Văn Tế Tướng Sĩ Trận Vong

của Tiền quân Nguyễn Văn Thành

.

ThuongTiec

 .

(viết theo Wikipedia)

.

Văn tế tướng sĩ trận vong” là một bài văn tế do Tiền quân Nguyễn Văn Thành đọc để tế các tướng sĩ của vua Gia Long đã bỏ mình trong cuộc chiến với quân Tây Sơn trong lịch sử Việt Nam.

Có hai người được cho là tác giả của bài văn tế trên. Chi tiết như sau:

Một số nhà nghiên cứu, ví dụ như nhà văn hóa Phạm Quỳnh hay nhà nghiên cứu Dương Quảng Hàm, cho rằng bài văn tế do bản thân Tiền Quân Nguyễn Văn Thành, vốn có tiếng là người hay chữ nhất trong các quan võ của Gia Long và là người đã cùng Gia Long vào sinh ra tử trong cuộc chiến mấy mươi năm, tự soạn và đứng chủ tế.

Theo GS. Nguyễn Huệ Chi và GS. Nguyễn Lộc cho biết:

“Bấy lâu nay có nhiều sách ghi bài này là của Tổng trấn Nguyễn Văn Thành. Nhưng theo một vài tài liệu Hán Nôm còn giữ được, trong đó có bộ Minh đô sử do Lê Trọng Hàm làm chủ biên, thì trước khi làm lễ tế các tướng sĩ nhà Nguyễn tử trận, Tổng trấn Thành đã cho mời Nguyễn Huy Lượng và Phan Huy Ích đến dinh để cùng làm văn tế.  Sau đấy, bài của ông Nguyễn Huy Lượng được chọn dùng…”

Ngoài ra, sách “Văn Đàn Bảo Giám” thì lại cho là bài Văn tế này do Vũ Văn Kính viết, Nguyễn Văn Thành chỉ là người đứng đọc.

Tuy nhiên, những nhận định (hay khám phá ?) mới này vẫn còn có nhiều người không đồng ý.

Đây là một áng văn bi hùng nổi bật trong nền văn học, một tuyệt tác chữ Nôm có giá trị nghệ thuật rất cao, nhưng ít người biết đến.  Nên biết, còn có một bài văn tế khác phổ thông hơn là bài “Văn tế Nghĩa sĩ Cần Giuộc” của cụ Nguyễn Đình Chiểu; nhưng theo tôi giá trị nghệ thuật còn kém bài của Tiền quân Nguyễn Văn Thành.

Theo học giả Dương Quảng Hàm:

Bài Văn tế Văn tế tướng sĩ trận vong của quan Tiền quân Nguyễn Văn Thành đọc khi tế các tướng sĩ đã chết trận trong hồi theo vua Gia Long đánh dẹp các nơi. Trong bài, lấy cái cảm tình của một ông võ tướng mà dãi bày công trạng anh hùng của kẻ đã qua, thổ lộ tấm lòng thương tiếc của người còn lại, lời văn thống thiết, giọng văn hùng hồn, thật là một bài văn tế rất hay..

Văn tế Trận Vong Tướng Sĩ là một bài văn tế khác biệt hẳn các bài văn tế theo lề lối tán tụng ở điểm lòng thành thực, mối tình cảm của người viết đồng thời chính là người chủ động các công việc được kể đến trong bài.

Bài được chia thành 4 phần:

  • Lung khởi: từ “Than ôi.” đến “danh ấy thọ”
  • Thích thực: từ “Xót thay.” đến “cổ độ.”
  • Ai vãn: từ “Ôi cùng lòng trung nghĩa.” đến “sao chẳng có.”
  • Kết: từ “Bản chức nay…” đến “vạn kỷ chửa dời ngôi bảo tộ.”

*

Sau đây là bài “Văn Tế Tướng Sĩ Trận Vong”:

 

Than ôi!

Trời Đông Phố (1) vận ra Sóc Cảnh (2), trải bao phen gian hiểm mới có ngày nay;
Nước Lô Hà (3) chảy xuống Lương Giang (4), nghĩ mấy kẻ điêu linh những từ thuở nọ.

Đã hay sinh là ký mà tử là qui;
Mới biết mệnh ấy yểu mà danh ấy thọ.

Xót thay!

Tình dưới viên mao (5);
Phận trong giới trụ (6).

Ba nghìn họp con em đất Bái (7), cung tên ngang dọc chí nam nhi;
Hai trăm vây bờ cõi non Kỳ (8), cơm áo nặng dày ơn cựu chủ.

Dấn thân cho nước, son sắt một lòng;
Nối nghĩa cùng thầy, tuyết sương mấy độ!

Kẻ thời theo cơ đích (9) chạy sang miền khách địa, hăm hở mài nanh giũa vuốt, chỉ non Tây (10) thề chẳng đội trời chung;
Kẻ thời đón việt mao (11) trở lại chốn sơ cơ, dập dìu vén cánh giương vây, trông cõi Bắc quyết thu về đất cũ.

Nằm gai nếm mật, chung nỗi ân ưu;
Mở suối bắc cầu, riêng phần lao khổ.

Trước từng trải Xiêm La, Cao Miên, về Gia Định mới dần ra Khánh, Thuận (12), đã mấy buổi sơn phong hải lễ (13), trời Cao Quang (14) soi khắp tấm kiên trinh;

Rồi lại từ Đồ Bàn (15), Nam Ngãi (16), lấy Phú Xuân mà thẳng tới Thăng Long, biết bao phen vũ pháo vân thê (17), đất Lũng Thục (18) lăn vào nơi hiểm cố.

Phận truy tùy gẫm lại cũng cơ duyên;
Trường chiến đấu biết đâu là mệnh số?

Kẻ thời chen chân ngựa quyết giật cờ trong trận, xót lẽ gan vàng mà mệnh bạc, nắm lông hồng theo đạn lạc tên bay;
Kẻ thời bắt mũi thuyền toan cướp giáo giữa dòng, thương thay phép trọng để thân khinh, phong da ngựa mặc bèo trôi sóng vỗ.

Ruổi rong trăm trận áng cương thường;
Rải rác mấy người nơi đạo lộ.

Hồn tráng sĩ biết đâu miền minh mạc (19), mịt mù gió lốc, thổi dấu tha hương;
Mặt chinh phu khôn vẽ nét gian nan, lập lòe lửa trơi, soi chừng cổ độ (20).

Ôi!

Cùng lòng trung nghĩa, khác số đoản tu (21);
Nửa cuộc công danh, chia phần kim cổ.

Đoái là tiếc xương đồng da sắt, thanh bảo kiếm đã trăm rèn mới có, nợ áo cơm phải trả đến hình hài;
Những là khen dạ đá gan vàng, bóng bạch câu (22) xem nửa phút như không, ơn dày đội cũng cam trong phế phủ (23).

Phận dầu không gác khói đài mây (24);
Danh đã dậy ngàn cây nội cỏ.

Thiết vì thuở theo cờ trước gió, thân chẳng quản màn sương đệm giá, những chờ xem cao thấp bức cân thường (25);
Tiếc cho khi lỡ bước giữa dòng, kiếp đã về cõi suối làng mây, nào kịp thấy ít nhiều ơn vũ lộ (26).

Tình xưa lai láng buổi tà ô;
Dấu cũ ngậm ngùi nơi dạ thổ.

Vâng Thượng đức hồi loan (27) tháng trước, đoàn ứng nghĩa dẫu Quảng-Thuận-Nghệ-Thanh (28) cũng vậy, giội ân quang gieo khắp xuống đèo Ngang;
Mà những người từng thượng trận ngày xưa, rắp tấu công từ Ngọ-Vị-Thân-Dậu (29) tới giờ, treo tính tự để nằm trong lá sổ.

Ngọn còi rúc nguyệt, nơi tẻ nơi vui;
Nhịp trống dồn hoa, chốn tươi chốn ủ.

Đã biết rằng anh hùng thì chẳng quản, trăm trận một trường oanh liệt, cái sinh không, cái tử cũng là không;
Nhưng tiếc cho tạo hóa khéo vô tình, nghìn năm một hội tao phùng, phận thủy có, phận chung sao chẳng có?

Bản chức nay:

Vâng việc biên phòng;
Chạnh niềm viễn thú (30).

Dưới trướng nức mùi chung đỉnh, sực nhớ khi chén rượu rót đầu ghềnh;
Trong nhà rỡ vẻ áo xiêm, chạnh nghĩ buổi tấm cừu (31) vung trước gió.

Bâng khuâng kẻ khuất với người còn;
Tưởng tượng thầy đâu thì tớ đó.

Nền phủ định (32) tới đây còn xốc nổi (33), vụ lòng một lễ, chén rựợu thoi vàng (34);
Chữ tương đồng ngẫm lại vốn đinh ninh, khắp mặt ba quân, cờ đào nón đỏ.

Có cảm thông thời tới đó khuyên mời;
Dầu linh thính hãy nghe lời dặn dỗ.

Buổi chinh chiến hoặc là oan hay chẳng, cũng chớ nề kẻ trước người sau, hàng trên lớp dưới, khao thưởng rồi sẽ tấu biểu chương (35) cho;
Hội thăng bình đừng có nghĩ rằng không, dù ai còn cha già mẹ yếu, vợ góa con côi, an tập (36) hết cũng ban tồn tuất (37) đủ.

Hồn phách đâu đều ngày tháng Thuấn Nghiêu;
Hài cốt đó cũng nước non Thang Vũ.

Cơ huyền diệu hoặc thăng trầm chưa rõ, thiêng thời về cố quận, để hương thơm lửa sáng, kiếp tái sinh lại nhận cửa tiền quân;
Niềm tôn thân (38) dù sinh tử chớ nề, linh thời hộ Hoàng triều, cho bể lặng sông trong, duy vạn kỷ chẳng dời ngôi bảo tộ (39).

Thượng hưởng!

_____________

Chú thích:

(1) Đông Phố: tên cũ của thành Gia Định.
(2) Sóc Cảnh: tức cõi Bắc hà, chỉ thành Hà Nội.
(3) Lô hà: tức sông Lô, một nhánh của sông Nhị, chảy qua Tuyên Quang.
(4) Lương Giang: tức sông Phú Lương, sau đổi tên thành sông Nhị, rồi sông Hồng.
(5) Viên mao: Viên đây là “viên môn.” Cửa dinh đại tướng thời xưa thường có hình tròn, nên gọi “viên môn”; “Mao” là “tiết mao”, tức lá cờ để truyền hiệu lệnh. “Viên mao” ý nói hàng đại tướng.
(6) Giới trụ: Áo giáp và mũ trụ của tướng sĩ.
(7) Đất Bái: Nơi Hán Cao tổ khởi nghiệp, lúc dấy binh được 3.000 người.
(8) Non Kỳ: Tức Kỳ Sơn tỉnh Thiểm Tây, Trung Hoa. Là nơi địa thế hiểm trở, chỉ cần 200 người có thể địch lại 2.000 quân, là nơi Chu Văn Vương sáng nghiệp.
(9) Cơ đích: Bậc chân chúa, chỉ vua Gia Long.
(10) Non Tây: chỉ giặc Tây Sơn.
(11) Việt mao: Phủ việt và tiết mao, dùng để làm hiệu lệnh trong quân.
(12) Khánh Hòa và Bình Thuận.
(13) Sơn phong là gió núi: chỉ việc Nguyễn Ánh khi xưa bị quân Tây Sơn bao vây ở Phú Quốc, nhờ trời nổi cơn bão to nhận chìm thuyền giặc khiến Nguyễn Ánh thoát nạn. Hải lễ là nước ngọt ngoài bể: Nguyễn Ánh khi chạy trốn ngoài bể, hết nước uống, mới khấn trời, thì phát hiện có giòng nước ngọt. “Sơn phong hải lễ” đây là kể lại những gian nguy đã trải.
(14) Cao Quang: Cao Tổ và Quang Vũ, hai ông vua có công khởi nghiệp và trung hưng nhà Hán.
(15) Đồ Bàn: Kinh đô Chiêm Thành khi xưa, nay là Bình Định.
(16) Nam Ngãi: Quảng Nam và Quảng Ngãi.
(17) Vũ pháo vân thê: Đạn bắn như mưa, thang cao lên đến tầng mây, chỉ việc xông pha trận mạc.
(18) Lũng Thục: Đất Lũng Tây (tỉnh Thiểm Tây) và đất Thục (tỉnh Tứ Xuyên), hai nơi hiểm trở của Trung Hoa.
(19) Minh mạc: Chỗ tối tăm mờ mịt.
(20) Cổ độ: Bến đò ngày xưa.
(21) Đoản tu: Ngắn dài.
(22) Bạch câu: chỉ đời người ngắn ngủi.
(23) Phế phủ: Phỗi và tạng phủ.
(24) Gác khói: Tức Lăng Yên Các, chỗ Đường Thái tông Lý Thế Dân cho vẽ hình 24 vị công thần. Đài mây: Tức Vân Đài, nơi Hán Minh Đế cho treo tranh công thần. “Gác khói đài mây” là thành ngữ chỉ sự suy tôn công lao các vị công thần.
(25) Cân thường: Là lá cờ để thêu tên các tướng sĩ có công trận.
(26) Vũ lộ: Mưa móc, chỉ ơn vua.
(27) Hồi loan: Xe loan (tức xa giá nhà vua) trở về.
(28) Quảng – Thuận – Nghệ – Thanh: Là 4 tỉnh Quảng (Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Nam, Quảng Ngãi), và các tỉnh Thuận Hóa, Nghệ An, Thanh Hóa.
(29) Thân, Vị, Ngọ, Dậu: Tức các năm 1798, 1799, 1800, 1801.
(30) Viễn thú: Tuần thú trấn thủ ở phương xa.
(31) Tấm cừu: Tức áo lông cừu để mặc cho ấm.
(32) Nền phủ định: Do chữ “can qua phủ định”, là việc đánh dẹp giặc giã vừa yên.
(33) Xốc nổi: Nông nổi lôi thôi.
(34) Nén bạc thoi vàng: Giấy vàng mã cuốn tròn giả làm thoi vàng để dùng trong cúng tế.
(35) Biểu chương: Tờ trình để tâu lên vua.
(36) An tập: Vỗ về, cho được yên ổn nơi ăn chốn ở.
(37) Tồn tuất: Tiền của để trợ cấp cho vợ con tử sĩ.
(38) Tôn thân: Tôn kính, thân yêu, chỉ tình cảm giữa kẻ còn người mất.
(39) Bảo tộ: Phước báu, chỉ ngôi vua.

 

*

Bài đọc thêm về Tiền quân Nguyễn Văn Thành

(Theo Wikipedia)

Nguyễn Văn Thành (chữ Hán: 阮文誠; 1758 – 1817còn gọi là Tiền Quân Thành, là một trong những vị khai quốc công thần của triều Nguyễn đồng thời là một trong những người có công lớn nhất trong việc đưa Nguyễn Phúc Ánh lên ngôi, trở thành vị vua đầu tiên (vua Gia Long) của triều Nguyễn – triều đại quân chủ cuối cùng của Việt Nam (1802-1945).

 

Cuộc đời và sự nghiệp

Thân thế

Nguyễn Văn Thành sinh ngày 13 tháng 11 âm lịch năm Mậu Dần (1758). Tiên tổ của ông người xứ Thuận Hóa, phủ Triệu Phong, huyện Quảng Điền, tổng Phú Ốc, xã Bác Vọng. Tằng tổ là Nguyễn Văn Toán dời vào Gia Định. Tổ là Nguyễn Văn Tính lại dời đến ở Bình Hòa. Cha ông là Nguyễn Văn Hiền lại dời vào Gia Định.

Sử cũ ghi: “Nguyễn Văn Thành trạng mạo đẹp đẽ, tính trầm nghị, thích đọc sách, tài võ nghệ.”

 

Võ nghiệp

Năm Quý Tị 1773, ông cùng cha ra tận đất Phú Yên ngày nay để theo Định Vương Nguyễn Phúc Thuần, chống Tây Sơn.

Năm Ất Mùi 1775, tháng 7 âm lịch, Phú Yên bị đánh úp, cai đội Nguyễn Văn Hiền tử trận.

Năm Mậu Tuất 1778, ông theo Nguyễn Văn Hoàng đóng đồn ở Phan Rí. Khi Nguyễn Văn Hoàng mất, Nguyễn Ánh cho triệu ông về.

Năm Bính Ngọ 1786, ông cùng Lê Văn Quân giúp quân Xiêm đánh tan quân Miến Điện ở Sài Nặc (trên đất Xiêm), vua Xiêm thán phục trở về đem vàng, lụa đến tạ, lại ngỏ ý một lần nữa giúp quân cho Nguyễn Ánh thu phục Gia Định. Nguyễn Ánh triệu chư tướng hội bàn, ông tâu rằng:

“Vua Thiếu Khang chỉ một lữ còn dựng được cơ đồ nhà Hạ. Ta nuôi sức mạnh mà thừa chỗ sơ hở thì việc có thể làm được, lính Xiêm tàn ngược, không nên nhờ họ giúp, nếu nhờ binh lực họ mà thành công lại có sự lo sau, không bằng cứ yên tĩnh để chờ cơ hội là hơn.”  

Vua cho là phải, nên việc ấy bèn thôi.

Năm Đinh Mùi 1787, vào mùa thu, Đại Nam Liệt Truyện ghi:

 “… trận đánh ở Mỹ Tho, quân ta thất lợi. Hoặc có người bảo Thành về ẩn quê nhà, để đợi thời cơ. Thành nói rằng:  ‘Nghĩa cả vua tôi sống chết vẫn theo đi, sự thành bại nhờ trời, ta đoán trước sao được, và nhân bị quở mà đi, nhân thua mà trốn là phản phúc, tiền nhân ta không làm thế.’ ”

Năm Tân Dậu 1801, ông lãnh ấn Khâm Sai Chưởng Tiền Quân, Bình Tây Đại tướng Quân, tước Quận Công.

Ông là người “biết chữ, hiểu nghĩa sách, biết đại thể, ở trong chư tướng, vua trọng Thành hơn cả, không cứ việc lớn việc nhỏ đều hỏi để quyết đoán. Mỗi khi ông đến chầu vua cho ngồi thong dong hỏi han, ông cũng đem hết sức hiểu biết tiềm tàng, tình hình ngoài biên, sự đau khổ của dân, kế hoạch nhà nước, mưu kế việc binh, biết điều gì là nói hết, cũng nhiều bổ ích.”

Về tài cầm binh, Tiền quân Nguyễn Văn Thành là vị tướng “phân tích kỹ lưỡng, đâu là điểm mạnh, đâu là thế yếu, rồi mới quyết đoán, lúc tiến, khi lui nhằm giảm thiểu hao tổn tướng sĩ.”

Trong một truyền dụ của triều đình còn ghi: “quân ta giao tranh, đánh ba trận thắng ba trận, ta lấy được tuy chưa bắt được hết nhưng cũng là toàn thắng. Đó thực là do đại tướng giỏi cầm quân và các quân vui theo mệnh lệnh Năm Quý Dậu 1813, sau khi xác định được rõ vị trí chiến lược quan trọng của thành phố Đà Nẵng từ trước nên triều đình nhà Nguyễn đã cho đo đạc cửa biển của thành phố này, kết hợp với việc vẽ bản đồ và bố trí thủy quân. Ông được vua cử đi lập pháo đài Điện Hải và đài An Hải nằm hai bên tả hữu sông Hàn, ở miền giáp giới với biển, để kiểm soát thuyền bè ra vào và trấn giữ Đà Nẵng.

Về sau, triều đình cho rằng các pháo đài này có thành trì, trấn giữ hùng mạnh ở bờ biển khác hẳn những pháo đài khác nên đặc cách cho gọi là thành.

 

Tổng trấn Bắc thành

Năm Nhâm Tuất 1802, vua Gia Long nghĩ Bắc Hà mới bình định, dân vật đổi mới, cố đô Thăng Long lại là trung tâm của Bắc thành với nghìn năm văn hiến đồng thời cũng là nơi đã từng chứng kiến bao cuộc thăng trầm của lịch sử dân tộc, nên được trọng thần để trấn thủ bèn phong cho ông làm Tổng trấn Bắc thành, còn vua trở về kinh đô Phú Xuân (tức Huế ngày nay). Ban cho sắc ấn trong ngoài mười một trấn đều thuộc vào cả, các việc truất nhắc quan lại, xử quyết việc án, đều được tiện nghi làm việc, sau mấy năm mà đất Bắc Hà được yên trị.

Vào tháng Chạp năm 1802, tại Thuận Hóa, ông đứng chủ tế ở lễ truy điệu các tướng sĩ bỏ mình trong cuộc chiến giữa Nguyễn Ánh với lực lượng Tây Sơn. Ông đã soạn bài “Văn Tế Tướng Sĩ Trận Vong“, lúc tế ông đọc bài văn này, lấy cái cảm tình của một ông võ tướng mà giãi bày công trạng anh hùng của kẻ đã qua, thổ lộ tấm lòng thương tiếc của người còn lại, lời văn thống thiết, giọng văn hùng hồn, đây thật là một áng văn chương tuyệt bút của nền văn học Việt Nam.

Do một sự giao hoà tự nhiên của đất trời mà sách còn chép rằng: “Khi tiền quân Nguyễn Văn Thành đọc bài văn tế trên, chung quanh đài lễ mây mù khói nổi, vang vọng tiếng gươm đao chát chúa và tiếng ngựa hí cuồng. Trên không trung, từng luồng gió rít ngang, nghe mơ hồ tiếng than vãn nhớ thương lẫn tiếng chân người rầm rập đi qua. Khi bài văn tế kết thúc, trời quang, mây mù tan hết, cảnh vật chung quanh trở nên tĩnh lặng như cũ. Phải chăng đây là oan hồn của bao nhiêu binh lính và lương dân đã bỏ mình trong chiến trận, hiển linh để nghe bài văn tế giải oan cho họ?”

Là một võ tướng, Nguyễn Văn Thành lại là người rất coi trọng việc học hành thi cử, Giáp Tý 1804, ông tâu:

“Hiện nay thánh thượng lưu ý đào tạo nhân tài, chia đặt đốc học, rèn đúc học trò, để cống hiến cho đất nước. Đó thực là cơ hội lớn để sửa đổi phong tục tác thành nhân tài. Nhưng sự dạy dỗ mới bắt đầu thì văn khoa cử nên có kiểu mẫu để làm khuôn phép cho học trò. Vậy xin chuẩn định học quy, khiến cho người dạy lấy đó mà dạy học trò và học trò lấy đó làm chuyên nghiệp để cho giảng dạy khảo khóa lấy đó mà theo.”

Vua liền chuẩn lời tâu.

Cũng trong năm Giáp Tý 1804 ông đã nỗ lực thống nhất các đồ cân, đo, lường ở các trấn Bắc Thành. Đồng thời ông còn cho đúc thước đạc điển được dùng từ Quảng Bình trở vào Nam và thước Kinh được dùng từ Nghệ An trở ra Bắc.

Cùng thời gian lãnh mệnh triều đình đứng ra coi việc xây dựng lại Bắc Thành, ông đã cho tu bổ Văn Miếu-Quốc Tử Giám, dựng thêm Khuê Văn Các. Đây là một kiến trúc có giá trị độc đáo về khía cạnh văn hóa và mỹ thuật. Công việc được hoàn thành vào mùa thu năm 1805. Kiến trúc được đặt ở cửa Nghi Môn và chính tại đây hằng năm vào mùa Xuân và mùa Thu, chọn hai ngày Đinh lệnh cho quan đến tế, lại lấy bốn tháng giữa Xuân, Hạ, Thu, Đông tổ chức khảo thí học trò.

Năm Bính Dần 1806, sau khi xem xét kỹ lưỡng nguồn gốc đường biên giới phía bắc dựa vào địa dư từ thưở trước đến thực tế hiện tại Tiền quân Thành đã đề nghị đưa thư và xin đề cử người trao đổi với quan nhà Thanh, vạch rõ địa giới hai nước, dù vua Gia Long chưa quyết định. Vào mùa đông cùng năm, khi vào kinh chầu, Tiền quân Thành đã dâng bản đồ nội ngoại 11 trấn và các phủ, châu, huyện tất cả 164 bản.

Tháng 12 năm Đinh Mão 1807, Tiền quân Thành cho khắc sách Đại học diễn nghĩa.

Năm Kỷ Tị 1809, gặp Bắc Thành dân đói, ông dâng sớ tâu:

“Nước lấy dân làm gốc, dân lấy ăn làm đầu. Sau khi các trấn bị thiên tai, nhân dân ngày càng đói lắm, xin bàn cách phát chẩn và cho vay để đỡ túng ngặt cho dân.”  

Vua đều nghe theo.

 

Vụ án có nguồn gốc từ một bài thơ

Năm Ất Hợi 1815, người con trưởng của ông là Nguyễn Văn Thuyên cũng chính là phò mã của vua Gia Long thi đỗ hương cống. Vốn là người hâm mộ văn chương, ông Thuyên thường làm thơ, ngâm vịnh văn thơ với những kẻ sĩ. Bấy giờ lại nghe nói có hai người ở Thanh Hóa là Nguyễn Văn Khuê và Nguyễn Đức Nhuận có tiếng là hay chữ, ông Thuyên có làm một bài thơ tặng, thơ dịch âm rằng:

Văn đạo Ái Châu đa tuấn kiệt,

Hư hoài trắc tịch dục cầu ty.

Vô tâm cửu bảo Kinh Sơn phác,

Thiện tướng, phương tri Ký-bắc Kỳ.

U-cốc hữu hương thiên lý viễn,

Cao vương minh-phượng cửu thiên tri.

Thư hồi được đắc Sơn trung tể,

Tá ngã kinh-luân chuyển hóa ky.

 

Dịch nghĩa là:

Ái-châu nghe nói lắm người hay,

Ao ước cầu hiền đã bấy nay.

Ngọc phác Kinh-Sơn tài sẵn đó,

Ngựa Kỳ Ký-bắc biết lâu thay.

Mùi hương hang tối xa nghìn dặm,

Tiếng phượng gò cao suốt chín mây.

Ơn tể phen này dù gặp gỡ,

Giúp nhau xoay đổi hội cơ này.

 

Một số người vốn có tị hiềm với ông dựa vào hai câu cuối của bài thơ mà lập luận, suy đoán, thêu dệt thành ý phản loạn, truất ngôi vua.

Mọi việc kêu oan của ông đều không được Gia Long minh xét. Ông hiểu rằng:

“Án đã xong rồi, vua bắt bề tôi chết, bề tôi không chết không phải là trung.”

Di biểu để lại còn ghi:

“Sớm rèn tối luyện dệt thành cái tội rất độc ác cho cha con thần, không biết kêu oan vào đâu, chỉ chết mà thôi.”

Ông bị bức tử, buộc phải uống thuốc độc trong ngục vào năm Đinh Sửu (1817), hưởng thọ 60 tuổi, con trai ông là Nguyễn Văn Thuyên thì bị xử án chém.

 

Nhận định và phục hồi công trạng

Nguyễn Văn Thành là bậc nho tướng, giỏi việc quân, biết dùng người hiền tài, mang phong thái của một mạnh thường quân, việc tài chánh, giao thiệp với ngoại bang, biên soạn hình luật, không gì không làm được, giỏi văn chương, giao hảo với Ngô Nhân Tịnh, có thơ tặng đáp với Lê Quang Định, nhưng thơ văn phần nhiều không thấy hành thế, nay chỉ còn vài tác phẩm trong đó nổi tiếng nhất là bài “Văn Tế Tướng Sĩ Trận Vong” viết bằng chữ Nôm.

Sách Đại Nam Liệt Truyên còn ghi:

”… Thành có văn võ tài lược, lâm trận dụng binh mưu lược rồi mới đánh cho nên ít khi thua, lúc đầu trung hưng, công ấy tốt lắm. Đến khi Bắc hà đã định, một mình đương công việc Tổng trấn không động đến lời nói nét mặt mà trộm giặc đều yên, bày mưu chốn miếu đường, bày tâu sự nghị đều được thi hành, có thể gọi là người có mưu giỏi trị nước...”

Năm Mậu Thìn 1868, sau khi nguyên niên được 21 năm, thể theo lời đệ tấu xin gia ân của Đông các đại học sĩ Võ Xuân Cẩn, Vua Tự Đức đã truy xét công trạng, lại chiếu giải oan án và phong chức tước cho con cháu Tiền Quân Nguyễn Văn Thành. Sau đây là bản dịch “Nghĩa Sắc gia ân” do dịch giả Lê Xuân Hoàng phụng dịch:

Nhân lúc vận trời đang hưng vượng Hoàng Đế phán rằng:

Ta nghĩ công thần là khí tốt của nước nhà, là người có quyền lớn, những việc làm kỳ lạ đều bày ra tốt đẹp, có công và có tội cũng có khi xảy ra. Các quan nhà Châu đều đặt ra tám nghị (điều) còn bên sách Tả truyện thì có mười điều là để khen chê những người có công hay có tội.

Trước đây Vọng Các Công Thần là ông Quận Công Thành, NGUYỄN VĂN THÀNH là một người công thần cũ, là con của ông NGUYỄN VĂN HIỀN, là một nhà trung nghĩa đời đời đều có công, đã từng đánh giặc nhiều phen, đánh trăm trận lên đến Đại tướng, chức đến Thượng công.

Sử sách còn để rõ ràng. Về triều đại Gia Long, nhân vì người con có tội, mà để lụy cho cha, có dâng biểu lên thì nhà Vua cũng cảm động. Đến triều đại Minh Mạng, Thiệu Trị cũng đem ra xét và đã thi ân tha tội. Trẫm ngưỡng truy vì ta đây thấy chỗ đời trước cũng thương tiếc đến công trạng.  Sắc cho đình thần phải hai ba lần xét lại cho rõ ràng, rồi cho lại chức tước đúng như nguyên hàm mà thờ tự.

Như thế là đã thi ân nhiều cho ông NGUYỄN VĂN THÀNH được phục chức Vọng Các Công Thần, tước Quận Công, được thờ vào miếu Trung Hưng Công Thần và cho cáo mạng để an ủi linh hồn.

Than ôi ! Công lao nặng như đá, không lẽ vì một chút đứa con mà phải bị mất hết, cho nên phải truy lục lại để tỏ rõ là ơn của nhà Vua vậy.

Như vậy là đã đối xử một cách rất hậu đối với tướng tài, nhà Vua không quên ơn của người có công, mặc dầu đã qua đời lâu nhưng vẫn như còn sống vậy.

Ngày 17 tháng 4 năm Tự Đức thứ 21.

 

Văn Tế Tướng Sĩ Trận Vong – Tiền quân Nguyễn Văn Thành

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *