Thầy Trò

.

Teaching

 

Lời mở đầu:

 Đây là ý kiến cá nhân của người viết mà thôi. Đúng hay sai còn tùy hoàn cảnh, sự thẩm định và kinh nghiệm của mỗi độc giả.

 T.V.G.

*

Vấn đề thầy trò không phải là chuyện đơn gỉản. Nó không đơn thuần chỉ một quan hệ bình thường xã hội giữa người dậy học và người đi học; mà nó còn còn là quan hệ được nâng cấp lên thành một thứ đạo lý – Đạo lý làm thầy và Đạo lý làm trò rất phức tạp mà cha ông ta đã xếp đặt từ ngàn xưa. Tập tành phê bình về mấy cái vụ “Đạo Lý” này dễ bị “chửi” lắm! Hôm nay, có lẽ ông trời đi vắng cho nên tiện nhân thử liều mạng múa gậy vườn hoang một chập xem sao!!!

Ở Việt Nam, khi đã được tôn lên hàng đạo lý cao cấp thì người đời phải tuân theo bất cập, không có ngoại lệ ! Điều này không hẳn là dở. Nó làm cho xã hội có nề nếp tôn ti trật tự từ trên xuống dưới. Tuy nhiên ngày hôm nay giữa thời đại của khoa học tân tiến [vượt bực] và tự do dân chủ [quá trớn]; cái đạo lý cứng đơ, vâng phục nghe lời một chiều này cần được bàn lại chút đỉnh!

Nói chung, theo tiện nhân, đạo lý Khổng Mạnh trì kéo sự phát triển con người. Nói riêng, đạo lý Khổng Mạnh chỉ làm lợi cho giới lãnh đạo cầm quyền, giới ăn trên ngồi trước trong đó Thầy Cô cũng được cho hưởng ké chút phần thưởng, đặc quyền của đạo lý này bày ra.

Người Việt Nam ở trong nước đã bị mấy câu đạo lý:

“Tiên học lễ Hậu học văn,”

“Tôn sư trọng đạo,”

“Không thầy đố mầy làm nên,”

“Quân-Sư-Phụ,”

..v..v…

này đè lên đầu lên cổ cả mấy ngàn năm; cũng giống như như ngọn núi “Ngũ Hành” (bàn tay Phật tổ) to xù xụ đè lên cái đầu nhỏ bé của Tôn Ngộ Không. Nhất định không để cho con “nhân hầu” tài giỏi này có dịp vùng vẫy, ngang dọc đem lại lợi ích cho bầy khỉ nhỏ. Chưa hết, Phật Tổ còn tặng cho anh chàng Tôn Ngộ Không thêm cái vòng “đạo lý thứ nhì” nữa; dó là vòng “Kim Cô,” để khoá chặt cái bộ óc của Tôn Ngộ Không. Cái vòng oan nghiệt “Đạo Lý Kim Cô” này làm cho những câu:

“Áo mặc không qua khỏi đầu,”

“Trứng làm sao khôn hơn vịt,”

biến thành ra “châm ngôn, kim chỉ nam” gần như bất di bất dịch – tương tự như bức tường bằng bê tông cốt sắt đặt trước mặt sự tiến hóa và văn minh của dân tộc!

Chỉ vì sống với những kiểu cách đạo lý nặng nề như thế, tiến tới không nổi đã đành; mỗi ngày một tụt hậu nữa cơ chứ! Cái suy nghĩ: “Đụng tới Sư Phụ tao là có chuyện lớn nhe! – Coi chừng có thể bị xin tí huyết!” Đó là cái ngu muội muôn đời vẫn chưa sửa được. Đạo lý “Quân-Sư-Phụ” kể ra đã lỗi thời từ lâu rồi! Tiện nhân sẽ giải thích thêm về lý do tại sao “lỗi thời” ở những dòng sắp tới.

Sir Isaac Newton đã có nói là:

“Tôi có thể nhìn xa được là nhờ đứng tôi trên vai của những người khổng lồ.”
[If I have been able to see further, it was only because I stood on the shoulders of giants.]

Newton đã minh định rằng, không phải vì tự nhiên, tự dưng mà ông bỗng phát minh, tìm ra được “Sức hút của Trọng Lực – Law of Gravity.” Ông phải nhờ vào những sự hiểu biết của những người đi trước, những bậc vĩ nhân, bậc thầy của ông như Pythagore, Archimedes..v..v… Ông đã được đứng trên vai của những người khổng lồ đó để tiếp tục công việc nghiên cứu, phát minh cho hạnh phúc của loài người…

Khi thấy cần phải lên tiếng sửa đổi cái chưa đúng hẳn, những cái chưa phải là chân lý, cái sai của ông Thầy mình, đâu phải là vì mình thiếu đạo đức mà là cơ hội để cho Thầy cố gắng học hỏi thêm. Học trò còn phải cố gắng làm sao cho giỏi hơn Thầy, đứng trên vai Thầy mà giúp ích cho xã hội. Thế mới đúng nghĩa là cái đạo làm trò?

Ở Mỹ, nghề đi dạy học cũng chỉ là công việc bình thường như mọi thứ công việc khác. Cũng ở Mỹ này, chúng ta mới thấy cái “đạo thầy trò” có vẻ thông thoáng hơn nhiều: “Thầy đi dạy vì dạy học là công việc làm của thầy để ăn lương.” Thầy dậy không xong, không hoàn tất công việc của thầy, thầy sẽ bị mất việc. Học trò đi học, phải trả tiền cho thầy đầy đủ [qua ban quản lý của trường học]; và “đi học là công việc cuả trò. Trò không cố gắng học hành, học dốt sẽ bị đuổi ra khỏi trường.” Đơn giản là như thế thôi!

Đôi khi tiện nhân nghĩ “đạo Thầy-Trò” của mình cũng cần phải như vậy thì xã hội mới mong tiến bộ phồn vinh như các nước Âu Mỹ. Người Việt Nam sống lâu ở nước ngoài thì cũng thấy và so sánh điều này. Tuy nhiên một số vẫn còn một số rất lớn bảo thủ cho tới ngủ gật!

Đấy, suy nghĩ như theo kiểu “tiền trao, cháo múc” và “cứu cánh biện minh cho mục đích…,” bảo đảm không phải chờ lâu, là đã nghe thấy văng vẳng có tiếng chửi ở đâu đó rồi! “No star where!” (không sao đâu?) Cứ theo như cái văn hóa 4000 năm văn hiến của mình: làm hay, làm dở cũng đều bị chửi ! Trước hay sau gì thì cũng bị chửi! Thôi cứ việc để cho người chửi được chửi cho hả giận! Nhân tiện đây, tiện nhân cứ “tới luôn bác tài” rồi hạ hồi sẽ tính nhé …

Tiện nhân với mớ kiến thức nông cạn cho nên chỉ hiểu mấy câu lẩm cẩn bàn về “đạo thầy trò” ở trên theo cái ý nghĩa tương đối của nó. Chẳng hạn cái giá trị “tương đối” của câu:

“Không thầy đố mày làm nên.”

Đồng thời cũng có thể hiểu là:

“Không mày đố thầy dạy ai!”

Có cụ sẽ chịu hết nổi, quát lên hỏi là “Đồ dzịch dzật ! Tương đối nghĩa là kí dzì kí cục dzậy? Tại sao tương đối có thể làm cho ý nghĩa của một câu đứng đắn thành ra lộn tùng phèo như thế được?

Dạ thưa! Không còn ai có thẩm quyền giải nghĩa chữ “Tương Đối” bằng sư phụ Albert Einstein – cha đẻ của thuyết tương đối. Einstein gỉai thích cái ý nghĩa của sự “tương đối” một cách đơn giản và thực tế như sau:

“Nếu cụ đang theo đuổi [nói nôm na là đang thả dê] một cô gái xinh đẹp nào đó thì khi ‘được” ngồi bên cạnh cô nàng một vài tiếng đồng hồ mà sao cụ thấy nó nhanh như có vài giây. Còn ngược lại, nếu cụ “bị” ngồi bên trên cái lò lửa thì cụ thấy một vài giây lâu lắc như vài tiếng đồng hồ. Đó chính là sự tương đối!” [When you are courting a nice girl an hour seems like a second. When you sit on a red-hot cinder a second seems like an hour. That’s relativity.]

Ngồi trên lò lửa” ở đây hiểu theo nghĩa đen là trên lò nướng “BBQ” chẳng hạn; mà cũng có thể hiểu theo nghĩa bóng là đang phải giải quyết một vấn đề nóng hổi nào đó chẳng hạn như: cứu trợ bão lụt, bài trừ tham nhũng, buôn bán bằng cấp, xuất cảng “cô dâu,” văn minh tụt hậu, trên nói dưới “đếch” nghe , đảng cử dân bầu..v..v.. Một giờ vẫn là một giờ. Còn chuyện lúc thì thấy nó lâu lúc thì thấy nó mau (?) chỉ là “tương đối” là vậy.

Trên thực tế, trò đi học nhiều khi không xin được học bổng, phải đem chính cái thân gầy xác ve của mình đi cầy một lúc 2, 3 việc “part time” xói trán để lấy tiền đóng học phí nhà trường [để trường trả lương cho thầy]; hay đi tìm một ông thầy nào đó để xin đươc chỉ dạy cho mình một vài chuyện, vài kỹ thuật “cao cấp” để mong kiếm miếng ăn kha khá hơn nuôi vợ con [chẳng hạn như đầu bếp, thợ sửa xe, tiện sĩ – nói nôm na là thợ tiện] thì cái tình thầy trò “Nhất tự vi sư, bán tự vi sư [nhà cháu xin tạm dịch là ‘một chữ cũng là thầy, mà thầy có bán chùa đi nữa thì thầy vần còn là thầy … just kidding!]” có một cái nghĩa “đạo lý” khác, có lẽ là khiêm nhường hơn.

Thành ra trước khi muốn thầy chỉ dẫn cho một vài điều cần thiết thì phải có tiền trả cho thầy trước cái đã!

Tiên học lễ, hậu học văn.”

Đúng? hay không đúng?

Ở Việt Nam vào mấy thế kỷ trước thì phải được coi là đúng, không có ngoại lệ. Nhưng bây giờ, nhất là ở Mỹ, đầu tiên thầy sẽ hỏi trò là “Tiền đâu?” Cái vòng lẩn quẩn ở đây là: đối với thầy “tiền không thành vấn đề.” Nhưng “vấn đề là không có tiền! [thì không múc cháo!]”

Nếu muốn nói về “quan hệ thầy trò” cho chính xác hơn thì phải là người có dịp đi làm thầy mới nói được hết ý.

“Không ở trong chăn thì làm sao biết chăn có rận được?”

Cái đạo lý làm Thầy tạo cho con người ta cái danh hão để sống chết cùng với cái danh đó. Cố tạo ra một hình ảnh mô phạm mẫu mực, điềm đạm trong cách ứng xử nói năng giao thiệp. Cái đạo lý Thầy Trò ép buộc người ta sống với lễ giáo khuôn phép, đánh mất đi cái tự nhiên của con người.

Còn về phần Trò cũng vậy, luôn luôn phải sống “phải” đạo với thầy : lễ phép vâng lời, coi thầy như là khuôn mẫu để theo, không dám cãi lại những cái gọi là “khuôn vàng thước ngọc” đã được bày ra. Văn hóa Khổng Mạnh có chữ “Sư Thừa” có nghĩa là “học chẳng những không được phép giỏi hơn Thầy, học mà giỏi hơn Thầy lại còn là một trọng tội nữa !!!” Chính vì những điều này mà quan hệ tương thân tương ái đã mất đi mà chỉ còn lại quan hệ “trên-dưới,” “trước-sau” và phép tắc.

Khi đi ra nước ngoài, mới thấy mọi quan hệ được xây dựng trên nền tảng sòng phẳng, kể cả quan hệ Thầy-Trò, mới thấy rằng cái đạo lý cha ông ta là cái “bóng đè” cố hữu nặng nề, ngạt thở trên đôi vai, trên mình mẩy của con cháu rồng tiên; là cái làm cho người Việt chậm tiến, làm cho xã hội Việt trì trệ và ngăn cản những gì tự nhiên, cởi mở. Cái ràng buộc gọi là “bóng đè đạo lý” đó theo tiện nhân nghĩ nên từ từ xoá bỏ đi để cho giới trẻ trở dễ thở, tỉnh táo hơn. Như vậy có lẽ sẽ tốt hơn, sẽ thuận lợi hơn cho sự phát triển tài năng và phát triển đất nước. Có như thế, may ra đất nước mới có cơ hội tranh đua, sánh vai với tòan cầu. Bây giờ, và không biết đến bao giờ (?) nước Việt mới hết lè tè, xếp hạng bét về mọi phương diện so với các nước khác.

Ý nghĩ của tiện nhân rất đơn giản: Vị trí làm thầy không có nghĩa “tự nhiên” (automatically) được kính trọng. Thầy phải có hành động và có tư cách để xứng đáng được kính trọng – “Respect must be earned.”

Về cái sự “tự nhiên” của con người. Có một giai thoại giữa Lão Tử và Khổng Tử mà tiện nhân mạn phép đuợc kể lại. Khổng Tử đi đâu cũng dạy dân gìn giữ “Tam Cương và Ngũ Thường” (Quân-Sư-Phụ, Nhân-Lễ-Nghĩa-Trí-Tín,) phải tuân theo lệnh “thượng cấp” cái kiểu “Quân xử thần tử, thần bất tử bất trung” để mà đặt “thiên hạ loạn” dưới một guồng máy “lệ luật.” Không phải chỉ riêng có tiện nhân là đề nghị việc “tạm bỏ qua” cái “bóng đè đạo lý” này. Khổng Tử đã từng bị dân tình của thời Xuân Thu (vào thế kỷ thứ 5 trước Công Nguyên) ghét. Chẳng hạn như khi Khổng Tử đến nước Vệ, dân nước Vệ lấy chổi mà quét bỏ, xóa dấu chân của ông. Khổng Tử mới than phiền với Lão Tử về việc “dân tình thật khó dạy.” Lão Tử chỉ mỉm cười trả lời là:

“Còn ai trồng khoai đất này? Chính tại ông làm cho họ ghét chứ có ai vào đây nữa!”

Trong câu này, Lão Tử không có ý cho việc Khổng Tử làm là sai; mà ám chỉ Khổng Tử chỉ biết “tận nhân lực” mà không biết “tri thiên mệnh.” Khổng Tử chỉ muốn thiên hạ phải làm theo đúng như ý mình dậy bảo. Sự việc mình làm thì trời đất cũng phải nghe theo ?!

Cũng theo Lão Tử thì: “Khi cần phải có ‘Nhân Lễ Nghĩa Trí Tín’ thì thế gian nó đã ở giai đọan loạn mất rồi.” [nguyên văn: “Thất Đạo nhi hậu Đức, thất Đức nhi hậu Nhân, thất Nhân nhi hậu Nghĩa, thất Nghĩa nhi hậu Lễ. Phù Lễ giả, trung tín chi bạc nhi loạn chi thủ.”]

Luật pháp cần phải được đặt ra là bởi vì con người đã không còn sống trong cái “đạo tự nhiên” của nó. Luật pháp được đặt ra để mà kềm hãm bớt con người lại, cho khỏi vượt quá ngoài cái trật tự chung của xã hội. Cái “tự nhiên của con người” thời nay có nhiều thứ “ruồi bu” lắm, chẳng hạn:

“tự nhiên” chen lấn khi xếp hàng,

“tự nhiên” uống rượu lái xe gây họa cho người khác,

“tự nhiên” lấy của công làm của tư,

“tự nhiên” lấy của cải, tài sản gây dựng mồ hôi nước mắt của người khác làm của riêng mình

Lão Tử đã cho là “đạo lý Quân-Sư-Phụ” đã lỗi thời ngay từ đời Xuân Thu ở Trung Hoa chứ không phải chờ mãi đến bây giờ! Riêng tiện nhân ngẫm nghĩ lại, thấy cái “Tam Cương” của Khổng Tử chẳng những vô duyên mà lại còn vô lý nữa chứ lị ! Cũng nên biết Khổng Tử là người đầu tiên trong lich sử Trung Hoa mở trường [tư] để dậy học – Ông là một “Sư Phụ” đầu tiên và nổi tiếng nhất lịch sử. Nhưng nếu nhân vật “Sư” có can đảm, hay hiểu là dại dột cũng được, mà xếp đặt “Tam Cương” như thể nầy:

“Sư-Quân-Phụ”

thì chắc chắn là “Sư” sẽ bị một tên “Quân” nào đó chặt mất chỗ đội nón cối rồi. Nhân vật “Sư” mặc dù “muốn” lắm nhưng không có cách nào khác hơn, đành phải tự đặt mình dưới cái mông của “Quân !” Thành thử, cái hệ thống “quần dài” “Quân-Sư-Phụ” có vẻ miễn cưỡng sao đó! Ngoài ra, để “Sư” trên “Phụ” thì xem chừng Khổng Tử coi công “dạy” nặng hơn công “dưỡng.” Sự sắp đặt này có vẻ chủ quan, theo nhiều người, chưa chắc là đã thuận tình!

Nói chung thì theo thuyết Tam Cương:

“Vua thì làm cha thiên hạ và cũng đã tự xem bàn dân thiên hạ như thể là món đồ trong túi của mình, muốn xử dụng thế nào tùy ý ngài! Sư thì làm thầy thiên hạ. Phụ thì làm chủ trong nhà.”

Nếu quí cụ rộng lượng với nhà cháu một tí, không phiền hà, cho phép nhà cháu được tùy ý xếp đặt cái thứ tự ưu tiên của cái gọi là “Cương” này, thì thay vì “Quân-Sư-Phụ,” nhà cháu sẽ xếp lại là :

“Phụ Mẫu [Bố Mẹ] – Ngã [Tôi, I, Me, Yo, Moi] – Thê Tử [Vợ Con] – Sư [Thầy.]”

[*Chữ “Quân” đã bị gạt bỏ.]

Riêng đối với các cụ còn “độc thân vui tính” thì xin cứ tự ý đục bỏ cái mục “Thê Tử” trong cái bảng xếp hạng theo thứ tự “quân giai” ở trên cho nó đúng nghĩa “Tam Cương !”

Cái tương quan, cái tình “Sư Phụ – Đệ Tử” của mấy ông nhà nho [Khổng Giáo] cũng có nhiều chuyện đáng buồn để nói. Thứ nhất, sư phụ xem cái chuyện dậy dỗ thuần túy là cơ hội để mưu sinh và thứ hai là lợi dụng [abused] đệ tử. Ví dụ, sư phụ ra giá là mỗi đệ tử phải trả 5 thúng gạo một tháng cho sư phụ, thì bố mẹ của đệ tử phải ráng cầy sâu cuốc bẫm, đội cho đầy đủ 5 thúng đến nhà thầy mỗi tháng. Vì vậy, con nhà thật nghèo không đủ gạo ăn đều trở thành “khổng học” hết! Sau khi nhận gạo xong xuôi, sư phụ có muốn dậy dỗ hay không là chuyện “tùy hỉ” của thầy. Ngoài ra thầy còn bắt đệ tử quét dọn nhà cửa, gánh nước, giặt giũ, bưng điếm đóm, đứng hầu quạt cho sư phụ mà không được trả thù lao gì hết trơn hết trọi! Đây là một hình thức bóc lột, nô lệ trá hình! Còn cách dậy dỗ của sư phụ chỉ là sự truyền đạt lại những kiến thức từ chương, thuộc lòng của người đi trước cho kẻ đi sau, không hề có thêm một sáng kiến nào ích quốc lợi dân cả. Đó là chưa kể sư phụ thường cố ý dấu bớt đi một chút nghề không truyền lại cho đệ tử vì sợ đệ tử có thể giỏi hơn thầy! Dần dà qua các thế hệ, đệ tử cứ một ngày một dốt nát ngu đần hơn đệ tử của thế hệ trước. Đất nước vì vậy không thụt lùi cũng uổng!

Con người muốn tiến lên được thì phải biết tìm đứng chỗ cao ráo, biết suy nghĩ vượt những người đi trước thì mới có thể thành công. Trong câu nói đề cập ở trên, Isaac Newton không có ý chê bai người khác, Ông chỉ muốn nói rằng ông đã cố gắng vượt qua được những thành quả của người đi trước. Ông dựa trên những gì của người đi trước đã làm để làm căn bản cho những gì ông khám phá ra sau này. Nhưng không phải trong câu nói này là không có tính kiêu ngạo đâu. Nhưng đó là cái kiêu ngạo của người giỏi thật sự.

Bây giờ, để chuẩn bị kế thúc bài này và để vuốt giận các cụ nào còn đang giận, tiện nhân xin đổi “tông” một tí!

Mặc dù nhìn trên khía cạnh phân công xã hội thì ông Thầy cũng chỉ làm công việc mà xã hội đã giao phó: Thầy dạy lãnh lương, học trò đóng học phí. Khi đóng học phí, thì học trò có quyền chọn thầy để bái sư. Nhưng khi đã đồng ý học rồi thì cho dù có đóng tiền đấy, nhưng Thầy vẫn là Thầy.

Tiện nhân thấy có rất nhiều “đệ tử” dắt tay mẹ già [hay sư phụ gìa] băng qua đường; thấy mẹ đi chậm, “đệ tử” trợn mắt chê mẹ:

“Sao mà chậm như rùa!”

Có biết đâu ngày xưa chính mẹ nó [hay sư phụ nó] đã kiên nhẫn nắm tay dạy con từng bước chập chững… Đề nghị “đệ tử” nên đọc kỹ lại thuyết “luân hồi!”

Tóm lại, ở đầu bài này tiện nhân tuy là nói “lộng ngôn” như vậy cho vui chứ trong thâm tâm nhà cháu vẫn quan niệm rằng giữa con người với nhau, không phải chỉ tiền trao cháo múc là xong chuyện. Dù sao cũng còn có “tình,” có “nghĩa,” có “ơn,” có “óan.”

Vài giòng thô thiển của kẻ hậu sinh, tập tành múa rìu qua mắt thợ!


***

 

Ranh Ngôn đọc thêm cho vui:

1. Con đường tới thành công, vinh quang không bao giờ có dấu chân của kẻ lười biếng. [Đúng rồi! Kẻ lười biếng thì làm quái gì chịu đi bộ mà có dấu chân trên đường!]

2. Học là để hiểu. Không hiểu thì phải hỏi.
[Đã hỏi thì phải hiểu. Không hiểu thì … đừng hỏi! Lẩm cẩm quá!]

 

Trần Văn Giang

Thầy Trò – Trần Văn Giang

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *