Chuyện Ngủ

.

Sleeping

1.

Ngồi nghĩ lại, thấy khó mà tưởng tượng được là một phần ba cuộc đời của chúng ta dùng để “ngủ” – đó là đã bỏ bớt giấc ngủ trưa kể từ ngày vượt biển tị nạn ở Mỹ đến giờ. Các Cụ mình chắc chắn phải có lý do thật chính đáng khi liệt kê sự “ngủ” đứng hàng thứ hai trong tứ khoái, bên trên cả khoái lạc về tình dục.

“Ngủ” là sự cần thiết không thể thiếu sót trong cuộc sống của mọi người. “Ngủ” là thời gian để cơ thể nghỉ ngơi, phục hồi, sản xuất thêm hoặc thay thế các tế bào đã chết. Sự phát triển hình dạng của sự trưởng thành, sự cao lớn của cơ thể đều diễn tiến vào lúc con người đang “ngủ.”  Thiếu ngủ hoặc mất ngủ là một cực hình, đôi khi còn là mầm mống của đủ loại tai họa như tai nạn xe cộ hoặc bệnh tật. Nhiều người lại đổ thừa cho chuyện tai họa và bệnh tật vì “số xui” hoặc “phong thủy xấu!” Thật buồn cười.

 

2.

Ông Cụ thân sinh của tôi có kể lại cho tôi nghe một kinh nghiệm rất cay đắng của Cụ về sự “mất ngủ” lúc Cụ còn là trai trẻ đi theo phong trào kháng chiến chống thực dân Pháp. Một người “bạn kháng chiến” của Cụ bị Tây phục kích bắt sống khi đang đi trên đường “công tác.”  Sau nhiều màn tra tấn, tra khảo của lính Tây như đánh đập, quay điện, đổ nước xà bông vào mũi..v..v.. Tây vẫn không thể lấy được lời khai gì về chỗ chôn dấu vũ khí và tên tuổi, nơi cư trú của các “đồng bọn” từ ông “bạn kháng chiến” này.  Tên Đại úy Tây trưởng đồn mới nghĩ ra kế như sau: nhốt ông bạn kháng chiến này vào một cái phòng nhỏ; dùng đèn điện chiếu thật sáng vào người; và chỉ cho uống cà-phe phin đen thật đậm chứ không cho ăn và uống một thứ gì khác!

Sau ba ngày không ngủ, vị “anh hùng kháng chiến” này mất hết hồn vía, mê sảng khai hết sự thật về chỗ dấu vũ khí và nơi trốn của “đồng bọn.” Kết quả, lính Tây đến vây bắt ông Cụ tôi tại nhà giữa đêm khuya. Ông Cụ tôi bị Tây bắt, bị đánh đập tàn nhẫn, chờ đem ra xử bắn.  May quá có một ông bác làm quan cho Tây can thiệp, đem cả tài sản ra bảo lãnh nên chỉ bị ở tù vài năm rồi thả…  Hú vía!

 

3.

Ngủ thì phải mơ. Đúng y như Ca dao Việt-nam đã nói:

“Đố ai nằm ngủ không mơ?”

Mơ cũng vừa là một món quà vừa là hình phạt mà thượng đế dành cho con người.

Tôi còn nhớ năm 1975, lúc vội vã rời bỏ gia đình, quê hương vượt biển chạy sang Phi Luật Tân, đêm nào tôi ngủ cũng nằm mê thấy gia đình đầy đủ cha mẹ anh em vẫn ngồi quây quần ăn cơm chuyện trò tại bàn ăn của bữa cơm tối trong khi thực tế, tôi đang là kẻ lưu vong tứ-cố-vô-thân. Giấc mơ phản ảnh sự mong muốn, mơ ước mà mình không làm được, hay không có được trong đời sống thực tế, trong lúc tỉnh táo.

Giấc mơ cũng là hình phạt nếu nó là ác mộng. Các sự kiện lịch sử của Việt Nam cũng như Trung Hoa có ghi lại nhiều trường hợp các bạo chúa, như Lê Long Đĩnh,  Tào Tháo… chẳng hạn, lúc sắp chết nằm ngủ mê thấy hồn của các người bị mình hãm hại, giết về đòi mạng.

Giấc mơ cũng có thể biến đời sống con người thành “bi-hài-kịch.”  Chẳng hạn, bà xã tôi có một người bạn đồng nghiệp người Đài Loan. Cô bạn Đài Loan này kết hôn với một ông Mỹ trắng mà cô ta đã quen biết và yêu từ nhiều năm. Không may, ông chồng của cô qua đời vì tai nạn xe cộ. Cô ta tỏ vẻ thương tiếc ông chồng này nhiều lắm, vẫn thường mơ ước được nằm mơ gặp chồng để xem anh chàng sống ra sao ở thế giới bên kia thì anh ta có được sung sướng? Có được mạnh giỏi không?

Một thời gian dài sau khi ông chồng qua đời, vào một đêm, cô ta nằm mơ thấy có một xe buýt tới đón cô trước của nhà. Xe buýt chạy một lúc lâu; dừng lại ở chỗ âm u mây khói. Cô ta bước ra khỏi xe thì thấy một đám người mặc áo trắng đang đứng trò chuyện với nhau. Cô lại gần hỏi thăm xem có ai biết anh chàng “Mike” là chồng cô ta ở đâu không? Một người trong đám này trả lời là “Tôi biết.” Anh ta tình nguyện dẫn cô đến gặp người chồng cũ.  Khi gặp người chồng cũ, cô ta vô cùng thất vọng và buồn bã vì thấy ông chồng “Mike” đã có vợ khác và có cả con nhỏ nữa (?!)  Cô ta gạt nước mắt và giận dỗi hỏi chồng là:

“Mike, tại sao anh lừa dối tôi. Tôi tưởng là anh vẫn còn thương tôi chứ biết đâu là anh đã lấy vợ khác?”

Anh chồng, vẫn còn trong giấc mơ, trả lời:

“Anh đâu có lừa dối gì em. Anh đã thành thật nói với em là anh thương em tới khi anh chết mà [I love you until I die.] Thì anh đã chết rồi còn gì!”

Cô bạn gái Đài Loan tỉnh dậy, sống và sinh hoạt bình thường trở lại. Không còn muốn mơ tưởng gì đến ông chồng cũ nữa. Cô ta đang sẵn sàng lấy một ông chồng khác!  Đây có thể là một câu chuyện do cô bịa đặt ra cho có vẻ liêu trai, ly kỳ để làm lý do lấy chồng khác cho mau cho sớm mà không bị mọi người dị nghị (?)

Ngủ mơ còn làm cho Trang Tử bối rối. Ông nằm mơ thấy mình hoá bướm. Khi tỉnh dậy không biết là mình mơ hoá bướm, hay bướm nằm mơ hóa ra mình?

 

4.

“Đố ai nằm ngủ không … ngáy?”

Ca dao Việt Nam làm gì mà có câu này “ngủ không ngáy!” này.  Nhưng trong thực tế “có ngủ là có ngáy” y như “có lửa là phải có khói” vậy. Nhất là đối với các Cụ cao niên. Rất nhiều các bà vợ phàn nàn các đức ông chồng về việc ông ngáy to quá làm vợ không ngủ được. Một bà đồng nghiệp của tôi ngày nào đi làm ở sở cũng phàn nàn là thiếu ngủ, mệt mỏi vì chồng bà ngủ ngáy to như máy cưa cây: Mới bắt đầu ngủ thì cưa cây nhỏ, cành nhỏ dần dần cưa đến cành lớn, cây lớn. Đến khi chồng bà ta bị “stroke” qua đời thì bà cũng lại ngủ không được vì bà nhớ tiếng ngáy của ông chồng? [Bà ta nói nguyên văn là: “I really miss his snoring!”]

Các bà vợ có chồng ngủ ngáy như cưa gỗ thì nên học cái kinh nghiệm của bà này để mà thương chồng nhiều hơn! Đừng đợi đến khi chồng chết rồi mới nói lời thương nhớ, làm giỗ thật to cúng ruồi chứ chồng chết rồi ăn uống gì được nữa? Không ích lợi gì cả.

 

5.

Ông già trong truyện “Ngư Ông Và Biển Cả” (truyện “The Old Man and The Sea” đã đoạt giả Nobel Hoà Bình 1954 về Văn Chương của Hemmingway) sống cô độc trong một căn lều nhỏ ở ngoài bìa một ngôi làng đánh cá ven bờ biển. Chỉ có một người duy nhất hay đến thăm hỏi và trò chuyện với ông là một cậu bé sống ở trong làng. Một hôm câu bé hỏi ông lão đánh cá là:

“Sao cháu chẳng thấy ông ngủ bao giờ hết vậy?”

Ngư ông trả lời:

“Bởi vì ông không còn thấy mặt trời bao nhiêu lâu nữa!”

À thì ra thế!  Đó có phải là lý do tại sao đa số người già ngủ rất ít? Hay là tại vì phong thấp y như Bố tôi vẫn nói trước khi Bố tôi qua đời? 

 

6.

Một bí hiểm của sự “Ngủ” là “mộng du.” Nhiều tên tội phạm ở Hoa kỳ đổ thừa là đang đêm thức dậy đi cướp của, giết người, hiếp dâm là vì “mộng du!” để chạy tội. Vào để nhị thế chiến có trường hợp một anh lính binh nhì của Mỹ chưa hề học lái máy bay bao giờ cả. Đang đêm thức dậy, leo vào một chiếc máy bay quân sự, cất cánh khỏi phi đạo, bay lượn vèo vèo trên không, rồi đáp xuống an toàn, đi ra khỏi máy bay tỉnh lại mới biết là mình bị mộng du!

Những anh chàng nào bị mộng du thì không dám ngủ nhờ qua đêm ở nhà người khác. Vì có ngày sẽ bị chủ nhà hiểu lầm là đang đêm mò vào phòng của con gái chủ nhà thì và có thể bị chủ nhà cắt mất “chỗ đi đái.”

Ngoài ra khoa học còn có phương thuật làm cho ngủ mê nhân tạo gọi là “thôi miên.”  Các sở Cảnh Sát cũng áp dụng thôi miên để tra hỏi các bị can sát nhân khai ra sự thật về tội phạm hoặc để tìm xác nạn nhân bị giết quăng bỏ ở đâu đó?  Các tay trộm cắp ở các thành phố lớn trên thế giới cũng giỏi không không thua gì cảnh sát.  Họ học thôi miên để trộm ví, sách tay, đồng hồ, nữ trang… của người khác tại các nơi công cộng như bến xe điện, xe lửa, metro giữa ban ngày trời sáng.

 

7.

Trong kho tàng Việt Ngữ, chữ “Ngủ” thường được nói chung với chữ “nghê” thành “ngủ nghê.” Tôi đã nghe câu nói sau đây của một bà mẹ nhắn nhủ con gái mới lớn:

 “Con ơi, thôi ngủ nghê đi! Để ngày mai thức dậy cho sớm sủa, rồi còn giúp mẹ đi chợ búa, lo lắng chuyện bếp núc cho gia đình.”

Chữ “nghê” ở đây, hình như chỉ là tiếng tượng thanh, tiếng láy dùng đệm vào chứ chẳng có ý nghĩa gì cả – cũng y hệt như các chữ tượng thanh khác:  “sủa” (sớm sủa), “búa” (chợ búa), “ núc” (bếp núc).

Chữ “nghê” tự nó cũng có nghĩa là “ngủ” như nhiều bài thơ dùng “giấc nghê thường” để chỉ giấc ngủ.

Chữ “ngủ” đôi khi được dùng không phải để tả trạng thái nhắm mắt nghỉ ngơi mà để ám chỉ việc “trai gái.”  Thí dụ như bà mẹ mắng nhiếc đưa con gái hư đốn như sau:

“Tối qua mày đi đâu suốt đêm? Có phải mày đi ‘ngủ’ với trai không?”

 

8.

Vào năm “1972 mùa hè đỏ lửa,” chiến tranh lên đến cao điểm. Trong một cuộc hành quân, đơn vị Bộ Binh của ông anh họ tôi lọt vào ổ phục kích của địch quân. Trên con đường đánh để đi thoát ra ổ phục kích nầy, đơn vị của ông anh dẵm lên một bãi mìn do địch quân đã gài sẵn. Kết quả trong đại đội của anh, có 17 chiến sĩ tử trận và trên 30 người khác bị thương nặng. Ông anh đạp phải mìn văng mất một chân và một tay. Tôi đến thăm ông anh tại Quân Y Viện Cộng Hoà sau khi anh được tải thương về đó. Tại phòng của anh nằm trong bệnh viện, có gần 20 thương phế binh, toàn là lính bị cụt-chân-cụt-tay. Ông anh đã tỉnh táo lại chút đỉnh rồi. Có thể cử động tay chân còn sót lại!

Giữa hoàn cảnh cụt tay, cụt chân đau lòng này mà ông anh tôi vẫn cười nói pha trò. Ông anh nhìn thấy tôi đến thăm, liền hát to bài “Ngậm Ngùi” thơ của Huy Cận và Phạm Duy phổ nhạc.  Ông anh còn làm ra vẻ như đang “ru ngủ” người yêu tưởng tượng của anh:

“Nắng chia nửa bãi; chiều rồi…
Vườn hoang trinh nữ xếp đôi lá rầu.
Sợi buồn con nhện giăng mau;
Em ơi! Hãy ngủ… anh hầu quạt đây.
Lòng anh mở với quạt này;
Trăm con chim mộng về bay đầu giường.
Ngủ đi em, mộng bình thường!
Ru em sẵn tiếng thùy dương mấy bờ…
Cây dài bóng xế ngẩn ngơ…
— Hồn em đã chín mấy mùa thương đau?
Tay anh em hãy tựa đầu,
Cho anh nghe nặng trái sầu rụng rơi…”

Sau câu “Tay anh em hãy tựa đầu,” ông anh đang nằm trên giường bệnh, dang cánh tay trái cụt tới cùi chõ còn băng bó với đầy vết máu khô, giả vờ như đang mời người yêu tưởng tượng của anh “gối đầu(!)” trên khúc tay còn sót lại của mình. Nhìn quang cảnh này, tôi cười mà nước mắt cứ chẩy ròng ròng lau không kịp!

Để kết thúc, như thông lệ, tôi kèm theo đây một vài câu ca dao và thơ về “Ngủ” để các bạn đọc cho đỡ chán:

 

Cái ngủ mày ngủ cho lâu
Mẹ mày đi cấy ruộng sâu chưa về

(Ca Dao)

 

Cái ngủ mày ngủ cho say
Mẹ mày vất vả chân tay suốt ngày

(Ca Dao)

 

Đánh bạc quen tay
Ngủ ngày quen mắt
Ăn vặt quen mồm

(Ca Dao)

 

Nhớ ai, nhớ mãi thế này,
Nhớ đêm quên ngủ nhớ ngày quên ăn.

(Ca Dao)

 

Ngủ quên trên sách mơ màng
Tập sách thơm ngoan
Áp má mê man

Gió lùa tỉnh dậy
Mùi Lan chập chờn

Ẩn Lan ơi Em dỗi em hờn

Ẩn Lan ơi em dỗi em hờn
Ẩn Lan ơi như những cơn buồn
Nỗi buồn thơm lâu

Em ơi gọi em là Đóa Hoa Sầu

(Phạm Thiên Thư/Phạm Duy – “Gọi em là Đóa Hoa Sầu”)

Ngủ đi, em bé anh yêu,
Phòng em gió sáng dặt dìu tiếng hoa.
Thu về, mùa đã nghe xa …
Hoàng hôn nhân thế phai nhòa nhớ thương.
Riêng em tóc biếc, môi hường
Vui say bên nỗi đoạn trường là anh.

(Hồ Dzếnh – “Bài Hát Ru Em”)

Ngủ yên cây cỏ ngậm ngùi
Một giờ yên ngủ lấp vùi trăm năm
Tỉnh ra tìm lại chỗ nằm
Chốn xa xôi ấy đêm rằm trăng soi

(Bùi Giáng – “Chuyện Chiêm Bao”)

 

Thân mến,

 

 Trần Văn Giang

 

 

 

Chuyện Ngủ – Trần Văn Giang

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *