễ biết ai.”

Tướng Ngô Thời Nhiệm đối lại:

“Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế.”

Quan Đặng Trần Thường rất căm giận vì câu đối này, và đã hành hạ tướng Ngô Thời Nhiệm cho đến chết.

Đạt được khả năng “chửi” nhã nhặn đến độ này chắc khó lắm?

*

 

2- Phan Văn Trị, và Tôn Thọ Tường.

Nếu nhắc đến cụ Phan Văn Trị, và ông Tôn Thọ Tường, chắc người Việt Nam cũng sẽ đứng về “phe” cụ Phan Văn Trị. Nhưng cuộc “bút chiến” giữa cụ Phan và ông Tôn Thọ Tường cũng đã để lại cho hậu thế những vần thơ rất hay.

Chúng ta có thể không có thiện cảm với ông Tôn Thọ Tường, nhưng khó ai có thể bảo ông là người thô lỗ, bất tài. Dù ông Tôn Thọ Tường bị cho là người nhiều quyền lực nhưng không quyết đoán, đôi khi tỏ ra chuyên quyền lấn át vua nhưng lại nhân nhượng thái quá đối với những đòi hỏi quá đáng của người Pháp. Tuy vậy, tài văn thơ của ông cũng đáng cho hậu sinh trọng nể.

Thơ xướbg họa của Phan Văn Trị và Tôn Thọ Tường với chủ đề “Tôn Phu nhân quy Thục” rất nổi tiếng; mọi người hầu như đều biết qua.

Bài xướng (của Tôn Thọ Tường) “Tôn phu nhân quy Thục (Hán)”

Cật ngựa thanh gươm vẹn chữ tòng,
Ngàn thu rạng tiết gái Giang Đông!
Lìa Ngô, bịn rịn chòm mây bạc,
Về Hán, trau tria mảnh má hồng.
Son phấn thà cam rây gió bụi,
Đá vàng chi để thẹn non sông!
Ai về nhắn với Chu Công Cẩn:
Thà mất lòng anh, đặng bụng chồng.

Bài họa (của Phan Văn Trị) “Tôn phu nhân quy Thục

Cài trâm sửa áo vẹn câu tòng,
Một ngả trời chiều biệt cõi Đông.
Khói tỏa trời Ngô chen thức bạc,
Duyên về đất Thục đượm mầu hồng.
Hai vai tơ tóc bền trời đất,
Một gánh cương thường nặng núi sông.
Anh hỡi, Tôn Quyền, anh có biết (1)
Trai ngay thờ chúa, gái thờ chồng!

(1) Thuật giả trộm nghĩ Tôn phu nhân gọi anh là “vương huynh” hay “hoàng huynh” mới phải, song ở đây ông cử Trị đã ép mình gọi sống sượng như thế cốt để chỉ rõ là mình nói Tôn Thọ Tường.

Và đây là một lọat các bài xướng họa khác rất hay của ông Tôn Thọ Tường và cụ Phan Văn Trị.

Bài xướng 1

Giang san ba tỉnh hãy còn đây,
Trời đất xui chi đến nỗi này?
Chớp nhoáng thẳng bon dây thép kéo,
Mây tuôn đen kịt khói tàu bay.
Xăn văn thầm tính, thương đôi chỗ,
Khấp khởi riêng lo, biết những ngày.
Miệng cọp hàm rồng chưa dễ chọc,
Khuyên đàn con trẻ chớ thày lay!

Bài họa 1

Hơn thua chưa quyết đó cùng đây,
Chẳng đã, nên ta mới thế này,
Bến Nghé quản bao cơn lửa cháy,
Cồn Rồng dầu mặc bụi tro bay.
Nuôi muông giết thỏ còn chờ thuở,
Bủa lưới săn nai cũng có ngày.
Đừng mượn hơi hùm rung nhát khỉ,
Lòng ta sắt đá há lung lay!

Bài xướng 2

Thày lay lại chuốc lấy danh nhơ,
Ai mượn mình lo việc bá vơ?
Trẻ dại, giếng sâu, lòng chẳng nỡ,
Đường xa, ngày tối, tuổi không chờ. (1)
Áo xiêm chán thấy xăn tay thợ,
Xe ngựa nào toan gỡ nước cờ.
Rủi rủi may may đâu đã chắc?
Miệng lằn lưỡi mõi hãy tai ngơ!

 

______
(1) Ngũ Tử Tư người nước Sở, vì thù cha anh, chạy sang nước Ngô mưu việc báo thù, có nói: “Nhật mộ đồ viễn, đảo hành nghịch thi” nghĩa là ngày sắp tối, đường còn xa, phải nên làm việc mau gấp đảo ngược cho chóng thành công.

Bài họa 2

Lung lay lòng sắt đã mang nhơ,
Chẳng xét phận mình khéo nói vơ!
Người trí mảng lo danh chẳng chói,
Đứa ngu mới sợ tuổi không chờ.
Bài hòa đã sẵn trong tay thợ,
Việc đánh hơn thua giống cuộc cờ.
Chưa trả thù nhà đền nợ nước,
Dám đâu mắt lấp lại tai ngơ!

Bài xướng 3

Tai ngơ mắt lấp buổi tan tành,
Nghĩ việc đời thêm hổ việc mình.
Nghi ngút tro tàn nhà đạo nghĩa,
Lờ mờ bụi đóng cửa trâm anh.
Hai bên vai gánh ba giềng nặng,
Trăm tạ chuông treo một sợi mành.
Trâu ngựa dầu kêu, kêu cũng chịu,
Thân còn chẳng kể, kể chi danh!

Bài họa 3

Tai ngơ sao được lúc tan tành,
Luống biết trách người chẳng trách mình.
Đến thế còn khoe danh đạo nghĩa,
Như vầy cũng gọi cửa trâm anh.
Khe sâu vụng tính dung thuyền nhỏ,
Chuông nặng to gan buộc chỉ mành.
Thân có, ắt danh tua phải có,
Khuyên người ái trọng cái thân danh.

Bài xướng 4

Kể chi danh phận lúc tan hoang,
Biển rộng trời cao nghĩ lại càng…
Lên núi bắt hùm chưa dễ láo,
Vào sông đánh cá, há rằng oan. (1)
Người giương mắt ngạo đôi tròng bạc,
Kẻ ứa gan trung bảy lá vàng.
Chiu chít thương bầy gà mất mẹ,
Cũng là gắng gỏi, dám khoe khoang!

________
(1) “Nhập giang nhi viết phi ngư, thùy kỳ tín giả:” Lội xuống sông mà chối là không phải đi kiếm cá, ai mà tin được!

Bài họa 4

Thân dang chẳng kể, thiệt thằng hoang!
Đốt sáp nên tro lụy chẳng càn… (1)
Hai cửa trâm anh xô sấp ngửa,
Một nhà danh giáo xóa tan hoang. (2)
Con buôn khấp khởi chưa từng ngọc,
Người khó xăn văn mới gặp vàng.
Thương kẻ đồng văn nên phải nhắc,
Dễ ta đâu dám tiếng khoe khoang.

__________
(1) Càn: khô.
(2) Vần oan họa vần hoang, theo âm miền Nam.

Bài xướng 5

Khoe khoang sức giỏi cậy tài khôn,
Múa mép khua môi cũng một phồn.
Tơ vấn cánh ruồi kinh trí nhện,
Gió đưa hơi cọp khiếp oai chồn.
Siêng lo há đợi cơm kề miệng,
Chậm tính nào ngờ nước đến trôn.
Hay dở chuyện đời còn lắm lối,
Múa men xin hãy chớ bôn chôn.

Bài họa 5

Khoe khoang việc phải, mới rằng khôn,
Kẻ vạy người ngay há một phồn! (1)
Hồng dẫu hư lông đâu sợ sẻ,
Hùm như thất thế dễ thua chồn.
Ngươi Nhan xá ngại dao kề lưỡi,
Họ Khuất nào lo nước đến trôn.
Tháy máy gặp thời ta sẽ động,
Muốn nên việc lớn chớ bôn chôn.

________
(1) Phồn: bọn, lũ.

Bài xướng 6

Hãy chớ bôn chôn việc cửa nhà,
Sau này còn ngại nỗi đàng xa.
Ma duồng cơn ngặt lung hai trẻ,
Trời mỏn lòng thương xót một già.
Lái đã vững vàng cơn sóng lượn,
Thoi toan đan dệt lúc mưa sa.
Ở đời há dễ quên đời được,
Tính thiệt so hơn cũng gọi là…

Bài họa 6

Bôn chôn cũng bởi bận vì nhà,
Dám trách người xưa chửa tính xa?
Hăm hở hãy đang hăng sức trẻ,
Chìu lòn e cũng mỏn hơi già.
Mồi thơm cá quý câu không nhạy,
Cung yếu chim cao bắn chẳng sa?
Đáy giếng trông trời giương mắt ếch,
Làm người như vậy cũng rằng là…

Bài xướng 7

Cũng gọi là người ắt phải lo,
Có hay chịu khó mới nên trò.
Bạc mông mênh biển cầu toan bắc,
Xanh mịt mù trời thước rắp đo.
Nước ngược chống lên thuyền một mái,
Gác bao bó lại sách trăm pho.
Lòng này dầu hỏi mà không hổ,
Lặng xét thầm soi cũng biết cho.

Bài họa 7

Rằng là người trí cũng xa lo,
Nhuẫn nhã kinh luân mới phải trò.
Ngay vạy nảy ra cho biết mực,
Thấp cao trông thấy há rằng đo.
Xe Châu nào đợi kinh năm bộ,
Níp Tống vừa đầy sách nửa pho.
Chuốc miệng khen người nên cắc cớ:
Đạo trời ghét vạy há soi cho!

Bài xướng 8

Đã biết cho chưa, hỡi những người,
Xin đừng tiếc hận, chớ chê cười!
Ví dầu vật ấy còn roi dấu,
Bao quản thân này chịu dể ngươi.
Trăng giữa ba thu mây cũng tỏ,
Hoa trong chín hạ nắng càng tươi.
Khó lòng mình biết lòng mình khó,
Lòn lỏi công trình kể mấy mươi.

Bài họa 8

Soi cho cũng biết ấy là người,
Chẳng tiếc thân danh, luống sợ cười;
Ba cõi may dầu in lại cũ,
Đôi tròng trông đã thấy không ngươi.
Ngọc lành nhiều vết coi sao lịch,
Thợ vụng ít màu nhuộm chẳng tươi.
Đứa dại chót đời, già cũng dại,
Lựa là tuổi mới một đôi mươi!

Bài xướng 9

Kể mấy mươi năm nước lễ văn,
Rắn dài, beo lớn, thế khôn ngăn;
Bốn đời, chung đội ơn nuôi dạy,
Ba tỉnh, riêng lo việc ở ăn.
Hết sức người theo trời chẳng kịp,
Hoài công chim lấp biển không bằng.
Phải sao chịu vậy thôi thì chớ,
Nhắm mắt đưa chân lỗi đạo hằng.

Bài họa 9

Một đôi mươi tuổi tính xăn văn,
Đất lở ai mà dễ dám ngăn?
Nong nả dốc vun nền đạo nghĩa,
Xốn xang nào tưởng việc làm ăn.
Thương người vì nước ngồi không vững,
Trách kẻ cầm cân kéo chẳng bằng.
Gió mạnh mới hay cây cỏ cứng,
Dõi theo người trước giữ năm hằng.

Bài xướng 10

Đạo hằng chi trước thảo cùng ngay,
Lỗi đạo sao cho đáng mặt thầy.
Đất quét đã đành bia lỗ miệng,
Chén tràn e nỗi trở bàn tay.
Nghĩa đen dạy trẻ tranh còn lấp,
Mặt trắng xem trời cánh khó bay.
Chí muốn ngày nào cho được toại?
Giang san ba tỉnh hãy còn đây!

Bài họa 10

Năm hằng vốn thiệt thảo cùng ngay,
Cuộc ấy ai xui khéo bận thầy.
Gặp lúc chẳng may nên ngậm miệng,
Chờ khi tháy máy sẽ ra tay.
Nổi chìm mặc thế tình dày mỏng,
Cao thấp dầu ta sức nhảy bay.
Một trận gió đưa xiêu ngã cỏ,
Hơn thua chưa quyết đó cùng đây.

*

Bài xướng “Từ Thứ quy Tào

Thảo đâu dám sánh kẻ cày voi (1)
Muối xát lòng ai, nấy mặn mòi.
Ở Hán hãy còn nhiều cột cả,
Về Tào chi sá một cây còi!
Bâng khuâng nhớ mẹ khôn nâng chén,
Bịn rịn trông vua biếng giở roi.
Chẳng đặng khôn Lưu đành dại Ngụy,
Thân này xin gác ngoại vòng thoi!

____________

(1) Vua Thuấn đi cày, có con voi cảm lòng hiếu thảo của vua, ra dẫm nát đất để cày giúp.

Bài họa “Từ Thứ quy Tào

Quá bị trên đầu nhát búa voi,
Kinh luân đâu nữa để khoe mòi!
Xăn văn ruổi Ngụy mây ùn đám,
Dáo dác xa Lưu, gió thổi còi.
Đất Hứa nhớ thân sa giọt tủi (1)
Thành Tương mến chúa nhẹ tay roi!
Về Tào miệng ngậm như bình kín,
Trân trọng lời vàng đáng mấy thoi?

_________
(1) Hứa: tỉnh Hứa xương.

*

Bài xướng “Vịnh Thúy Kiều

Mười mấy năm trời nhục rửa xong,
Sông Tiền Đường đục hóa ra trong.
Mảnh duyên bình lãng còn nong nả
Chút phận tang thương lắm ngại ngùng.
Chữ hiếu ít nhiều: trời đất biết,
Gánh tình nặng nhẹ chị em chung.
Soi gương kim cổ thương mà trách,
Chẳng trách chi Kiều, trách hóa công.

Bài họa “Vịnh Thúy Kiều

Tài sắc chi mi, hỡi Thúy Kiều!
Cũng thương mà trách một đôi điều:
Ví dù Viên ngoại oan vu lắm,
Sao chẳng Đề Oanh sớ sách kêu?
Cái nghĩa chàng Kim tình đáng mấy,
Lượng vàng họ Mã đáng bao nhiêu!
Liêu dương ngàn dặm xa chi đó,
Nỡ để Lâm tri bướm dập dìu!

*
3- Phan Đình Phùng và Hoàng Cao Khải
Hoàng Cao Khải thâm độc và bạo tàn hơn ông Tôn Thọ Tường gấp bội, nhất quyết phải tiêu diệt cụ Phan Đình Phùng; nhưng những bức thư Hoàng Cao Khải viết cho cụ Phan Đình Phùng, bỏ qua nội dung, thì từ ngữ cũng rất nhã nhặn. Chứng tỏ là người có tài “viết lách.”

Chúng ta có thể khinh bỉ hành động Việt gian của Hoàng Cao Khải, nhưng ngược lại, chúng ta cũng phải nể nang cái thái độ nhã nhặn đúng mức của Hoàng Cao Khải khi đối đáp với cụ Phan Đình Phùng.

Xin Trích thư Cụ Phan Đình Phùng và Hoàng Cao Khải gởi cho nhau:

Thư Hoàng Cao Khải

“Đồng Ấp Phan Đình Nguyên Đại Nhân túc hạ.

Tôi với ngài xa cách nhau, xuân thu đắp đổi đã 17 năm rồi. Dâu bể cuộc đời, bắc nam đường bụi, tuy là mỗi người đi một ngả khác nhau, nhưng trong giấc mộng hồn vẫn thường thấy nhau, không xa xôi gì.


Từ lúc ngài khởi nghĩa đến giờ, nghĩa khi trung can… các quan thường thở than khen ngợi, và tỏ ý kính trọng lắm..
.”

Và đây là thư phúc đáp của Cụ Phan Đình Phùng:

“Hoàng quy đài các hạ,

Gần đây, tôi vì việc quân, ở mãi chốn rừng rú, lại thêm lúc này rét qua, nông nỗi thật là buồn tênh. Chợt có người báo có thư của cố nhân gửi lại. Nghe tin ấy, bao nhiêu nỗi buồn rầu lạnh lẽo tan đi đâu mất cả…

Những lời nói gan ruột của cố nhân, tôi đã hiểu biết. Cách nhau muôn dặm mà chẳng khác gì ngồi chung một nhà đối mặt mà nói chuyện với nhau…”

Ngôn từ của hai nhà nho, hai vị tướng. Một vị là Đình Nguyên Tiến sĩ, một người là Tổng trấn Bắc Phần, tuy anh tổng trấn này là Việt gian, nhưng đã mời được Cụ Tam nguyên Yên Đổ về nhà làm gia sư dạy cho hai anh con là Hoành Mạnh Trí và Hoàng Trọng Phu. Sau này Trí làm tổng đốc Nam Định, Phu làm tổng đốc Hà Đông, Nam Định và Hà Đông là hai tỉnh trù phú nhất Bắc Việt.

 

________

— Tất cả các sự kiện và thơ đều được trích trong “Giai Thoại Làng Nho” của cố giáo sư Lãng Nhân.

— Các lời bàn “góp” chen giữa các sự kiện được trích lẻ tẻ từ Internet.

 

Trần Văn Giang (Ghi lại)

Những Trận Bút Chiến Nổi Tiếng – Trần Văn Giang (Ghi lại)

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *