“Giữ Gìn Sự Trong Sáng Của Tiếng Việt”

.

WhatTheFact

.

Câu tôi trích ở trên là nhan đề một bài viết của thủ tướng Phạm Văn Đồng.

HLH

*

Năm 1975, mới vào trại tù cải tạo được ít lâu, nhân dịp cho gởi quà, gia đình tôi bớt phần quà mà gởi cho tôi vài cuốn sách của mấy “ông” ngoài Bắc, như “Hồ Chí Minh toàn tập,” “Giương Cao Ngọn Cờ…” của Lê Duẫn và một cuốn của thủ tướng Phạm Văn Đồng, tôi không nhớ tên, trong đó có bài “Giữ Gìn Sự Trong Sáng Của Tiếng Việt.”

Nói thiệt tình, đọc sách chính trị của Việt Cộng chán lắm, không phải chúng tôi có định kiến – Tôi nói chúng tôi vì khi có sách rồi, anh em tù chúng tôi chuyền tay cho nhau đọc và góp ý – mà bởi vì cuốn nào cũng giống cuốn nào. Ý tưởng chỉ có chừng đó, người nầy nói đi, người kia viết lại, cũng những ý đó, chừng đó lập trường – lập trường vững chắc lắm – Cỡ vài kế hoạch 5 năm là mỗi nhà, từ thành thị tới nông thôn, từ đồng bằng lên tới núi cao, nhà nào cũng có TV, tủ lạnh, thực phẩm ê hề, xe cộ đầy đủ, cuộc sống sung túc. (Xin mở ngoặc: Vậy là hơn 30 năm, tính ra cũng đã 6 kế hoạch 5 năm rồi, rõ ràng là ngày nay đã “tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc lên… Chủ Nghĩa Tư Bản,” – thay vì Chủ Nghĩa Cộng Sản” nên người dân đen… không có gì cả, vẫn khố rách áo ôm!?). Còn ngoài ra, về sách của Lê Duẫn, “Giương Cao Ngọn Cờ…” thì anh bạn tù của tôi, – Phạm Quang Chiểu -, phán ngay một câu: “Có ngọn cờ rách mà cứ giương đi giương lại hoài.” Có rách đâu! Cờ bây giờ may bằng vải Mỹ, còn mới chán!

Riêng bài “Giữ gìn Sự Trong Sáng…” thì làm cho chúng tôi rõ hơn tại sao Việt Cộng không gọi là phi cơ trực thăng, thủy quân lục chiến, v.v… như người miền Nam trước 1975 mà lại gọi là máy bay lên thẳng, và lính thủy đánh bộ, hoặc như cuốn phim mới chiếu trên TV Saigon vào cuối tháng 5/1975, nhân vật chính trong phim, thay vì tên là Sơn thì gọi là Núi.

Cách nói như thế, không phải do mấy tay trong bộ chính trị tùy hứng mà lại là chính sách, bộ chính trị nói như thế, địa phương cũng nói như thế, ngay cả văn nghệ sĩ, người làm thơ, người viết truyện, người làm phim, đều phải nói như thế. Tôi không gọi họ là thi sĩ, văn sĩ, nghệ sĩ mà gọi là người làm thơ, người viết văn bởi vì tôi thấy họ không xứng đáng để được gọi thi sĩ, văn sĩ như thế.

Tại sao lại không xứng đáng?

Dễ hiểu thôi! Nhà văn, nhà thơ, thường gọi là văn sĩ, thi sĩ, thì chữ sĩ nói cái gì? Tra trong Hán Việt Từ Điển, Đào Duy Anh giải thích như sau:

Văn sĩ: nhc (như chữ) văn nhân (lettré)

Văn nhân: Người văn học.

Thi sĩ: Người làm thơ (poète)

Sĩ: Học trò, người nghiên cứu học vấn.

 

“Sĩ khả lục, bất khả nhục:”  Đã làm người học giả chỉ có thể giết được; chớ không thể làm nhục được.

Nguyễn Công Trứ viết:

“Tước hữu ngũ, sĩ cư kỳ liệt

Dân hữu tứ, sĩ vi chi tiên

Có giang sơn thì sĩ đã có tên

Từ Chu, Hán vốn sĩ nầy là quí (1)”

 

Vậy thì những người làm thơ, làm văn theo chỉ thị, tuyên truyền, nịnh hót vì danh vọng, quyền lợi thì có thể gọi họ là sĩ được chăng? Vì vậy, tôi gọi họ là người làm thơ, người viết văn của Cộng Sản mà không gọi là thi sĩ, văn sĩ có hợp lý chăng?

Trở lại chuyện ông Phạm Văn Đồng, trong bài viết như nhan đề nói trên, ông chủ trương không dùng tiếng Hán Việt. Tiếng Hán Việt làm cho tiếng Việt tối nghĩa đi, làm mất đi “sự trong sáng” của tiếng Việt như ông ta nói vậy!

Buồn cười chưa?

Vì tinh thần tự chủ, độc lập, người ta có thể không dùng tiếng Tàu, chữ Hán (có khi gọi là chữ Nho). Người Việt Nam thì dùng tiếng Việt, tại sao lại dùng tiếng Tàu?

Người Tàu cai trị nước ta một ngàn năm, đem văn hóa của họ mà phổ biến ở nước ta, “dạy dỗ” dân ta, tổ chức thi cử. Văn thư, chiếu biểu gì cũng đều bằng tiếng Tàu cả nên dân ta phải học tiếng Tàu. Vậy khi giành được tự chủ rồi, người Việt mình cũng nên dùng tiếng Việt để tỏ rõ cái tinh thần tự chủ. Điều đó đúng.

Không phải ngay khi giành được độc lập, người Việt mới có chữ viết bằng tiếng Việt. Trong bài “Nôm Na Là Cha Mách Qué,” bàn về văn học chữ Nôm ở nước ta, tôi có giải thích rằng ngay khi người Tàu đang cai trị nước ta, vì tinh thần độc lập, người Việt đã nhiều lần nổi lên chống lại người Tàu, và chữ Nôm đã bắt đầu hình thành. Tuy nhiên, vì ảnh hưởng ách đô hộ của Tàu còn nặng nề, nên mãi đến đời Trần chữ Nôm mới phổ biến rộng hơn, sử dụng nhiều hơn. Đó là thời kỳ bắt đầu văn học chữ Nôm, tôi có bàn tới trong bài thứ hai về chữ Nôm: “Những Bài Thơ Nôm Đầu Tiên Trong Văn Học Chữ Nôm.”

Tinh thần tự chủ đó mạnh hơn dưới triều đại Quang Trung. Sau khi lên ngôi hoàng đế, vua Quang Trung bắt buộc văn thư chiếu biểu đều phải viết bằng chữ Nôm, không viết chữ Hán nữa. Đọc “Tiêu Sơn Tráng Sĩ” của Khái Hưng, quí độc giả sẽ thấy có một đoạn, tả một sĩ phu ngoài Bắc, đứng đọc một thông tri gì đó của chính quyền bấy giờ, theo lệnh vua Quang Trung, viết bằng chữ Nôm. “Anh chàng” sĩ phu đó (Có phải là Chiêu Lỳ không?) chê rằng: “Dốt, dốt hết. Vua quan đều dốt hết.” Ý anh ta muốn nói vì dốt, không biết viết chữ Hán nên phải viết chữ Nôm. Anh ta nặng định kiến với nhà Tây Sơn nên nhận xét sai đấy!

Vua Quang Trung có tinh thần độc lập, nhưng triều đại của ông không dài nên việc cải cách của ông chưa tới đâu. Đời nhà Nguyễn, sau khi “Gia Long thống nhứt sơn hà,” chữ Hán vẫn là một thứ văn tự được dùng chính thức, nhất là trong triều đình. Tuy nhiên, ngoài dân chúng, chữ Nôm đã phát triển mạnh, nhiều tác phẩm văn học đã dùng chữ Nôm để phô diễn tư tưởng, tình cảm. Đó là thời kỳ phát triển văn học chữ Nôm của tiền bán và hậu bán thế kỷ 18 ở nước ta. Sự phát triển càng lúc càng tiếp nối dài thêm mãi đến đầu thế kỷ 20, khi chữ quốc ngữ phát triển, thay thế cho vai trò chữ Nôm.

Chữ Hán, khi truyền bá sang ta, tuy còn giữ trong cách viết, nhưng đã biến dạng trong cách phát âm, biến thành tiếng Hán-Việt. Thành ra, tiếng Hán-Việt, không còn là tiếng Tàu. Nói tiếng Hán-Việt với tất cả các hạng người Tàu, người Tàu sẽ không hiểu gì hết. Có nghĩa là nó đã biến thành tiếng Việt rồi, không còn là tiếng Tàu nữa, thế tại sao lại không dùng nó, bỏ nó đi, vì sợ rằng không “Gìn giữ (được) sự trong sáng của tiếng Việt.”

Đâu có phải vì dùng tiếng Hán Việt người dân sẽ không hiểu. Toàn bộ miền Nam, ai cũng biết mấy tiếng Thủy Quân Lục Chiến, lại càng biết rõ hơn lính Thủy Quân Lục Chiến, hay đi lính Thủy Quân Lục Chiến, hay những chiến thắng vang dội của Thủy Quân Lục Chiến.

Sau 1975, người miền Nam bỗng lạ lẫm với “Lính Thủy Đánh Bộ.” Lính Thủy Đánh Bộ là cái lính chi? Người ta tự hỏi nhau như vậy.

Lính thủy là Hải quân. Ở miền Nam, nói lính thủy là nói theo cách xưa, cách nay (1975) vài ba chục năm. Thời Việt Nam Cộng Hòa thì hầu như ai ai cũng biết Hải quân. Còn đánh bộ thì người ta chịu! Khó hiểu quá! Cái gì mà đánh bộ. Bộ là làm bộ, là hát bộ, đi bộ, ít ai biết bộ là đất, trên bộ là trên đất. Tiếng ấy xưa quá rồi. Vã bộ cũng là tiếng Hán-Việt đâu có phải là tiếng Nôm như lính hay đánh. Một danh từ mà chia làm hai: thủy và bộ là tiếng Hán Việt; lính và đánh là tiếng Nôm; một thứ tiếng nửa Tàu nửa Việt, áo “vét-tông” mà quấn “xà-rông,” kỳ cục quá!

Ở miền Nam trước 1975, ai không biết phi cơ trực thăng, có khi người ta cũng gọi là máy bay trực thăng. Bỗng sau 1975, người ta nghe Việt Cộng nói máy bay lên thẳng, ai cũng buồn cười. Cái chi mà lên thẳng với lên nghiêng?

Ngay chính Việt Cộng cũng mâu thuẫn với chính họ: Nếu muốm dùng tiếng Nôm mà không dùng tiếng Hán Việt thì tại sao họ không thay tên Phạm Văn Đồng thành Phạm Văn Ruộng? Đồng hay ruộng cũng là một thứ mà thôi. Hoặc Phạm Văn Đồng biến thành Phạm Văn Chì hay Phạm Văn Sắt cũng là một thứ họ hàng kim loại với nhau. Hồ Chí Minh? Sao không gọi là “hết sức sáng” hay “hết sức khôn” (Không gọi là thông minh vì thông minh là tiếng Hán-Việt). Trường Chinh? Sao gọi là Trường Chinh mà không gọi là Đánh Giặc Dài? Dài ngắn bao nhiêu, của ai nấy biết? Không! Trường Chinh là nói theo cách Tàu vì muốn bắt chước tên cuộc Vạn Lý Trường Chinh của Mao hồi 1933-34. Hồi đó Mao bị Tưởng đuổi chạy dài dài nhưng Mao lại “nổ” là Vạn Lý Trường Chinh! Có phải bởi vì ông Trường Chinh là con của Tàu, con của Mao nên lấy tên Tàu?

Sinh con thì cán bộ muốn đặt tên cho hay: Dương Quốc Trung (Người họ Dương trung thành với nước, – tổ quốc). Tên thì hay vậy nhưng nước (Quốc) thì đem bán để lấy đô-la, có thấy Trung gì đâu? Đẻ con thì đặt tên Trực hay Thăng, chớ không thấy đặt tên Thẳng (Trực) hay Lên (Thăng).

Có lẽ ít người ngu như Phạm Văn Đồng?!  Thật ra, ông ta không ngu mà ông ta nịnh đấy.

Trong một lần phát biểu, Hồ Chí Minh than phiền “các cháu hay dùng tiếng Trung Quốc quá.” Để phụ họa với “bác,” Phạm Văn Đồng bơm lên thành “Giữ Gìn Sự Trong Sáng Của Tiếng Việt.”

Thật ra, Hồ Chí Minh cũng không rành tiếng Việt, không rành chữ Quốc Ngữ. Tôi không nói sai:

Khi ở Tàu, Hồ Chí Minh viết “Đường Kách Mệnh.” Viết chữ “K” thay cho chữ “C” là viết theo quốc ngữ thời kỳ mới bắt đầu, trước khi có Hội Khai Trí Tiến Đức chỉnh đốn chữ Quốc Ngữ, trước khi chữ Quốc Ngữ phát triển mạnh mẽ hồi thập niên 1930. Thân phụ ông Lê Bá Khanh, Lê Bá Kông có điều kiện nên cho hai ông con sang học bên Hồng-Kông. Hồi ấy, nhiều ông linh mục Tây Phương đã theo gương ông Alexandre De Rhôde, dùng chữ Quốc Ngữ để giảng đạo, nhưng còn viết theo cách xưa, còn viết “Đức Chúa Blời” (Đức Chúa Trời), (2) viết “Hồng-Kông” mà không viết “Hồng Công,” nên họ viết Lê Bá Kông thay vì Lê Bá Công. Hồ Chí Minh cũng viết Đường Kách Mệnh thay vì Cách Mạng (Mạng là tiếng Việt ngày nay, xưa thường gọi Mệnh, giống như Vua Minh Mệnh thay vì Minh Mạng).

Cũng theo cách viết Quốc Ngữ cổ, Hồ Chí Minh viết (f) thay vì (ph). Trong bản thảo di chúc, Hồ Chí Minh viết “fòng khi tôi đi thăm…” thay vì “phòng khi tôi đi thăm…” (3).

Căn cứ vào trình độ của một người viết chưa rành Quốc Ngữ để “giáo dục quần chúng” cách viết Quốc Ngữ thì ông thủ tướng Việt Cộng Phạm Văn Đồng quả thật là người liều mạng, ẩu tả, hai bà Triệu (4), điếc không sợ súng.

Thực ra, đời sống của một dân tộc cần phải phát triển để tồn tại, khỏi bị tiêu vong. Do đó, ngôn ngữ và chữ viết, vì nhu cầu của đời sống, cũng cần phải phát triển theo. Trong chiều hướng đó thì việc vay mượn “tiếng nước ngoài” làm ngôn ngữ cho chính dân tộc đó là điều cần thiết.

Hồi thế kỷ 19, Tàu cũng như ta, chưa có đường xe lửa. Đến khi hệ thống vận chuyển nầy hình thành thì phải có những “ga” xe lửa. Chỗ xe lửa dừng lại để đưa đón khách hay lên xuống hàng thì gọi là ga, gốc từ tiếng Pháp là Gare. Người Tàu cũng gọi là ga. Việt Nam cũng gọi là ga. Không gọi là ga thì gọi bằng gì? Không lý phiên âm thành trạm, thành bến, thành tiếng… gì nữa?

Ga lớn thì gọi là ga lớn, ga chính, như ga Saigon, ga Huế, ga Hà Nội. Ga nhỏ thì gọi là ga nhỏ, ga xép. Tàu suốt, là tàu chạy suốt trên tuyến đường dài như Saigon Huế hay Huế Hà Nội, Hà Nội Saigon thì chỉ dừng lại những ga lớn. Tàu chợ là tàu chạy những đường ngắn như Hà Nội Hải Phòng, Huế Đà Nẵng, Saigon Nha Trang, v.v… thì có dừng lại ở những ga nhỏ, ga xép. Có một bài hát, phổ thơ Nguyên Sa, người làm thơ ví người mình yêu như chuyến tàu suốt, còn cô nàng như một ga nhỏ. Tàu suốt không dừng lại ga nhỏ bao giờ, khiến cô nàng chờ mãi chờ hoài.

Thời Ngô Đình Diệm, xe lửa bắt đầu hoạt động trở lại thì những chuyến tàu chợ có dừng lại ở những ga xép, ngành hỏa xa gọi là trạm. Hai bên con sông Bồ, phía làng Hiền Sĩ là ga lớn nên tên gọi là ga Hiền Sĩ, phía sông Bồ chỉ là làng nhỏ, chỉ có vài khách lên xuống, xưa gọi là ga sông Bồ, thời ấy gọi là trạm Sông Bồ.

Thay tiếng ga bằng tiếng nào cũng không được, phải mượn tiếng Pháp mà dùng, biến nó thành tiếng Việt vậy. Ở những thành phố lớn, người ta lấy tên thành phố mà đặt tên ga như Ga Đà Nẵng, Ga Huế, Ga Hà Nội. Riêng thành phố Saigon, trước 1975 thì có Ga Saigon. Sau đó thì ga Saigon mất tên. Nó cũng không biến thành tên ga Thành phố Hồ Chí Minh sau khi Saigon đổi tên. Nó mang tên đường Nguyễn Thông thành Ga Nguyễn Thông, tức Ga Saigon ngày nay. Mất đi một tên ga, dĩ nhiên, người ta cũng mất đi nhiều kỷ niệm. Ga là nơi đưa tiễn, ly biệt. Vì tính cách đó, ga đã đi vào thơ:

“Những ngày nghỉ học tôi hay tới

Đón chuyến tàu đi đến những ga.”

 

Thơ Cung Trầm Tưởng cũng có câu:

“Ga Lyon đèn vàng”

Có lẽ theo thủ tướng Việt Cộng Phạm Văn Đồng, nếu phải “Giữ Gìn Sự Trong Sáng Của Tiếng Việt” thì phải viết là:

Đón chuyến tàu đi đến những “trạm”

Hoặc: “Trạm” Lyon đèn vàng.

Ngôn ngữ như thế thì nghèo lắm!

Văn hóa của nhiều dân tộc rất nhiều khi phát sinh từ một gốc mà ra. Vùng Lưỡng Hà (Mesopotamy) là cái nôi văn hóa của nhân loại, nó như một cái gốc. Có lẽ từ đó mà phát sinh nhiều nền văn minh khác nhau của nhân loại như cây một gốc mà phát ra nhiều cành. Những cành đó, có gì giống nhau, có vay mượn nhau là việc thường tình.

Cách đây mấy chục năm, tôi thử học tiếng Đức. Ông thầy người Đức dạy đọc “flègun” là lá cờ. Uả! Nghe hơi lạ, sao giống tiếng “flag” là lá cờ của tiếng Anh. Về xem tự điển thì thấy hơi khác cách viết: tiếng Anh thì viết là “flag,” tiếng Đức cũng vậy nhưng thêm vô một chữ “g” nữa là flagg. Mới đây, xem trong tự điển Na-Uy thì cũng thấy viết là “flagg” nhưng không rõ cách đọc ra làm sao! Nhớ lại hồi còn con nít, học tiếng Pháp thì cờ là “drapeau.” Tại sao tiếng Pháp lại khác đi như thế, trong khi các nền văn minh nầy, Tây Âu, Trung Âu, Bắc Âu cũng từ văn minh Hy-La mà ra?

Mấy năm trước, một cô Tàu, mới tốt nghiệp, làm việc chung với tôi, tên là Tara. Tôi hỏi cô ta có biết Tara có nguồn gốc ở đâu không? Cô ta lắc đầu. Tôi kể chuyện trong phim “Gone With The Wind” thì Tara là tên đồn điền của bố mẹ nhân vật chính trong phim là Scarlett O’Hara. Lại xem TV, thấy giới thiệu một thắng cảnh ở Ái Nhĩ Lan tên là Tara. Tưởng thế là hết, ai ngờ đọc sách thì lại thấy tên Tara cũng có bên Hy Lạp. Như vậy thì Tara gốc từ tiếng Hy Lạp chăng? Tara đã làm một cuộc viễn du từ Hy Lạp qua Ái Nhĩ Lan, tới tiểu bang Georgia ở Hoa Kỳ rồi dừng lại ở tên một cô gái Tàu. Chưa hết đâu, có lẽ Tara còn đi nữa.

Chưa bàn tới việc gốc gác của người Việt có phải từ bên Tàu qua hay không vì ngày nay, người ta đưa ra nhiều chứng cứ nói khác đi với người xưa, nhưng rõ ràng người Tàu đã cai trị nước ta hơn một ngàn năm. Do đó, dân ta có chịu ảnh hưởng văn hóa Tàu cũng là điều đương nhiên. Người Việt có mượn tiếng Tàu để mà dùng thì cũng chẳng có chi lạ, huống chi thứ tiếng Tàu đó đã được Việt hóa, thành ra tiếng Hán Việt, nghĩa là tiếng Việt nhưng gốc là tiếng Hán. Gốc là tiếng Hán nhưng nó là tiếng Việt thì tại sao lại không dùng, để làm cho tiếng Việt phong phú hơn.

Làm cho ngôn ngữ phong phú hơn, hay hơn là con đường phát triển ngôn ngữ của một dân tộc. Bàn về văn chương, Phan Kế Bính viết:

“Văn là gì, văn là vẻ đẹp.

Chương là gì, chương là vẻ sáng.

Lời của người đẹp đẽ, bóng bẩy tựa như có vẻ đẹp vẻ sáng, nên gọi là văn chương.”

Vì vậy, người ta ưa đặt tên Sơn hơn là Núi, tên Thủy hơn là Nước, gọi là máy bay trực thăng hơn là máy bay lên thẳng, Thủy Quân Lục Chiến hơn là Lính Thủy Đánh Bộ.

Ông nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông có bài hát “Hải Ngoại Thương Ca.” Không lý vì “Giữ Gìn Sự Trong Sáng…” và đặt tên bản nhạc là “Nước Ngoài Thương Ca”?

 

 Hoàng Long Hải

___________

Chú thích :

1- Năm 1968, tôi nhập ngũ, được đưa vào Trung Tâm Huấn Luyện Quang Trung để học giai đoạn 1. Trước khi bắt đầu chương trình học, phải đi khám sức khoẻ. Người khám tai mũi họng là một ông trung sĩ già, người Bắc. Vừa khám cho chúng tôi, tân binh, ông vừa đọc thơ Nguyễn Công Trứ cho chúng tôi nghe. Bài nào ông cũng thuộc, đọc một lèo, giọng sang sảng. Bọn chúng tôi ai cũng thích thú và phục tài ông. Ở lớp Đệ Tứ và Đệ Nhị, học trò miền Nam phải học tác phẩm của Nguyễn Công Trứ. Ai học chăm thì cũng thuộc năm ba bài làm vốn để đi thi. Ít ai thuộc toàn bộ như ông trung sĩ nầy. Ngay cả tôi, sau khi học, tôi đi dạy Việt Văn, cũng không thuộc toàn bộ tác phẩm Nguyễn Công Trứ. Điều đáng nhớ, khi đọc thơ Nguyễn Công Trứ xong, ông còn “dạy”:

“Mấy anh đi sĩ quan thì sĩ nầy chính là sĩ của Nguyễn Công Trứ.”

Từ đó đến nay, một thầy giáo, một sĩ quan như tôi, nhớ hoài lời dạy của ông trung sĩ già.

2- Xin xem Việt Nam Văn Học Sử Yếu của Dương Quảng Hàm.

3- Nhà văn Bình Nguyên Lộc có viết truyện ngắn “Hồn Ma Cũ” khá hay. Có một nhà văn Saigon, một hôm ông ta từ ngoại ô vào thành phố để tham gia một buổi họp của các nhà văn, bàn có nên cải cách chữ quốc ngữ hay không, có nên viết (f) thay vì (ph) hay không, để viết cho nhanh và gọn. Ông ta chủ trương không nên thay (f) cho (ph) nhưng không tìm ra lý do. Đang khi ngồi uống cà phê trong một quán Tàu ở Chợ Lớn, ông ta thấy một ông già dẫn đứa cháu vào quán. Trong khi đứa cháu nhắc ông nhanh lên kẻo trễ học, ông già bèn gọi bồi đem ra một cái dĩa. Ông già đổ cà phê vào dĩa cho mau nguội, uống cho kịp để đưa cháu đi. Nhìn hình ảnh ấy, nhà văn nhớ lại ngày trước, khi ông ta còn trẻ, ở với ông ngoại và cũng đã có lần, thấy ông ngoại ông uống cà phê theo cách ấy. Và ông cũng nhớ, hồi ấy, ông cũng có một người yêu đầu đời ở quê ngoại. Cô gái ấy đã viết cho ông nhà văn ấy một cái thư để tạ từ mà đi lấy chồng. Trong lá thư tạ từ ấy, cô gái có viết mấy chữ “Chúng ta fải xa nhau” (f thay vì ph). Ông nhà văn bỗng thấy lại “Hồn Ma Cũ” đây rồi, trong cách viết chữ (f) thay vì (ph).

(4) Năm 1976, khi còn ở trại tù Suối Máu, tối tối, chúng tôi được xem TV. Bấy giờ, có mấy ông Việt Kiều ở Pháp hay “về thăm quê hương.” Đặc biệt, mấy ông nầy đều là đảng viên đảng Cộng Sản Pháp. Trong số có họa sĩ Lê Bá Đảng. Các ông Việt Kiều nầy cũng hay lên TV phát biểu ca ngợi, “đảng ta (?)” quang vinh, dân tộc ta anh hùng,v.v… có lần ông Lê Bá Đảng nói : “… dân tộc ta có những anh hùng như hai bà Trưng, hai bà Triệu….”  Nghe ông họa sĩ nói “Hai bà Triệu,” anh bạn tù Nguyễn Thụy Hiền, dân Saigon, học trường Tây từ nhỏ, hồ nghi về trình độ lịch sử của mình nên hỏi tôi: “Anh Hải, tôi nghe hai bà Trưng chớ làm gì có hai bà Triệu?” Trần Hưng, dân Bình Định, cũng ngồi cạnh tôi, nói đùa: “Có chớ sao không. Một bà là Triệu Ẩu, một bà Triệu Tả.” Nghe Hưng nói, ai cũng cười. Từ đó, chúng tôi có tiếng lóng nói đùa với nhau. Hễ ai nói cái gì nhắm bộ không chắc thì gọi đùa là “Hai bà Triệu.”

Sau khi Cộng Sản Việt Nam chiếm miền Nam hồi cuối tháng Tư-1975, về ngôn ngữ, sinh hoạt, ở miền Nam xuất hiện nhiều cái lạ, khiến người miền Nam thấy buồn cười vì cái “quê” của người Cộng Sản Bắc Việt.

Ngoài những chuyện như “cái nồi ngồi cái cốc,” “TV chạy đầy đường,” “kem phơi đầy sân” hay “Sữa Honda,” v.v… Về ngôn ngữ, cũng có không ít chuyện quê.

Nhìn chung, mỗi anh bộ đội đi đâu cũng mang tòn ten cái “đài” bên lưng. Với người miền Nam, tiếng đài có ấn tượng cái gì to lớn như đền đài, nghĩa là có cái đài, cái nền, hạ tầng kiến trúc, phía trên là cái nhà bề thế. “Đài” phát thanh Saigon không phải là ngôi nhà nhỏ, còn như đài VOA, đài Tự Do, đài Mẹ Việt Nam, không có cái nào nhỏ như cái “đài” đeo bên lưng “chú bộ đội.”

Cái “đài” chú bộ đội đi đâu cũng đeo bên hông là cái “Radio Transistor.” Thứ nầy, ở miền Nam, hằng hà sa số, có thứ thì để trong bao da, có dây đeo vai, thỉnh thoảnh, – chỉ thỉnh thoảng thôi, – người ta thấy có “thầy trung sĩ” cầm đi chơi. Thường có hai loại “Radio transistor:” Có dây mang hay để bàn, nhiều nhứt là loại Radio Ấp Chiến Lược. Loại nầy do Phòng Thông Tin Hoa Kỳ phát không, cho không, rất nhiều vùng thôn quê, nhà nào cũng có. Người ta chỉ phải mua “pin” hoặc dùng bình điện. Tới trưa, khi có chương trình Gia Đình Bác Tám với các diễn viên như Phi Thoàn, Tùng Lâm, Khả Năng, Bà Năm Sadec, Tú Trinh, thì già trẻ lớn bé xúm nhau lại mà nghe mấy ông bà vua hài nầy chọc cười.

Dù chạy bằng pin hay bằng điện, người miền Nam không ai gọi nó là cái “đài” mà gọi là cái máy thu thanh; “tây” hơn thì gọi nó là cái “radio.” Người miền Nam, đơn giản, gọi là cái “Ra-dzô.” Nghe “ra-dzô,” mua “ra-dzô,” không ai gọi nó là cái đài.

Dân Saigon, không phải ưa dùng tiếng Tây, nhưng vì Saigon là thành phố mang tính cách quốc tế, trước 1975 được coi là Hòn Ngọc Viễn Đông, là trung tâm của vùng Đông Nam Á, hơn xa Bangkok của Thái Lan, Singapore của ông Diệu, hay HồngKông của Anh nên dĩ nhiên, “tiếng nước ngoài” khá phổ biến. Thay vì gọi là máy thu thanh, người ta gọi là cái “ra-dzô,” “ra-dzô ấp Chiến Lược,” v.v…

Trước 1975, đi xe Lam ở Saigon, khi muốn xe ngừng để xuống, người ta gọi tài xế, biểu “Tốp, tốp.” Tốp là Xì-Tốp (Stop), nhưng dân Saigon vốn dễ tính, bỏ bớt chữ “Xì,” gọi là “Tốp” cho nó gọn.

Hồi tôi ở trại tù Trảng Lớn, xe Molotova bộ đội chở đồ ăn tới, một anh tù làm bếp, đứng lên ra dấu cho chiếc xe lùi vào kho. Xe vừa tầm, anh ta hô to “Tốp.” “Chú bộ đội lái xe” nghe rõ nhưng lầm là “tốt” nên nhấn ga cho xe lùi mạnh hơn, làm đổ vách nhà kho. Thế rồi hai anh nầy cải nhau mà không ai hiểu ai! Anh tù thì nói: “Tôi biểu anh tốp sao anh cứ lùi?”  Chú bộ đội lái xe thì cằn nhằn: “Xe sắp đụng vách sao anh còn gọi là tốt để tôi lùi thêm?” Ai biểu là người Việt không bất đồng ngôn ngữ.

Điều khá rõ là Việt Cộng ít dùng danh từ Hán Việt. Thay vì gọi “thính giả,” “quí thính giả” như trước 1975, bây giờ họ gọi là “Các bạn nghe đài.”

Tra trong Từ Điển Hán Việt của Đào Duy Anh, tôi thấy:

Thính: Nghe, – Theo, – Đoán, – Định. Theo tôi hiểu, chữ thính có nghĩa là nghe.

Giả: Chỉ về người. Học giả, hiền giả.

 

“Thính giả” thì đúng là “người nghe đài.” Gọi “thính giả” hay “quí vị thính giả,” hay gọn hơn “Quí thính giả” là cách nói như Phan Kế Bính tôi đã dẫn trong bài trước là nói có tính cách văn chương, văn hoa, lịch sự.

Có người hỏi tôi: “Sao gọi là bạn nghe đài? Nghe đài thì có người già người trẻ, người lớn, người bé. Kính lão đắc thọ, không lý ông già bảy tám chục tuổi, thiếu niên mười bốn mười lăm tuổi, anh thanh niên hai mươi, hai mươi lăm tuổi đều là “bạn” của nhau cả sao?”

Thì họ là bạn với nhau chớ sao? Anh gọi ông Hồ Chí Minh bằng “bác,” tôi cũng gọi Hồ Chí Minh bằng “Bác.” Vậy anh với tui ngang nhau, là bạn với nhau là đúng rồi, mặc dù anh đáng tuổi con của tui. Cha gọi Hồ Chí Minh bằng “bác,” con cũng gọi Hồ Chí Minh bằng “bác” thì hai cha con đều là “bạn nghe đài.” Bộ không đúng sao?!

Nhưng nếu tôi không gọi Hồ Chí Minh bằng “bác,” tôi không phải là cháu ông ta, mà Hồ, như bà Yung Krall kể lại trong sách “Ngàn Giọt Lệ Rơi” của bà ấy, ông ngoại bà Yung Krall gọi Hồ Chí Minh bằng “thằng chó đẻ.” Anh có thể là cháu thằng chó đẻ được, còn tôi thì nhứt định không! Thế sao anh gọi tôi là “bạn nghe đài”?

Cũng may, các đài phát thanh của người Việt ở hải ngoại, không ai dùng mấy tiếng “bạn nghe đài.” Họ dùng danh từ người miền Nam đã dùng trước 1975: “Quí Thính Giả,” ngoại trừ đài Á Châu Tự Do, vẫn có khi gọi là “bạn nghe đài.” Theo tôi trình bày như trên, không biết họ, – mấy người làm ở đài Á Châu Tự Do- , có phải là “cháu bác Hồ” và có ai là “Cháu ngoan bác Hồ” không?!

Có lần tôi nói với người bạn thân: “Mấy thằng Việt Cộng hèn hơn mấy thằng Quốc Gia!”

Anh bạn nói ngay: “Chứng minh?!”

– “Vâng, “Nói có sách mách có chứng!” Trung Hoa là nước Tàu, mình gọi ngay là Tàu, người Tàu. Tử tế, vui vẻ thì gọi là người Hoa, bực mình chuyện gì thì gọi đủ thứ tên không nhẹ nhàng chút nào: Chệt, ba Tàu, chú Ba, anh Ba, Si-Noa, v.v… gọi Trung Hoa nghe nhẹ hơn gọi Trung Quốc. Trung Quốc có nghĩa là nước ở giữa, còn những nước khác là chung quanh, chung quanh là chư hầu! Việt Cộng không bao giờ gọi là Trung Hoa, mà trịnh trọng gọi là Trung Quốc. Gọi như thế là ngầm xác nhận vị trí Tàu là trung tâm còn mình là chư hầu.

Không! Không thể gọi là Trung Quốc. Tử tế thì gọi là Trung Hoa, cà chớn thì gọi là Tàu hay Chệt.

Lịch sử viết là Trung Hoa xâm lược nước ta. Có khi, ngay cả một nhà giáo, một sử gia, một nhà Nho đứng đắn, nghiêm túc như cụ Trần Trọng Kim cũng viết trong Việt Nam Sử Lược rằng Tàu đem quân xâm lăng nước ta. Có sao đâu! Tôi thấy chúng ta gọi là Trung Hoa hay gọi Tàu, người Tàu cũng không ai nói gì. Tại sao lại phải gọi là “Bọn phong kiến phương bắc” như Việt Cộng thường nói, thường viết. Sao mà “kỵ húy” (1) đến thế! Vậy thì bọn phong kiến phương bắc không phải là Tàu, không phải là Trung Hoa hay sao. Không lý sợ cọp, sợ luôn cả cứt cọp. Vậy mà không hèn hay sao?!!!

Sau tháng Tư năm 1975, trước khi “trình diện đi ở tù,” anh em chúng tôi nói chuyện với nhau về Việt Cộng, về Hồ Chí Minh, thường gọi ông ta là “Cáo già,” “Anh già Rô,” chưa đến nỗi gọi là “thằng chó đẻ” như ông ngoại bà Yung Krall. Vậy mà mỗi khi nghe, mẹ tôi tỏ ý không bằng lòng nhưng không nói ra. Thấy thế, tôi hỏi: “Gọi rứa má không muốn à?” Mẹ tôi trả lời: “Dù gì thì người ta cũng là người đứng đầu của một nước.”

Sách báo cũng có tài liệu nói cố tổng thống Ngô Đình Diệm không bao giờ nặng lời khi nói tới ông Hồ. Có lẽ mẹ tôi và ông Ngô Đình Diệm chưa từng là nạn nhân trực tiếp của ông Hồ Chí Minh hay Việt Cộng như ông ngoại bà Yung Krall.  Nhờ đó, họ còn giữ được cái “lễ” của người xưa. Họ thuộc “tuýp” người như thân phụ tôi vậy. Cuộc bầu cử năm 1946, Việt Cộng gian lận bầu cử, cha tôi gọi là “Bầu cử không ngay thẳng” chớ không chửi bới nặng lời, ngay cả những người trong vùng quốc gia với nhau về sau nầy. Thế hệ đó qua đời sớm, trước khi người ta tìm ra những việc làm động trời của ông Hồ Chí Minh, việc cướp vợ của nhau, việc giết vợ của mình, có con đem cho người khác nuôi để giữ cho được cái tiếng cha già dân tộc. Biết được những hành vi bỉ ổi đó, thì dù là người xưa hay người nay, cũng khó ai giữ được chữ lễ như ông bà chúng ta xưa kia.

Câu mẹ tôi nói: “Dù gì thì người ta cũng là người đứng đầu của một nước.” Như vậy, sự tôn trọng đó, không phải riêng gì cho một người, mà cho một dân tộc, một quốc gia khi người đó đứng đầu một quốc gia, dân tộc đó. Vậy thì ông Hồ Chí Minh và bọn tay chân gọi “Thằng Kennedy,” “Thằng Ních-Xơn,” “Thằng Giơn-Xơn” thì sao? Những “thằng” đó không phải là người lãnh đạo nước Mỹ, nhân dân Mỹ hay sao? Dù ông Ngô Đình Diệm chưa một lần nói nặng ông Hồ Chí Minh, nhưng cả đám Bắc Bộ phủ có ai không gọi là “Thằng Diệm” mà gọi khác đi. Đã gọi “Thằng Diệm” thì cũng gọi là “Thằng Thiệu,” “Thằng Dương Văn Minh.”

Trong khi đó, với phe Cộng Sản, Việt Cộng đội lãnh tụ của Nga, Tàu … lên đầu. Việt Cộng gọi “Ông Liên xô,” “Ông Trung Quốc,” “Ông Xít-Ta-Lin,” “Ông Mao Trạch Đông” hay ít ra cũng kính cẩn gọi bằng “đồng chí” chớ chẳng gọi cách nào khác. Không những gọi trong cách nói thông thường mà còn làm thơ ca ngợi “ông.” Việc nầy, không cần hỏi tới Tố Hữu, người Việt Nam ai chẳng biết Tố Hữu khóc “Ông”:

 

“Hỡi ơi! Ông mất đất trời có không?!”

 

Chúng ta chẳng ưa gì Staline, Mao Trạch Đông. Tuy nhiên, trong cách nói bình thường, chúng ta cũng gọi Staline hay Mao Trạch Đông một cách bình thường, ngoại trừ vài khi nổi giận, điện 110 lên 220 volt bất tử, mới nói nặng lời.

 

Ở xứ sở Cộng Sản thì không vậy. Các “ông lớn” dùng tiếng thằng, các “ông nhỏ” cũng phải gọi bằng thằng, và mọi người ai cũng phải gọi bằng thằng. Nếu không gọi bằng thằng, sợ bị phê bình là không “vững lập trường.” Nhưng gọi như thế là bất lịch sự, là thiếu giáo dục, là mất dạy. Do đó, trong chế độ Cộng Sản, không ai là không mất dạy khi gọi người khác bằng thằng?

Sau 1975, một người bạn của tôi ra Hà Nội. Ghé thăm bà con, và nói chuyện với họ.  Anh ta gọi “Ông Thiệu” mặc dù anh ta có nhiều bất mãn với ông Thiệu, chán ông Thiệu, nhưng sự giáo dục ở gia đình, từ cha mẹ, bà con, xóm làng và học đường, không cho phép anh ta gọi bằng tiếng gì khác. Người bà con, dĩ nhiên là ở với Việt cộng đã mấy chục năm, nói: “Tới giờ nầy mà chú còn gọi thằng Thiệu bằng ông!”

Như vậy, rõ ràng, giữa Việt Cộng và chúng ta có văn hóa khác nhau, giáo dục khác nhau, v.v… và đó cũng là một trở ngại không cho phép chúng ta “hòa hợp hòa giải.” Tôi nói là hòa hợp hòa giải với người, – nhất là những người sống lâu trong chế độ Cộng Sản – đã khó; còn như hòa hợp hòa giải với người Cộng Sản thì không bao giờ, trừ phi khi người Cộng Sản đó hồi chánh, như chính sách của tổng thống Ngô Đình Diệm ngày xưa vậy.

Được mang một cái đài bên lưng là lý tưởng của người cán binh Cộng Sản, vì cán binh nào cũng mong có một cái đài, ai ai cũng mua một cái đài, ai ai cũng mang một cái đài.

 

Chiếm miền Nam rồi, lý tưởng đó trở nên rộng hơn, lớn hơn. Ngoài cái đài, người cán binh cộng Sản tiến lên cái “đổng.”

Dân Saigon rất nhạy bén với “danh từ Việt Cộng” vì vậy, mới sau ngày 30 tháng Tư ít hôm, chợ Bến Thành bỗng xuất hiện câu rao hàng:

Đồng hồ xi-ti-zen đây! ‘Không người lái,’ ‘hai cửa sổ,’ ‘mười hai ông sao!’ Người bộ đội rất ưa dùng đây! Mại dzô!

Những chữ tôi viết trong ngoặc là “Danh từ Việt Cộng” cả đấy.

Chưa hết đâu, cán binh Cộng Sản còn tiến lên bước nữa: Cái đa.

Và cũng ở Saigon, bỗng xuất hiện câu đồng dao:

 

“Cái đài, cái đổng, cái đa,

Có ba cái ấy đời ta huy hoàng

Ấy là theo đảng vinh quang

Ấy là theo đúng con đường ‘bác’ đi!”

 

Con đường “bác” đi, có thể trở thành “bi đát” khi người ta nói lái. Nhưng lý tưởng của “bác” và con cháu “bác” chỉ có chừng đó: nói rõ ra là một cái “ra-dzô,” một cái đồng hồ, một cái xe Honda.

Dĩ nhiên “bác” đi xe hơi, “bác” không đi Honda, vì hồi 1975, 76 chưa có xe hơi Honda. Nhưng giả như có xe hơi Honda đi nữa thì “bác” thích “đa” khác. Đó là cái “đa” của Nông Thị Xuân, của Tăng Tuyết Minh hay của Nguyễn Thị Minh Khai. Lá đa có nhiều loại: Kinh, Nùng, Tàu, Nga, “bác” chẳng chê cái nào, cũng như cán bộ Việt Cộng ưa hết các kiểu xe Honda vậy.

 

  • Kỵ húy là luật pháp của triều đình. Sĩ tử khi đi thi, viết tới tên vua và hoàng tộc phải bỏ bớt một nét. Nói thì phải nói trại đi. Thì phải gọi là thời (Thời gian), Nhậm (Hồng Nhậm, tên vua Tự Đức), phải gọi là nhiệm. Thanh Hoa phải gọi là Thanh Hóa (Hoa, tên vợ vua Gia Long). Viết tránh hay nói trại đi gọi là “kỵ.” Không tránh thì gọi là “phạm”: Phạm húy. Ai phạm húy thì bị trừng phạt: đánh đòn, đánh roi và ngồi tù. Sĩ tử phạm húy thì bị đánh hỏng.

 

 Hoàng Long Hải

 

“Giữ Gìn Sự Trong Sáng Của Tiếng Việt” – Hoàng Long Hải

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *