Mạc Đĩnh Chi là ai?
.

MacDinhChi.

Lời giới thiệu:

(Mạc Đĩnh Chi 1280-1350?)

Nếu một học sinh trường trung học Mạc Đĩnh Chi (người viết bài này chẳng hạn) hỏi “Mạc Đĩnh Chi là ai?” thì nghe cũng hơi lạ! Tương tự như khi nghe con cái hỏi cha mẹ mình là ai! Mặc dầu chúng ta cũng đã biết “ít nhiều” về nhân vật Mạc Đĩnh Chi, nhưng  qua bài biên khảo nhỏ này, tôi sẽ cố gắng trình bày thêm một số dữ kiện lịch sử; để quí vị có thể tùy ý dùng làm tài liệu tham khảo. Riêng đối với các cựu học sinh trung học Mạc Đĩnh Chi, tài liệu này may ra giúp cho câu trả lời khi có người hỏi mình về tên trường trung học “Mạc Đĩnh Chi (?)”      

Trần Văn Giang       
Cựu Học Sinh Trung học Mạc Đĩnh Chi Sài Gòn – Khóa 1968 

*

Mạc Ðĩnh Chi (莫挺之) sinh năm 1280 (?), tự Tiết Phu (節夫), nguyên người châu Giang Nam (江南), huyện Bình Hà (平河), sau dời về tỉnh Hải Dương (海陽), huyện Nam Sách (南策), xã Nam Tân (南新), làng Lũng Động (隴洞). Ông đỗ Trạng nguyên khóa Giáp Thìn (甲辰 – 1304), năm Hưng Long thứ hai mươi hai, đời Trần Anh Tông (陳瑛宗). Khi vào chầu, vua thấy người ông nhỏ bé, lại xấu xí, nên không vui. Vua có ý không muốn dùng Mạc Đĩnh Chi vào việc lớn; chỉ cử ông giữ việc coi sóc thư khố của nhà vua. Ông mới dâng bài “Ngọc Tỉnh Liên Phú (1)” (玉” 井 蓮 賦), viết theo lối vấn đáp, lấy ý từ bài thơ “Cổ Ý” (古意) của Hàn Dũ (韓愈) đời Đường (唐), và bài “Ái Liên Thuyết” (愛蓮說) của Chu Đôn Di (周敦頤) đời Tống (宋), ngụ ý ví mình như “loài hoa sen hiếm quí trong giếng ngọc.” Vua xem khen hay và trọng dụng. Mạc Đĩnh Chi sau này được vua thăng đến chức Tả Bộc Xạ (tương đương với chức Thượng thư).                                      

Vua Trần Anh Tông (陳瑛宗) không những kính nể, mà còn tin cậy ông trong chức vụ sứ thần của Việt Nam đi sứ nhà Nguyên bên Trung Hoa.

Mạc Đĩnh Chi là một văn thần xuất sắc; và hơn thế nữa, là một nhà ngoại giao tài ba qua các ứng đối mau lẹ, biện luận vững vàng giữ gìn uy tín, thể diện và lợi ích quốc gia. Mạc Đĩnh Chi đã làm cho vua quan nhà Nguyên (元朝) khâm phục; đặc biệt là được vua thứ 7 triều Nguyên là Nguyên Vũ Tông (元武宗) [1281-1311; tức vị: 21 tháng 6 năm 1307, băng hà: 27 tháng giêng năm 1311; phong cho tước vị (爵位) “Lưỡng Quốc Trạng Nguyên (兩國狀元)” (Trạng Nguyên của hai nước).                               

Mạc Đĩnh Chi làm quan dưới ba đời vua nhà Trần:

– Trần Anh Tông (陳瑛宗) (1276–1320), ở ngôi 21 năm (1293–1314), làm Thái thượng hoàng 6 năm;
– Trần Minh Tông (陳明宗) (1300–1357), ở ngôi 15 năm (1314-1329);
– Trần Nghệ Tông (陳藝宗) (1321–1394), ở ngôi 65 năm (1329-1394).

Ông mất năm 1350 (?)


Giai thoại đi sứ nhà Nguyên của Mạc Đĩnh Chi

Qua lịch sử, điểm đáng ghi nhớ nhất về Mạc Đĩnh Chi là các giai thoại văn học, tài ứng đáp văn chương làm cho nước Trung Hoa; từ vua quan đến thứ dân Trung Hoa đều khâm phục.

Năm 1308, vua Trần Anh Tôn giao cho Mạc Đĩnh Chi dẫn đầu sứ bộ Đại Việt đi sứ nhà Nguyên Trung Hoa.


__________________
Ghi Chú:

Những dòng kế tiếp theo sau đây là giai thoại văn học độc đáo về chuyến đi sứ nhà Nguyên của Mạc Đĩnh Chi. Giai thoại này được ghi lại theo truyền thuyết – Có nghĩa là giai thoại Mạc Đĩnh Chi lý thú này được nhân gian lưu truyền qua nhiều đời. Người đời sau đôi khi có “thêm thắt” nhiều chi tiết không có căn cơ vững chắc?! Tuy nhiên, để rộng đường dư luận, có sao tôi ghi lại y như vậy!

*

Qua ải

Khi sứ bộ của Mạc Đĩnh Chi đến cửa ải đầu tiên tại biên giới Việt-Trung Hoa, trời đã tối. Quân Nguyên canh gác ải bắt phải chờ đến sáng hôm sau mới mở cửa cho qua. Thấy sứ bộ Đại Việt cứ biện bạch đòi mở cửa để đi cho kịp thì viên quan phụ trách ải nói:

– Nghe nói ngài là người có tài văn chương. Sao không đem sử dụng lúc này? Bây giờ tôi ra một câu đối, nếu đối thông suốt, tôi sẽ mở cửa ải; bằng không xin ngài chờ tới sáng.

Rồi quân Nguyên thả từ trên cửa thành cao xuống một câu đố thách thức nếu sứ bộ đối được thì họ sẽ mở của thành cho đi.

Nội dung của câu đối như sau:

過闗遲闗官閉閼過客過闗

Quá quan trì, quan quan bế, át quá khách quá quan.”
(Nghĩa là: “Tới cửa ải chậm trễ, cửa ải đóng, người coi ải đóng cửa không cho khách qua”).

___________
Ghi chú:

Có sách chép là: 闗遲闗官閉願過客過闗
“Quá quan trì, quan quan bế, nguyện quá khách quá quan.”
(Nghĩa là: “Tới cửa ải, cửa ải đóng, người coi ải mời khách qua đường cứ qua”).

Nhưng cân này nghe không ổn; bởi vì sự thể rõ ràng là người giữ ải không muốn cho khách qua ải lúc tối; chứ không hề mời khách đi qua?!

*

Đây là một vế đối rất khó: Chỉ một câu ngắn mà có đến 4 chữ “quan” và 3 chữ “quá.”

Tuy vậy, Mạc Đĩnh chi đã nhanh trí đối như sau:

先對易對對難請先生先對

Tiên đối dị, đối đối nan, thỉnh tiên sinh tiên đối.”
(Nghĩa là: “Ra câu đối dễ, đáp lại khó, xin mời ngài đối trước”).

Vế đối của Mạc Đĩnh Chi có 4 chữ “đối” và 3 chữ “tiên,” đáp đúng với câu đối của viên quan giữ ải. Tưởng sẽ đưa sứ bộ Đại Việt vào thế bí; nào ngờ lại có vế đối quá hay. Quan coi ải vái Mạc Đĩnh Chi hai vái và quân Nguyên mở của ải để sứ bộ của Mạc Đĩnh Chi đi qua biên giới vào giữa đêm.

____________________________________________
Lời bàn / góp ý của Giáo sư Lê Văn Đặng:

Có lẽ ai đó (?) bịa ra giai thoại nầy khá hay, nhưng vế 2 chỉ đối được âm Hán Việt, không đối được chữ; nghĩa không chỉnh ở chữ thứ 5 của 2 vế: (ông quan) khác với (câu đối)

過關遲關官閉閼過客過關
先對易對對難請先生先對


*

Giải oan

Trên đường đi đến kinh đô nhà Nguyên, trong một chiều hè nóng bức, Mạc Đĩnh Chi và tùy tùng lúc ấy thấy một quán nước ven đường thì dừng lại nghỉ chân. Chủ quán là một bà cụ già tóc bạc phơ, đến chào khách.

Gần quán có một giếng nước. Trên thành giếng có viết 5 chữ:

銀缾腱上鼻

Ngân bình, kiên thượng tị.”

Thấy lạ, Mạc Đĩnh Chi hỏi duyên do. Bà cụ chủ quán chậm rãi kể:

Xưa có một cô gái bán hàng nước ở đây rất thông minh, học giỏi, chữ nghĩa tốt. Có một anh học trò thầm yêu cô hàng nước, muốn ngấp nghé. Ngày ngày đi học về, thường ghé vào quán uống nước; và tìm lời trêu ghẹo.

Một hôm cô hàng nước nói thực với anh:

– Thiếp là con nhà lương dân, có theo đòi bút nghiên, mà chàng cũng con nhà thi lễ, nếu như phải duyên trời, thực cũng xứng đôi vừa lứa, Nhưng mà thiếp chưa được biết tài học của chàng ra sao, vậy thiếp xin ra một câu đối, nếu chàng đối được, thiếp tình nguyện xin nâng khăn sửa túi, bằng không, thì xin chàng chớ qua đây quấy rầy làm gì nữa.

Anh học trò bằng lòng. Cô hàng nhân nhìn thấy cái ấm tích bằng bạc trên bàn, mới ra câu đối rằng:

銀缾腱上鼻

Ngân bình, kiên thượng tị.”
(Nghĩa là “Bình bạc, mũi trên vai.”

Ý nói cái vòi trên cổ ấm nước).

Anh học trò nghĩ mãi mà không đối được, xấu hổ quá, đành đâm đầu xuống cái giếng gần đó chết. Ít lâu sau, người ta cho viết vế xuất câu đối ấy lên thành giếng để thách thức cả thiên hạ, nhưng xưa nay chưa ai đối được.

Nghe đến đây, Mạc Đĩnh Chi cười:

– Câu ấy dễ thế sao không đối được mà phải ngậm oan nơi đáy giếng! Thôi để ta đối giùm giải oan cho hồn kẻ thư sinh.

Mạc Đĩnh Chi bèn đọc:

金鎖腹中鬚

Kim tỏa, phúc trung tu.”
(Nghĩa là “Khóa vàng, râu trong bụng.”

Ý nói cái tua khóa ở trong ruột khóa).

Sau đó, Mạc Đĩnh Chi sai người viết câu ấy lên thành giếng, bên cạnh câu đối của cô hàng nước năm xưa.

Mọi người đều chịu ông đối giỏi.

Tại Yên Kinh (thủ đô nhà Nguyên lúc đó) Nhà Nguyên

Sau nhiều ngày vất vả, Mạc Đĩnh Chi cùng sứ bộ đến Yên kinh, kinh đô nhà Nguyên.

Nghe tin đồn Trạng nguyên An nam nổi tiếng thông minh, quan lại nhà Nguyên mới hội nhau bàn cách chơi trác. Họ đào một cái hố vừa to, sâu quá đầu người, trên ngụy trang như đường đi ngay trước cây cầu vào kinh thành.

Hôm sau, Mạc Đĩnh Chi dẫn sứ bộ vừa đi tới đó. “Huỵch” một tiếng, cả người lẫn ngựa Mạc Đĩnh Chi lăn luôn xuống hố. Các quan Tầu phá ra cười (cốt để hạ nhục Mạc Đĩnh Chi) rồi một tên quan hách dịch nói:

– Nghe nói tiên sinh là người đối đáp xuất chúng, chúng tôi không tin. Nếu tiên sinh đối được câu đối này thì toàn bộ quan lại chúng tôi xin đỡ tiên sinh lên.

Ông đồng ý, tên quan kia đọc:

杆木横渠陸假相如私道

Can Mộc Hoành Cừ Lục Giả Tương Như Tự Đạo.”
(Nghĩa là: “Gỗ thẳng, cầu ngang, đường đi ngỡ là đất phẳng”).

Cái khó của câu này là ở chỗ dùng toàn tên những người nổi tiếng trong sử Trung Hoa ghép lại. Theo đó, “Can mộc” là Đoàn Can Mộc, một nhân vật đời Chiến quốc; “Hoành Cừ” là tên hiệu của Trương Tải, một triết gia đời Bắc Tống; “Lục Giả” người nước Sở, giỏi biện luận, theo giúp Hán Cao Tổ; “Tương Như” là Lạn Tương Như, một nhân vật nổi tiếng đời Chiến Quốc; “Tự Đạo” là Giả Tự Đạo, người đời Tống, một quyền thần chuyên chế.

Chỉ trong phút chốc, Mạc Đĩnh Chi nhớ lại lúc trước khi ngã, ông nhìn thấy ở bên kia sông có cái đình dưới chân núi, nhân thế chỉ tay thẳng đình mà đối:

大庭安石望之染略天台

Đại Đình An Thạch Vọng Chi Nghiễm Lược Thiên Thai.”
(Nghĩa là: “Đình to, đá vững, nhác trông như thể (núi) Thiên Thai”)

Câu này cũng dùng toàn tên người ghép lại như ở câu chủ mà lại có ý khoáng đạt hơn nhiều, theo đó “Đại Đình” là một biệt hiệu của Thần Nông; “An Thạch” tức Vương An Thạch Thừa tướng đời Bắc Tống; “Vọng Chí” là danh nhân đời Hán, làm phụ chính cho Hán Nguyên Đế; Thiên Thai là một Tông Phái Phật Giáo, do Bồ-tát Long Thọ sáng lập 龍樹(梵文:Nāgārjuna).   Riêng chữ “Nghiễm Lược” các nhà nghiên cứu chưa tra cứu ra là ai?!  Chưa hiểu hết ý tưởng uyên thâm của Mạc Đĩnh Chi…

Đúng theo lời hứa, văn võ bá quan triều Nguyên bất chấp áo mũ xúm lại đỡ ông Trạng lùn xấu xí nước Nam lên khỏi hố.

Một lần ở Yên Kinh, Mạc Đĩnh Chi cưỡi lừa đi dạo phố. Đến một con đường nhỏ chợt gặp một võ qua cưỡi ngựa nghênh ngang. Trạng nguyên nhà ta vì phẩm bậc cao hơn nhất định không lùi, nhưng tên quan kia cũng không chịu, phần vì lẽ chủ nhà, phần do tính vũ dũng. Hắn truyền:

– Sứ thần An nam “đối” được đủ về lời và ý để ta phục thì ta sẽ lùi nhường đường.

Nói đoạn hắn vung roi ngựa chỉ lên trời:

日火雲煙白旦燒殘玉兔

Nhật hỏa Vân yên, bạch đán thiêu tàn ngọc thỏ (thố).
(Nghĩa là: “Mặt trời như quả cầu lửa, mây như khói, lúc bình minh thiêu đốt con trăng”).

Mạc Đĩnh Chi mỉm cười, tay phe phẩy quạt, nhẹ nhàng đối lại:

月宫星磾黃昏射洛金烏

Nguyệt cung Tinh đạn, hoàng hôn xạ lạc kim ô.”
(Nghĩa là: “Vầng trăng là cánh cung, sao là đạn, buổi hoàng hôn bắn rớt mặt trời”).

Hai câu đều tả những cảnh xoay vần của vũ trụ mà cũng như tả thế sự. Mặt trăng mặt trời cũng như các triều đại nối tiếp nhau, khi này anh thắng rồi anh sẽ thua. Không triều đại nào vĩnh thịnh cũng như không có vĩ nhân nào bất tử. Mang lẽ nhất thời ra dọa nhau quả là nông cạn mà khiên cưỡng.

Tướng nhà Nguyên nghe đối, toát mồ hôi, lập tức thét quân mở đường cho sứ nước Nam đi qua.

Tại triều đình nhà Nguyên, tin Mạc Đĩnh Chi, sứ giả An Nam rất hay chữ và đối đáp nhanh nhẹn, đã lan truyền nhanh.

Một hôm, nhân việc quan rảnh rỗi, Mạc Đĩnh Chi vào thăm phủ Thừa tướng nhà Nguyên. Trong phủ, trang hoàng lộng lẫy, có treo một bức trướng rất lớn trên tường, trướng thêu một con chim sẻ đậu trên cành trúc, trông tựa chim thật. Ông lại gần xem, tưởng chim thật, đưa tay định chụp bắt lấy. Thừa tướng và các quan quân nhà Nguyên cười to.

– A! Sứ thần “An Nam” thấy lạ lắm phải không? Ha ha!

Mạc Đĩnh Chi vội thẳng tay kéo soạt, xé rách bức trướng ra thành nhiều mảnh.

Một viên quan hốt hoảng kêu lên.

Sao ngài lại xé bức trướng quý này?

Mạc Đĩnh Chi nghiêm nét mặt lại, bảo:

– Tôi thấy người xưa chỉ vẽ cây mai, và chim sẻ thôi. Vì trúc là quân tử, chim sẻ là tiểu nhân, nay Thừa tướng lấy trúc với sẻ thêu vào trướng, như vậy là tiểu nhân ở trên quân tử. Tôi sợ đạo tiểu nhân lớn hơn, đạo quân tử mòn đi, nên vì thánh triều trừ bỏ nó đi, chứ thứ ấy quí giá nỗi gì?

Viên Thừa tướng nọ ức quá, song không có cớ gì để quở trách hoặc bắt đền được

Tối hôm ấy, quan Thừa tướng mời Mạc Đĩnh Chi đến uống trà và ngâm vịnh. Ông ta cho bày tiệc trà ở giữa sân để tiếp khách và hóng mát. Dưới ánh trăng rằm sáng vằng vặc, chủ và khách ngồi uống trà thây, cả chủ lẫn khách càng say mê gửi gắm lời thơ của mình vào cảnh tĩnh mịch. Khách lúc nào trong lòng cũng thanh thản, thoải mái thả tâm hồn thơ một vào thơ, vào cảnh thiên nhiên. Chủ đôi lúc lại nhớ đến bức trướng rách trong lòng còn ấm ức. Đêm đã khuya, khi tiệc sắp tàn, ông ta định trả miếng lại chuyện ban chiều, liền cầm một chiếc chén, lý sự với Mạc Đĩnh Chi rằng:

– Cây kỷ là gỗ, cái chén không phải là gỗ, tại sao lại lấy gỗ làm chén?

Mạc Đĩnh Chi thấy câu hỏi thật phi lý, ông bèn cười mà hỏi lại rằng:

– Thưa ngài Thừa tướng! Ngài hãy giải thích: Phật không phải là người, thầy tăng là người, vậy cái gì đã khiến cho thầy tăng thờ Phật?

Thừa tướng cười ta xí xóa. Hai người dắt tay nhau đi vào trong nhà. Vừa bước chân lên bực cửa, Thừa tướng lại ra câu đối:

安去女已豕為家

An khử nữ dĩ thỉ vi gia.”

(Chữ “an 安” bỏ chữ “nữ 女” đi, thêm chữ “thỉ 豕” vào thành chữ “gia 家” / “nhà”).

Mạc Đĩnh Chi thấy đây là một lối chơi chữ rất thâm hiểm của ông ta. Nói như vậy có nghĩa là nhà Nguyên cần phải xóa bỏ nước An Nam, nhập thành châu huyện của họ. Mạc Đĩnh Chi lập tức đối lại rất sắc bén:

囚出人立王成囯

Tù xuất nhân, lập vương thành quốc.”

(Chữ “tù 囚” bỏ chữ “nhân 人” đi, thêm chữ “vương 王” vào thành chữ “quốc 囯”).

Thực ra là chữ đối chữ, ý đối ý, dân ta nhất định xóa bỏ ách áp bức, đè nén của nước lớn, xây dựng một quốc gia độc lập tự chủ.

Vài ngày trước khi về nước. Trong lúc đang bận rộn công việc chuẩn bị khăn gói cho ngày về thì sứ thần của triều đình nhà Nguyên đến gặp Mạc Đĩnh Chi và nói:

– Thưa ngài, sáng nay không may bà trưởng công chúa quá cố. Nhà vua vô cùng thương tiếc, lúc nào cũng túc trực bên linh cữu. Cả triều đình bận rộn chuẩn bị cho đám tang. Người nào có việc ấy cả. Ngài là Trạng nguyên của triều đình An Nam chắc cũng nên đóng góp một phần nào vào công việc.

Mạc Đĩnh Chi hỏi:

– Ông nói đi. Tôi phải làm gì bây giờ?

– Thưa, ngài có thể viết một bài điếu văn để đọc trước đám tang, lời lẽ sao cho giản dị mà súc tích. Đó cũng là điều mong muốn của nhà vua.

– Thôi, ông hãy về đi. Tôi sẽ làm tròn bổn phận.

Mạc Đĩnh Chi vẫn được tiến hành công việc chuẩn bị cho ngày về như không có chuyện gì xẩy ra. Người tùy tùng thấy Mạc Đĩnh Chi không hề bận tâm đến việc viết bài điếu văn; nên có người lo lắng hỏi. Mạc Đĩnh Chi cười bảo:

– Được, đâu sẽ có đó. Các ngươi không thấy ta đã viết rồi đó sao?

Mạc Đĩnh Chi chỉ vào tờ giấy đặt trên bàn. Mọi người hết sức ngạc nhiên thấy trên tờ giấy chỉ biết bốn chử “nhất.” Một bài điếu văn ư? Sao chỉ có ngần ấy chữ coi sao cho được? Ai cũng e ngại…

Mấy hôm sau, đám tang được cử hành rất long trọng. Tất cả văn võ bá quan trong triều đình đều có mặt đông đủ. Sau điệu nhạc “lâm khốc,” mọi người đều thương xót sụt sùi. Khi ấy, Mạc Đĩnh Chi khoan thai đi đến bên linh cữu, tay dâng tờ điếu văn. Cả triều đình nhà Nguyên tròn mắt ngạc nhiên và hồi hộp vì thấy trên tờ giấy chỉ có một chữ “nhất” to tướng. Mạc Đĩnh Chi lấy giọng đọc:

Thanh thiên nhất đóa vân
青天一朵雲
Hồng lô nhất điểm tuyết
烘爐一點雪
Thượng uyển nhất chi hoa
上苑一枝花
Dao trì nhất phiến nguyệt
t
瑤池一片月
Y! Vân tán, tuyết tiêu, hoa tàn, nguyệt khuyết (2)
噫雲散雪消花殘月缺


Tạm dịch:

Trời xanh một áng mây
Lò hồng một giọt tuyết
Thượng uyển một cành hoa
Giao trì một vầng nguyệt
Than ôi
“Mây tán, tuyết tan, hoa tàn, trăng khuyết.”

(Dịch bởi Trương Củng)

Ông đọc dứt lời, mọi người đều nghẹn ngào xúc động. Tuy chỉ có bốn chữ “nhất,” nhưng ông đã đọc thành một bài súc tích, miêu tả bà trưởng công chúa như áng mây đẹp bồng bềnh trên trời xanh, như một giọt tuyết trắng giữa trong trung, như nhành hoa đẹp trong vườn vua, như mảnh trăng sáng trong cung Quảng Hàn. Nay bà chết đi là tổn thất rất lớn, cũng như áng mây đẹp tản tác, giọt tuyết tan đi, bông hoa tàn rữa, vần trăng khuyết mà thôi. Thương tiếc thật đấy, nhưng đó là tạo hóa sinh ra.

Sáng hôm sau, Mạc Đĩnh Chi áo mũ chỉnh tề vội vã vào chầu để tạ từ vua Nguyên Vũ Tông về nước.

Vào tới công đường, ông đã thấy các quan văn võ tề tựu đông đủ. Ông bước lên tâu lớn:

– Dạ muôn tâu bệ hạ! Thần có lời từ biệt, xin chúc bệ hạ vạn thọ vô cương (sống lâu muôn tuổi).

Suy nghĩ giây lát, từ trên ngai vàng, vua Nguyên phán xuống:

– Bấy lâu nay, nhà ngươi lưu tại Yên Kinh, thăm phong cảnh, xem xét kỹ lưỡng mọi nơi, ngày nào cũng cưỡi ngựa đi trên đường cái quan, thế ngươi có biết mỗi ngày có bao nhiêu người qua lại trên đường cái quan không?

Trên đường phố ở kinh đô Yên Kinh rộng lớn này hàng ngày có biết bao nhiêu người qua lại, làm sao có thể biết được? Thật ra là một câu hỏi nan giải, Mạc Đĩnh Chi nghĩ vậy.

Thấy Mạc Đĩnh Chi ngập ngừng, vua Nguyên và quần thần ra vẻ thích chí, tưởng rằng phen này Mạc Đĩnh Chi phải chịu bí. Nhưng Mạc Đĩnh Chi trả lời:

– Tâu bệ hạ, có hai người chứ mấy?

Vua Nguyên ngạc nhiên hỏi:

– Ngươi nói sai rồi. Sao lại chỉ có hai người thôi?

Mạc Đĩnh Chi thưa:

– Tâu bệ hạ, phàm là những kẻ qua lại trên đường cái quan kinh đô này, thì chẳng vì danh cũng lợi, vậy há chẳng phải chỉ có hai người, một vì danh, một vì lợi sao?

Vua Nguyên trong lòng phục lắm, song không nói ra. Vua Nguyên lại còn có ác ý muốn lưu Mạc Đĩnh Chi tại Yên Kinh không cho về Nam, bèn bày kế đưa Mạc Đĩnh Chi vào tròng:

– Có một chiếc thuyền trong đó chỉ có vua, thầy học và cha mình (Quân, Sư, Phụ) bơi đến giữa sông chẳng may bị sóng lớn đắm thuyền. Khi ấy, ngươi ở trên bờ nhảy xuống bơi ra cứu, nhưng chỉ có thể cứu được một người thôi. Thế thì ngươi cứu ai?

Với câu hỏi hóc búa này, vua Nguyên cho rằng nhất định Mạc Đĩnh Chi sẽ mắc phải tội lớn. Vì rằng nếu Mạc Đĩnh Chi nói chỉ cứu vua, ắt mắc tội bất hiếu với cha, bất nghĩa với thầy học. Nếu nói chỉ cứu thầy, thì mắc tội bất trung với vua, bất hiếu với cha. Nếu chỉ cứu cha thì lại mắc tội bất trung, bất nghĩa. Nếu không nói gì tức là không cứu ai, tội ấy càng nặng.

Quần thần nhà Nguyên đắc ý đưa mắt nhìn nhau, thầm thì bàn tán, cho rằng phen này họ Mạc nhất định mắc tội, chứ chẳng chơi.

Nhưng Mạc Đĩnh Chi không hề tỏ ra lúng túng, mà ông dõng dạc trả lời:

– Thần đứng trên bờ, thấy thuyện bị đắm tất phải vội vả nhẩy xuống bơi ra cứu, hễ gặp ai trước thì cứu người ấy, bất kể người ấy là vua, thầy hay cha mình.

Cả triều đình nhà Nguyên trố mắt thán phục trước câu trả lời ấy. Vua Nguyên không ngớt khen tài và phong cho Mạc Đĩnh Chi làm “Lưỡng quốc Trạng nguyên” (Trạng nguyên hai nước).

_____________
Tham khảo:

– Sách “Bách khoa Toàn Thư.”
– “282 Câu đối” – Nam Anh (Nxb Tổng hợp Saigon 09/02/2007).
– “Các ông Trạng ở Việt Nam” – Vũ Ngọc Khánh.
– Bài “Ngọc Tỉnh Liên Phú” – Bài Khảo luận của Giáo sư Lê Văn Đặng (Tháng 8 năm 2007).
– Các góp ý và phối kiểm phần chữ Hán từ Giáo sư Lê Văn Đặng (Cựu Gíáo sư Trung Học Petrus ký – Truớc 1975).

Trần Văn Giang
Cựu Học sinh MĐC Khóa 1968

 

Mạc Đĩnh Chi là ai? – Trần Văn Giang

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *