Cho Người Quen Mượn Tiền

.

Loan

 

“For loan oft(en) loses both itself and friends…”

(“Hamlet” – Shakespeare)

“Cho vay tiền thì ‘Nợ’ và ‘Bạn’ thường mất cùng một lúc…”

(Văn hào Shakespear viết trong vở “Hamlet”).

LendingMoney

*

Ngạn ngữ Tây phương có câu: “Nếu muốn mất bạn, cứ việc cho họ mượn tiền” (If you want to lose a friend, lend him some money).  Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, người thân hay bạn thân gặp hoàn cảnh khó khăn như gia đình có người đau ốm nặng, mất việc, mất cắp… Chẳng đặng đừng, chúng ta vì nhờ trời khá giả hơn một chút, phải cho họ mượn tiền.  Có người nói là:

“Trong đời sống, ai cũng có lúc gặp khó khăn? Giúp nhau lúc khó khăn mới là anh em, mới là bà con chứ lị!” 

Tôi không thể nào vơ đũa cả nắm về việc mượn tiền, nhưng dù là cho người gặp khó khăn mượn $20 đô la hay $20,000 đô la, sau đó người mượn tiền dầu đã qua cơn khó khăn (hết đau ốm, đã tìm được việc làm, kinh tế đã ổn định lại rồi) nhưng họ vẫn không có ý định sẽ trả lại số tiền mượn (?)  Hãng “CouponCodePro” thăm dò 3000 người đã có cho thân nhân mượn tiền, với số tiền cho mượn trung bình là $522 .00 một người, ghi nhận một kết quả đáng lưu ý là 2 phần 3 (tức là 66%) chủ nợ sau đó không còn thấy mặt người mượn tiền cũng như tiền cho mượn nữa.

Con người theo lẽ tự nhiên, thường tìm một phương cách dễ dàng nhất, thuận tiện nhất và gần gũi nhật để giải quyết các khó khăn trong cuộc sống – mượn tiền người quen chẳng hạn.  Nếu một người bạn, hay thân nhân trong gia đình đến mượn tiền thì mình hiểu ngay là họ mượn tiền của bạn vì họ không muốn trả tiền lời, và hơn nữa không muốn phải cầm thế xe cộ nhà cửa nữ trang v..v.. nếu phải mượn từ nhà băng hay các dịch vụ cho vay tiền; ngay cả lúc họ có đầy đủ điều kiện (qualified) để mượn.  Đối với các cơ sở cho mượn tiền này, nếu không trả nợ đúng hạn thì họ sẽ xiết nhà, xiết xe ngay chứ chẳng nhân nhượng, thương tình, giằng co kì kèo mất thời giờ gì hết ráo… Ngược lại, nếu bạn là chủ nợ, bạn không thể làm như vậy được. 

Như vậy chúng ta phải hành xử như thế nào nếu có người thân quen đến mượn tiền của bạn?

Các chuyên gia về tâm lý cũng như tài chánh cùng đồng ý trong một câu ngắn gọn là: “Trong mọi hoàn cảnh, không nên cho mượn tiền”; Ngoại trừ trường hợp bạn thấy có nhu cầu cần cắt đứt liên lạc với một vài người bạn xấu thì bạn cứ “vô tư” cho họ mượn một số tiền nhỏ.  Nếu chỉ mất độ 100-200 đô la mà trừ khử được một người bạn xấu thì kể cũng còn rẻ chán nhỉ!

Nên để ý là ngay sau khi đồng ý cho mượn tiền và trao tiền, liên hệ tình cảm đôi bên đang bình thường bỗng nhiên có thay đổi lớn: Ngoài tình anh (chị) em hay tình bạn nối khố, bây giờ còn có thêm cái liên hệ rất vô duyên.  Đó là Chủ Nợ – Con Nợ.  Mối liên hệ mới này rất phức tạp và căng thẳng.  Chủ Nợ phải cất công, mất thời giờ quý báu đi săn đón đòi nợ; đó là chưa muốn nói đến chuyện chủ nợ muốn đòi tiền nhưng mà lại nể, vì ngại không dám đòi sợ con nợ giận (?!)  Sợ bị con nợ xì nẹc đại khái như: “Xí.  Chỉ mượn có vài trăm bạc (?) mà cứ đòi như chó n**.”  Mặt khác, Con Nợ phải tự sáng chế ra nhiều cách tinh vi để lánh mặt chủ nợ (nói là đang đau ốm, phải đi xa…), hay nghĩ ra cách nào đó để nói dối như vẹt (hẹn tháng tới, tới ngày 32 tây sẽ trả…) trong trường hợp tránh mặt không kịp…  Thật là khổ và bẽ bàng cả hai đàng.

Muốn tránh cái hoàn cảnh “Chủ nợ – Con nợ” này thì ngay từ phút đầu nhất định không cho mượn tiền.  “Từ chối, không cho mượn tiền” kể ra cũng không khó đâu.  Đã biết là nói dối là một cái tội; tuy nhiên nói dối để giữ tình anh em, tình bạn trọn vẹn thì có lẽ tội cũng nhỏ có thể tha thứ được.  Mỹ họ gọi loại nói dối này là “white lie” (Nói dối vô hại).  Nghĩa là lời nói dối không làm ai tổn thương cái gì cả; hoặc chỉ có tổn thương ở mức tối thiểu thôi (buồn 5 phút!):  Cho mượn tiền thì mất tiền và mất cả bạn; nếu không cho mượn tiền cùng lắm thì mất bạn thôi, tiền vẫn còn y nguyên!

Sau khi trả lời là rất thông cảm hoàn cảnh khó khăn của bạn mình và sau đó trực tiếp hay gián tiếp từ chối mà không bạn làm mất lòng hay mất mặt qua vài loại nói dối vô hại điển hình như sau:

Vừa Hết tiền

Lấy lý do (white lie !) là “vừa mới cho thằng em vợ mượn một món tiền lớn,” “vừa mua chiếc xe mới,” hoặc “mới dồn hết tiền vào investments, stocks rối, không lấy ra được.”  “Bây giờ tôi hết tiền rồi.  Sao bạn không hỏi mượn sớm một chút thì tốt hơn không?” 

Bà xã giữ tiền

Đối với gia đình Việt Nam thì vợ quản lý chuyện tiền bạc là thường tình.  Cứ nói tránh là: “Bạn thông cảm.  Mình nuốn giúp bạn lắm nhưng bà xã mình giữ hết tiền.  Bạn cứ thử hỏi mượn bà xã tui xem sao!”  Vì “thể diện” cam đoan rằng ông bạn quý không có can đảm tới mượn tiền bà xã của bạn đâu!

Cho đến giai đoạn không cách gì ổn thỏa để có thể từ chối việc cho mượn tiền, thì bạn cần lưu ý vài điều căn bản sau đây:

– Chỉ nên cho vay một khoản tiền mà bạn nghĩ là người mượn có khả năng hoàn trả trong thời gian ấn định; và giả sử là sau này họ không trả đi nữa thì chính bản thân bạn sẽ không lâm vào cảnh khủng hoảng tài chánh, hay phải gây gỗ với vợ vì bạn bị người thân quịt tiền.. 

– Nếu có thể, bạn có thể điều đình giảm số tiền muốn vay xuống một nửa; vì nếu có mất đi nữa, thì cũng chỉ mất một nửa. 

– Bạn cũng có thể cứu xét một khoản tiền nào đó không lớn lắm không nhỏ lắm mà bạn có thể làm thành một món quà biếu không cho người bạn đang gặp khó khăn mà không cần đòi họ phải trả lại.  Có lắm trường hợp người mượn thấy bạn tốt quá, họ đem trả lại đầy đủ số tiền đã mượn cộng thêm quà cám ơn (?)

– Nếu “sợ bạn giận” không phải là vấn đề, hoặc vì số tiền mượn khá lớn, bạn có thể đề nghị với người mượn nợ một lãi xuất thật thấp dễ trả và một giấy nợ với chương trình và hạn định trả tiền thong thả cùng với chữ ký của đôi bên và người chứng có thị thực (notorized) để sau này nếu “tình nghĩa đôi ta chỉ thế thôi” thì bạn có thể đưa vụ nợ ra tòa hay it ra có thể khai “tổn thất” vì nợ xấu (non-business bad debt) với sở Thuế Vụ (có thể khai tổn thất tối đa $3,000.00 một năm).  Nợ xấu mà không có giấy tờ thì đành chịu (totally worthless).  Nhiều khi bạn đề nghị cho mượn tiền loại có giấy tờ thị thực chữ ký này thì người mượn tiền đã từ chối rồi. Cũng đỡ phải đau đầu về sau.

Đã cho vay rồi, đến kỳ hạn phải thanh toán mà không thấy người mượn trả tiền lại, bạn đành phải đi đòi khoản nợ “không được phân loại là thương vụ / business” là cả một vấn đề lớn chứ không phải chuyện đùa.  Với người tử tế thì phải dùng cách nhẹ nhàng, thân tình, ngọt ngào.  Đối với kẻ thô lỗ, có ý muốn giựt / quỵt luôn số tiền mượn thì mình phải dùng biện pháp thô lỗ mạnh bạo hơn.

Người tử tế có thể dễ dàng quên món nợ mà họ mượn mình vì có thể số tiền nhỏ.  Mình chỉ cần nhắc khéo bằng cách “hỏi mượn ngược lại” chẳng hạn như:

“Tui muốn mua cái Mivrowave Oven giá $175.00.  Tôi kẹt tiền quá.  Bạn có thể cho tui mượn ít tiền được không?”

Đối với con nợ thuộc loại tào lao, nên đòi nợ bằng cách gọi điện thoại hay gởi “email” trực tiếp.  Nếu cần có thể “copy” cái “email” đòi nợ cho đám bạn cùng nhóm, thân nhân hay sếp của người mượn. Trường hợp tối hậu có thể phải hăm dọa đưa con nợ ra tòa hay nhờ các cơ quan đòi tiền chuyên nghiệp đòi tiền giúp cho bạn.  Ở Tây Ban Nha có công ty tư đòi tiền dùm tên là “El Cobrador Del Frac.” Công ty này có 250 nhân viên mặc đồng phục có bảng hiệu đòi nợ rõ ràng.  Nhân viên đòi nợ của hãng phải có tướng tá nhìn rất ngầu.  Công ty này chuyên đi đòi tiền nợ  các thương nghiệp.  Họ đến các các cửa hàng của con nợ, cứ ngồi ì ở đó vời bảng hiệu đòi nợ làm cho thương nghiệp mất khách, mất thể diện.  Họ chỉ đi khi con nợ đồng ý trả tiền cho chủ nợ; hoặc đã giúp các chủ nợ đạt được một thỏa thuận nào đó với con nợ thì mới thôi.  Ở Việt Nam bây giờ, chính phủ, hệ thống tư pháp, và cảnh sát công an chỉ tìm mọi cách quấy nhiễu dân chứ không màng gì đến việc duy trì an sinh và sự công bằng trong đời sống của dân cho nên các con nợ tha hồ “xù” nợ…  Các chủ nợ nhiều khi đành phải nhờ đến các nhóm băng đảng, “xã hội đen” chuyên nghiệp đi đòi nọ xấu.  Đây là “nghiệp vụ” duy nhất làm việc “overtime” ở Việt Nam.  Các băng đảng của xã hội đen còn thi hành các “phi vụ” với giá khuyến mãi, giá “hữu nghị” loại “mua một tặng một” (buy one get one free!); Họ không ngần ngại xin con nợ tí huyết để làm bằng chứng nghiệp vụ (?!)  Hãi thật!

 

Lời cuối

Vấn đề lớn của ngày hôm nay là nhiều người có khuynh hướng xài tiền nhiều hơn tiền họ kiếm được: Ở nhà to đẹp, lái xe đắt tiền, sở hữu những cái mà họ không nên có ngay từ lúc đầu.  Đến khi gặp khó khăn về tài chánh (như mất việc, bịnh hoạn, ly dị,…) họ vẫn muốn giữ lối sống tốn kém xa hoa như ngày trước thành ra phải đi mượn tiền. Sau đây người viết xin mạo muội đưa ra một vài đề nghị hoàn toàn dựa trên kinh nghiệm cá nhân.  Nếu quý vị đọc thấy không ổn thì cũng xin bỏ qua, đừng bận tâm làm chi cho mệt xác:

– Luôn luôn nên dùng tiền mặt, nếu có thể, thay vì dùng thẻ tín dụng.  Với cách này mình sẽ thấy đích thực bao nhiêu tiền thật mình đang có và đang xài.  Dùng thẻ tín dụng quá dễ dàng, vung vít đến khi “hóa đơn / statement” cuối tháng về thì mới té ngửa, tá hỏa vì không đủ tiền trả.

– Luôn luôn cố để dành một số tiền nhỏ mỗi tháng, không ít thì nhiều, dành cho ngày mưa ngày nắng.

– Bằng lòng vui sống với những gì mình đang có; không mơ tưởng tới những gì mình phải có: Nếu cái xe cũ còn chạy mạnh giỏi thì không nên mua xe mới.  Dành một ít tiền tu bổ nhà cửa cho khang trang để mình có thể nghỉ hè ngay trong căn nhà của mình, không cần phải đi đâu xa cho tốn kém!

– Khi đi mua sắm, mỗi khi định mua món gì đắt hay rẻ, thử tự hỏi xem mình có thực sự cần nó hay không? Hay chỉ mua vì già rẻ (Sale price!).

– Nếu cần tiền thì cứ đi ra nhà băng mượn; có như thế mới giữ được tình bạn và tình gia đình luôn luôn êm thắm.

– Sống đời cần kiệm thì không bao giờ phải hỏi bạn bè hay thân nhân mượn tiền.

 

Sau cùng, đừng có mất công than van là không có ai quan tâm hay nhớ đến mình…  Cứ mượn bạn bè một ít tiền là thấy ngay hà!  Họ (chủ nợ) không bao giờ quên bạn đâu (đừng tưởng bở)… Ngược lại muốn có trí nhớ tốt (không bị “ao dai mơ”) thì cứ cho bạn bè mượn ít tiền.  Một khi mình được làm chủ nợ thì tự nhiên sẽ nhớ dai lắm.

 

Vài lời thô thiển.

 

Trần Văn Giang

20 tháng 7, năm 2016

LendingMoney

Cho Người Quen Mượn Tiền – Trần Văn Giang

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *