Hương vị Tết Nguyên đán
.

happynewyear2017


1. Phần 1: Hoa ngày Tết

“Cây nêu tràng pháo bánh chưng xanh,

Thịt mỡ dưa hành câu đối đỏ.”

Tết nguyên đán đang tới gần. Những người xa quê như chúng tôi chỉ biết tưởng tưởng một cái Tết đầm ấm, sum họp với gia đình. Với mong muốn được tái hiện một chút hồn quê trong những ngày giáp Tết này, tôi xin được mạn phép thực hiện một phóng sự nhỏ về ngày Tết cổ truyền của dân tộc. Phóng sự được chia làm 3 phần ứng với những nét đặc trưng nổi bật nhất của Tết nguyên đán. Phần 1 Hoa ngày Tết, phần 2 Món ăn ngày Tết và Phần 3 Những tập tục ngày Tết….

Nói đến ngày Tết nguyên đán cổ truyền, chắc hẳn ai cũng nghĩ ngay tới một mùa xuân mới, một không khí tươi trẻ tràn ngập sức sống của mùa xuân-mùa của những bông hoa e ấp, của những lộc non mới nhú. Nghĩ tới ngày Tết, hình ảnh hoa đào, chậu quất, cành mai đã đi vào tiềm thức mỗi người Việt ta.

Tôi may mắn đã được đón Tết ở cả Hà Nội và Sài Gòn. Cái thú chơi hoa và cây ngày Tết của 2 vùng cũng khác nhau như điều kiện khí hậu, phong tục của mỗi vùng trên đất nước Việt Nam trải dài hình chữ S.

Ở Hà Nội, Tết thực sự là mùa xuân. Khi những cái lạnh cắt da của mùa đông dần qua đi, thời tiết ấm lên dần chính là lúc những bông hoa mang hết vẻ đẹp của nó dâng sắc cho đời. Trước tiên, không thể nhắc loại hoa gì khác, Hoa Đào phải được nhắc tới đầu tiên. Hoa đào tinh khiết, màu hồng phớt của đào phai hay màu đỏ của đào bích luôn mang lại cho mỗi gia đình một không khí Tết thật sự. Cành đào thanh mảnh đặt trang trọng trong mỗi gia đình ngày Tết như biểu tượng của một năm mới hạnh phúc, sức khoẻ và sự thanh khiết trong tâm hồn. Những người Hà Nội gốc hầu hết đều rất thích chơi đào. Nhưng để tìm được một cành đào hay gốc đào đẹp không phải là dễ. Những gốc đào thế đẹp, lâu năm đã được đặt trước hàng vài tháng. Giáp Tết, dạo cả ngày trên đê Yên Phụ hay vào tận những vườn đào Nhật Tân, may lắm, tôi mới kiếm được một cây đào như ý lại hợp túi tiền. Chơi đào cây thì đẹp hơn và chơi được lâu hơn nhưng đắt và chỉ phù hợp với nhà có phòng khách rộng. Cành đào nhỏ xinh cắm trong chiếc lục bình đẹp là lựa chọn tuyệt hảo cho một phòng khách ấm cúng. Đào đẹp nhất theo tôi vẫn là đào Nhật Tân, chứ đào ở phía Bắc hay Nam Định chở về đều không được đẹp và bền như vậy.

Nếu so với vẻ tinh khiết của Hoa Đào thì chơi quất lại mang tới cho mỗi gia đình một biểu tượng của sự ấm no, dồi dào tài lộc. Chọn được cây quất đẹp, cách dễ nhất là vào tận những vườn quất Quảng Bá nằm xinh xinh cạnh Hồ Tây, trên đường vào phủ Tây Hồ. Cây quất đẹp phải có đủ 5 yếu tố: Quả chín vàng đều, quả xanh, dáng cây, lộc non và hoa. Ở Hà Nội, quất không được gò theo dáng mà để mọc tự nhiên cùng với cắt tỉa khéo rất đẹp, khác với Sài Gòn, quất được uốn theo thế cố định, trông hơi cứng nhắc. Mua một cây quất đẹp, to vừa phải mất khoảng 50.000đ, thuê xe ôm chở về mất 10.000đ nữa, ngày Tết đã về với mọi nhà.

Ở Hà Nội có thật nhiều chợ hoa xuân, ở khắp mọi nơi, cứ chỗ nào có người ở là có chợ hoa, lại có vô vàn các cô đi bán hoa dạo nữa. To nhất phải kể đến chợ hoa Hàng Đậu, dọc đê Yên phụ hay gần chợ Đồng Xuân. Ngoài đào và quất, những loài hoa hay được chọn cắm trong ngày Tết là lay ơn, hồng hay các loại cúc. Bà nội trợ nào cũng muốn cắm cho mình một lọ hoa thật đẹp với sự nổi bật của những bông lay ơn, vẻ đẹp tinh khiết của hoa hồng, vẻ e lệ của hoa cúc hay đơn giản chỉ là một lọ hoa hải đường cắm trên bàn thờ tổ tiên.

Tôi thì lại có một sở thích đặc biệt, ấy là chơi hoa viôlét. Năm nào tôi cũng vòi bằng được mẹ tôi phải cắm riêng một lọ toàn hoa viôlét. Không hiểu sao tôi lại thích chúng đến thế, có phải bởi cái màu tím phơn phớt dịu dàng hay bởi tôi thích sự thuỷ chung…Hiện nay có rất nhiều loại hoa để chơi Tết như thuỷ tiên, các loài lan quý, hoa ly nhập ngoại… nhưng có lẽ, những bông hoa truyền thống vẫn được coi trọng và trồng nhiều ở Ngọc Hà, Láng hay những vườn hoa lớn ở huyện Từ Liêm…

Ở Sài Gòn lại khác, cái nóng và nắng của miền Nam lại mang lại cho ngày Tết một sắc thái riêng. So sánh với Hoa Đào ở Hà Nội là Hoa Mai. Hoa Mai trắng xinh xắn, tinh tuý hay Mai vàng rực rỡ. Hoa Mai có một vẻ đẹp lạ kỳ. Ở bất kỳ đâu có Hoa Mai, ở đó không khí như sống động, vui tươi. Ngay cả ở Hà Nội, có được một chậu Mai trắng cũng là thú chơi xa xỉ của dân Hà Thành bởi Mai đắt. Một chậu Mai trắng đẹp cũng lên tới vài trăm ngàn. Mai vàng thì rẻ hơn, nhưng cũng không phải là rẻ. Những chậu mai vàng được chở từ Thủ Thiêm, Bến nghé, Thủ Đức lên Sài Gòn hay đi khắp nơi trên đất nước như gửi theo cái nắng của miền Nam.

Cây quất ở Sài Gòn được gọi là Tắc, có kiểu dáng khác Hà Nội. Cây Tắc được dân miền Nam ưa thích phải có quả to, uốn theo thế đẹp kiểu rồng cuốn hay 3 tầng riêng biệt. Bản thân tôi lại thích quất Bắc hơn vì nó tự nhiên. Cây Tắc miền Nam cũng thường là lựa chọn cho những nhà có phòng khách khiêm tốn và những gia đình có khả năng kinh tế không dồi dào, Tắc vẫn đem đến cho họ một không khí Tết thật sự.

Sài Gòn với cái nóng đặc trưng của đất phương Nam lại có những loài hoa riêng cho ngày Tết. Đó là cơ man nào là hoa cúc, cúc đại đoá, cúc Nhật, cúc trắng… Cây cúc dễ sống dưới mọi thời tiết nên được ưa chuộng cho cái Tết nóng của Sài Gòn. Một loại hoa đặc trưng nữa, đó là hoa mào gà. Phải nói rằng, người miền Nam thoáng tính, chơi hoa rất to và sặc sỡ. Những bông cúc đại đoá, hay những bông mào gà đặt cạnh những chậu hướng dương to đùng được bán đầy dọc theo các phố lớn nhỏ ở Sài Gòn.

Muốn mua hoa nhỏ và cắm lọ, phải tới các chợ hoa xuân. Trước đây, chợ Hoa lớn nhất nằm ở đường Nguyễn Huệ, gần tượng đài Bác Hồ và Uỷ ban nhân dân thành phố, nhưng nay được quy hoạch lại tại công viên Tao Đàn. Năm kia, tôi vào Sài Gòn ăn Tết, có dạo quanh vườn hoa Tao Đàn. Cơ man nào là hoa, nhiều nhất là Mai và Tắc, có cả hoa Đào Bắc. Lại có những doanh nghiệp làm cả những con thú bằng hoa và quả, hay những lẵng hoa đẹp, đắt tiền. Ấy vậy nhưng tôi vẫn thích cái chợ hoa ngày xưa ở đường Nguyễn Huệ, cứ mỗi lần đi chợ tôi lại say sưa nhìn bà nội tôi chọn chục bông lay ơn thiệt đẹp về cắm Tết.

Tiết xuân sang, một cái Tết vui vẻ và hạnh phúc hứa hẹn một năm mới với những cái mới. Những bông hoa đã mang lại cho mỗi nhà, mỗi cơ quan, mỗi con người một cái Tết nhiều niềm vui, nhiều hy vọng. Ngắm hoa, tâm hồn ta như được gột rửa. Cắm hoa, ngôi nhà ta như bừng sáng. Hãy tin vào sức mạnh và vẻ đẹp của những bông hoa ngày Tết bạn à…


2. Phần 2: Món ăn ngày Tết

Sau khi mua được một chậu Đào hay Mai vừa ý, có lẽ ta phải tạm thời gác chủ đề Hoa ngày Tết và đi vào ẩm thực. Đồ ăn Tết luôn là một sự hấp dẫn và thích thú đối với tôi, ngay cả khi đã lớn chứ chẳng kể hồi còn bé. Cái gì ngon nhất cũng để dành đến Tết, đó cũng chính là một phần phong tục của người Việt vậy. Món ăn ngày Tết có gì? Xin được điểm qua vài món chính nhất và không thể thiếu của mỗi gia đình trong ngày Tết nguyên đán này…

Trước tiên phải nói là bánh Chưng – một loại bánh đã trở thành quốc hồn quốc tuý của dân tộc. Ở miền Bắc, bánh Chưng luôn là món chủ đạo của ngày Tết và nhà nào cũng có. Luôn có mặt trên bàn thờ tổ tiên cùng mâm ngũ quả, bánh Chưng là cái gì đó thiêng liêng hơn cả một món ăn. Được ăn miếng bánh Chưng vuông vức, màu xanh đều của lá dong, bánh dền, đậu xanh hoà với thịt lợn mỡ béo ngậy lại cộng thêm vài củ hành muối thì thật là quên trời quên đất. Còn nhớ hồi xưa, cái thời còn tem phiếu, nhà nào cũng mong mua được vài cân gạo nếp, chắt chiu, dành dụm chỉ để có nồi bánh chưng đỏ lửa đêm 30 là đủ thấy vị trí quan trọng của bánh Chưng trong cái Tết người Việt.

Ở miền Nam, bánh Chưng cũng có, nhưng do thời tiết nóng nên lá dong không để được lâu. Bởi vậy, người ta gói bánh Tét, dài như đòn giò và được gói bằng là chuối. Bánh Tét cũng na ná bánh Chưng, cũng gạo, thịt, đậu xanh (có nơi còn cho cả đường-gọi là bánh mật) nhưng không ngon bằng. Cũng tại bởi bánh Chưng hay bánh Tét ăn mùa rét mới ngon và không cảm thấy ngán.

Ngoài bánh Chưng là món chủ đạo, những món ăn ngày Tết thiệt đếm không xuể. Phải kể đến nồi canh măng. Canh măng (măng ở đây là măng khô) có 2 loại: măng lưỡi lợn nấu với chân giò và măng nứa nấu với sườn. Măng lưỡi lợn nấu kỳ công hơn, bởi phải ngâm rồi luộc măng trước cả vài ngày, nhưng cái béo ngậy và mùi thơm của nó thì thật là không thể chê vào đâu được. Ăn một miếng bánh Chưng xong, húp một bát canh măng nóng, uống một hớp rượu cuốc lủi, thiệt là quên sầu. Riêng tôi thì thích canh măng nứa hơn. Được hâm nhừ với sườn dăm, những sợi măng nứa mềm mà lại dai dai, ăn thì tốn cơm lắm. Hồi nhỏ, được bát cơm tám với canh măng nứa là tôi đã mãn nguyện với cái Tết lắm rồi.

Món nữa không thể không kể đến đó là Thịt đông. Nồi thịt đông ngon phải có cả thịt gà và lợn. Thịt nấu xong phải đông tự nhiên bởi mỡ mà không cần tủ lạnh. Nếu nấu khéo, chỗ mỡ đông có màu trắng trong, trông là chỉ muốn xẻo ngay một miếng. Ăn thịt đông với cơm thì tôi dám cá là bạn phải chén hết vài bát. Ở miền Nam, ngày Tết nóng nên cũng khó nấu ăn hơn. Ẩm thực người Sài Gòn cũng khác người Hà Nội, nhưng nhìn họ nấu bát canh chua cá bông lau hay làm các loại lẩu vào ngày Tết cũng thật ngon và thiệt là khó mà dứt ra khỏi bàn ăn được.

Món nữa cũng không thể thiếu trong mâm cơm cúng giao thừa, ngày mùng một hay trong bất cứ bữa ăn ngày Tết nào, đó là giò chả. Những cây giò ngon phải hơi rỗ ở mặt, thịt được xay nhuyễn, vẫn mềm và dòn mặc dù không cần hàn the. Nếu giò ngon, để ở nơi thoáng gió hay tủ lạnh phải được cả 2 tuần. Ở Hà Nội, có nhiều hàng giò chả nổi tiếng, tập trung chủ yếu ở phố Trần Xuân Xoạn, bên hông chợ Hôm. Đến ngày Tết, nếu không đặt sớm từ ngày 22, 23 tháng chạp thì đừng mong có giò chả ngon mà cúng giao thừa. Nhà tôi thường đặt giò bà Tám ở số 26 đường Trần Xuân Xoạn, ngon có tiếng. Thông thường nhất là giò lụa, ngoài ra có giò bò hay giò thủ cắt ra nhắm rượu thì cũng thật là miễn chê.

Viết đến đây tôi lại nhớ món Nem chua. Thường thì tôi đặt nem chua luôn ở nhà bà Tám. Nem chua bà cuốn không theo kiểu Thanh Hoà hay Hà Nội thông thường, mỗi cái khoảng 2 lạng, gói khoanh như giò nhỏ, cắt miếng chấm tương ớt thì tốn bia rượu ghê lắm. Người miền Nam cũng làm nem chua kiểu cây, thậm chí cả cây to, đường kính bằng nửa cây giò Bắc. Khi ăn, cắt từng khoang, bày kiểu hoa lên đĩa, nhắm với bia Sài Gòn đỏ hay xanh. Chà, nghĩ tới đây đã thấy thèm nhỏ nước miếng.

Món ăn nữa không thể thiếu đó là thịt gà. Thịt gà luộc cả con hay chế biến như nấu canh, gà sốt nấm hương… là những món không thể thiếu trong mâm cơm ngày Tết của gia đình người Việt. Thịt gà luộc cúng giao thừa, lấy xuống chặt miếng đều bằng 2 ngón tay, ăn với xôi vò hay xôi gấc. Đó, lại nhớ đến món xôi. Nhiều nhất trong ngày Tết phải kể đến xôi gấc và xôi vò. Xôi gấc nấu với mỡ gà, đỏ rực, có thể nén chặt thành đĩa, cho thêm tí dừa, ăn thơm và bùi. Xôi vò lại phải tơi, trộn đậu xanh, có thể ăn với chè bột sắn. Hồi nhỏ, tôi chỉ thích ăn xôi vò trộn chè bột sắn mỗi buổi sáng.

Và cuối cùng phải kể đến các loại mứt. Không biết xuất phát từ đâu, nhưng nhà nào cũng phải có hộp mứt vào những ngày Tết. Cứ mỗi năm, trước giao thừa, tôi lại dành cho bằng được việc rửa hộp mứt và sau đấy là bỏ vào đấy những thứ tôi thích ăn nhất. Này đây là mứt gừng cay nhưng ăn vào lại đọng mãi cái ngọt nơi cuống họng. Đây là mứt táo ướt, được làm công phu, mềm, thơm và dẻo. Hay mứt dừa, dai, thơm lừng, béo ngậy. Nhiều người khách đến nhà lại thích cắn hạt bí, hạt dưa hay làm vài hạt nho khô, ô mai, dễ ăn mà không ngán. Trước đây, chỉ có những hộp mứt do nhà nước sản xuất, bọn trẻ con chúng tôi chỉ tranh dành cho bằng được gói “trứng chim” để ở trong đó hay một quả mứt táo duy nhất. Bây giờ thì cơ man nào là mứt. Đi hội chợ xuân, tôi cứ hoa hết cả mắt. Cái gì cũng có thể làm mứt: mứt me, mứt mãng cầu, mứt chùm ruột, mứt quất, mứt đào… Người miền Nam rất giỏi làm mứt. Mứt miền Nam ngon, ngọt vừa phải, lại chất lượng, dẻo và để được lâu. Năm nào bà nội tôi cũng phải gửi ra cho nhà tôi một đống mứt. Tôi thì lại thích những loại mứt tươi, làm kiểu ướt ướt, đặc biệt là mứt táo, năm nào cũng mình tôi chén hết 2-3 hộp mứt táo. Ngày Tết, rảnh rang, nằm xem ti vi, tay nhón mứt, thiệt là một thú vui tao nhã.

Với số lượng đất có hạn, tôi không thể kể ra hết những món ăn ngày Tết của một dân tộc trọng ẩm thực như Việt Nam. Nhưng dù gì đi chăng nữa, dù có đi đâu chăng nữa, tôi vẫn không thể quên được những món do mẹ tôi làm. Cả nhà quây quần bên mâm cơm, ăn miếng bánh Chưng, một bát canh măng nóng, một miếng xôi gấc đỏ lựng hay chỉ vài củ hành muối, nhớ nhà, nhớ cha mẹ da diết…


3. Phần 3: Những tập tục ngày Tết

Ngày Tết, tôi không chỉ thích thú với những món ăn ngày Tết hay say sưa ngắm những bông Hoa ngày Tết mà còn phải tích cực đi chơi để bổ xung cho cuộc sống tinh thần (vốn đã chỉ toàn chơi của tôi) thêm phong phú. Có lẽ đã có tự xưa lắm, những tập tục ngày Tết của người Việt ta có gì đó rất cổ truyền và cũng rất phiêu linh…

Cúng ông Công ông Táo

Có thể nói, trừ những người ăn Tết sớm, ngày Tết ở Việt Nam gần như bắt đầu từ ngày Ông Công ông Táo. Không hiểu là truyền thuyết hay có thật, chỉ biết rằng, cứ đến ngày 23 tháng Chạp, tôi lai thấy mẹ tôi làm cơm cúng 3 ông đầu rau còn ba tôi thì mua mấy con cá chép về để thả. Mà cúng ông Táo không chỉ có cúng trên bàn thờ tổ tiên nhé, phải cúng ở gác bếp. Tôi vẫn nhớ mẹ tôi làm một cái lọ cắm hương bằng cái cốc thuỷ tinh đổ đầy gạo. Còn ba tôi thì hì hục mang mấy con cá chép ra sông gần nhà trong cái xô nhựa đỏ. Hồi nhỏ, có lần, tôi hỏi me tôi là tại sao phải thả cá chép, mẹ tôi cười bảo: Mấy ông Táo cưỡi cá chép lên chầu trời. Nhưng tôi vẫn thắc mắc mãi, tại sao lại phải là cá chép mà không phải cá trắm, cá trê… Không biết có ai trả lời hộ tôi không nhỉ? Bây giờ ngày này nhiều nhà làm to lắm, mua cả nhà, xe hơi, quần áo cho ông Táo lên chầu trời. Chẳng hiểu đi xe hơi thì có nhanh hơn không, nhưng cá chép vẫn đắt hàng vào ngày 23 tháng Chạp.

Đốt pháo

Cứ nhắc đến cái món này là tôi lại cảm thấy tiếc. Từ sau cái lệnh cấm pháo của Chính phủ, ngày Tết không còn được ngửi cái mùi pháo nồng nồng, thơm lựng nữa. Quê ngoại tôi là quê pháo-Bình Đà, nên cái hồi còn được đốt pháo, chẳng năm nào nhà tôi phải mua cả. Toàn pháo cầu 2, nhà làm, nổ chỉ thua mỗi pháo đùng, tiếng giòn, không bị xịt kể cả bị mưa phùn lất phất. Xác pháo đỏ tươi, nổ xoè ra như hoa 5 cánh. Trước giao thừa, tiếng pháo nổ đì đùng rồi rộn lên vào lúc 12h thật ấm áp. Khói pháo, hương pháo cuộn với khói và mùi thơm của hương cúng giao thừa thật thiêng liêng. Sáng mùng 1, thấy xác pháo đỏ ngập đầy sân, cùng với mầu cờ tổ quốc và hoa đào, tâm hồn phơi phới lạ. Kể cũng tiếc, nếu như nhà nước lại sản xuất pháo như ngày xưa, rồi mỗi nhà được phát một bánh thì vui biết mấy. Tiếng trống cũng không làm cho tôi quên đi được tiếng pháo mà chỉ làm cho tôi thấy nhớ nó hơn.

Xông nhà

Cái tục lệ xông nhà đầu năm cũng thật lắm thứ để bàn. Thường là gia đình sẽ chọn một người hợp với tuổi chủ nhà tới xông nhà đầu năm lấy may. Mà không phải là hợp tuổi đâu nhé, trừ việc tránh tuổi xung, chủ yếu người ta xem có hợp “can” hay không?Hồi trước, toàn là chính ba tôi xông nhà. Đi ra ngoài cửa trước 12h đêm, sau khi nhà đốt pháo thì ba tôi vào nhà, chúc mừng năm mới và mừng tuổi cả nhà. Nhưng thường người ta tính người khách đầu tiên tới xông nhà. Vì vậy, đêm giao thừa hay ngày mùng 1, ít người nào đến nhà bạn bè mà không được mời. Ngày đầu năm, ai cũng mong muốn tài lộc, sức khoẻ đến với mọi người trong nhà. Nhưng cũng phải biết rằng, cái sự sắp đặt xông nhà ấy cũng là hình thức, cái chính là thâm tâm người chủ cảm thấy thoải mái và hên trong năm mới là được.

Cúng giao thừa

Nhà nào cũng phải có một mâm cơm cúng giao thừa. Mâm cơm cúng giao thừa đầy đủ phải có xôi gấc, một con gà sống luộc cả con, cơm trắng, ít rượu cuốc lủi, mâm ngũ quả là điều tất nhiên, bát canh bóng hay canh măng. Cúng tổ tiên, ông bà, trời đất. Tôi thì chẳng để ý cái cảnh ông tôi trân trọng thắp 3 nén hương lên bàn thờ tổ mà chỉ chú ý tới con gà ngậm một bông hoa hồng ở đầu, trông rất vui mắt, nghĩ lại cũng thấy hư thật, nhưng trẻ con là thế. Cơ mà năm ngoái và năm nay cúm gà, chẳng biết ông tôi cúng bằng gì?. Cúng giao thừa phải đúng giao thừa. Mùi hương cuộn với mùi nhang vòng và màu đỏ của đèn trên bàn thờ cũng làm tôi sờ sợ, nhưng cái là sợ thinh thích. Thường thì chả bao giờ đợi được hết nhang, chỉ 2/3 là tôi đã giục ba tôi dỡ xôi và gà xuống chén…

Xuất hành đầu năm

Xuất hành đầu năm là một việc gần như không thể thiếu với mỗi gia đình người Việt. Khi xuất hành, người ta phải chọn hướng cho hợp với năm đó và tuổi chủ nhà. Tốt nhất là đi chùa ngày mùng 1. Trước đây, thời Pháp thuộc, dân Hà Thành hay có tục đón giao thừa ở ngoài đường, sau giao thừa vào đền chùa thắp hương và gieo quẻ lấy may, rồi bẻ một cành lộc về nhà cho may mắn. Bẵng đi một thời gian, dạo gần đây, Hà Nội cho bắn pháo hoa trên Bờ Hồ, tập tục đi đón giao thừa lại được trở lại. Buổi tối giao thừa, dưới cái rét se se của gió mùa đông bắc, bước vào chùa Quán Thánh, thắp một nén nhang, cảm thấy tâm hồn thật viên tịch, rồi tha thẩn, mua 2 cây mía hay một nhành táo ta về để bàn thờ.

Tôi thì vẫn thích đón giao thừa ở nhà cùng bố mẹ, nhưng thường sau giao thừa, làm hết chai rượu và ăn vài vốc xôi gấc cùng cái đùi gà, tôi tếch lên xe cùng lũ bạn thân ở cấp 3. Đi từ 1 giờ đêm đến tận sáng. Chúng tôi lang thang trên phố phường Hà Nội đã vắng người, không khí thanh vắng, rét se se. Điểm đến đầu tiên là chùa Quan Sứ, thắp một nén nhang và vãn cảnh chùa. Chúng tôi đều không thích hái lộc vì sẽ phá hoại cây cối. Bỏ một vài đồng cho mấy người ăn xin tàn tật, chúng tôi cảm thấy cuộc sống thật ý nghĩa. Rồi lại lang thang khắp phố phường, đói thì rẽ vào quán bánh cuốn nóng gần chợ Đồng Xuân hay làm bát bún ốc ở phố Cầu Gỗ. Đến 5 giờ sáng, phóng xe xuống phủ Tây Hồ, thắp hương, khấn vái xì xụp ước mong những điều may mắn đến với gia đình, bạn bè của mình. Sau đấy, thằng nào cũng chơi vài cái xổ số bóc hoặc cào để lấy hên. Tôi thì chưa năm nào trúng cả, nhưng tôi nghĩ, thế có khi lại may, một năm mới sẽ đến với những gì tốt đẹp nhất do chính mình tạo ra chứ không phải hên xui, bạn có đồng ý với tôi không?

Lì xì hay mừng tuổi

Nói đến cái khoản này tôi lại cười vui. Chắc hẳn ai cũng đã có những ngày tuổi thơ được biết đến hương vị của những đồng tiền mới toanh, còn thơm mùi giấy nhận được từ bố mẹ, ông bà. Hồi nhỏ, cứ vài giờ, thậm chí là hàng giờ, tôi lại lôi cái đống tiền mới được mừng tuổi mấy ngày Tết của tôi ra đếm, những đồng tiền thơm phức, gãi lên cằm kêu sột soạt, rất sướng. Thường thì đến cuối Tết, tôi lại đưa lại cho bố mẹ tôi. Ở Hà Nội, trước đây ít dùng phong bao mừng tuổi. Sau này, thấy Sài Gòn làm phong bao lì xì đẹp nên cũng bắt chước. Phong bao lì xì làm bằng giấy hoặc bóng kính, thường là màu đỏ, có nhiều hình ngộ nghĩnh. Bên trong để 1 tờ 10 nghìn đỏ chói, thật lịch sự và cũng không coi trọng tiền quá. Ở Sài Gòn người ta mừng tuổi nhiều hơn ngoài Bắc. Hồi trước, tôi chỉ thích mấy tờ 100 đồng hay 500 đồng mới tinh, thế là đã lắm rồi. Bây giờ trẻ con phải thích tờ 20 nghìn hay 50 nghìn cơ. Càng lớn, càng ít được mừng tuổi vì phong tục lì xì chủ yếu dành cho con trẻ để chúc hay ăn chóng nhớn, năm mới có nhiều lộc. Ba mẹ tôi thì năm nào cũng mừng tuổi ông bà và cả các cô cậu. Chúc ông bà thêm một năm khoẻ mạnh, gia đình ai cũng tiền tài và hạnh phúc. Thật là vui và đầy ý nghĩa.

Khai bút đầu năm và tục chơi chữ

Ta thường bắt gặp trong tranh Đông Hồ những ông đồ ngồi viết câu đối bằng chữ nho hay chữ nôm ở chợ làng. Những người đến mua thường yêu cầu thầy đồ viết 2 câu đối lên giấy hồng điều về treo bàn thờ. Ngày nay, tập tục ấy đang quay trở lại. Nhà nào cũng thích chơi chữ nho, chữ được viết nhiều nhất là chữ Lộc, chữ Phúc hay chữ Nhẫn. Nhưng có lẽ cái lối viết chữ loằng ngoằng hiện nay và treo tranh chữ trong phòng khách kiểu Tây không làm tôi thấy thích thú. Tôi chỉ thích cái tục khai bút đầu năm, thật đơn giản và vui nữa. Hồi bé, sau khi ba tôi xông nhà và chúc Tết, ba tôi thường bảo tôi lấy giấy bút ra, viết cái gì đó để coi như khai bút đầu năm. Cho đến tận bây giờ, cái thói quen ấy vẫn không thay đổi. Thường thì tôi hay làm thơ con cóc, hoặc viết một cái thiếp gì đó. Những nhà thơ, nhà văn nổi tiếng vẫn có những truyện ngắn hay, bài thơ bất hủ vào cái thời khắc trời đất giao hoà ấy.

Tập tục ngày Tết Việt Nam thì còn nhiều lắm. Mỗi tập tục lại có ý nghĩa riêng, cái nét hay riêng và cũng có cái thú riêng của nó. Tôi chỉ muốn viết ra ở đây những gì tôi cảm thấy thích thú nhất, những gì ấn tượng nhất đối với tôi. Mong rằng nó cũng sẽ có một cái gì đồng cảm với bạn. Ngày Tết xa nhà, xa gia đình thật buồn. Chính vì thế, những ký ức, những niềm vui sum họp, những thú vui ngày Tết luôn phải được nhắc đến và trân trọng. Giờ này, chắc gia đình tôi và gia đình bạn cũng đang chuẩn bị một cái Tết nữa, Tết năm Ất Dậu 2005. Năm tới là năm tuổi của tôi, chính vì vậy, nhân cái năm con gà này, tôi xin được chúc cho gia đình tôi, những người thân, bạn bè tôi, chúc cho gia đình bạn, người thân và những người bạn yêu mến một năm mới hạnh phúc, dồi dào sức khoẻ và vạn sự như ý…

 

ChucMungNamMoi2

 

Nguyễn Hoàng Long

 

Trần Văn Giang (Sưu Tầm)

Hương vị Tết Nguyên đán – Nguyễn Hoàng Long.

One thought on “Hương vị Tết Nguyên đán – Nguyễn Hoàng Long.

  • February 5, 2017 at 6:46 am
    Permalink

    LỜI BỘC BẠCH CỦA MỘT ĐẢNG VIÊN (sưu tầm từ Trần Đông Chấn)
    Lâu nay tôi không viết blog, không comment vì tôi sợ. Tôi nghe được những thằng bạn làm bên an ninh nói rằng đang thực hiện những chỉ thị của cấp trên rất quyết liệt để tìm ra dấu vết tông tích của những blogger “có vấn đề” để có cách xử lý thích đáng. Tôi thực sự sợ, có lẽ là tôi hèn nhát. Nhưng hôm nay tôi muốn viết, tôi buộc phải viết, tôi không giải thích được tâm trạng của mình lúc này, nhưng tôi cảm nhận rõ ràng một sự thôi thúc phải nói ra những gì mình suy nghĩ cho nhiều người đọc. Sự thôi thúc đó đến từ đâu tôi cũng không chắc, nhưng thật tình là tôi vẫn rất run sợ khi post bài này, tôi không phải là người dũng cảm, nhưng tôi thấy mình cần làm điều đó. Và tôi cũng chỉ có nơi này để viết, để nói ra được sự thật, blog là nơi duy nhất ở xã hội này người ta có thể nói thật, còn lại đều là một cuộc sống dối trá với chính mình và mọi người.

    Tôi đã gần 50 tuổi, đang làm cho một viện nghiên cứu của Nhà nước, đã được 15 năm tuổi Đảng. Thật lòng là tôi đã nghĩ đến việc ra khỏi Đảng nhưng lại không dám thực hiện, tôi không đủ can đảm và mạnh mẽ để chấp nhận một cách kiếm sống mới hoàn toàn mà tôi không tự tin với nó. Mà bỏ Đảng thì chỉ còn cách bỏ cơ quan. Đã suy nghĩ rất nhiều cách mưu sinh khác nhưng vẫn không thấy cái nào là được. Các con tôi phải còn vài năm nữa mới có thể tự lo được. Lương hai vợ chồng cộng lại mới hơn chục triệu. Riêng tôi mỗi năm được thêm vài công trình nghiên cứu, chia ra cũng được khoảng 30-40 triệu đồng. Cái này chính là bổng lộc mà cấp trên ban phát vì nghiên cứu cho có, xong cho vào tủ, chủ yếu là viết theo ý muốn cấp trên rồi lập hội đồng khen nhau mấy câu, thế là xong. Giàu thì chủ yếu là các sếp lớn vì đề tài nào các sếp cũng có tên để chia tiền dù chẳng làm gì, có khi cũng chẳng nhớ nổi cái tên đề tài. Còn chưa kể những thứ quyền lợi mua sắm khác. Nói chung là nếu lên được trưởng phòng thì không phải lo tiền bạc, người ta cúng cho mình. Do vậy mà trong nội bộ người ta đấu đá giành giật nhau ghê lắm, vào Đảng cũng chỉ hy vọng lên được chức cao hơn. Nói thật là ngày xưa tôi vào Đảng cũng với động cơ như thế, nhưng không nghĩ rằng như thế chỉ mới là cái bắt buộc sơ đẳng, muốn ngoi lên được đòi hỏi phải nhiều thủ thuật lắm, và phải biết luồn cuối thật giỏi, chà đạp người khác mà không bị cắn rứt. Mà cả 2 cái này tôi đều dỡ, có lúc thấy phải làm nhưng làm cũng không đạt yêu cầu. Chuyên viên như tôi (dù là được xếp vào ngạch cao câp) bây giờ toàn phải nói vẹt, nói dối đến mức mất tư cách mà chẳng biết phải làm sao. Giờ mới thấy mình hèn nhưng đã muộn. Tự an ủi trấn an mình “mưu sinh mà, thôi đành vậy…”

    Những người Đảng viên như tôi mình bây giờ chiếm đa số tuyệt đối trong Đảng, đến 95%. Hồi tháng 4 năm ngoái, tôi được đọc một bản nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Dư luận Xã hội, đây là tài liệu chính thức nghiên cứu theo yêu cầu của Bộ Chính Trị . Qua đó nói rõ rằng Đảng viên bây giờ đều chán nãn và bi quan, không còn tin vào đường lối chủ nghĩa Cộng Sản và học thuyết Mác Lê-Nin nữa, Đảng viên chỉ hy vọng vào sự đổi mới của Đảng. Nhưng bây giờ Đảng đã không còn đổi mới nữa, đang đi vào ngõ cụt. Hầu hết những Đảng viên như tôi bây giờ đều mong muốn một sự thay đổi, nhưng họ lại sợ thay đổi. Lý do quan trọng nhất là họ sợ bị trả thù như lịch sử đã từng xảy ra, như Đảng đã từng làm, họ nghe thấy sự hung hăng và cực đoan của các Việt Kiều qua các lần biểu tình chống đối người trong nước qua làm họ sợ. Rồi kiểu tuyên truyền của Đảng cũng tăng thêm điều đó, nếu bạn là Đảng viên, đi họp sinh hoạt Đảng thì sẽ nghe thấy những lời lẽ cảnh báo rất nặng nề, nào là các thế lực thù địch, nào là sẽ không đội trời chung với Đảng viên, âm mưu diễn biến hòa mình có thể mất nước v.v..

    Nhưng cái làm xói mòn niềm tin ở Đảng nhất là tham nhũng và đặc quyền thì Đảng chẳng có một biện pháp hiệu quả nào ngăn chặn, nếu không muốn nói là Đảng phải duy trì nó để sống và để cai trị quan chức. Cơ quan tôi và nhiều nơi khác suốt ngày bàn tán về việc ông Lê Thanh Hải đã chi ra cả trăm tỷ đồng để hối lộ cho những vị ủy viên Bộ Chính Trị vào TpHCM để xem xét việc cách chức ông ta vì dính đến vụ PCI. Giờ ông ta tuyên bố với đám đàn em kinh tài là vững như bàn thạch vì không những thế, Thủ Tướng còn nhận của ông ta mấy triệu đô la nữa. Giờ là lúc ông ta ra sức vơ vét và tạo điều kiện cho các đàn em kinh tài vơ vét để bù lại những gì đã phải chi ra để chạy cho ông ấy. Những chuyện này giờ đây tồn tại như một sự tất yếu, chẳng có gì đáng ngạc nhiên.

    Tôi đang đứng trước một trạng thái chông chênh, giữa những lựa chọn không dễ dàng: theo hiện trạng và thói xấu của xã hội để sống dễ dàng hoặc thay đổi để ko theo nó, hay tham gia vào những sự thay đổi của người khác làm xã hội tốt hơn. Tôi muốn 2 cái sau nhưng nhiều lần đã không vượt qua được chính mình. Hàng này tôi bị buộc phải học và thực hành theo gương và đạo đức HCM nhưng toàn là những gì đạo đức giả và nụy quân tử. Tôi là người luôn kính trọng Chủ Tịch HCM ngay cả khi đã đọc được những mặt trái của Bác. Tôi giữ thái độ đó vì tôi cho rằng Bác là một con người. Nhưng cách mà Đảng đang tuyên truyền về hình ảnh và đạo đức của Bác, bắt mọi người học tấm gương của Bác là cách mà người ta thường làm để ca ngợi những vị giáo của các tôn giáo. Thật đáng buồn là những điều như vậy chẳng những không làm tôn lên hình ảnh của Bác mà ngược lại, vì Bác không có những điều cần thiết của một giáo chủ tôn giáo. Thời buổi bây giờ không còn là những thế kỷ trước, thông tin quá nhiều, nhanh và dễ kiểm chứng thì không thể tạo ra những myth để dẫn dắt lòng tin của mọi người được. Tôn giáo được tạo ra từ các myth vốn là những hiểu biết sai lầm, có thể là dối trá nhưng lại mang ý nghĩa huyền thoại, thần thoại. Người ta đang làm cho hình ảnh Bác ngày càng trở nên méo mó và dối trá.

    Gần đây tôi bắt đầu tin dần vào những gì vô hình như là định mệnh, số phận, vận nước, … Không tìm thấy căn cứ khoa học nào, nhưng có lẽ niềm tin là tâm linh, không phải biện chứng khoa học. Do vậy, tôi cũng hy vọng như nhiều người dân đang hy vọng, hồn thiêng sông núi sẽ phù hộ cho vận mệnh của đất nước. Tôi muốn nói với những người muốn mưu sự lớn và thực sự vì đất nước nhân dân, hãy nhắm vào những gì thiết thực nhất vì cuộc sống của đa số người dân, đừng có giương ngọn cờ dân chủ nhân quyền làm mục đích chính, những điều đó với người dân còn xa vời lắm. Chính quyền hiện này dù làm ra vẻ chống đối và mạnh tay với những người đấu tranh cho dân chủ, nhân quyền; giả bộ như là sợ những điều đó đe dọa sự cầm quyền của họ nhưng thực ra họ rất mong muốn những những người đấu tranh này lao vào những mục tiêu như vậy vì chúng chẳng thể nào thu hút quần chúng trong vài chục năm nữa. Họ ra vẻ cái này là gót chân Achile của Đảng nên phản ứng rất dữ dội, làm cho những người đấu tranh cứ tưởng thật là mình đã nhắm vào đúng tử huyệt của đối thủ và cứ thế hút đầu vào đá. Những gì thiết thực đối với quần chúng thì rất nhiều, nhiều vô kể, không thể nhắm đến hết tất cả một lúc được. Những con người sáng suốt sẽ nhận ra một vài điểm thật quan trọng từ những nhu cầu này, nhấn mạnh nó, giương nó lên làm ngọn cờ để tạo ra động lực cho đa số dân chúng thì mới có thể tạo ra lực lượng và thế lực thay đổi cái hiện nay được. Điều đáng mừng là một vài năm gần đây đã thấy xuất hiện vài người có tầm nhìn như vậy, không lao vào những khẩu hiệu dân chủ nhân quyền mà nhìn được những mấu chốt từ những gì rất thiết thực. Tôi có hân hạnh được trao đổi với những người như vậy trên blog và cảm nhận được sức mạnh tư duy của họ cho dù họ không nói gì về điều đó.

    Nếu ai muốn copy bài này để phổ biến thì cứ tự nhiên làm đừng hỏi ý kiến tôi. Mà cũng mong các bạn hãy làm điều đó vì có thể một ngày nào đó, tôi không đủ sự can đảm, không vượt qua nổi sự hèn nhát nên sẽ xóa hẳn cái blog này. Tôi đã từng nghe cánh an ninh nói rằng sẽ dựa vào quan hệ của con rễ Thủ Tướng, là Việt Kiều trong giới tài phiệt, can thiệp với Yahoo để “lôi ra ánh sáng” kẻ nào là Change We Need để trị tội vì đã “vu khống” thanh danh của gia đình “phò mà”. Chuyện ấy cũng vài tháng nay rồi nhưng vẫn thấy Change tiếp tục viết bài, có thể là họ không làm được, và cũng có thể là chưa làm được. Nếu một ngày nào đó mọi người thấy blog này biến mắt hẳn thì xin hãy hiểu và thông cảm cho tôi. Tôi rất biết ơn ai đó copy bài này về blog của mình để những gì tôi viết còn lưu lại được.

    Đa số Đảng viên và quan chức hiện nay đều hèn nhát như tôi vậy, những người dũng cảm có tư cách thì rất ít, những người này đều không lên cao được. Những kẻ chức vụ càng cao thì không những hèn mà còn nhát, thượng đội hạ đạp. Bản chất bọn chúng là những kẻ sợ sệt đủ thứ, chúng chỉ hung hăng khi nắm quyền lực trong tay và đối xử thô bạo với kẻ dưới hoặc những người không có chút quyền gì. Tôi đảm bảo rằng, khi có một sự thay đổi bọn người này là những kẻ trốn chạy đầu tiên hoặc quay ngoắc tức thì theo lực lượng mới. Bọn chúng đa số (tôi là thiểu số) đều là những kẻ giàu có, giờ thì lắm tiền nhiều của, sợ chết và sẵn sàng trở thành kẻ phản bội cho người khác sai bảo nếu được đảm bảo rằng không làm gì bọn chúng.

    Sự sụp đổ và thay đổi là chắc chắc và không thể tránh khỏi, nhiều người bảo rằng sẽ rất nhanh, nhưng cũng có người bảo rằng sẽ chưa thể trong một hai năm nữa. Tôi thì nghĩ điều đó không tùy thuộc vào Đảng, vào Chính quyền nữa, cái này ngoài khả năng của họ rồi. Nó tuỳ thuộc vào lực lượng thay đổi có thể hành động lúc nào thì lúc đó sẽ có sự thay đổi. Còn thay đổi như thế nào thì lại tuỳ thuộc vào cái lực lượng này có muốn làm điều tốt cho người dân hay không. Thật là khủng khiếp nếu đất nước này tránh vỏ dư gặp vỏ dừa.

    Hãy tha thứ cho tôi nêu ai đó vô tình bị xúc phạm từ những điều tôi viết, nhưng tôi vẫn tin những người đó rất ít, đếm trên đầu ngón tay. Tạm biệt mọi người, cũng có thể là vĩnh biệt…. Chúc mọi người vui khỏe và an toàn, chúc Việt Nam thay đổi tốt đẹp.

    Tôi đã thực sự ân hận vì đã vào Đảng.

    LỜI BỘC BẠCH CỦA MỘT ĐẢNG VIÊN

    Reply

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *