Tại sao có nước nghèo nước giàu?


tại sao Việt Nam nghèo?
.

(Cảnh nhà nghèo Việt Nam)

.

Tình trạng nghèo đói và khác biệt giàu nghèo gia tăng ở trên thế giới nói chung và ở Việt Nam nói riêng là hai đề tài làm cho nhiều nhà xã hội học và kinh tế gia lưu tâm. Nguồn gốc sâu xa của căn bệnh này không có gì khác hơn là văn hóa, tức là những năng khiếu và tập quán thụ đắc bởi mỗi dân tộc, một tập thể con người sống chung lâu đời trong cùng một xã hội. Yếu tố văn hóa gián tiếp và lặng lẽ ảnh hưởng đến cách suy nghĩ và quyết định của những người có quyền thế trong mọi lãnh vực và phản ứng của những thành phần bị trị trong quốc gia đó. Muốn tiến bộ phải cải tiến văn hóa, vứt bỏ những cái xấu, bảo tồn những di sản đẹp, và tiếp thụ những cái hay của những nền văn hóa mới.

.

Căn bệnh nghèo đói còn có những nguyên nhân trực tiếp như thể chế chính trị, chính sách kinh tế, xã hội và giáo dục của mỗi quốc gia. Nếu một dân tộc có một bản chất vững mạnh, một nhân sinh quan đúng đắn, dân tộc đó có thể vượt qua được những hoàn cảnh khó khăn và những nguyên nhân trực tiếp của sự nghèo đói. Bài viết này sẽ lần lượt thảo luận về mức độ và những nguyên do sâu xa và trực tiếp gây ra cách biệt giàu nghèo và sự nghèo đói.

.

Tình trạng cách biệt giàu nghèo trên thế giới

.

Dân số trên thế giới là 6 tỉ người. Trong số đó có khoảng 2.8 tỉ người sống với lợi tức trung bình dưới 2 Mỹ kim mỗi ngày và 1.2 tỉ người sống với lợi tức dưới 1 Mỹ kim mỗi ngày. Khoảng 44% số người nghèo này hiện nay sống ở vùng Nam Á châu. Khoảng 50% số trẻ em sống ở các nước nghèo bị thiếu dinh dưỡng. Trong khi đó tại các nước giàu tỉ lệ này dưới 5%. Khoảng 20% trẻ em không sống quá 5 năm tại những nước nghèo so với 1% tại những nước giàu. Lợi tức trung bình của 20 nước giàu nhất thế giới gấp 37 lần 20 nước nghèo nhất. Mặc dầu những tiến bộ về kỹ thuật viễn thông, Internet và điện tử đã đạt được trong thời gian gần đây, sự cách biệt giàu nghèo này đã tăng gấp đôi trong bốn thập niên vừa qua.

.

Xét từng khu vực người ta nhận thấy Ðông Á là vùng duy nhất trên thế giới tương đối thành công trong việc “xóa đói giảm nghèo.” Trong khoảng thời gian từ 1987 đế 1998, số người có lợi tức trung bình dưới 1 Mỹ kim mỗi ngày giảm 33% xuống còn 280 triệu người. Trong khi đó số người nghèo lại gia tăng ở Nam Á, vùng sa mạc Sahara của Phi châu và châu Mỹ Latin. Mặt khác những nước ở Trung Á và Âu châu đang chuyển đổi từ hệ thống kinh tế chỉ huy qua kinh tế thị trường, số người nghèo gia tăng 20 lần. Phần lớn những nước này là những nước kỹ nghệ khác với hai nước nông nghiệp ở Á châu là Trung quốc và Việt Nam.

.

Cách biệt giàu nghèo cũng rất trầm trọng ở ngay tại mỗi quốc gia giữa những vùng khác nhau và giữa những nhóm người khác nhau. Các sắc tộc thiểu số, phụ nữ, dân ở nông thôn và những người di cư bừa bãi về thành phố và không có chỗ ăn ở nhất định là những loại người bị thiệt thòi nhất. Việt Nam đang gặp những khó khăn tương tự.

.

Vì sao có sự khác biệt giữa các nước giàu và các nước nghèo?

.

Chắc chắn không phải là vì tuổi tác của những quốc gia này. Trước nhất chúng ta hãy xem xét một số nước trên thế giới. Việt Nam và Trung quốc đã có trên 4,000 năm. Ấn độ và Ai cập đã thành lập trên 2,000 năm. Nhưng đây lại là những nước nghèo. Mặt khác, Hoa Kỳ, Canada, Úc đại lợi, và Tân tây lan là những nước chỉ mới thành lập dưới 250 năm nay nhưng lại ở trong những nước giàu nhất thế giới. Israel mới lập quốc vào năm 1948 tại phần đất Palestine. Dân số là 6.1 triệu người trong đó 80% theo đạo Do thái và 14.6% theo Hồi giáo. Hàng năm Israel nhận từ 3 tỉ – 5 tỉ Mỹ kim tiền viện trợ của Hoa Kỳ. Tuy là một quốc gia trẻ trung, nhưng sau một nửa thế kỷ Israel đã mau chóng trở thành một quốc gia giàu có với lợi tức trung bình mỗi đầu người tính theo mãi lực quân bình (purchasing power parity GDP) là 19,500 Mỹ kim. East Timor là một quốc gia mới nhất, thành lập vào năm 2002, với dân số vỏn vẹn có khoảng 1 triệu người. Trong đó 80% theo Công giáo (Roman Catholic Church). East Timor là một trong những nước nghèo nhất thế giới với lợi tức trung bình hàng năm mỗi đầu người tính theo mãi lực quân bình là 500 Mỹ kim.

.


Sự khác biệt giàu nghèo có phải vì nguồn tài nguyên thiên nhiên của các quốc gia không?

.

Câu trả lời là không nhất thiết phải như thế. Thật vậy, dân Iraq sống trên mỏ dầu lớn thứ nhì trên thế giới với số dầu dự trữ ước tính là 114 tỉ thùng, gần bằng 43.5% số dầu dự trữ lớn nhất thế giới ở Saudi Arabia. Nhưng mức sống không hơn gì dân Việt Nam bao nhiêu. Tổng sản lượng nội địa mỗi đầu người theo mãi lực quân bình của Iraq là 2,400 Mỹ kim, so với con số của Việt Nam là 2,300 Mỹ kim.  

.

Trái lại, Nhật bản đất hẹp dân đông. Từ cuối thế kỷ 19 nước Nhật đã biết mở rộng cửa để buôn bán và tiếp thụ kỹ thuật Tây phương nên đã mau chóng trở thành một cường quốc và nay là một trong những nước giàu nhất thế giới. Tổng số diện tích của Nhật bản là 377,835 Km2, hơi nhỏ hơn tiểu bang California. Khoảng 12.1% đất đai là có thể trồng trọt được. Phần còn lại là đồi núi. Tuy nhiên, Nhật bản có 127 triệu dân, gần gấp 4 lần dân số của California. Mỗi năm Nhật bản có khoảng 1,500 trận động đất (phần lớn là những chấn động nhỏ). Nước Nhật hầu như không có một khoáng sản nào cả. Quốc gia này phải nhập cảng mọi nguyên liệu từ cát, sắt thép phế thải, cho đến dầu thô và thực phẩm từ khắp nơi trên thế giới và sản xuất các sản phẩm chế biến để xuất cảng đến hầu hết mọi quốc gia. Người ta thấy ngay trên đất Mỹ cách xa Nhật một nửa vòng trái đất, những dụng cụ khổng lồ dùng trong kỹ nghệ xây cất và nông nghiệp nặng cả ngàn tấn, mang các nhãn hiệu như Komasu, Hitachi, Mitsubishi, Kubota và Shibaura.

.

Nước Nhật bại trận trong Thế chiến thứ hai. Nhưng chỉ trong một phần tư thế kỷ, nước Nhật đã hồi phục với sự quyết tâm của nhân dân Nhật và sự giúp đỡ của Hoa Kỳ. Ngày nay nước Nhật là cường quốc kinh tế thứ hai trên thế giới với tổng sản lượng nội địa trên căn bản mãi lực quân bình là 3,651 tỉ Mỹ kim, chỉ đứng sau nước Mỹ. Tài sản quý giá nhất của nước Nhật là 127 triệu dân trong đó có 99% là người Nhật và phần còn lại gồm người Hàn quốc và Trung Hoa. Khoảng 84% dân Nhật theo cả hai tôn giáo là Shinto và đạo Phật và một số ít theo Thiên chúa Giáo (Christians kể cả Roman Catholics).

.

Thụy sĩ là một thí dụ khác. Tổng số diện tích của quốc gia này là 41,300 Km2, tương đương với 12.5% diện tích của Việt Nam. Tuy nhiên đất đai trồng trọt của Thụy sĩ được chỉ bằng 10% tổng số diện tích. Không những thế, Thụy sĩ không có đường thông thẳng ra biển và hoàn toàn bị bao vây bởi năm quốc gia khác là Ðức, Áo, Pháp, Ý và Liechtenstein. Dân số của Thụy sĩ là 7.3 triệu gồm 3 sắc dân chính là Ðức, Pháp, và Ý. Vì những giới hạn về thời tiết và đất đai, nông dân Thụy sĩ chỉ có 4 tháng để trồng trọt và chăn nuôi gia súc ngoài trời. Tuy nhiên, Thụy Sĩ sản xuất kẹo xúc cù là và sữa bò ngon nhất thế giới. Ngoài ra, quốc gia này còn có những sản phẩm công nghệ tinh xảo mà không một ai trên thế giới có thể sánh kịp: đồng hồ, dao kéo, dụng cụ làm vườn, dụng cụ khoa học chính xác và hóa phẩm. Dịch vụ ngân hàng tân tiến của Thụy sĩ đã thu hút rất nhiều ngoại tệ từ mọi nơi trên thế giới nhờ danh tính của khách hàng và nguồn gốc của tiền tệ được bảo vệ tối đa. Tổng sản lượng nội địa tính theo mãi lực quân bình của Thụy sĩ là 233 tỉ Mỹ kim. Con số tương đương tính theo đầu người là 32,000 Mỹ kim, cao hơn hết các nước ở Âu châu, kể cả Ðức và chỉ thua Hoa Kỳ.

.

Hòa lan là một nước rất nhỏ ở Âu châu nhưng cũng đáng chú ý, với dân số là 16 triệu người và diện tích là 41,500 Km2 mà một phần nằm dưới mặt nước biển, nên máy bơm phải hoạt động 24 giờ mỗi ngày và 7 ngày mỗi tuần để bơm nước ra khỏi phần đất này. Ðất trồng trọt được chỉ chiếm có 26.5%, tuy nhiên Hòa Lan nổi tiếng về kỹ nghệ nông nghiệp. Quốc gia này xuất cảng hoa tươi, hạt giống và các nông phẩm chế biến đi khắp thế giới. Ngoài ra, Hòa Lan còn sản xuất dụng cụ kim loại, máy móc điện và điện tử, hóa phẩm. Kỹ nghệ xây cất của Hòa lan rất mạnh. Tổng sản lượng nội địa cho mỗi người (GDP tính theo mãi lực quân bình) là 27,200 Mỹ kim.

.

Chúng ta chắc chắn phải nghĩ ngợi rất nhiều về những nước nhỏ như Bỉ, Ðan mạch, Hòa lan, Thụy sĩ, Tân gia ba, và Tân tây lan với dân số cộng lại chỉ bằng 60% dân số của Việt Nam mà phải viện trợ cho một quốc gia với 80 triệu dân.

 

.
Sự khác biệt giàu nghèo có phải bởi sự chênh lệch về kiến thức hay không?

.

Yếu tố này hẳn có ảnh hưởng đến vấn đề giàu nghèo. Người có kiến thức rộng, học lên trình độ cao, ra trường thường có việc làm tốt. Tuy nhiên trên bình diện quốc gia, yếu tố này cũng không có một tầm quan trọng đặc biệt. Ấn độ, Trung quốc, Việt Nam sản xuất rất nhiều nhà trí thức, khoa học gia mà kiến thức của họ không thua gì những đồng nghiệp của họ ở những nước Tây phương. Những quản trị gia của các nước giàu nhận định rằng, không có sự khác biệt sâu xa về kiến thức của những đối tác viên của họ tại những những nước nghèo và thường những chuyên viên ngoại quốc lại phải học hỏi kinh nghiệm địa phương từ những chuyên viên bản xứ. Ðiều này rất là tự nhiên vì sự khác biệt về văn hóa và ngôn ngữ.

.

Phần lớn những phát minh khoa học trên thế giới từ trước đến nay đều do những người Mỹ, Ðức, Pháp, Anh, Thụy sĩ, và Ý thực hiện. Phát minh mới cần rất nhiều thời gian. Tuy nhiên học hỏi những tiến bộ về khoa học và kỹ thuật ngày nay không phải là một vấn đề khó khăn. Người Nhật và Ðại Hàn và hiện nay là Trung quốc đã mau chóng hấp thụ và áp dụng những tiến bộ khoa học vào bộ máy sản xuất của họ. Ngoài ra, chính sách đầu tư nước ngoài đã giúp cho việc chuyển giao kỹ thuật cho các nước chủ trở nên dễ dàng. Thêm vào đó, hàng năm cả trăm ngàn sinh viên từ các nước Á châu, Phi châu, Châu Mỹ Latin du học tại các cường quốc kỹ nghệ. Không những các sinh viên này học về những môn khoa học và kỹ thuật mà còn cả về những ngành quản trị, kinh tề và tài chánh nữa. Với các phương tiện thông tin tân tiến hiện nay, kiến thức được phổ biến rộng rãi trên khắp thế giới. Sự cách biệt về kiến thức ngày càng thu hẹp.

.


Sự khác biệt giàu nghèo có phải vì sắc tộc hay màu da hay không?

.

Yếu tố này cũng không có gì vững chắc cả. Một cách tổng quát người ta nhận thấy những quốc gia ở Bắc Mỹ và châu Âu là những nước giàu hơn cả. Mặt khác, những nước ở Phi châu tương đối nghèo nhất, rồi đến các nước Á châu, Trung và Nam Mỹ. Nhưng không phải nước nào ở Âu châu cũng giàu có. Liên bang Nga, Serbia – Montenegro và Moldova là những nước nghèo. Mặt khác không phải nước nào ở Á châu cũng nghèo. Nhật bản, Ðài loan, Nam Hàn, và Tân gia ba là những nước giàu.

.

Nhìn về Tây bán cầu, từ Mexico trở xuống Cape Horn ở cực nam, không kể Virgin Islands và Puerto Rico của Hoa Kỳ, tổng sản lượng nội địa hàng năm cho mỗi đầu người tính theo mãi lực quân bình của những quốc gia trong vùng này ở trong từ khoảng 1,400 Mỹ kim tới 11,000 Mỹ kim. Nhưng có nước tương đối giàu hơn là Barbados và Bahamas. Ðây là hai nước nhỏ mà đa số là dân da đen với tổng sản lượng nội địa theo mãi lực quân bình trung bình hàng năm cho mỗi người là 15,000 Mỹ kim.

.

Như vậy người ta có thể kết luận rằng dân thuộc sắc tộc sống ở miền Bắc thường giàu có hơn dân thuộc sắc tộc sống ở miền Nam được không? Nói một cách tổng quát, cách phân biệt này có phần đúng. Các nhà kinh tế học thường hay dùng đến danh từ “North-South Trade” để chỉ sự buôn bán giữa hai khối giàu và nghèo. Nhưng xét kỹ hơn cũng có một số trường hợp không theo định luật này. Liên bang Nga, Mongolia, và Trung quốc ở miền cực Bắc, nhưng là những nước nghèo. Nếu so sánh những quốc gia lân bang với nhau, người ta cũng thấy có những nước miền Bắc nghèo hơn nước láng giềng ở phương Nam như Bắc Hàn so với Nam Hàn, Miến điện so với Thái lan, Bắc Việt so với Nam Việt (trước 1975), Nepal so với Ấn độ, hoặc Afghanistan so với Pakistan. Úc và Tân tây lan ở miền Nam bán cầu là hai trường hợp đặc biệt vì công dân của hai nước này phần lớn thuộc gốc người miền Bắc là Anh quốc.

.

Biết bao nhiêu người ở Việt Nam di cư sang Hoa Kỳ, Canada, Úc châu và Âu châu trong thập niên 70-90 đã thành công hơn người bản xứ trung bình trong một thời gian rất ngắn. Ða số có một đời sống tương đối đầy đủ, trái hẳn với đời sống của họ trước đây ở Việt Nam. Những cơ hội ở quê hương mới đã giúp những lớp di dân này tận dụng được tiềm năng của họ và thăng tiến nhanh chóng trong xã hội mới với một nền văn hóa mới. Xã hội cũ, nền văn hóa cũ cộng với thể chế chính trị và kinh tế thui chột đã làm cho dân tộc sống trong đó không sao ngoi lên được. Trước khi lớp người Việt Nam đặt chân đến Hoa Kỳ hàng loạt, đã có những người Trung Hoa, Nhật bản, Hàn quốc, Phi luật tân, Ấn độ di dân qua Mỹ. Những lớp người này và con cháu họ tiếp tục thành công ở Hoa Kỳ.

.


Thể chế chính trị có ảnh hưởng đến sự giàu nghèo không?

.

Kinh tế gia đoạt giải Nobel người Ấn độ Amartya Sen nghiên cứu về nghèo đói và dân chủ đã đưa ra một lời tuyên bố nổi tiếng: “Không bao giờ có một nạn đói nào đáng kể xẩy ra ở một nước độc lập, dân chủ và có tự do báo chí.”  Nhân loại đã chứng kiến nhiều nạn đói khủng khiếp, nhưng hầu hết xẩy ra dưới những chế độ độc tài:

.

1- Ireland dưới sự đô hộ độc đoán của người Anh (1845-1850). Hậu quả: 1 triệu người Ái Nhĩ Lan chết và 2 triệu người di dân qua Mỹ châu;

2- Nga Sô dưới chế độ Cộng sản và hạn hán (1921). Hậu quả: 5.1 triệu người chết;

3- Ukraine do kế hoạch nông trường tập thể của Cộng sản Liên sô (1932-1933). Hậu quả: 7-10 triệu người chết;

4- Ethiopia dưới chế độ Cộng sản và hạn hán (1984-1985). Hậu quả: 8 triệu người chết;

5- India: liên tục trong thời gian người Anh chiếm đóng cho tới khi Ấn độ được độc lập vào năm 1947;

6- Trung Quốc do kế hoạch “Bước nhẩy vọt” (1958-1961). Hậu quả: 30 triệu người chết;

7- Somalia dưới chế độ độc tài (1992). Hậu quả: 1.5 triệu người chết đói;

8- Bắc Hàn dưới chế độ Cộng sản (1996 đến nay).

.

Riêng tại Việt Nam nạn đói xẩy ra hai lần kể từ Ðệ nhị Thế chiến đến nay:

.

1- Dưới sự đô hộ tàn bạo và độc tài của quân phiệt Nhật và thực dân Pháp (1945) Hậu quả: một triệu người chết;

2- Trong thời kỳ kinh tế xã hội chủ nghĩa (1975-1986). Kết quả: nạn đói đe dọa từ Bắc vào Nam, trầm trọng hơn hết là những vùng núi xa xôi hẻo lánh. Nhà nước phải lên tiếng kêu gọi Liên hiệp quốc giúp thực phẩm và một triệu người vượt biên.

.

Chế độ chuyên chính vô sản và hệ thống kinh tế chỉ huy tại những nước Cộng sản đã làm cho hầu hết những nước này trở nên nghèo đói. Nổi bật nhất là Liên bang Sô viết và Ðông Ðức. Một số các nước cộng sản trước đây sau khi trở thành những nước tự do dân chủ đã trở nên giàu có hơn trong hơn một thập niên vừa qua: Czech Republic, Estonia, Poland, Hungary, Slovakia, và Slovania. Trung quốc và Việt Nam một mặt cải tổ kinh tế, mặt khác vẫn chủ trương độc tài về phương diện chính trị. Chế độ kinh tế chỉ huy tuyệt đối đã được hủy bỏ nhưng nhà nước vẫn chủ trương đóng một vai trò chủ đạo trong nền kinh tế. Tham nhũng, hiệu năng thấp kém, và khu vực tư nhân bị đối xử phân biệt là những hàng rào cản cho sự phát triển. Mức sống của dân chúng đã được cải thiện một phần nhưng quá chậm chạp và mất quân bình. Sự chênh lệch giàu nghèo mỗi ngày một gia tăng. Cả thế giới chỉ còn hai nước duy nhất còn tuyệt đối trung thành với chế độ chuyên chính vô sản là Cuba và Bắc Hàn. Tổng sản lượng nội địa cho mỗi người tính theo mãi lực quân bình của Cuba là 2,700 Mỹ kim cao hơn Việt Nam chút đỉnh. Bắc Hàn là một trong những nước nghèo nhất thế giới với tổng sản lượng nội địa cho mỗi người là 1,000 Mỹ kim.

.


Văn hóa có tạo ra sự khác biệt giàu nghèo không?

.

Ảnh hưởng của văn hóa trên mức giàu nghèo của các quốc gia đã được đề cập sơ qua ở một phần trên. Vấn đề văn hóa được thảo luận kỹ hơn ở phần này vì đây là một yếu tố quan trọng và là chủ điểm của bài viết. Văn hóa và giáo dục tạo cho mỗi dân tộc một triết lý, một nhân sinh quan về cuộc sống và một số kiến thức để thực hành triết lý đó. Từ thế kỷ này qua thế kỷ khác, văn hóa đặc thù của mỗi dân tộc trở thành một di sản của dân tộc đó. Nó vô hình trung điều khiển cách suy nghĩ và lối hành động của mỗi thành phần sống trong xã hội. Thật là cực kỳ khó khăn nếu chúng ta muốn cải tiến văn hóa tức là thay đổi cách suy nghĩ và những thói quen lâu đời.

.

Yemen là một nước Hồi giáo ở Trung Ðông. Ðàn bà Yemen thường phải ở nhà. Khi ra đường họ phải che mặt chỉ để hở hai con mắt. Ðặc biệt đàn bà con gái Yemen không được làm ở những nơi như khách sạn, quán ăn, cơ sở du lịch, ca nhạc giải trí, v.v.. Do đó để cung cấp những dịch vụ này, chính phủ Yemen phải cho nhập cảnh những đàn bà ở các nước khác mặc dù vào thập niên 90, nạn thất nghiệp của Yemen ở vào khoảng 20-30%. Ðàn ông Yemen lại thích nhai một loại lá có chất kích thích gọi là “Khat.”  Khoảng một giờ sau khi chất “Khat” thấm vào người rồi, không ai muốn làm việc nữa. Chất “Khat” còn làm cho người ta không cảm thấy đói. Ngoài ra, vì bán lá “Khat” có lợi tức cao, nên nông dân dành một số đất để trồng “Khat” thay vì trồng thực phẩm, trong khi đất đai ở Yemen rất hiếm vì phần lớn là sa mạc. Văn hóa hiển nhiên ảnh hưởng đến kinh tế của mọi quốc gia.

.

Trước đây đã có người hô hào dân Việt Nam bỏ tục lệ đốt vàng mã vì nó vô nghĩa và phí phạm tài nguyên. Nhưng sau gần một nửa thế kỷ, tục lệ đó vẫn còn. Một thí dụ khác là lên đồng, một hình thức tế lễ của Lão giáo. Có một thời gian lên đồng bị coi như một hủ tục. Nhưng lại có người cho lên đồng là một đặc sản của nền văn hóa Việt Nam và là một sinh hoạt có tính cách dân gian. Những người theo nâng tục lệ này thành một tôn giáo và gọi là đạo Mẫu. Một số người ngoại quốc nghiên cứu văn hóa Việt Nam gọi sinh hoạt thờ Bà Chúa Liễu Hạnh này là đạo Bản địa Việt Nam. Ðây là một bằng chứng rằng vai trò của phụ nữ Việt Nam được đề cao một cách độc đáo trong xã hội trọng Nam khinh nữ dưới sự ngự trị của Nho giáo. Bởi vậy mới có hai câu:

.

“Lên đồng sướng hơn lấy chồng làm quan.”

.

.

Tháng Bẩy giỗ Cha (Ðức Thánh Trần Hưng Ðạo),

Tháng Ba giỗ Mẹ (Ðức Thánh Mẫu Liễu Hạnh).”

.

Tục lệ lên đồng vẫn tồn tại ở Việt Nam và nay còn được xuất cảng ra nước ngoài theo chân của người di dân Việt Nam.

.

Học giả Ðỗ Thông Minh phân tách kỹ lưỡng sự liên hệ giữa kinh tế và văn hóa như sau: “Kinh tế bao gồm các yếu tố cụ thể thuộc khoa học tự nhiên, được coi như phần cương kiện (? hardware): nhân lực, tri thức, kỹ thuật, tài nguyên và nhất là vốn tức tư bản… Văn hóa bao gồm các yếu tố trừu tượng và phức tạp hơn nhiều, thuộc khoa học nhân văn, được coi như phần nhu kiện (software): tinh thần học hỏi, tinh thần khoa hoc, tinh thần kỷ luật, tinh thần mạo hiểm, tinh thần tích cực, trí thức cho đến quản trị, tiếp thị&và những yếu tố này đôi khi bị chi phối bởi những yếu tố thoạt nhìn có vẻ không liên hệ như phong tục, tập quán…”

.

“Kinh tế bao gồm các yếu tố được coi như ‘tĩnh,’ rất dễ chuyển giao và tiếp thu còn văn hóa bao gồm các yếu tố được coi như ‘động’, thuộc bản chất con người, có tính cách riêng tư không dễ chuyển giao và tiếp thu. ‘Ðộng-tĩnh’ như cặp lưỡng nhất thể ‘âm-dương’, tương khắc mà tương sinh. Do đó, điểm đáng nói trong tương quan văn hóa và kinh tế là ở chỗ dù có cùng một số vốn, cùng một kỹ thuật, cùng một tài nguyên& nhưng mỗi người hay mỗi quốc gia có cách vận dụng riêng. Do đó mới có khác biệt tư tưởng ‘Ðông-Tây’. ‘Ðông’ như Trung quốc, Nhật bản, Hàn quốc, Ðài loan, Việt Nam  phần lớn chú trọng vào khoa học nhân văn, với sở trường nhẫn nại, cũng như phát huy sức mạnh tập thể trong điều hòa và tiến tới thăng bằng… ‘Tây’ như Hoa kỳ, Ðức, Anh, Pháp giỏi về khoa học tự nhiên, đề cao tính tự lập và tài năng cá nhân, có tinh thần khai phá, mạnh về sản xuất và quản lý, có tầm nhìn xa và quốc tế ”

.

Do đó mới có những quyết định khác nhau, cho ra kết quả khác nhau, và mới có nước giàu, nước nghèo. Tóm lại sự khác nhau là do văn hóa.  

.

Một nhà học giả Tây phương đã nghiên cứu về ảnh hưởng của tôn giáo, một phần của văn hóa, đối với đời sống kinh tế của các dân tộc ở Âu châu. Ông nhận xét rằng những nước như Ý, Pháp, Bỉ, Tây ban nha và Bồ đào nha ở miền Nam Âu châu là những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề của Công giáo. Tỉ lệ dân số theo đạo này từ 75% (Bỉ) đến 94% (Portugal và Spain). Theo triết lý của Công giáo, con người không nên chạy theo giàu sang phú quí và nên có một cuộc sống bình dị. Trong khi đó những nước ở Trung và Bắc Âu chịu ảnh hưởng nhiều hơn của đạo Tin lành (christian – non Roman catholic) như Anh, Ðức, Thụy sĩ, Hòa lan, Ðan mạch, Na uy, Thụy điển, và Phần lan. Ðạo Tin lành khuyến khích người theo đạo làm việc nhiều để có một một cuộc sống tiện nghi thoải mái. Do đó những nước ở Trung và Bắc Âu tương đối có một mức sống cao hơn những nước ở miền Nam Âu châu.

.

Nhìn trở về châu Mỹ người ta thấy trường hợp Bắc Mỹ và Trung và Nam Mỹ cũng có sự cách biệt giàu nghèo như Trung và Bắc Âu so với Nam Âu, nhưng ở mức độ rộng lớn hơn. Hoa Kỳ và Canada có tỉ lệ dân số theo đạo Tin lành theo thứ tự là 56% và 36%. Trong khi đó phần lớn dân số tại những nước ở Trung và Nam Mỹ theo Công giáo với tỉ lệ từ 76% đến 96%. Barbados là một quốc gia đặc biệt nguyên là thuộc địa của Anh quốc. Khoảng 67% dân số của nước này theo đạo Tin lành, chỉ có 4% theo Công giáo. Tổng sản lượng nội địa trung bình mỗi đầu người là 15,000 Mỹ kim. Bahamas nguyên cũng là thuộc địa của Anh quốc. Khoảng 76% dân số theo đạo Tin lành, 19% theo đạo Công giáo. Tổng sản lượng nội địa trung bình mỗi đầu người là 15,300 Mỹ kim, hơn hầu hết các nước ở Trung và Nam Mỹ kể, cả Mễ tây cơ, Argentina, Brazil, và Chile. Trong khi đó Haiti là một nước ở Trung Mỹ, cũng cùng gốc da đen Phi châu nô lệ như Barbados và Bahamas, nguyên là thuộc địa của Pháp, với 80% dân số theo Công giáo. Tổng sản lượng nội địa trung bình mỗi đầu người của Haiti chỉ có 1,400 Mỹ kim.

.

Chế độ kinh tế tư bản xuất xứ từ châu Âu vào thế kỷ 16. Max Weber cho rằng người Âu châu, đặc biệt những tín đồ Tin lành, có đúng khả năng và ý chí phù hợp với nền kinh tế tư bản. Những tín đồ Tin lành làm việc cần cù và có đức tính tiết kiệm. Cho đến nay chế độ kinh tế tư bản đã đánh bại chế độ Cộng sản, phát triển đến hầu hết khắp nơi trên thế giới, ảnh hưởng tới văn hóa ở mỗi địa phương và đồng thời tự thay đổi cho phù hợp với sắc thái của từng địa phương..

Tiếp tục so sánh các nước Tây phương, GS Tôn Thất Thiện nêu ra một nhận xét của Ông Nguyễn Gia Kiểng:

 

“Trước đây, quốc gia được định nghĩa như một quá khứ chung, ngày nay quốc gia chủ yếu là một tương lai chung.”

.

GS Thiện nhận định rằng:

.

“Các quốc gia Âu châu, là những quốc gia được coi như tân tiến hạng nhất của thế giới, đã không tiến được vì người Âu châu hấp thụ một văn hóa nặng về phần bảo tồn quá khứ. Hoa Kỳ đã vượt tới được vì người Mỹ chấp thu một văn hóa hướng về tương lai. Bí quyết của phát triển, tiến bộ ngày nay là đó. Quá khứ là cái neo, có tác động rì chiếc tàu lại, trong khi tương lai là động cơ, có tác dụng đẩy chiếc tàu đi tới.”

.

Nhiều kinh tế gia đã nghiên cứu về hiện tượng phát triển kinh tế mạnh mẽ, tiến rất cao trong thời gian rất ngắn của Nhật bản và bốn con rồng Á châu là Tân gia ba, Ðài loan, Hồng kông, và Nam Hàn từ giũa thập niên 60 đến giữa thập niên 90. Họ nhận thấy rằng văn hóa của các quốc gia này có một điểm chung là đều chịu ảnh hưởng sâu đậm của Khổng giáo, với một mức độ tương đối ít hơn đối với Nhật bản. Khổng giáo đề cao trung trực, đức tin, chung thủy, hòa đồng, hiếu thảo, và trí tuệ. Những giá trị tốt đẹp này giúp cho hệ thống xã hội và kinh tế của các quốc gia này vận hành một cách trật tự và có hiệu quả. Trong khi đó Thái lan chịu ảnh hưởng của Phật giáo, Phi luật tân chịu ảnh hưởng của Công giáo và Nam dương chịu ảnh hưởng của Hồi giáo tiến chậm hơn.

.

Các học giả nghiên cứu về Phật giáo nhận xét rằng đạo Phật không mấy ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế ở Á châu. Hy V. Lương nhìn nhận rằng, triết lý của Khổng tử đã chủ yếu định đoạt mô thức kinh tế của Trung quốc, Nhật bản, Hàn quốc, Tân gia ba cũng như Việt Nam. Ông không đề cập gì đến ảnh hưởng của đạo Phật. Charles Keyes lập luận rằng:

.

“Phật giáo đóng góp rất khiêm nhường vào sự bành trướng của nền kinh tế tư bản ở Thái lan qua thỏa hiệp, mơ hồ, và yên lặng (compromise, ambiguity, and silence).”

.
Văn hóa ảnh hưởng đến Việt Nam ra sao?

.

Quay trở về với Việt Nam người ta có những nhận xét nào?

.

Cựu Bộ trưởng Quốc phòng của Hoa Kỳ Robert McNamara đã nhận định rằng Mỹ thua trong chiến tranh Việt Nam là vì sức mạnh văn hóa Việt Nam. Tuy vậy, văn hóa Việt Nam, thể hiện ở bản chất của dân tộc Việt, có những cái tốt lẫn những cái xấu như sẽ được phân tách ở phần dưới đây. Văn hóa Việt Nam chịu ảnh hưởng nặng nề của Phật giáo, Khổng giáo và Lão giáo. Triết lý của tam giáo này đã ảnh hưởng sâu đậm vào nhân sinh quan của dân tộc Việt Nam từ vài ngàn năm nay.

.

Phật giáo

.

Phật giáo thịnh hành nhất dưới triều đại nhà Lý (1009-1225) và triệu đại nhà Trần (1225-1400). [16] Nhưng theo sử liệu, Phật giáo được truyền từ Ấn độ đến Việt Nam vào khoảng 300 năm trước Tây lịch. Triết lý của đạo Phật đã ăn sâu vào văn hóa Việt Nam. Ðạo Phật khuyên con người sống thiện, ăn ở đạo đức, bao dung, không ức hiếp ai, không tham sân si. Luật nhân quả của nhà Phật khuyên chúng sinh “ở hiền gập lành” được mô tả bằng hai câu ca dao dưới đây:

.

“Ai ơi hãy ở cho lành,
Kiếp này không được, để dành kiếp sau.”

.

Cuộc đời ngắn ngủi nhưng là một bể khổ. Tu sẽ trở thành Phật và sẽ thoát ra khỏi kiếp luân hồi. Trái với triết lý của Tây phương, với chủ trương khai phá thiên nhiên để làm cho đời sống mỗi ngày một tiện nghi, đạo Phật khuyên chúng sinh sống hòa mình với thiên nhiên, không sinh sát. Trái với sự khuyến khích người đời học làm quan và tích cực tham dự vào việc cai trị nước của Khổng giáo, Phật giáo chủ trương tách rời khỏi giới quyền thế. Lịch sử Việt Nam đã chứng minh rằng Phật giáo nhập thế, ra tay nghĩa hiệp khi thấy có trách nhiệm với đời, trước một xã hội đảo điên hoặc khi đạo pháp và đất nước lâm nguy.

.

Hòa thượng Thích Huyền Quang dậy rằng:

.

“Ðạo Phật ra đời để cứu khổ cho muôn loài. Ðây là bước tiến vĩ đại trong tư tưởng cũng như trong hành động tại xã hội Ấn độ nói riêng, và cho loài người nói chung, cách đây 2544 năm. Giải phóng con người khỏi vô minh, khỏi sự sợ hãi và nô lệ thần linh hay các luồng ý thức hệ cuồng tín, giải phóng con người khỏi sự hà khắc và bất công của mọi hệ thống xã hội. Vào thời đức Phật tại thế, giáo lý đạo Phật đánh đổ mọi học phái thần quyền, mọi chủ nghĩa hư vô, duy vật, hoài nghi, định mệnh, đưa Con Người vào vị thế trung tâm giữa trời đất để giải thoát tự thân và giải phóng tha nhân. Không hề có những yếu tố phi xã hội trong giáo lý đạo Phật, vì thế người Phật tử luôn tôn trọng và đương đầu bảo vệ con người, chống lại những bất công hay bất bình đẳng xã hội, vốn là nguyên nhân chà đạp quyền sống của lương dân, ngăn cản hạnh nguyện tu học để tiến thủ, ngăn cản sự thực hành Từ, Bi, Trí, Lực, theo chí nguyện Bồ tát cứu đời, ngăn cản sự hiện thực Giác ngộ.”

.

Khổng giáo

.

Văn hóa Việt Nam chịu ảnh hưởng sâu đậm của Khổng giáo hay còn gọi là Nho giáo. Vua Lê Thánh Tông vào thời Hậu Lê (1428-1527) nâng Nho giáo lên hàng quốc giáo. Nho giáo tiếp tục giữ vai trò độc tôn qua đến triều Nguyễn. Nho giáo là một triết lý dậy con người biết cách ăn ở và đối xử với nhau trong xã hội do Khổng Tử và người học trò là Mạnh Tử truyền lại trong dân gian. Khổng giáo chủ trương một trật tự xã hội, có trên có dưới rõ ràng. Có “đồng đẳng” rồi mới “bình đẳng.”  Về mặt đạo đức, Khổng Tử có những lời khuyên như:

.

“Tôn sư trọng đạo,”
“Kính lão đắc thọ,”
“Quân vi quân, thần vi thần,”
“Tiên học lễ, hậu học văn,”
“Trung, hiếu, nhân, nghĩa, lễ, trí, tín,”
“Tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử,”
“Công dung ngôn hạnh.”

.

Mạnh Tử cũng lưu truyền lại một vài lời khuyên như “dân vi quý, quân vi khinh.” Về mặt kinh tế, “dân giàu nước mạnh” là tư tưởng của Khổng Mạnh. Trong thời loạn lạc trai thiếu gái thừa, và Trung quốc là một xã hội nông nghiệp cần nhân lực để sản xuất, nên Khổng Tử khuyên cho đàn ông lấy nhiều vợ để sinh con đẻ cái nhiều.

.

Triết lý Khổng Mạnh dậy con người tôn trọng tôn ti trật tự sẵn có, phục tòng người trên và trông đợi kẻ dưới phục tòng lại mình. Do đó sáng kiến cá nhân không được tôn trọng và tinh thần dân chủ không được khuyến khích. Theo thuyết Thiên mệnh của Khổng Mạnh, mỗi người đều có số mệnh do “trời” định. Tuy nhiên “đức năng thắng số.” Câu này có nghĩa là có “trời” nhưng cũng có “ta” và con người cũng có thể tránh được số mệnh khi mình chưa tới số theo thuyết Nhân Quả Nghiệp Báo của đạo Phật.

.

Câu thơ của cụ Nguyễn Du trong truyện Kiều sau đây mang hai ý nghĩa đó:

.

“Ðã mang lấy nghiệp vào thân,
Cũng đừng trách lẫn trời gần trời xa.
Thiện căn ở tại lòng ta,
Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài.”

.

Tâm là của con người, tài do do trời ban cho. Ðến thời Tống bên Trung quốc, Nho giáo biến đổi (Tống Nho) đề cao giá trị khoa bảng, khuyến khích lối học từ chương, và mục đích học ra làm quan. Việt Nam chịu ảnh hưởng khá nặng bởi quan niệm Tống Nho. Nguyễn Gia Kiểng phê phán rằng kẻ sĩ vẫn là mẫu mực của trí thức Việt Nam. Nhưng kẻ sĩ là gì nếu không phải là một mẫu người tồi hèn, vong thân, chỉ mưu lợi cho chính mình? Kẻ sĩ cả đời chỉ học được một nghề là nghề quì. Lúc nhỏ thì quì trước thầy. Khi lớn lên thì quì trước vua quan. Bằng cấp nói lên một phần ba những gì người Pháp biết nhưng đối với người Việt Nam, nó là ba lần những gì họ biết. Nếu trí thức như thế cả thì đất nước làm sao khá được.

.

Lão giáo

.

Trái với Khổng Mạnh với sự khuyên dăn con người nhập thế, làm cho xã hội đẹp qua một số nguyên tắc xử thế ở đời, Lão Tử và người học trò là Trang Tử khuyên con người nên xa lánh trần thế, không bon chen, sống nhàn hạ, và cố gắng tu lên cõi tiên. Lão giáo quan niệm rằng Ðạo là nguồn gốc của trời đất. Trên trời còn có Ðạo. Triết lý căn bản của Ðạo Lão là sự hòa đồng tự nhiên giữa những mâu thuẫn trong cuộc sống như âm với dương, giữa tăm tối với xán lạn, giữa hận thù với yêu thương, “hết cơn bí cực tới hồi thái lai,” thời loạn lạc kéo dài rồi cũng sẽ chấm dứt và thời bình tự nhiên sẽ tới. Xây đập ngăn chặn luồng nước chảy là chống lại thiên nhiên. Vì vậy Lão Tử chủ trương thuyết Vô Vi. Ngài khuyên người đời sống theo luật thiên nhiên và hòa mình với thiên nhiên.

.

Vì chủ trương theo luật thiên nhiên, những luật lệ do Khổng Tử đặt ra như tam cương ngũ thường, tam tòng tứ đức không cần thiết vì thiên nhiên có những nguyên tắc tự nhiên có thể quan sát thấy ở các sinh vật. Ðặt ra mẫu mực hẳn hoi mà có người theo được có người không là tạo ra tranh cãi và hỗn loạn. Thiên nhiên cũng có sẵn trật tự tự nhiên rồi. Vạn vật bình đẳng và tự do trái với tôn ti trật tự trong xã hội phong kiến do Khổng Tử đặt ra (quân quyền, phụ quyền và Nam quyền). Trái với Khổng giáo và quan niệm của Tây phương, Lão Tử cho rằng Ðạo có nữ tính. Ngài nói về “mẹ của vạn vật” (vạn vật chi mẫu) và “mẹ nuôi muôn loài” (tự mẫu).  

.

Ðạo Lão vận hành theo qui luật phản phục, có nghĩa là mọi sự đi xa rồi đều trở về gốc mà gốc là Ðạo. Ðối với Ðạo Lão thời gian chuyển biến theo chu kỳ, khác với quan niệm của Tây phương cho rằng thời gian chuyển biến theo một đường thẳng vô tận. Ông khuyên người đời giải quyết những khó khăn ở đời không phải bằng cách cầu nguyện một đấng siêu việt vô hình mà bằng cách suy ngẫm nội tâm và quan sát ngoại cảnh. Ngài cũng khuyên người đời nên tu luyện bản thân về cả thể xác lẫn tinh thần để có một cuộc sống an bình bằng nghệ thuật tĩnh tâm, châm cứu, thuốc bắc, tài chi, và võ thuật.

.

Phật, Khổng, và Lão giáo xuất hiện tại Trung Hoa và Việt Nam cùng thời hoặc trước sau không bao lâu và thường cùng tồn tại trong tâm mỗi cá nhân. Ngoài ra Việt Nam lại bị Trung Hoa đô hộ gần 1,000 năm. Qua ảnh hưởng sâu đậm của “tam giáo,” mà Khổng giáo là mạnh nhất, dân tộc Việt Nam nói chung có khuynh hướng ưa chuộng một cuộc sống an nhàn, làm đủ ăn, yêu hòa bình, không cực đoan, tâm hồn mở rộng, có tinh thần hòa đồng tôn giáo, tư tưởng độc lập, coi trọng gia đình, nhân từ, can đảm, chín bỏ làm mười, thông minh, nhưng ít có sáng kiến, thiếu tính thần mạo hiểm và khai phá, trọng văn kinh nghề, đầu óc quan liêu, phong kiến, phục tùng người có địa vị và quyền thế, ích kỷ, thiếu kinh nghiệm làm việc tập đoàn, thiếu tinh thần trách nhiệm, thiếu tự trọng, không biết tôn trọng giờ giấc, ăn xổi ở thì và khôn vặt. Chính vì vậy dân tộc Việt Nam thiếu đoàn kết, thiếu kỷ luật khi sống tập thể, dễ tin, dễ chấp nhận những gì du nhập tới. Khi các đạo Công giáo, Tin lành, Baha’i, v.v. du nhập vào Việt Nam, nhiều người đã theo các tôn giáo mới này.

.

Văn hóa Tây phương

.
Ảnh hưởng của Tây phương đến với Việt Nam qua sự đô hộ gần 100 năm của người Pháp và sự hiện diện đông đảo của quân đội Mỹ tại miền Nam từ 1962-1973. Với lớp người trẻ đi du học ở nước ngoài càng ngày càng nhiều, ảnh hưởng của văn minh Âu Mỹ dần dần thay đổi lối sống cổ truyền, cách làm việc và lối suy tư của người Việt. Dân tộc Việt hấp thụ được của Tây phương những điều tốt đẹp như ý niệm dân chủ, quyền tự do cá nhân, tinh thần khoa học, óc thực tiễn và tiện nghi vật chất của đời sống văn minh. Tú Xương nhận xét buổi giao thời giữa hai lối học từ chương và học áp dụng bằng hai câu thơ sau đây:

.

“Cái học nhà nho đã hỏng rồi,
Mười người đi học chín người thôi.”

.

 

Xã Hội chủ nghĩa

Chủ nghĩa cộng sản không ngự trị được ở nhiều nước Á châu như Thái lan, Phi luật tân, Tân gia ba, Miến điện, Nam dương, Ấn dộ, Pakistan, Bangladesh, và Tích lan, nhưng đã chiếm trọn Việt Nam, Trung hoa và một phần Hàn quốc.  Cả 3 quốc gia này đều chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của Khổng giáo và ở mức độ ít hơn của Phật giáo. Trong hơn một nửa thế kỷ, chủ nghĩa quốc tế chuyên chính vô sản vô thần đã hủy hoại nhiều giá trị cổ truyền tốt đẹp về con người, gia đình, xã hội và tín ngưỡng ở Việt nam.  Trong khi đó phẩm chất giáo dục xuống cấp thê thảm.  Chính sách cai trị độc đoán đưa đến bất công và tham nhũng.  Ưu tiên của nhà nước là duy trì quyền lợi và bảo vệ ngôi vị độc tôn của đảng csvn.  Do đó chính sách này đã tạo điều kiện thích hợp để những phó sản tiêu cực của nền kinh tế tư bản xâm nhập vào Việt nam, giống như thời kỳ có trên nửa triệu quân Mỹ có mặt tại miền Nam Việt nam.  Kết quả là đạo đức suy đồi, giá trị vật chất được đề cao, với hai tính chất nổi bật là dối trá và nghi kỵ.  Hậu quả sẽ còn tiếp tục đến nhiều thế hệ sau.

 

 .

Kết luận

 .

Căn cứ vào những phân tách khách quan ở trên, hiển nhiên Việt Nam nghèo không phải vì chúng ta nhỏ, tài nguyên thiên nhiên ít, hoặc bị thiên tai thường xuyên.  Nước Việt Nam nghèo cũng không phải vì kiến thức của chúng ta thua kém.

.

Nước Việt Nam nghèo vì một nguyên nhân sâu sa là bản chất của người Việt Nam có nhiều khuyết điểm.  Chúng ta thiếu một nhân sinh quan đứng đắn và thiếu ý chí để tuân theo các quy luật vận hành mà những nước giàu và phát triển đã xử dụng và nhà nước thiếu những kế hoạch kinh tế hữu hiệu.  Trong dài hạn, Việt Nam muốn vươn lên phải thay đổi văn hóa để loại bỏ những hủ lậu trong xã hội như nhóm Tự Lực Văn Đoàn đã từng làm bằng ngòi bút, và để chấp nhận những giá trị thực tiễn mới.

 .

Thêm vào đó là sự thiếu khôn ngoan của giới lãnh đạo quốc gia.  Hãy so sánh vua Tự Đức (cùng triều đình nhà Nguyễn) của Việt Nam và bà Từ Hy Thái Hậu (cùng triều đình nhà Thanh) của Trung hoa) với Minh Trị Thiên Hoàng (cùng triều đình Meiji) của Nhật Bản vào hậu bán thế kỷ 19.  Cũng như giới lãnh đạo cộng sản từ Hồ chí minh cho tới nay đã ngu dốt hơn lãnh đạo của các nước chung quanh, vì đưa dân tộc từ cuộc chiến tranh này đến chiến tranh khác; tưởng rằng thoát khỏi thực dân Pháp thì được độc lập, nhưng rồi bị lệ thuộc Nga, nay bị lệ thuộc Tàu còn thê thảm hơn.

.

Thật vậy, chiến tranh đã kéo dài quá lâu trên quê hương.  Sau chiến tranh Việt-Pháp để dành được độc lập vài năm thì tiếp ngay đó đến chiến tranh Nam-Bắc.  Sau khi cuộc chiến này chấm dứt vào năm 1975, lại thêm hai cuộc chiến nữa tại Cao miên (1978-89) và biên giới Việt-Trung (1979).  Ngoài ra nhà nước Việt Nam còn có những chính sách kinh tế sai lầm nghiêm trọng từ 1975 đến 1988 làm cho đất nước thụt lùi trong khi các quốc gia Á châu khác tiến lên dưới một hiện tượng được cả thế giới biết đến gọi là “Phép lạ Đông Á.”

.

Vài năm sau khi bãi bỏ chính sách hợp tác hóa nông nghiệp, Việt Nam đã khá thành công trong việc “xóa đói giảm nghèo.”  Tỉ lệ số người nghèo đã giảm từ 58% trong năm 1993 xuống còn 37% trong năm 1998 và 29% trong năm 2002. Kết quả này đạt được là nhờ chương trình “đổi mới” (“đổi cũ?”) bắt đầu thực hiện vào năm 1988, dù quá trễ vẫn còn hơn không.

.

Tham nhũng, bất công, bưng bít thông tin, và khả năng cạnh tranh thấp là những hệ quả của một thể chế chính trị độc đoán, đã và đang tiếp tục cản trở việc phát triển toàn diện của đất nước.  Do đó, song song với viếc cải tổ sâu rộng hơn vế mặt kinh tế, Việt Nam phải thực hiện những cải tổ chính trị.

 .

Quốc nạn nghèo, chậm tiến vẫn còn kéo dài nếu đảng cộng sản Việt nam vẫn tồn tại.

.

 

 

Theo Nguyễn Quốc Khải

 

 

Trần Văn Giang (ghi lại)

.

Tại sao Việt Nam nghèo? – Theo Nguyễn Quốc Khải

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *