Từ Đường Thi, Câu Đối đến Bút Tre

.

DuongThi

 

Cũng liều nhắm mắt đưa chân… Tội nghiệt! Bấy lâu nay quyết chí ẩn dật, những tưởng sẽ được yên thân cho tới ngày về hầu ông bà, nhưng họa vô đơn chí, chỉ hé miệng cóc một chút mà đã bị anh bạn chủ bút trẻ cho vào tròng, dụ khị cầm bút trở lại. Nghĩ lại còn buồn cười, vì đã… ba thứ tóc trên đầu mà còn dại, mắc kế khích tướng của hậu sinh. Nhưng thôi, nhất ngôn ký xuất, lời hứa đã thốt ra đầu môi thì đành phải cố gắng hết sức làm sao cho ngựa tứ không đuổi kịp, để không hổ thẹn với đời, khỏi mang tiếng nói phét với anh bạn trẻ.

Năm hết Tết đến, cứ gọi là khai bút đầu năm và tiện thể đánh dấu thế giới bước vào năm 2009, xin gửi đến quý bạn đọc một bài tạp ký về thơ Đường, câu đối Tết và thơ “mới” Bút Tre trích từ một số tư liệu và mớ kiến thức hạn hẹp riêng. Ba đề tài thoạt trông chẳng dính dáng gì với nhau nhưng nếu xét kỹ thì có điểm chung là đã, đang và sẽ thu hút rất nhiều người vốn có máu văn nghệ trong người. Bần bút không dám tự cho là nhật hạ vô song, bởi lẽ dưới gầm trời này hẳn có nhiều tay kiệt hiệt, núi cao chắc chắn còn có núi cao hơn và bài tạp ghi này cũng chẳng thể liệt vào hạng nhất tự thiên kim như cuốn Lữ Thị Xuân Thu của Lã Bất Vi ngày xưa; chỉ mong góp vui ba ngày Tết và ước ao được các vị thức giả ban ân huệ chỉ giáo cho… Cao nhân tắc hữu cao nhân trị, huống chi bần bút từ đầu đến chân đo chưa đầy thước rưỡi tây kể cả giàỵ.

 

Hàn Ốc và Thơ Tình Đường Thi

Cuối đời nhà Tùy, Tùy Dương Đế chơi bời xa xí, hoang dâm vô độ. Hai cha con Lý Uyên và Lý Thế Dân vùng lên lật đổ, dẹp yên chư hầu và lập nên nhà Đường. Trải qua 20 đời vua, cộng tất cả là 289 năm (618-906), nhà Đường cải cách ruộng điền, chấn hưng đất nước và đã ghi được nhiều trang sử hiển hách, dư hưởng còn tồn tại tới ngày nay. Đất nước thanh bình, văn học thịnh đạt; thời ấy, vua chúa chú trọng nhiều về học thuật, Nho giáo, Phật giáo phát triển, trường học mở khắp nơi.  Các nước Nhật Bản, Cao Ly, Tây Tạng… đều gửi con em sang Trường An du học. Nghệt thuật văn vần đạt điểm cực thịnh, với những Lý Bạch, Trương Kế, Đỗ Phủ, Vương Bột, Bạch Cư Dị, Mạnh Hạo Nhiên, Thôi Hộ. Các vị thi bá này chủ trương văn dĩ tải đạo (văn dùng để chở đạo lý), từ việc dịch kinh Phật biến hóa ra mà đặt nên hệ thống niêm luật gọi chung là thơ Đường, với những thể luật cước vận ngũ ngôn, thất ngôn, tứ tuyệt hoặc bát cú… Phong cách thơ Đường rất đa dạng, thuộc nhiều trường phái, nội dung đề tài rộng rãi, đủ loại: Ứng Chế, Tống Biệt, Cung Oán, Biên Tái, Điền Viên, Sơn Thủy, Hành Lữ, Ký Tặng, Hoài Cổ, Vịnh Vật. Nhiều bài có khuynh hướng hiện thực xã hội, mô tả cuộc sống cơ cực của dân cũng như châm biếm cảnh quan trường hắc ám, phè phỡn.

Thế nhưng, vì tuân theo nguyên tắc bài bác phong trào ủy mị, hèn yếu (!) được cổ xúy từ đời Tần nên thơ Đường rất nghèo nàn về thể loại thơ tình mô tả cụ thể mối quan hệ trai gái, cuộc sống lứa đôị Một số thơ khai thác đề tài tình áo như Cung Oán, Biên Muộn, Khuê Từ,… có thể tạm gọi là thơ tình, nhưng ngôn ngữ quá dè dặt kín đáo, hình ảnh sơ sài, thường đi chệnh qua những đề tài khác. Trong số lượng thơ dồi dào của những Lý Bạch, Đỗ Phủ, Vương Duy…, khó tìm thấy một bài thơ tình đúng nghĩa. Ngay cả một đầu đề mang dáng vẻ thơ tình cũng rất hiếm hoị Một vài bài của Trương Bí, Triệu Hổ có đề cập đến tình ái thì cũng chỉ một cách chung chung, trừu tượng, phác sơ về nỗi nhớ nhung, mến mộ – thường thì có tính cách tượng trưng hơn là đi sâu vào tình cảm thực sự. Thêm vào đó, một số bài gọi là “Tặng nội” (tặng vợ) chỉ nói lên cái nghĩa phu thê, ca ngợi công lao “thờ chồng nuôi con” của người vợ, hơn là hình vợ chồng.

Ta thử đọc bài “Oán Tình,” có tựa đề rất là “tình” của Lý Bạch:

Mỹ nhân quyển châu liêm

Thâm tọa tần nga mi

Đản kiến lệ ngân thấp

Bất tri tâm hận thùy

 

Tản Đà dịch:

Người xinh cuốn bức rèm châu

Ngồi im thăm thẳm nhăn chau đôi mày

Chỉ hay giọt lệ vơi đầy

Đố ai biết được lòng này giận

Bài thơ nói lên nỗi giận hờn của một người con gái đối với tình nhân. Và chỉ thế thôi. Hình ảnh duy nhất, đầy tính cách tượng trưng là giọt lệ. Ngoài ra, không có gì khác.

Một bài khác của Vương Xương Linh có tựa đề “Khuê Oán“:

Khuê trung thiếu phụ bất tri sầu

Xuân nhật ngưng trang thượng thúy lâu

Hốt kiến mạch đầu dương liễu sắc

Hối giao phu tế mịch phong hầu

 

Tản Đà dịch:

Trẻ trung nàng biết đâu sầu

Buồng xuân trang điểm lên lầu ngắm gương

Nhác trông vẻ liễu bên đường

“Phong hầu” nghĩ dại xui chàng kiếm chi

Tưởng là nàng nhớ chàng, hóa ra nàng tự giận mình! Rốt cuộc, bài thơ chỉ nói lên sự tiếc rẻ thời xuân sắc của con người trước thời gian qua mau.  Cũng nàng nhớ chàng, nhưng Lý Bạch đi xa hơn, tình hơn, cụ thể hơn:

Đương quân hoài quy nhật

Thị thiếp đoạn trường thì

Xuân phong bất tương thức

Hà sự nhập là vi

 

Tản Đà dịch:

Lòng em đau đớn muôn phần

Phải chăng là lúc phu quân nhớ nhà

Gió xuân quen biết chi mà

Cớ chi lọt bức màn là tới aỉ

Chàng và nàng trong hai bài thơ trên kia là hai vợ chồng, còn bài “Thái Liên Khúc” (khúc hát hoa sen), cũng của Lý Bạch, đề cập đến một cô gái hái sen và một chàng trai qua đường. Hai câu cuối như sau:

Tử lưu tê nhập lạc hoa khứ

Kiến thử trù trì không đoạn trường

(Ngựa kêu lần bước hoa rơi

Đoái trông ai đó, ngậm ngùi tiếc thương)

Cũng chỉ ngậm ngùi, tiếc thương ngầm mà thôi! Như vậy đã kể là tình tứ lãng mạn lắm rồi. Tại sao các nhà thi bá lại ngần ngại, không dám đi xa hơn trong việc mô tả tnìh thương nỗi nhớ? Cũng dễ hiểu: thi nhân, dù có mộng mơ, có khinh thế ngạo vật, thì cũng vẫn là nho gia. Mà đối với nho gia thì tình ái không nên đưa vào văn chương, chữ nghĩa. Thơ tình là một thứ ti tiện, không ai thèm lưu ý đến. Tư tưởng này ảnh hưởng mạnh mẽ đến thi nhân của các thời Sơ, Thịnh và Trung Đường.        

Đến thời Văn Đường, ảnh hưởng này giảm bớt. Thi nhân nổi tiếng của thời này như Lý Thương Ẩn, Ôn Đình Quân, Vi Trang đều có làm thơ tình. Thơ có khuynh hướng thiên về tình yêu nam nữ, hoa cổ khuê phòng, nhưng thi phong vẫn theo lối “tiểu nhã,” nội dung chủ yếu vẫn tuân theo thi giáo của nho gia, nghĩa là dè dặt, kín đáo, tượng trưng.

Đặc biệt, chỉ có một thi nhân vượt hẳn khỏi vòng kềm tỏa của khuôn sáo cũ, mở một lối đi cho riêng mình, với cách làm thơ mới lạ, táo bạo. Đó là Hàn Ốc (*), sống cùng thời với Lý Thương Ẩn, Ôn Đình Quân… Trong tập Đường Thi Tam Bách Thủ (300 bài thơ Đường nổi tiếng), ông được xếp vào những khuôn mặt lớn của thời Văn Đường.

Ông viết “Hàm Lân Tập” (một cuốn) và “Hương Liễm Tập” (ba cuốn), về sau “Toàn Đường Thi” hợp hai tập thành bốn cuốn. “Hương Liễm Tập” đa phần mô tả chuyện trai gái nhớ nhung, tương tư, thậm chí mô tả chuyện ái ân, lại thêm cảnh phấn son lụa là trong chốn phòng the, nên đời sau gọi là “Hương Liễm Thể” hay “Diễm Thể.”

Trước hết, đối tượng làm thơ là người phụ nữ. Thi ca Trung Hoa trước thời Hàn Ốc chẳng bao giờ tả chính diện người phụ nữ. Mạch Thượng Tang của Tần La Phu chỉ “hư tả,” không cho ta cảm nhận được hết vẻ đẹp mỹ miều, sống động của người đẹp. Bài “Thạc Nhân” trong thiên “Vệ Phong” của “Kinh Thi tập trung” mô tả diện mạo và da dẻ bên ngoài, có đi xa hơn thì chỉ tả đôi tay và cổ. Hàn Ốc mô tả cụ thể hơn:

Uyển bạch bì hồng ngọc manh nha

Điệu cầm trừu tuyến lộ tiêm tà

Bối nhân tế nhiên thùy yên tấn

Hương kính khinh quân sấn kiểm hà.

 

Tạm dịch:

Tay trắng, da hồng như búp măng

Sửa đàn, gảy dây để lộ ngón tay thon nhọn

Quay người lấy tay xoắn tóc rủ xuống cổ

Trước kính, trang điểm mặt diễm kiều

 

Tả cái cổ, ông viết:

Tấn thừa hương cảnh vân già ngẫu

(Tóc buông xuống cổ tụ lại như mây che cái ngó sen)

 

Tả bộ ngực, ông viết:

Phấn trứ lan hung tuyết áp mai

(Phấn thoa lên ngực như tuyết áp trên hoa mai)

 

Trong bài “Vịnh Dục” (vịnh cảnh tắm), ông mô tả cụ thể khung ảnh và tâm lý của người phụ nữ trong cung cấm (có thuyết có rằng ông tả cảnh Dương Quý Phi đang tắm):

Tái chỉnh ngư tê long thúy tâm

Giải y tiên giác băng dâm dâm

Giáo di lan chúc tần tu ảnh

Tự thí hương thang cánh phạ thâm

Sơ tựa tẩy hoa nan ức án

Chung ưu ốc tuyết bất thắng nhân

Khởi tri thị nữ liêm huy ngoại

Thừa thủ quân vương kỷ bính kim

 

Đại khái là:

Sửa soạn bới tóc lại cho đàng hoàng

Mới cởi áo cảm thấy hơi lạnh

Dặn bưng đèn đi vì thẹn

Tự thử xem nước tắm vừa chưa

Lúc đầu kỳ cọ nhẹ nhàng

Sau tắm gội thỏa thích

Chẳng biết người hầu đứng ngoài kia

Có chịu khó nài nỉ vua vào ngủ không

 

Thông qua việc miêu tả thân thể trong sinh hoạt thường ngày, ông nêu bật được những nét tâm lý đặc thù của người phụ nữ trong một hoàn cảnh đặc thù. Xem thêm bài “Trú Tẩm” (ngủ ngày) sau đây:

Phác phấn canh thiêm hương thể hoạt

Giải y duy kiến hạ thường hồng

Phiền khâm sạ xúc băng hồ lãnh

Quyện chẫm từ y bảo tế tông

(Đánh phấn thêm cho thân thể thơm mát

Cởi áo mới thấy quần màu hồng ở dưới

Chạm phải chiếc mền, thấy lạnh như băng

Mệt mỏi tựa búi tóc vào gối)

 

Ta dễ dàng nhận thấy nhân tố tạo thành hành vi, thái độ của người đàn bà ở đây là do tình cảnh cô đơn, buồn bã trong chốn cung cấm. Và rõ ràng hơn nữa là do tình cảnh đau khổ và ức chế về tình dục. Thay vì chiếc mềm lạnh như băng, hẳn là nàng ta mơ ước chạm phải một vật gì cứng rắn và ấm áp hơn.

Hàn Ốc chẳng đề cập đến nỗi buồn, chỉ mô tả cử chỉ, thái độ: tắm rửa, trang điểm, đợi chờ. Nhưng chờ hoài, chờ mãi … chẳng thấy ái, chỉ có vắng lạnh, cô đơn, nhớ nhung, sầu não, khổ đau và nhất là sự ức chế tình cảm, tình dục. Các bài Ngũ Canh (năm canh), Khuê Tình, Áp Hoa Lạc (ép hoa rụng), Trù Trướng (buồn bã), Kế Tông (bới tóc), Ý Tự (mối sầu) đều tả hoạt động tâm ký của phụ nữ. Lý Bạch, Vương Xương Linh, Lưu Phương Bình, Trương Trọng Tố, Trần Đào đều có một ít bài về khuê tình, khuê tư, khuê oán đề cập đến tâm trạng đau khổ, phiền muộn của người đàn bà, nhưng về tính cụ thể, táo bạo thì không thể nào bằng Hàn Ốc, như trong bài “Xuân Khuê“:

Nhân uân trướng lý hương

Bạc bạc thụy thời trang

Trường hu giải la đái

Khiếp kiến thượng không sàng

(Trong màn hương thoảng thoảng dễ chịu

Ăn mặc sơ sài để ngủ

Cởi thắt lưng quần, than dài một tiếng

Vì thấy cái giường không mà kinh hãi!)

 

“Trường hu giải la đái”: cởi thắt lưng quần thở dài, cho kẹo các tay thi bá thời Sơ, Thịnh, Trung Đường cũng chẳng dám làm.

Với Hàn Ốc, thi ca khuê tình đời Đường phát huy đến một mức độ táo bạo không ngờ. Người trước chỉ “hư tả,” “súc thủ” (co tay) khi đề cập đến ức chế, sầu khổ, nhưng hầu như không phản ảnh sự khao khát, còn người sau thì “thực tả,” “phóng thủ” (phóng tay), nói toạc ra. Ở Hàn Ốc, những bài thơ như thế rất nhiều:

 – Bách Thiệt não triêu miên

Xuân tâm động cơ bàn

(Chim Bách Thiệt phá giấc ngủ sáng

Khiến động lòng xuân)

 

– Kiều nhiên ý thái bất thắng tu

Nguyện ký lang biên vĩnh tương trứ

(Ý nũng nịu vô cùng xấu hổ

Muốn kề vai chàng mãi mãi không thôi)

 

Đến đây, tính cách của Hàn Ốc trong Hương Liễm Thể hiện ra rất rõ: tình trai gái ở đây chứa đầy chất tính dục. Nó không chỉ là nhớ nhung, mơ mộng, sầu thương… vơ vẩn mà chứa đựng một đòi hỏi, khát khao mãnh liệt hướng về người khác phái. Đó cũng chỉ là chuyện tự nhiên, dễ hiểu: do những quy định quá khắc nghiệt của lễ giáo nho gia, người phụ nữ dưới thời phong kiến không được quyền yêu, họ được đàn ông sử dụng, cư xử như những dụng cụ, nô lệ. Đàn ông có quyền thay thê đổi thiếp, sang nhượng đàn bà như những vật đổi chác, mua bán. Bình thường, người đàn bà không có điều kiện thỏa mãn nhu cầu sinh lý; họ bị giam cầm trong chờ đợi và đợi chờ, không được than van, đòi hỏi.

Tình trạng sinh lý và tâm lý lắm khi bị ức chế đến mức tột cùng. Bài “Ngẫu kiến bối diện, thị tịch kiêm mộng” (vô tình thấy phía sau mà đêm về mộng tưởng) là một bài tiêu biểu:

Tô ngưng bối giáp ngọc tha kiên

Khinh bạc hồng tiêu phúc bạch liên

Thử dạ phân minh lại nhập mộng

Dương thì trù trướng bất thành miên

Nhãn ba hướng ngã vô đoan diễm

Tâm hỏa nhân quân đặc địa nhiên

Mạc đạo nhập sinh nan tế hội

Tần lâu loan phụng hữu thần tiên

(Lưng mịn màng trắng trẻo, vai tựa ngọc

Lụa hồng mỏng mảnh che thân trắng như sen

Đêm nay rõ ràng người đẹp nhập mộng

Còn bây giờ buồn bã không ngủ được

Sóng mắt nhìn đẹp vô cùng

Khiến cho lòng ai phải thèm khát

Chẳng biết có cách gì gần gũi

Để được ân ái cùng nhau)

 

Nhãn bà hướng ngã vô đoan diễm: sóng mắt của người đàn bà (hẳn là phải quá cô đơn trong phòng the) gặp người đàn ông là liếc mắt đưa tình, đôi mắt rực sáng những khát khao khiến dục vọng trong lòng nổi lên như thiêu như đốt, khiến đêm về mơ mộng không ngủ được.

Về sự khoan khoái, sung sướng trong quan hệ tình ái nam nữ, trừ một số dân ca dùng thứ ngôn ngữ bình dân, chẳng ai dám cầm bút làm thơ diễn tả chuyện ái ân. Hàn Ốc, bất chấp thi giáo, dám trái lễ nghĩa phong kiến, làm thơ mô tả một cách trần trụi như bài “Ngũ Canh” sau đây:

Vãng niên tằng ước Úc Kim sàng

Bán dạ tiềm thân nhập động phòng

Hoài lý bất tri kim điền lạc

Ám trung duy giác tú hài hương

Thử thời dục biệt hồn câu đoạn

Tự hậu, tương phùng nhãn cánh cuồng

Quang cảnh toàn tiêu trù trướng tại

Nhân sinh doanh đắc thị thê lương

(Năm xưa từng hẹn trên giường Úc Kim

Nửa đêm lén đến động phòng

Trong lúc ôm nhau chẳng biết trâm rơi đâu mất

Ở trong bóng tối chỉ cảm thấy mùi đôi hài thêu

Lúc đó, muốn rời nhau nhưng hồn rã rời

Từ đấy hễ gặp nhau là nhìn nhau điên cuồng

Cảnh ấy giờ đấy chẳng còn nữa

Chỉ còn nỗi buồn suốt đời)

 

Một bài thơ Đường như thế, được viết cách đây cả trên nghìn năm, thì chẳng khác chi một trái bom nguyên tử! Sự mô tả của bài thơ vừa cụ thể, vừa táo bạo nhưng không kém phần thi vị… Phải sống qua cải cảnh ái ân vụng trộm mới thâm cảm được hết hình ảnh sống động và ý vị của bất tri kim điền lạcduy giác tú hài lương!

Hương Liễm Thể của Hàn Ốc với những lời thơ đầy màu sắc, hình ảnh dồi dào, đầy chất đường thi, nhưng vì đa phần mô tả đồ trang sức của phụ nữ, có khi tả đến những đồ vật bẩn thỉu khác nữa, nội dung toàn chuyện tình nam nữ, nên văn nhân đời sau thường khinh thị, cho là dâm từ. Phương Hồi nhà Nguyên lên án là “bày cho người ta làm điều dâm loạn” (hối dâm chi ngôn). Trầm Đức Tiềm nhà Thanh nghiêm khắc phê bình Hương Liễm Thể chỉ khiến cho con người bỏ đi những tập quán tốt đẹp (khứ nhân phong viễn). Những nhà nghiên cứu hiện đại thì quan niệm rằng Đường thi mà thiếu Hương Liễm Thể thì sẽ là một khiếm khuyết lớn. Quan hệ tình ái nam nữ là chuyện thông thường, một nhu cầu phổ biến trong sinh hoạt con người, được diễn tả rất nhiều trong dân ca mà chẳng thi nhân nào dám đả động tới, Hàn Ốc can đảm chọn lựa đề tài này thì quả là đáng được trân trọng. Quan niệm thi giáo phong kiến do Khổng Tử đề xuất được văn nhân thi sĩ mọi thời xem như một tín điều, một tiêu chuẩn để định giá một bài thơ. Hợp thì cho là cao, không hợp thì cho là thấp.

Chuyện quan hệ nam nữ hoàn toàn bị cấm chỉ. Các sáng tác của Hàn Ốc mang tính cách đả phá sự trói buộc, câu thúc tinh thần thi nhân và chứa đựng khuynh hướng chống phong kiến.

Từ Văn Đường Ngũ Đại trở đi, từ ngữ, thi phú thiên về tả tình ái nam nữ, chuyện khuê phòng bắt đầu phát triển, từ ngữ súc tích, đượm nhiều vẻ bay bướm, lãng mạn tuy rằng vẫn dè dặt, kín đáo. Hàn Ốc, với Hương Liễm Thể đi sâu vào chi tiết, táo bạo trong cách diễn đạt, rõ ràng là một khuôn mặt độc đáo của Đường Thi. Có thể coi đó là một nhà thơ cách mạng, không được đề cập đến nhiều chỉ vì sống trước thời đại mình. Trên văn đàn chính thống, người ta không đề cập đến, có lẽ vì sợ mất tác phong đứng đắn của nhà nho, nhưng thực tế Hương Liễm Thể cũng được cẩn trọng lưu giữ và âm thầm truyền tụng, có thế ngày nay ta mới được thưởng thức cảnh vừa tháo dây lưng vừa thở dài vì thấy chăn lạnh băng, giường trống không!

 

Câu đối Tết

.

CauDoiTet

 

Một câu đối gồm có hai vế với số chữ bằng nhau nhưng bất hạn định. Ý nghĩa và luật bằng trắc của mỗi vế đối chọi hoặc tương hợp nhau. Câu đối thể hiện những cảm nhận sâu sắc về thiên nhiên và cuộc sống trần thế, đề cao đạo lý cùng những quan niệm đẹp, cầu mong sự tốt lành.

Nhà Nho thời xưa giỏi chữ nhưng hiếm khi có tiền, chỉ sống thanh bạch, hàng ngày vui với văn chương, chữ nghĩa, rèn luyện con cháu:

Ngày ngày mổ bụng con nhét chữ

Tháng tháng bổ đầu bố lấy tiền

 

Trong những dịp lễ tiết, tiệc tùng, các nhà thâm nho nổ i tiếng được mời thường gửi tặng đôi câu đối để mừng. Và món quà này thường được gia chủ trân quý, đem sơn son thế vàng treo những nơi vào ra để hù thiên ha.. Tỉ như có câu đối mừng đám cưới của một ông đồ nghèo như sau:

Giàu có thiếu chi tiền, đem một vài quan không phải lẽ

Sang không thì cũng bạc, lấy dăm ba chữ để làm duyên

 

Hai chữ giàu có đối chọi san sát, rất chỉnh với sang không thì, chỗ đáng phục là sang không còn có nghĩa sang nhà người ta tay không chẳng có gì. Ngoài ra tiền đối với bạc, hàm ý bạc bẽo; cái hay của câu đối là ở chỗ thâm thúy, gồm cả nghĩa bóng lẫn nghĩa đen. Ông đồ nhà ta đi dự tiệc không muốn mang tiếng bạc bẽo, hà tiện nên mới mừng “đôi ba chữ để làm duyên“.        

Có nhiều câu đối tự vịnh, tác giả đặt ra để tự giới thiệu gia cảnh, thân thế. Tỉ như có ông thầy giáo nọ đã dán ngay cửa trường câu đối rất hách:

Đới nhất nhung y, đảm thế gian chi nan sự

Trì tam xích kiếm, thu thiên hạ chi nhân tâm

(Mang một áo chiến, gánh việc khó trên thế gian

Cầm ba thước gươm, thu nhân tâm của thiên hạ)

 

Xét ra thì thầy có hơi khoác lác, cho việc gõ đầu trẻ là một công việc gian lao, khó nhọc chẳng khác chi xông pha ngoài mặt trận để chinh phục thiên hạ.

Cũng liên quan đến nghề nghiệp, một ông thầy thuốc đã dán trước cửa tiệm:

Đau tiếc thân, lành tiếc của, thói ở bạc đã quen!

Mất lòng trước, được lòng sau, ai có tiền thì hốt!

 

Câu đối của thầy thuốc vừa để tự quảng cáo, vừa để khẳng định không chữa chịu và lại dùng hai chữ đối chọi bạc, tiền như trên kia.

Viết đến đây chợt nhớ lại những chuyện chơi thâm của nhà Nho, dùng câu đối vừa để mừng, vừa để diễu cợt nhạo báng đối tượng. Xin ghi lại đây một vài câu tiêu biểu:

Tam Nguyên Yên Đỗ đã đùa một ông quan võ chột mắt như sau:

Cung kiếm ra tay, thiên hạ đổ dồn hai mắt lại

Triều đình cử mục, anh hùng chỉ có một ngươi thôi.

 

Thời Pháp thuộc, mấy bà me Tây như cô Tư Hồng không được thiên hạ coi trọng cho lắm. Năm nọ tỉnh Quảng Bình bị mất mùa, cô Tư Hồng thừa dịp chở ba thuyền gạo đi bán với giá cao. Bị chính quyền biết ý ra lệnh tịch thu, cô quay ra bảo rằng đem gạo phát chẩn cho dân đói, nhân đó được vua ban hàm tứ phẩm, ông thân sinh cũng được tặng phong. Ông Trần Bình đã mừng đôi câu đối như sau:

Bốn chữ sắc phong hàm cụ lớn

Ba thuyền tế độ của bà to

 

Làm câu đối Tết, thách họa đối, chơi câu đối… vốn là hình thức sinh hoạt độc đáo và tao nhã của người Việt ta. Nó thể hiện trí thông minh sắc sảo, bầu kiến thức thông kim bác cổ, cách xử sự linh động và cao thượng, thế giới quan lành mạnh cùng những mong ước tốt đẹp về đời sống hàng ngày. Tết đến, câu đối đỏ lại càng khó thể thiếu trong niềm vui đón chào năm mới của mỗi gia đình:

Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ

Nêu cao, tràng pháo, bánh chưng xanh

 

Ngày xưa, câu đối thường được treo trên cột, khắc trên khung mái nhà, viết hoặc dán lên cổng, cửa, tường nhà, đền miếu, đình chùa… Đặc biệt, hai hàng cột gỗ hai bên bàn thờ phải treo câu đối, còn phía trên bàn thờ là hoành phi, cuốn thư (**). Tất cả làm cho không gian thờ cúng trở nên cân bằng vuông vức như có khuôn phép, tạo cảm giác hài hòa, trang trọng và linh thiêng.

Câu đối được làm từ nhiều chất liệu: có loại sơn son thếp vàng để dùng lâu dài, có loại làm bằng giấy bồi (gọi là liễn) hoặc cắt bằng giấy màu, viết bằng mực nho để dễ thay đổi theo từng năm, từng mùa cho mới, cho hợp hoàn cảnh. Tết đến, thường phải có câu đối đỏ. Màu đỏ biểu tượng cho sức sống mãnh liệt (máu, lửa), nó vừa rực rỡ, nổi trội vừa hài hòa với màu xanh của bánh chưng, màu vàng của hoa mai, màu hồng của hoa đào, tạo cảm giác ấm áp trong mùa Xuân mới.

Ngày thường, câu đối chỉ treo trên bàn thờ, ngày Tết thì treo ở nhiều nơi. Có người ham mê dán suốt từ ngoài cổng vào tận trong nhà. Mơ ước năm mới vui vẻ, hạnh phúc, làm ăn phát đạt, có nhiều bè bạn tốt, ngày Tết người ta thường dán ở hai trụ cổng câu đối:

Môn đa khách đáo thiên tài đáo

Gia hữu nhân lai van vật lai

(Cửa nhiều khách đến, nhiều tiền đến

Nhà có người vào, lắm vật vào)

 

Còn trên hàng cột ở hiên nhà thì lại ca ngợi cảnh sắc mùa xuân và niềm vui năm mới:

Sơn thủy thanh cao sơn bất tận

Thần tiên lạc thú cảnh trường sinh

(Non nước thanh cao – xuân mãi mãi

Thần tiên vui thú – cảnh đời đời)

 

Câu đối dán hoặc treo trong nhà mang nội dung thiết thực, gần gũi hơn, dù vẫn thể hiện ước vọng chung. Có thể là câu đối cầu thọ, cầu phúc, như:

Thiên tăng tuế nguyệt niên tăng thọ

Xuân mãn càn khôn phúc mãn đường

(Trời thêm năm tháng, tuổi thêm thọ

Xuân khắp thế giới, phúc khắp nhà)

 

Hoặc câu đối cầu đức như:

Tổ tông công đức thiên niên tịnh

Tôn tử hiếu hiền vạn đại vương

(Công đức tổ tiên ngàn năm thịnh

Hiếu hiền con cháu vạn đời lưu)

 

Hay câu đối cầu toàn (phúc, an, vinh, phú) như:

Tân niên hạnh phúc bình an tiến

Xuân nhật vinh hoa phú quý lai

(Năm mới – hạnh phúc, bình an đến

Ngày Xuân   vinh hoa, phú quý về)

 

 

Thơ Bút Tre

.

ButTre

 

Kể từ thời thơ cổ, với các thể Đường luật, Lục Bát, Song Thất Lục Bát cho đến loại thơ tự do được đề xướng và phát huy từ mấy chục năm nay, có thể nói là trong làng thơ Việt Nam không có điểm mới nào nổi bật hoặc đáng ghi nhận, ngoại trừ phong trào Thơ Bút Tre lưu hành trong dân gian từ hồi sau 30 tháng 4 năm 1975.

Thơ Bút Tre là một biến dạng của thơ lục bát với đặc điểm là chỉ có độc hai câu, và nhất là thuật dùng từ ngữ rất ngô nghê, lắm khi trật hết cả dấu, ngắt câu vô trật tự, làm người đọc buồn cười, thoạt tưởng rằng tác giả là một đứa con nít mới biết viết tập tễnh học làm thơ.

Bút Tre nguyên là bút hiệu của Đặng Văn Đáng, sinh ngày 23/8/1911 tại xã Đồng Lương, huyện Sông Thao, tỉnh Vĩnh Phú, mất ngày 18/5/1987. Đáng đã từng làm Bí Thư Bộ Ngoại Giao CS năm 1956; năm 1960, Đáng giữ chức Trưởng Phòng Thông Tin Văn Hóa tỉnh Phú Thọ… Đáng bẩm tính thích làm thơ, tuy năng khiếu trời cho rất là giới hạn. Tương truyền có lần tiếp đón một ông lớn (hình như tên là Đức Anh) thuộc Bộ Nông Nghiệp đi tham quan đồng ruộng trong khuôn khổ một chương trình khuyến khích nông dân sử dụng phân bón hóa học, tức là phân trắng (đối chiếu với phân xanh, là loại phân “thiên nhiên” sản xuất bởi hai giống người và vật), thi sĩ Bút Tre đã thật thà tương hai câu bợ đít bất hủ và nặng mùi sau đây:

Hoan hô đồng chí Đức Anh

Ông về phân trắng, phân xanh đầy đồng!

 

Bút Tre đã vinh danh những chiến sĩ gái dưới thời Mỹ dội bom như sau:

Chị em du kích giỏi thay

Bắn máy bay Mỹ rớt ngay cửa mình

 

Chưa xong, cũng theo những người sành điệu kể lại, Bút Tre đã có dịp tả oán với nợ vì được lệnh đi công tác xa gia đình như sau:

Anh đi công tác Pờ Lây

Ku dài dằng dặc biết ngày nào ra!

 

Rồi trong một chuyến “tươi mát” ở bãi biển Đồ Sơn, thi sĩ nhà ta đã đẻ ra hai câu:

Đồ Sơn sóng vỗ dập dồn

Các cô con gái đêm… lưng ra phơi!

 

Với bài thơ này, Bút Tre chứng tỏ là đương sự nắm vững niêm luật thơ lục bát; nhưng muốn tôn trọng triệt để vần dồn của câu sáu thì thi sĩ nhà ta bí, không dám tục tĩu ra mặt nên đành… phá luật, dùng tạm chữ lưng!

Mấy bài thơ ngô nghê, ngớ ngẩn siêu việt này được truyền đạt rộng rãi khắp nơi, và quần chúng lúc đầu rủ nhau cười nứt bụng, rốt cuộc lại quay ra hâm mộ một cách triệt để và thi nhau sáng tác nhiều bài thuộc loại thơ trào phúng mới mẻ này, được gọi là Thơ Bút Tre, đa số có ý diễu cợt chế độ. Sau đây là vài thí dụ (bảo đảm không bỏ sai dấu):

Đảng viên nhiệm vụ được giao

Hợp với cán bộ đi đào xác My

 

Trung ương chỉ thị ba cùng

Đảng viên phải bám quần chùng nhân dân

 

Vì Đảng xây dựng trong quần

Chúng nên Đảng được nhân dân thương yều

 

Anh mò địa đạo Củ Chi

Củ chi là cái củ gì? Củ anh?!

 

Đảo kinh là cái đỉnh cao

Trí tuệ nên đảng hô hào văn minh

 

Không đi không biết Tam Đao

Đi thì không biết nơi nào mà ngu

 

Hôm nay vui sướng làm sao

Anh Ga Ga Rỉn bay vào vũ tru

 

Mừng ngày mùng tám tháng ba

Chị em phụ nữ chúng ta vùng lền!

 

Vào thăm lăng Bác âm u

Các chị bộ đội ngả mu ra chào!

 

Hoan hô đồng chí Goóc Ba

Chớp được chị vợ đàn bà Liên Xô

 

Trạch Dân có họ Giang, mai

Này dân Trung Quốc đói dài vì ông

 

Tin buồn noan báo trên đài

Xe tăng bác nái nật hai ba nần!

 

Bác đi công tác Ban Mê

Thuột xong một cái lại về hang ngay…

 

Bác Hồ nằm giữa hòm kinh

Nguyệt soi chẳng thấy tức mình chùi ra

 

Xác ướp bác Hồ được lộng kiếng, nằm trong lăng nơi quảng trường Ba Đình lịch sử mà có kẻ dám xúc phạm thì kể đáng xử tội thật! Nhưng cũng phải công nhận tác giả đã khéo léo vứt bỏ dấu sắc của chữ kính để có được vần bằng của chữ kinh, đi đôi một cách lắc léo với chữ nguyệt, có nghĩa là mặt trăng, mở đầu câu dưới. Thật là tài!

Bài sau đây có thể được coi là cùng một lò sản xuất mà ra:

Bác Hồ khoe bác có kinh

Nghiệm trong sử sách có mình bác thôi!

 

Ra tới hải ngoại, thơ Bút Tre đã được nhiều cây viết hưởng ứng nồng nhiệt để đả phá các lãnh tụ, trong đó những tay chóp bu nặng ký đều được “vinh danh”:

Nghe tin đồng chí Võ Văn

Kiệt quệ cổ võ xin ăn láng giềng

 

Đồng chí tham quan Tân Gia

Ba chân kiềng gẫy, ối Nga, ối Tàu!

 

Đỗ Mười ở lại càu nhàu,

Kiềng ba chân gẫy, ối Tàu, ối Nga!

 

Giỏi a! Đồng chí Đỗ Mười

Lớp ba chưa đỗ đã ngồi bí thư

 

Thương thay thủ tướng Võ Văn

Kiệt sức, kiệt lực chết lăn giữa giường!

 

Rằng nghe một chuyện đứng tim

Ngoại trưởng Nguyễn Mạnh Cầm chim thằng Tầu

 

Đảng ta chọn tướng họ Lê

Đức Anh thất đức nên bê lên ngồi

 

Hẩu lớ! Đồng chí Phạm Văn

Đồng lòng cùng bác bán phăng cõi bờ

 

Hoan hô đồng chí Võ Nguyên

Giáp ta thắng trận Điện Biên lẫy lừng

 

Lẽ đương nhiên là Bác Hồ nhà ta được chiếu cố một cách thật tận tình. Tuổi học trò của Bác đã có một thời đoạn được mô tả như sau:

Bác Hồ thuở học chữ Nho

Cùng đèn cùng sách cùng lò Bác Tôn!

 

Ha ha, chẳng cần giỏi nói lái cũng dư hiểu tác giả muốn nói rằng Hồ, Tôn cùng một lò, một trường mà ra! Rồi tới khi Bác được tặng một con chim quý, người đã sai người tình tên Định (nữ tướng phó tư lệnh lực lượng võ trang MTGPMN Nguyễn Thị Định?) tìm lồng cho chim như sau:

Bác Hồ có một con chim

Bác nhờ chị Định đi tim cái lồng

 

Còn trú mưa thì Bác đã có chị Bình xử lý:

Chị Bình đón Bác dưới mưa

Chị thấy Bác ướt bèn đưa cái nòn!

 

Sự nghiệp Bác Hồ đã được mô tả với những câu lục bát sau đây:

Bác Hồ thuở nhỏ bồi Tây

Đến già bác lại đu dây Nga Tàu

 

Cuộc đời cách mạng Bác Hồ

Nâng bi cụ Mác bưng bô cụ Mào

 

Bác Hồ có tiếng là sống một cuộc sống rất dân dã, bần hàn và thanh đạm:

Bác Hồ sống rất thanh đàm

Heo gà dâng đến bác làm sạch trơn!

 

Về phương diện sinh lý, cuộc đời của bác cũng thanh đạm không kém. Nhiều truyền thuyết cho rằng tuy suốt đời sống độc thân, nhưng bản tính bác lại rất hảo ngọt:

Bác Hồ là lão già dê

Lấy Minh Khai, vợ của Lê Hông Phòng

 

Bác Hồ lấy vợ của đồng

Chí Lê Hồng Phòng là chị Minh Khai

 

Chị Bình với lại chị Đinh

Hai chị đều khoái bác Hình Chí Mô

 

Bác hiến trọn cuộc đời cho ách mạng, nhưng tiếc thay lại vắn số, không kịp thực hiện giấc mộng đã phải qua bên kia thế giới:

Tin đâu như sét ngang tai

Bác Hồ đang sống chuyển sang từ trần

 

Tin đâu như sét đánh gần

Bác Hồ đang sống từ trần chuyển sang

 

Hôm qua còn sống sờ sờ

Mà nay bác đã cứng đơ cái mình

 

Một trong những lý do làm bác tẩu hỏa nhập ma, đưa bác về cõi âm là những tin thất trận dồn dập kéo đến:

Tin thua như sét đánh ngang

Làm Bác chết đứng, lúc đang cởi quần

 

Rồi bác được đem ra triển lãm trong hòm kính, chân dung bác được quần chúng tôn thờ:

Thương nhớ bác Hồ Chí Minh

Dán hình bác trước cửa mình… khỏi quên!

 

Để kết thúc, nhân dịp Tết này, xin mượn bài thơ Bút Tre sau đây kêu gọi Việt Kiều hải ngoại về nước xây dựng, đóng góp để nước nhà sớm trở thành một Con Rồng Á Châu thứ 6:

Việt Kiều ai thấy có kinh

Nghiệm về xây dựng nước mình thành rông

 

Mến chúc quý bạn đọc một năm mới thật vui vẻ, mạnh khỏe, thịnh vượng, an khang.

 

Trét Bu

Ngọa Lư Lâu, Lyon

Lập Xuân

 

 

—————

Chú thích:

 

(*) Hàn Ốc (844-933) thường được gọi là Hàn Ác. Để tránh chữ “ác” nghe không thuận tai trong tiếng Việt, ta nói trại ra “ốc.” Ông tự là Trí Nghiêu, người quê ở Kinh Triệu, Vạn Niên, nay thuộc ngoại ô thị trấn Tây An, tỉnh Thiểm Tâỵ Lúc mới lên mười, có lần giữa chỗ khách khứa đông đúc, ông làm ngay một bài thơ tiễn khách, khiến mọi người có mặt đều kinh hãi. Do đó mà về sau, Lý Thương Ẩn tặng ông một bài thơ, trong đó có hai câu:

 

Thập tuế tài thi tẩu mã thành

Sồ phụng thanh nhã o phụng thanh

 

(Mười tuổi làm thơ nhanh hơn ngựa

Chim phụng non rành rõi hơn chim phụng già)

 

(**) Hai, ba, hoặc bốn chữ dán trên cổng, treo nơi phòng khách, bàn thờ, viết ngang gọi là hoành phi. Cũng gọi tắt là hoành. Viết dọc thì gọi là trướng. Cũng như câu đối, hoành được dùng trong mọi tình huống, những quan hệ nhân sinh quan, nội dung ý tứ nhiều khi được trích từ những điển tích sâu xa, tình tiết éo le.

 

Trần Văn Giang (Sưu tầm)

Từ Đường Thi, Câu Đối đến Bút Tre – Trét Bu

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *