Hội Hoa Anh Đào / Họp mặt Khóa 10

Tại miền Đông Bắc Hoa kỳ năm 2018

.

(Hội Hoa Anh Đào Washington DC)

 

Lời ráo đầu

 .

Chỉ cần nghe qua câu “Họp mặt kỷ niệm năm thứ 50 nhập học /  46 năm sau khi ra trường” thì học trò Khóa 10 (K10) khó có thể nói dối về tuổi tác của mình.  Với một bài toán nhỏ là đủ biết tuổi của K10 đang cỡ “senior citizens” nào?…

.

Tuổi già kể cũng có chuyện để nói, y như chuyện của cái máy bay đang bay giữa cơn giông bão:  Một khi mình đã ngồi trong đó thì đành chịu thôi; chẳng làm gì được hơn – Như anh chàng ca sĩ Don Hồ mới đây đã tuyên bố với báo chí là anh ta rất sợ tuổi già vì e rằng sẽ bị bà con ta gọi là… “Boác Hồ” thì bỏ hút.  Thôi thì đành chịu trong hoàn cảnh “Cuốn theo chiều gió” (“Gone with the wind”).

.

Người Mỹ họ nói “tuổi già” mới là “Tuổi vàng son” (“Golden age!”)  Nói như vậy có lẽ họ nghĩ khi về già mới là lúc có tiền, thời giờ và cơ hội làm những gì mình muốn làm…  Tôi thì lại không nghĩ như vậy.  Qua kinh nghiệm bản thân, tôi chẳng thấy có cái gì gọi là “Golden” hết trơn hết trọi.  Trường hợp điển hình của tôi, đang tự nhiên lương hưu trí (“retirement income”) của tôi chỉ còn 39% so với lương lúc còn đang đi mần thì tìm lấy tiền đâu ra mua vàng (và son?) cho vợ.  Họ còn nói “Tuổi già là biểu tượng của sự hiểu biết và khôn ngoan?!”  Xét kỹ ra, tôi thấy lại càng sai bét!  Vào lúc tuổi già chẳng những đầu óc lú lẩn, lẩm cẩm, tay chân quờ quạng hơn lúc tuổi còn 20, 30, 40, 50… Nhất là khi phải đụng đến chuyện “computer,” các vấn đề liên quan đến “high tech” là phe ta cứ phải nhờ đến đám con, đám cháu nhẩy vào mần dùm.  Thế thì làm sao có thể bảo là khôn ngoan hơn lúc tuổi còn trẻ (?).  Bác nào vẫn còn chưa tin thì cứ việc hỏi thử “bảo mẫu” ở nhà là biết ngay tình trạng gọi là “vàng son, hiểu biết và khôn ngoan” của mình đang ở ngã ba hay ngã năm nào!  

.

Ngoài ra, vào cái tuổi 20, 30, 40, 50 mình còn có nhiều chuyện ngon lành đáng để “ăn mừng” (celebrating) như: Mừng mới tốt nghiệp ra trường, mới cưới vợ, mới mua nhà, mới có con… ở cái tuổi chợ chiều (trên dưới 7 bó) còn lại gì mà “ăn mừng” nữa nè chời?  “Ăn mừng đám cưới 40 năm?” thì cũng giống y hệt như “Ăn mừng đám cưới 30 năm” thôi, bởi vì mình thấy mặt bà vợ (hay ông chồng) mỗi ngày thì có gì gọi là mới lạ hay hưng phấn nữa hà?!…  Có lẽ chỉ còn lại cái “Mừng họp mặt bạn sau 46, hay 56 năm” là còn chút màu sắc, xáo động và ý nghĩa (?).  Thôi có sao xài vậy; lại y như cái máy bay đang tà tà lướt đi trong cơn giông vậy…

.

.

Những lời đầu tiên phải là lời cảm ơn mợ Trần Thị Sâm ở Maryland.  Mợ là người khởi xướng lên cái vụ “Họp mặt 50 năm” tháng 4 ở Miền Đông Hoa kỳ, vào đúng dịp “Hoa Anh Đào nở rộ” (Cherry Blossom) ở Washington DC.  Trong lúc các bạn đang sắp xếp lịch trình lấy vé máy bay, thuê khách sạn thì đùng một cái, vì tình trạng sức khỏe – “bờ vai gầy thanh thanh” bên phải của mợ Sâm tự dưng sinh chứng, lên cơn đau chịu hết nổi, phải lấy hẹn đi mổ cấp kỳ.  Tự lượng sức (một cánh tay sẽ bất khả dụng!) không cáng đáng nổi chương trình họp mặt khá phức tạp, mợ Sâm phải đành lòng tuyên bố xin hủy bỏ dự tính họp mặt có một không hai (102) này.  May quá, K10 nhờ ăn ở hiền lành, trời còn thương.  Như “Có tinh dzui chong dzờ tiệc dzọng…”  (sẵn sàng vô 6 câu vọng cổ), anh Nguyễn Văn Đạt của K10 đang sống ở gần đó – North Carolina – tình  nguyện đứng ra giữ cái lửa “họp mặt” tiếp tục cháy cho trọn vẹn.  Mọi việc rồi lại đâu vào đấy, lại xúc tiến như mợ Sâm đã dự định.  Anh Đạt xứng đáng được lãnh “Huy chương HCM hạng nhất” vì đã đã “tìm ra con đường kíu nước (lào?)

.

Sau khi một vài thành viên K10 dù trước đó đã tuyên bố tuyên mẹ xin tham gia nghe chắc như đinh đóng cột nhưng đến đúng kỳ hạn thì lạnh cẳng? (hay tài tử bị “bảo mẫu” rút giấy phép hành nghề vì vi phạm luật giao thông – trespassing – nhiều lần, ai mà biết được?) phải rút dù vào phút cuối.  Tôi đếm được 15 nhân mạng K10 “lên chương trình” (so với 17 người của cuộc họp mặt lần trước tại San Jose năm 2008).  Buổi họp mặt chính thức sẽ là 2 giờ chiều ngày Thứ sáu 4/6/2018 tại “lâu đài tình ái” của mợ Trần Thị Sâm và người tình trăm năm Nguyễn Tịnh.  Các chương trình phụ sẽ tính sau, tới đâu hay tới đó – “Que sera sera!

.

.

Ngày Thứ Năm 4/5/2018

.

Tính đến sáng ngày thứ năm 4/5/2018, các bạn K10 đã bay đến Washington DC gần đủ số rồi.  Bạn Nguyễn Văn Đạt (Event-In-Charge) dự tính là cả nhóm K10 sẽ cùng nhau đi “Dinner Cruise” buổi tối nhưng vì thời giờ sắp xếp quá cấp bách và có vài bạn chưa đến kịp (Chính, Giang, Tùng Buông, Dũng…) cho nên đành phải hủy bỏ chuyến đi “Cruise” trên sông Potomac lịch sử… Tuy nhiên, gia đình Nguyễn Công Danh, Mã Hoàng Việt, Trần Duy Chế, vợ chồng Hồ Tấn Hùng, Lê Xuân Thú và Nguyễn Đình Tuấn vì đã bay đến Falls Church, Virgina từ đầu tuần, do đó đã được bạn Phạm Văn Hánh, dân địa phương, cũng là thổ công vùng DC / Virginia, đưa đi xem “hội Hoa Anh đào” ở Washington DC vào sáng ngày thứ năm 4/5/2018 đã đời. Tiện Đây cũng xin cảm ơn bạn Phạm văn Hánh về việc đã phải xin nghỉ làm cả tuần lễ để đảm trách việc đưa đón rất nhiêu khê và căng thẳng ở vùng DC của các đồng chí “cao cấp bộ chính chị TW” K10 đến từ vùng xa. 

.

Riêng hai cha con tôi bay đến Maryland chiều ngày 4/5/18; được chị Trần Kiều Nga và phu quân Toại đón tại Dulles Airport cho nên lỡ dịp ngàn năm một thuở đi xem “hoa anh đào nở rộ” (Cherry Blossom) ở DC… Chị Nga anh Toại dự định thả cha con tôi tại khách sạn vì có chuyện riêng phải đi ngay, nhưng vì nghe anh em K10 mới vừa “cỡi ngựa xem hoa” Anh đào nở trở về, đang tụ tập tại một nhà hàng “buffet” Việt Nam gần đó để tổng kết tình hình, anh chị Nga – Toại đổi chương trình, chở cha con tôi cùng đến tham dự buổi “Dinner Buffer” tiền hội ngộ này cho vui vẻ cả nhà.  Tại đây, tôi gặp bạn Trần Trung Chính cũng vừa bay đến từ Denver; nghe nói bạn Chính bay đến DC trễ vì bị “cao đường” ngủ quên ở phi trường Denver rồi lỡ chuyến “connection flight…” Như vậy chỉ còn có 2 bạn Nguyễn Tùng Buông (đang còn đi theo New York Tour chưa xong) và bạn Lê Trí Dũng (được gia đình em gái đón về nhà ở Alexandria) là chưa có mặt để hội đàm sơ khai tại quán “buffet” có đồ ăn được chị Nga xếp hạng “One Star” (Một sao vàng Phúc kiến) (sic)…

.

    (K10 đi xem hoa anh đào ở DC)

.

Sau buổi “buffet” tối và tọa đàm xùi bọt mép gần muốn xỉu, cha con tôi được chị Nga và anh Toại đưa về khách sạn ở Gaithersburg MD vào khoảng 9:30 tối. Thằng con trai tôi (mới lên 18 tuổi được đúng tròn 1 ngày) cứ thấp tha thấp thỏm sợ là khách sạn họ có “cut-off” time không cho cha con “check-in” trễ thì cha con sẽ bị “homeless?!” Đúng là tuổi còn trẻ thiếu kinh nghiệm; Chỉ lo bò trắng răng!

.

.

Ngày Thứ Sáu 4/7/2018

 

Sáng ngày thứ Sáu 4/6/2018, sau khi dằn bụng với một bữa ăn sáng hết xẩy của khách sạn – gọi là “free breakfast” nhưng thực ra mình đã trả tiền cho họ đầy đủ từ trước rồi còn gì! – Cha con tôi đáp một chuyến “Lyft taxi” dài 25 phút (tốn chỉ có $US32.00, nếu tính ra tiền bác Hù thì hơi khẩm!) từ Gaithersburg MD lên trung tâm Eden ở Falls Church, Virginia lúc 9:00 sáng. Nên biết, đây là Trung tâm thương mại lớn nhất của cộng đồng người Việt hải ngoại ở miền Đông Hoa kỳ. Trung tâm là cơ sở lớn với vô số hàng quán, bãi đậu xe rộng thênh thang… nhưng vì còn quá sớm (mới 9 giờ sáng) cho nên quang cảnh vắng như chùa bà Đanh: hoàn toàn chưa có hàng quán nào mở cửa cả (?)

.

Đến 11 giờ, một xe mini-van của Marriot Hotel chở phái đoàn quân chính quy K10 gồm gia đình Nguyễn Công Danh, gia đình Lý Bạch Lang, Nguyễn Đình Tuấn, Mã Hoàng Việt, Trần Duy Chế, Lê Xuân Thú, Trần Trung Chính đến hội ngộ tại tiệm phở Hải Dương trong Trung Tâm Eden để cùng nhau ăn trưa… Vợ chồng bạn Nguyễn Văn Đạt cũng lên lạc qua điện thọai, lái xe đến tiệm phở Hải Dương ngay sau đó.

.

Sau bữa ăn trưa, bạn Danh và Lang đi lấy thêm “rental cars” để có đủ phương tiện chuyên chở cho cả phái đoàn; hẹn gặp nhau tại Marriot Hotel, Falls Church, rồi cùng nhau đến phó hội chính thức của buổi “Họp mặt Khóa 10 2018” tại nhà mợ Sâm lúc 2 giờ chiều theo đúng như dự định.

.

Trong lúc tháp tùng theo xe (mướn) của bạn Nguyễn Công Danh, phom phom ngựa phi đường xa trên xa lộ, lòng vòng đường bên trong (surface streets) mút mùa mới đến tiệm của mợ Sâm và anh Tịnh, tôi sáng tác vội một bài thơ-con-cóc-bỏ-túi loại “mì-ăn-liền” sau đây để mời các bạn đọc cho đỡ nản, câu giờ chờ tới kẻng:

.

Wow!  I can’t wait since we’ve set the date,

Our fiftieth gathering is coming, I’m reminded.

It’s surely going to be a crowd, and we’ve been given the place

Where else?  At Sis’ Susan’s home sweet home for the excited.

 

For my part, upgrades have been made on my hearing aids,

My meds have been filled a mass,

My pepper-and-salt hair were neatly clipped, and my false teeth got re-adjusted,

And I even brought a new pairs of reading glasses.

 

By the fiftieth year, it is certain,

We were definitely over the hill.

Most of us, who still have to live with some nagging pain,

And constantly check time for abundant pills…

(K10 Class Reunion in Washington DC – 4/2018)

.

Quá 2 giờ chiều một chút, tại nhà mợ Sâm, lần lượt đã có mặt đầy đủ ban tạp lục tùm lum trọn bộ gồm 15 cựu sinh viên K10 – lúc này có thêm Phạm Văn Hánh, Lê Trí Dũng và Nguyễn Tùng Buông. Quang cảnh tự dưng ồn ào náo nhiệt không kém gì chợ cá Trần Quốc Toản Saigon. K10 vội kịp thời điểm danh và… chụp hình túi bụi, loạn xà bần.

.

Dầu gì, “Lâu đài tính ái” của mợ Sâm và người tình trăm năm Nguyễn Tịnh quá lý tưởng cho việc họp mặt K10: Nhà gạch đỏ, tường cao cửa rộng, vườn trước vườn sau xanh tươi bát ngát. Thằng con tôi còn hí hửng chụp được vài tấm hình mấy chú nai vàng ngơ ngác đạp trên lá vàng khô sau vườn nhà mợ; loại nai thật còn sống nhăn răng, hàng ngày rải “brown snow” tứ tung thiên địa quanh nhà mợ, chứ không phải loại “khô nai” nằm trong thùng vẫn thường thấy ở tiệm “Vua khô bò” đâu. Thằng con rất hãnh diện “tải” cấp tốc lên “Instagram/Snapchat” để khoe với bàn bè lấy tiếng. Cảm ơn chị Sâm và anh Tịnh và đã có nhã ý cho “mượn” cửa tiệm quá ấm cúng làm điểm gặp mặt lịch sử 50 năm này.

.
Việc chụp hình và “đóng phinh” do đạo diễn chuyên nghiệp Phạm Văn Hánh phụ trách. Máy “chớp” rất “cơ khí” của bạn Hánh được dịp nháy loạn cào cào. Bạn Hánh còn hứa sẽ gởi mỗi bạn K10 môt CD gồm các hình ảnh then chốt của buổi họp mặt hoa đào 2018. Tuyệt chiêu!

.

Theo thứ tự từ trái sang phải (nhìn thấy y chang như trong hình kèm dưới đây) tôi ghi lại sự hiện diện lịch sử của K10:

.

 

(K10 chụp trước nhà chị Trần Thị Sâm)

 

  1. Mã Hoàng Việt (Thủy Lâm – mới đến từ Việt Nam)
  2. Nguyễn Văn Đạt (Súc Khoa – North Carolina)
  3. Phạm Văn Hánh (Canh Nông – Virginia)
  4. Lê Trí Dũng (Canh Nông – California)
  5. Nguyễn Đình Tuấn (Canh Nông – Texas)
  6. Trần Kiều Nga (Canh Nông – Maryland)
  7. Nguyễn Tùng Buông (Canh Nông – California)
  8. Nguyễn Công Danh (Thủy Lâm – California)
  9. Trần Thị Sâm (Canh Nông – Maryland)
  10. Hồ Tấn Hùng (Canh Nông – Úc đại lợi)
  11. Lý Bạch Lang (Canh Nông – California)
  12. Trần Trung Chính (Canh Nông – California)
  13. Lê Xuân Thú (Canh Nông – Texas)
  14. Trần Văn Giang (Canh Nông – California)
  15. Trần Duy Chế (Canh Nông – Texas).

.

Về ngoại hình, tôi thấy mọi người nhìn còn tương đối khỏe mạnh, đi lại vững vàng (ngoại trừ bạn Nguyễn Văn Đạt bây giờ tay phải mang nạng, tay trái kèm thêm cây “đả cẩu bổng”; và bạn Nguyễn Tùng Buông bị “gravity effect on human body” trì kéo sao đó (?) dáng đi hơi khòm lưng).  Mọi người vẫn còn nhận ra nhau dễ dàng dù đã có đến 4 cái đầu bạc trắng như tiên ông – Tuấn, Hánh, Thú và Việt.  Nhà hàng “Ngàn sao” Sâm-Tịnh đã sửa soạn một bữa ăn với thực đơn dài – “Ăn chơi ngon hơn ăn thật” còn “hơn cả tuyệt vời” (nói theo chữ nghĩa mới của ‘vi-xi’): Từ các món khai vị đến cơm tối và tráng miệng rất thịnh soạn.  Thức ăn thật gồm thịt “Filet Mignon” ướp gia vị, cuộn và nướng lò, cá Thu (salmon) nướng, măng tây luộc, salads, bánh mì, croissants, bánh ngọt, chè đậu; thức uống gồm rượu chát đỏ, bia, nước ngọt thả dàn…  Không phải vì muốn “đại ngôn, quy nạp phóng đại” nhưng tôi phải thành thật, khiêm nhường nói là: Tôi và đám thuyền nhân tị nạn cộng sản khố rách áo ôm ngày nào mà được dịp “hủ hóa” cỡ này thì…  thiên đàng chắc cũng chỉ đến thế thôi.  Mọi người thấy Mợ Sâm dù còn đang là “độc thủ đại hiệp” (một cánh tay phải vừa mổ còn phải quấn băng và treo tòng teng trước ngực) mà bày biện cơm nước thịnh soạn như vầy thì anh Tịnh chắc phải “worked overtime” mệt nghỉ luôn mới có được bữa ăn “hoành tráng” như vầy.

.

Trong khi vừa đánh vừa đàm, tôi ghi nhanh những câu chuyện mới cũ nổi bật của từng cá nhân một theo trí nhớ loại đã quờ quạng, mấp mí “Ao-dzai-mơ” (“Alzheimer”) (không nhất thiết phải theo thứ tự thời gian tính; thực ra tôi xếp theo y chang như thứ tự mà K10 xếp hàng điểm quân nhìn thấy trong hình kèm ở trên) như sau:

.

* Xin lưu ý: Mặc dù cố gắng hết mình, các chi tiết sau đây đươc viết theo trí nhớ của ông già 70 tuổi (?) chắc chắn có nhiều chỗ sai sót và “mixed-up.”  Cũng trong các chi tiết này, nếu chỗ nào tôi cảm thấy (subjective, of course) quá personal / graphics và liên hệ đến nhân vật thứ 3 không có mặt tại chỗ để kiểm chứng “đúng-sai” thì tôi sẽ không ghi lại đầy đủ (chỉ ghi đại khái qua loa chiếu lệ thôi)… để tránh làm phiền hàng xóm đang cần sự yên lặng nghỉ ngơi.

.

  1. Mã Hoàng Việt (Thủy Lâm)

.

.

Mã Hoàng Việt là một đại gia ở Việt Nam.  MHV cho biết đã bán đi 2/5 số tài sản đầu tư ở VN (còn lại 3/5 thì chuyển lại cho con), đang xin đi định cư vĩnh viễn ở Hoa kỳ để được tư bản có dịp tha hồ mà bóc lột mệt nghỉ. Về gia cảnh, MHV hiện đang ở trong tình trạng độc thân tại chỗ vì bà xã Bé Năm vừa mất vào tháng 11/2017 sau một cơn bệnh khá dài. 

.

Bạn MHV cho biết khi vợ qua đời, trong các lời chia buồn gởi đến cho Mã đại gia có một lá thư loại “tìm bạn (cũ) bốn phương” đại khái nội dung như sau:

.

“Anh Việt. Em là C. đây.  Em xin chia buồn với anh.  Chồng em cũng vùa mất.  Em đang sống với một thằng con trai ở Úc.  Nếu anh có rảnh thì mời anh sang Úc thăm và ở nhà em.  Thằng con trai em đã vào đại học rồi thành thử chỉ có anh và em ở nhà.  Mình muốn làm gì thì làm…”

..

Mã đại gia vốn là dân chơi cầu ba cẳng chân không run ngày nào, không bỏ lỡ cơ hội trời cho, hỏi tới luôn để lấy thêm “thông tin” rồi sẽ sau này tùy cơ ứng biến là:

.

“Em nói ‘Muốn làm gì thì làm’ là làm cái gì?”

 

Người đẹp tên C. trả lời là ngon ơ:

 .

“Thì em đã nói rồi: Mình muốn làm gì thì làm…”

 .

Hết biết!

.

Tôi và Mã đại gia còn có một chuyện nữa để viết ra ở đây.  Hồi ra trường năm 1972, MHV và các bạn cùng khóa sinh năm 1948 (như Trần Duy Chế, Tiền Quốc Cơ, Phạm Văn Hánh, Nguyễn Văn Nhanh, Lê Xuân Thú, Hồ Tấn Hùng…) bị động viên theo học khóa sĩ quan tại trường Đồng Đế / Nha Trang mà lúc đó ông bố vợ tôi là Chỉ Huy trưởng.  Khóa học chỉ có 4 tháng mà Mã đại gia bị tù 1 tháng quân kỷ vì tội đánh bạc (?) thì làm sao ra trường Chuẩn úy được?  Mã đại gia phải nhờ anh An (Khóa 4?) dẫn vào cửa sau để năn nỉ (?) ông già vợ tôi…  Mọi chuyện có “Happy Ending” – MHV ra trường mang lon Chuẩn Úy mạnh giỏi…  Thời nào cũng vậy, nhờ có quen biết cũng khác!

.

  1. Nguyễn Văn Đạt (Súc Khoa)

.

.

Bạn Nguyễn Văn Đạt là một người tài cao học rộng, hiểu biết, có nhiều kiến thức tổng quát rất kỳ lạ.  Trong nhiều hoàn cảnh khác nhau, NVĐ luôn luôn sẵn sàng giúp đỡ anh em K10 về phần thông tin thực tiễn rất có lý. NVĐ được anh em K10 thương mến.  NVĐ là một “Perfect Organizer” (như chị Nga đã chấm điểm) của lần họp mặt này…

.

Sau khi học xong Kỹ sư Súc khoa năm 1972, NVĐ đi du học ở Florida, tốt nghiệt Tiến sĩ về Sinh học, làm CEO của một hãng Bio-Chem ở North Carilona.  NVĐ nay đã về hưu.  Vợ anh Đạt cũng vừa mất không lâu. Trong tháng 3/2018, anh Đạt có dịp về thăm vùng Nam California và anh em Canh Nông vùng Nam Cali hẹn cùng gặp NVĐ tại nhà bạn Nguyễn Công Danh ở Aliso Viejo Orange County để nhậu cho vui.  Sau khi được thông báo về thời giờ và địa điểm, NVĐ “text” cho Danh:

.

“Tôi sẽ đến cùng với bà xã.”

.

Bạn Danh hoảng hồn “reply” ngay là:

.

“Ủa! Hình như bà xã Đạt vừa mất mà.  Đây có phải là bà xã mới hay không?”

.

NVĐ trả lời:

.

“Đúng vậy.  Đây là bà xã mới.”

.

Thì ra là vậy.  NVĐ cho biết là anh gặp chị Giáng Vân sau khi bà xã mất.  Chi Vân là một người tốt, lo lắng từng li từng tí cho NVĐ trong chuyến họp mặt này.  Kể ra anh NVĐ cũng may mắn có phần an ủi rất hiếm vào lúc cô đơn, tuyết lạnh ác nghiệt miền Đông Hoa kỳ…

.

  1. Phạm Văn Hánh (Canh Nông)

.

 

.

Cách đây 3-4 năm bạn Phạm Văn Hánh có thằng con trai lớn lấy vợ ở vùng San Diego – Nam California trong hoàn cảnh nan giải: Cả hai họ trai gái đều có rất ít thân nhân.  Ngoài ra, họ nhà gái là ngưởi Việt gốc Củ cải muối, không nói rành tiếng Việt.  Phe ta K10 ở Nam California liền được mời nhẩy vô cứu bồ:  Bạn Nguyễn Công Danh là đại diện cho nhà gái, Trần Văn Giang và Lý Bạch Lang làm đại diện cho nhà trai.  Kết quả đám cưới đẹp diễn tiến tốt đẹp (một lần nữa ‘còn hơn cả tuyệt vời’).  Bạn PVH đã có thêm 2 cháu nội rồi.

.

Bạn PVH hiện sống bằng nghề “Information Technology” (IT) giống… tôi.  Nếu các bạn K10 có thắc mắc bất cứ cái gì về “IT – kỹ thuật số” mà ngại hỏi con hỏi cháu (hay tụi nó đang bận chơi game!?) thì cứ “liên hệ” bác Hánh (tui còn đang bận nha!).  Dĩ  nhiên là “free of charge.”

.

 

  1. Lê Trí Dũng (Canh Nông)

.

.

Tôi biết bạn Lê Trí Dũng từ lúc còn theo học lớp Toán-Lý-Hóa luyện thi Tú Tái II của GS Nguyễn Văn Kỷ Cương và GS Trần Thế Hiển tại trường Văn Học Saigon của những năm 1967-68, tức là trước khi vào trường NLS Saigon.  Thật ra trong lớp luyện thi này, tôi còn nhận diện ra, tạm gọi là từ buổi tiền-họp-mặt, các bạn Trần Trung Chính, Vũ Duy Tiến, Nguyễn Thiện Căn, Ngô Cẩm Tú và Chung Thị Kim Liêm.  Bạn LTD còn học chung lớp Đệ Nhất ở Pétrus Ký với một người bạn thân và sau này là em rể của tôi.

.

Hình như K10 (“bù chấc” như trong bàn “bài ba lá”) là khóa học xui xẻo nhất trường CĐNLS Saigon: Bạn Hà Xuân Tiểu bị chết đuối năm 1969 lúc đi thực tập năm thứ nhất; và có tới 12 (?) bạn sinh viên K10 cuối năm thi bị rớt không lên năm thứ 2 – Tôi không thấy SV khóa 9 nào “lên” lớp K10 cả mới lạ (Hay có mà tôi không biết?) – Tôi chỉ nhớ tên các bạn Lê Trí Dũng, Lâm Đắc Thắng, Vũ Đình Thục… bị rớt (Riêng Nguyễn Phụng Thoại rớt năm thứ 2 lên năm thứ 3).  Bạn LTD rớt năm thứ nhất và không còn hợp lệ hoãn dịch vì lý do học vấn cho nên phải nhập ngũ sĩ quan Không quân.

.

Tuy chỉ học 1 năm Canh Nông, nhưng bạn LTD có “bộ nhớ” rất tốt, còn nhớ rõ từng người của K10; đồng thời bạn cũng tiếp tục gắn bó với các sinh hoạt của gia đình Nông Nghiệp hải ngoại.

.

 

  1. Nguyễn Đình Tuấn (Canh Nông)

.

.

Mọi người, nhất là mợ Sâm, vẫn gọi bạn Nguyễn Đình Tuấn là “Thầy Sáu” (Deacon).  Nhân dịp này bạn NĐT đi một đường thanh minh thanh nga luôn thể:

.

“Tui có tham gia một số mục vụ (‘ministries’) của nhà Thờ, nhưng tui không (chưa) phải là Thầy Sáu. Mợ Sâm gọi tui như vậy là muốn chọc quê tui thôi!”

.

Như đã biết từ các buổi họp mặt lần trước, NĐT và một Hoạt Náo Viên rất có duyên (loại certified MC) không thể thiếu mặt trong các buổi họp mặt K10.  Mỗi lần phát ngôn, “Thầy Sáu” NĐT làm anh em K10 cười đến gần muốn gọi 911 để yêu cầu “medical assistance” – Tím cả chiều hoang biền biệt…

.

Lần này, NĐT còn đem theo hai chữ “bảo mẫu” mới toanh vừa chế ra.  Tôi thấy anh em K10 dùng 2 chữ này luôn miệng:

.

“Đi xa thấy nhớ mẹ hiền (aka ‘bảo mẫu’)

Về nhà mới thấy mẹ hiền… như ma.”

(NĐT – theo kinh nghiệm bản thân)

.

Theo dự định, NĐT đã có “booked” cho “bảo mẫu” đi theo để K10 có dịp thấy dung nhan mùa Xuân của Thím; nhưng vào giờ chót, con gái bạn NĐT sinh con nên “bảo mẫu” phải ở lại bám trụ.  Có lẽ “bảo mẫu” cũng tiếc là mất dịp cầm cái “Remote Control” bấm điều khiển NĐT lúc đang đàn chọc anh em quê K10, không chừa một ai!?

.

 

  1. Trần Kiều Nga (Canh Nông)

.

 

.

Khỏi phải nói thêm cho tốn “oxygen” vì “the record speaks for itself,” chị Nga là người học giỏi nhất của ban Canh Nông K10.

 

Nhiều chuyện tình người ta chỉ thấy trong phim bộ Việt Nam hay Hàn quốc; nhưng chuyện tình của Chị Nga với anh Toại đã chứng minh cho mọi người thấy là không phải chỉ phim bộ mới có chuyện tình ly kỳ, khó tin (mà có thật).  Chị Nga là người rất ít nói; nhưng hôm nay, câu chuyện tình “bây giờ mới kể” của chị, theo tôi, là lý thú nhất của buổi họp mặt “Hoa Anh Đào K10 -2018.”  Lời nói của chị Nga đôi khi làm mọi người giật nẩy mình, tỉnh ngủ, chưng hửng…

.

Đầu tiên chị Nga nói:

.

“Đối với anh Toại, tui cũng như một ‘Con Chó’ vậy.”

.

Mọi người nghe hết hồn, ngẩn tò te vì nghĩ 2 chữ “Con Chó” bình thường trong văn nói là tiếng người bình dân dùng chỉ để mạt sát người một nào đó.  Trường hợp chị Nga – anh Toại thì lại không phải như vậy.  Chị Nga giải thích thêm chi tiết để 2 chữ “Con Chó” được hiểu rõ ràng, sáng tỏ hơn:

.

“Anh Toại đi đâu là tui đi đó, y như con chó đi theo chủ vậy.  Đã 4 lần (?) tui bỏ hết tất cả những gì tui đang làm để đi theo anh Toại…  Lần đầu vào năm 1967 khi tui và anh Toại đang du học tại Tân Tây Lan.  Anh Toại đi học từ năm 1961, đã hoàn tất xong việc học, phải về trở nước làm việc.  Tui đang học năm thứ nhất cũng bỏ Tân Tây Lan luôn, đi theo anh dzìa Việt Nam – và sau đó “vô ngang” học năm thứ 2 trường Cao đẳng NLS Saigon  –  Đến năm 1973, anh Toại được cấp học bổng Fullbright (The Fulbright Program) đi học Cao học ở Hoa kỳ.  Lúc đó tui đang dạy ở trường Cao đẳng NLS và tui cũng xin được một học bổng đi Hoa kỳ; nhưng luật VNCH không cho 2 vợ chồng xuất ngoại du học cùng một lúc; thành ra tui phải chạy vội vàng về quê ở Long Xuyên nhờ người trong gia đình và người quen giúp tui làm giấy ly dị với lý do ‘lấy nhau lâu rồi mà không có con.’  Lấy giấy ly dị vừa xong thì cs chiếm miền Nam; thành ra tui tự tìm cách chạy qua Mỹ đoàn tụ với anh Toại (đã đi học từ 1973).  Ở Mỹ tui học Ph. D. về Canh nông ờ miền Đông sắp xong thì anh Toại có việc làm tốt ở Ohio; tui lại phải bỏ Ph.D. program để đi theo anh Toại. Cũng may, trường học thấy tui học gần hoàn tất Ph. D. rồi cho nên hiểu hoàn cảnh, chấp thuận cấp bằng cho tui luôn…  Tui làm Professor ờ Ohio State University được 20 năm thì hãng anh Toại làm ở Ohio có vấn đề.  Anh Toại tìm được việc làm mới ở Washington DC; thế là một lần nữa tui lại khăn gói bỏ luôn nghề dạy học ở Ohio để đi theo anh Toại về DC… ”

 .

What a story!  Chuyện tình “Lan và Điệp” này có thể viết thành “Soap opera” cũng kéo dài được vài “twist-and-turm episodes…”

 .

Kể ra, đến đây bà con K10 thấy cũng tạm ổn về 2 chữ “Con chó,” nhưng chưa hết, chị Nga còn phang tới thêm với “bom tấn”(?):

 .

“Bi giờ thì tui cũng như là “Mẹ”của anh Toại dzị!”

 .

Chời đất! Đi từ “Con Chó” của anh Toại đến “Mẹ đẻ” (Mother love?) của anh Toại (văn hóa vi-xi bây giờ gọi tắt 4 chữ “Con Chó + Mẹ Đẻ” thành “Chó Đẻ” cho đỡ tốn giấy) mà không có “si-nhan” (signaling) trước.  Đây phải là một “Bước tiến nhẩy vọt” (Great Leap Forward) chỉ có xì thầu Mao trạch Đông mới mần được.  Anh em K10 lại nhao nhao lên théc méc:

.

“Mẹ anh Toại? Sao kỳ dzậy kà?”

.

Chị Nga, một lần nữa, giải thích thỏa đáng đâu ra đó:

.

“… vì bi giờ tui chăm sóc anh Toại y chang như tui chăm sóc đám con của tui dzậy!”

.

À há! Thì ra là vậy!  Anh Toại và chị Nga có 2 người con đã trưởng thành.

.

Thằng con trai tôi tỉ tê với bố trong lúc trà dư tửu hậu là:

.

“Trong các bạn của bố, con thích nhất là bác Nga.”

.

Tôi hỏi thằng con: “Tại sao vậy?”

.

Tôi cứ đinh ninh là thằng con thích “bác Nga” vì chị Nga (và anh Toại) là người đã cất công đưa đón cha con tôi lúc ra và vào phi trường Dulles trong chuyến đi họp mặt này và cũng là “host” của ngày thứ Bảy 4/7/2018; nhưng tôi ngạc nhiên khi nghe thằng con trả lời là:

.

“… vì khi con đói bụng (nên biết, lúc mới đến nhà chị Nga ngày 4/7/2018, thằng con không ăn được các món ăn chơi Việt Nam được dọn ra vì nó đã quá “Americanized”) và đến hỏi bác Nga có gì cho con ăn không?  Bác Nga nói là: ‘Don’t worry Darling!  I will take care of you!’ ”

.

That’s cause and effects… I supposed.

.

 

  1. Nguyễn Tùng Buông (Canh Nông)

.

.

Nguyễn Tùng Buông lần đầu tiên tâm sự trước đám đông K10 là NTB biết yêu từ năm 15 tuổi. Tính lại một số sổ sách cũ, bạn NTB còn nhanh tay hơn em “đào thương” Lệ Thuỷ tới 1 năm tròn.  “Vọng cổ chi bảo” Lệ Thuỷ nổi tiếng như cồn bắt đầu từ khi ca bài 6 câu vọng cổ “Em biết yêu từ năm 16” với lời của câu đầu tiên được ca nguyên văn như sau:

.

“… Em biết yêu từ năm 16 tuổi nhưng nói ra chỉ sợ mấy anh cười…” (từng… từng)

.

Bạn NTB nói ra thì chẳng sợ ai cười; có người còn thán phục NTB tuổi trẻ tài cao là đàng khác.  Không phải chỉ biết yêu sớm, bạn NTB còn là một nghệ sĩ đa tài: viết văn, làm thơ, làm nhạc, đờn, ca, “bầu show” (tổ chức các buổi họp mặt Nông Nghiệp Bắc California rất xôm tụ).  Nên biết là các “show” của NTB được gia đình Nông Nghiệp hải ngoại hưởng ứng rất nồng nhiệt.  Kể ra, bạn NTB ca rất hay, và nổi tiếng không kém gì em “Lệ Thỉ” cải lương ngày nào…

.

 

  1. Nguyễn Công Danh (Thủy Lâm)

.

.

Nguyễn Công Danh là một trong 2 đại nhân của K10 ở tuổi 70-71 vẫn còn phải thay tã cho con.  Vì vợ còn rất son trẻ năng động cho nên theo luật “Người cày có ruộng,” bạn NCD phải làm việc “overtime” mệt nghỉ mặc dù đã chính thức về hưu non từ năm 62 tuổi rồi.  Hèn gì NCD nhìn giống như cái xe Camry đã chạy 180 ngàn miles (“mileage” hơi cao) cho nên chóng “worn-out” vì luôn luôn chạy “cao tốc” và “quá tải…”

.

NCD và tôi là hai người của K10 đóng trụ tại vùng Bolsa – Little Saigon -Westminster:

.

“Tui có người yêu đến tận ‘Bôn-Sa’ (Bolsa)

Tui có người yêu ở ‘Quách Minh Tưa…’ (Westminster)

(Nhạc nhái bài “Tình ca người mất trí” của TCS)

.

Nhiều bạn K10 có dịp đến “tham quan” vùng “Phước Lộc Thọ / Little Saigon – Westminster” đều được bạn NCD tiếp đón rất niềm nở nồng hậu… Tôi không bao giờ thấy NCD phàn nàn ai cái gì dù đôi khi bạn NCD gặp phải chuyện rất… bẽ bàng.  Tóm lại, NCD là một người bạn và người chồng tốt; luôn luôn làm xong việc một cách tốt đẹp – “Get the job done!”  Tôi đề nghị bạn NCD cày ít lại một chút cho khỏe cái thân già.

.

 

  1. Trần Thị Sâm (Canh Nông)

.

.

Trong buổi họp mặt 2018, và cũng là lần đầu tiên, mợ Trần Thị Sâm thổ lộ là vào năm cuối đại học NLS, lần lượt có tới hai (02) ông – một luật sư và một thầy giáo – dạm ngõ nhà mợ và xin được nâng khăn sửa ví cho mợ.  Nhưng kết cuộc cả hai thầy này đều không “pass the entrance test” của mợ.  Mợ Sâm thú thật là đã cảm thấy hơi nản về con đường tình duyên bị đắp mô hết hai bận…  Tôi thì lại nghĩ rằng một món đồ dù để ở nhà coi chướng mắt, nhưng khi đem bỏ ra ngoài đường, lập tức có kẻ lượm ngay; huống hồ mợ Sâm có thân hình “mình rắn” chân dài vừa đủ làm ngơ ngẩn chết người, nhan sắc ngon lành và rành cả nội trợ nấu nướng thì lo chi không kiếm được người đàng hoàng nhào vô xin rước (?)

.

Đúng y chang như tôi đã nghĩ vậy!  Năm 1972, mợ Sâm nhờ ơn thầy phước chủ vớt nhẹ học bổng “The Southeast Asian Regional Center for Graduate Study and Research in Agriculture (SEARCA)” đi học ở Phi luật Tân. Ngay sau đó, mợ gặp người tình Nguyễn Tịnh (Khóa 8) cũng học ở Phi luật Tân – Xem ra, đất ở nhà Việt Nam không thiêng?! 

.

Đến đây, mợ Sâm cũng phải đồng ý là nhân duyên là do số mệnh cả, bởi vì “Chuyện tình Sâm và Tịnh” có nhiều cái trái quẻ Tam Tông Miếu rất rõ:  Gái Bắc kỳ di cư và trai Trung Kỳ; một gái theo Catholic đạo dòng và trai theo đạo Phật chính tông.  Mọi chuyên sau đó là “history”: Anh Tịnh tốt nghiệp Ph. D. về “Materials Sci.” ở UC Berkeley và là Senior Research Scientist cho Chính Phủ Liên Bang Hoa Kỳ; trong khi mợ Sâm là một nhà Địa Ốc (“Realtor”) thành công ở vùng DC – Maryland.  Hai người sinh được hai quý tử đều đã có danh phận.  Xin mừng cho anh chị. 

.

“Thầy Sáu” Tuấn còn nhân dịp họp mặt này đã trổ tài phong thủy xem tướng anh Tịnh (không biết Thầy mình học hàm thụ phong thủy từ đâu mà không ai hay?) và nhận định ngay giữa bàn tiệc đông đảo là:

.

“Trong số tất cả mọi người có mặt hôm nay, tui thấy anh Tịnh có sắc mặt (phong thủy) tốt nhất (!)”

.

Chị Sâm chắc phải có lời cảm ơn thầm Thầy Sáu đã có lời khen anh Tịnh loại “Phò mã tốt áo!”

.

 

  1. Hồ Tấn Hùng (Canh Nông)

.

.

Nói đến bạn Hồ Tấn Hùng và tình bạn K10, tôi nghĩ ngay đến loại tình bạn “chỉ có trong phim bộ.”   Tôi xin phép được kể dài dòng một chút về chuyện của bạn HTH:

.

Off the records – Gia đình tôi là dân Bắc cờ di cư.  Năm 1954, vì bố tôi còn phải đi theo đơn vị, mẹ tôi vừa bồng vừa bế vừa dắt 4 đứa con thơ, lớn nhất 4 tuổi và nhỏ nhất là 4 tháng, chạy lên tàu há mồm di cư vào Nam.  Gia đình tôi chỉ kịp mang theo 1 cái “va-li” bẹp và một mớ quần áo cũ loại “Salvation Army.”  Từ năm 1954-1975 bố mẹ tôi vất vả nuôi 8 đứa con ăn học, thiếu thốn mọi thứ. Cả đời, tôi chưa hề bao giờ nhìn thấy 1 lạng vàng lá – À há! Wait a minute ! Mãi đến năm 1997, lúc đã 47 tuổi tây, tôi mới nhìn thấy lượng vàng lá lần đầu tiên trong đời:  Tôi lượm được (đúng vậy: ngáp phải ruồi lượm được, chứ tiền đâu mà mua) 1 lạng vàng “9999” (vàng ròng 99.99%) tại 1 bãi đậu xe vắng tanh chợ chiều ở Little Saigon, Westminster.

.

Back on the records – Sở dĩ tôi phải ráo đầu vòng vo tam quốc về “vàng lá vàng cây” ở đây là vì 2-3 năm trước đây, khi vợ chồng bạn Mã Hoàng Việt “quy mã” (“qua Mỹ!”) tham dự lễ ra trường của con gái ở Texas, MHV đã có ghé qua thăm và ăn nhậu “cá nướng da dòn” với đồng môn NCDanh và bỉ nhân tại Little Saigon Wesminster, California.  Hôm đó, trong bữa nhậu và sau vài chai bia, bạn MHV có tự ý khai ra mặc dù đây không phải là lúc đang “làm việc” tại đồn công an:

.

“Tui có một thằng bạn rất thân được gia đình bảo trợ qua đoàn tụ bên Pháp.  Khi đi, hắn cho tui ‘free-of-charge’ 1 cái đồn điền cao su (MHV khi không mà trúng số độc đắc hè!) Tui không có tiền vốn để khai thác cho nên mới hỏi mượn tiền của bạn Hồ Tấn Hùng, HTH lúc đó đang là một đại gia thành công về địa ốc ở Saigon.  Bạn HTH đã cho tui mượn một lúc 150 lạng / cây vàng (?) với điều kiện là khi trả lại, phải trả bằng 150 cây vàng chứ  không được trả bằng tiến giấy.  Từ đó tui làm ăn phát đạt (cũng thành đại gia luôn), nhưng khi trả số vàng 150 cây lại cho bạn HTH, tui gần hộc máu vì giá vàng rất cao vào lúc trả nợ…”

.

Tôi đã kiểm chứng “chuyện cho mượn 150 cây vàng” khi bạn HTH và bà xã qua thăm Little Saigon, Westminster từ Úc; bạn HTH nói:

.

“Chuyện  đó (cho mượn 150 cây vàng) đúng; nhưng MHV nói cho bạn bè biết chứ tôi không bao giờ nói chuyện này cho ai cả.”

.

Chời đất quỷ thần ơi!  Chỉ có bạn bè K10 (và phim bộ Hàn quốc) mới có sự tin cậy cho vay nợ đến 150 lượng loại “no strings attached” này.  Ừa! Tiền bạc không mua được tình bạn; nhưng thử hỏi, có bao giờ mình rinh được cái gì tốt về nhà mà hổng có tiền đâu hà?! (reality check!)

.

 

  1. Lý Bạch Lang (Canh Nông)

.

.

Tôi không có dịp trò chuyện với bạn Lý Bạch Lang ở Việt Nam; nhưng từ khi gặp bạn ở Hoa Kỳ, tôi rất mến bạn.  Bạn LBL có biệt tài viết “email” ngắn gọn và nói chuyện “got to the points,” rất có hậu, đọc và nghe cười mỉm chi hoài mệt nghỉ.  Theo tôi LBL rất “qualified” là một Hoạt Náo Viên #2 của K10, dư sức qua cầu làm “backup” cho “Thầy sáu” Tuấn trong mọi hoàn cảnh. 

.

Tôi còn thấy LBL nhà ta đi đâu cũng có bà xã tháp tùng rất tình tứ như tình nhân mới yêu nhau… Thầy Sáu có lần bàn loạn là Gặp tận mặt bà xã LBL thì mới biết tại sao LBL nhỏ con – Nói nôm na là ‘được mái thì hại trống?!’

.

Trong nhiều lần bạn Nông Nghiệp K10 họp mặt hay đi “show” của NTB ở quanh vùng San Jose, Calif, đều tụ tập tiền-và-hậu họp mặt tại nhà LBL; đồng thời được dịp thưởng thức các món ăn của bà xã của LBL nấu mà nhiều lần mợ Sâm đã phải ví von là “Tuyệt! Không thua gì nhà hàng 5 sao.”

.

 

  1. Trần Trung Chính (Canh Nông)

.

.

Tuy có biệt hiệu là “Chính Mập,” nhưng tiếng nói của Trần Trung Chính còn to lớn (mập) hơn cả hình dáng bệ vệ muôn thuở, cố hữu của TTC.

.

Trước năm 1975, bạn TTC có lẽ là sinh viên K10 nổi tiếng nhất lớp: Bạn TTC đã từng ra tranh chức đại diện trường NLS; đứng ra in ấn tài liệu ra trường; và tổ chức tiếp tân tốt nghiệp cho K10 tại nhà hàng xịn Majestic Saigon – Nên biết, trước 1975, nhà hàng sang trọng nhất mà tôi có cơ hội đặt chân vào là tiệm “Phở Tàu Bay.”  Vì là có võ (đai đen Taekwondo và Judo), TTC là người của hành động chứ không phải chỉ có lời nói suông (… như bi giờ?!).

.

Cũng trước 1975, TTC là người bạn NLS mà tôi chơi thân nhất bởi vì TTC và tôi có rất nhiều mẫu số chung: Cùng dân Bắc cờ di cư rau muống, cùng Ban Canh Nông, cùng ngành Biến Chế Nông Sản, cùng thường xuyên đi chung với nhau “tham quan / làm việc xã hội” ở các ngã Ba ngã Năm… hà rầm, cùng có một lập trường chống cộng tới bến… 

.

Sau khi ra trường năm 1972, bạn TTC đi làm ở các tỉnh (Phước Tuy, Chương Thiện…) còn tôi làm ở Saigon cho nên mỗi tháng tôi được TTC ủy quyền lãnh lương dùm, giao tận nhà, tận tay cho bà cụ của TTC ở Saigon.  Các dịp cúng giỗ của gia đình tôi đều có bạn TTC đến nhà tham dự từ đầu Dần đến cuối Dậu.  Bà cụ tôi rất quý mến bạn TTC.  Bà cụ tôi là một bà già chân quê nhưng cũng quen miệng gọi TTC là “Anh Chính Mập.”  Đặc biệt, bây giờ mới kể, bà cụ tôi mến bạn TTC đến độ có lần cụ nói với tôi rằng:

.

“Con Thanh nhà mình đã lấy chồng, hay là gả con Thủy cho ‘anh Chính Mập’ (nên biết, tôi có hai cô em gái học Trưng Vương và Gia Long, trắng da dài tóc, đẹp nhất nhì trong cư xá Khánh Hội, đã làm nhiều anh chàng hàng xóm chết mê chết mệt!)

.

Nhưng nhân duyên đều do số phần, tiền định.  Cơ hội dự tính gả gấm thơ mộng này không đi đến đâu chỉ tại vi-xi thắng cuộc năm 1975.  OMG! Bây giờ TTC đã lần lượt lấy 3 bà vợ lận (xin nhắc lại là không phải lấy 1 lần 3 vợ –  và chưa có dấu hiệu gì là lấy vợ lần chót…) cho nên chuyện nhân duyên có lẽ TTC đã rành sáu câu vọng cổ…

.

TTC qua Mỹ định cư sau vài lần vượt biên bằng đường bộ (aka Land People), đã có lần thất bại rất thê thảm.  Có lần nhóm người vượt biên đường bộ của TTC bị lính csvn phục kích, bắn cả tràng AK47; nhưng rất may,  TTC chỉ bị trúng 1 viên đạn sớt trên lưng, máu ra rất nhiều, nhưng TTC chưa chết đâu em, và bị tù cải tạo (vì vượt biên) dài dài… 

.

Cuối cùng, bạn TTC dừng bước giang hồ ở “xăng-hồ-dê” (San Jose), sống đời tị nạn cs kể ra kém may mắn hơn các bạn K10 khác.  Bạn TTC có thể ngồi và nói kể liên tục đầy đủ chi tiết như một cú “Google search” trong vòng 3-4 giờ liền không biết mệt mỏi về các vấn đề phức tạp (nhưng không thể dùng để kiếm cơm được) của chính trị chính em, cộng sản Việt Nam và chính thể VNCH trước năm 1975…  Nhưng nếu ngồi lại nấn ná lâu một chút sẽ thấy câu chuyện và chi tiết được lập đi lập lại nhiều lần, cộng thêm nhiều chữ Đan-Mạch (“Đ.M.”) đệm vào đầu và cuối câu nghe tự nhiên như “người hà lội…” Các bạn không tham dự họp mặt cứ  tưởng tượng là  “Chuyện” của TTC ở buổi Họp mặt Hoa Anh Đào 2018 cũng y hệt như vậy.

.

Lúc này, dần dà, tôi thấy câu chuyện của TTC hết lôi cuốn mà chính ngay bạn TTC dường như không nhận thấy; hay là vì TTC mang máy nghe điếc (“heavy duty hearing aids”) đã hết pin, chưa  thay? Ai mà biết được?

.

Bây giờ bạn TTC còn có thêm một cố tật hết thuốc chữa (tôi cam đoan không phải là bệnh, vì bệnh thì còn có thể chữa được, còn tật thì đã xong phim hết chữa) là nói rất nhiều.  TTC đã nói đến 80% các lời nói của toàn buổi họp mặt K10 2018 – Tôi không dám nói ngoa.  Ngoài tật nói nhiều, TTC còn có thói quen chêm vào (hay nói cắt ngang) các câu chuyện của người khác…  “Thầy Sáu” Tuấn đã nhiều lần phải nhắc nhở TTC là:

.

“Hey Chính! Let people finish their words / stories. Your share of (talking) time was already up.”

.

Có lẽ “nói” (talking) là “game” cuối cùng mà TTC “enjoy” nhất trong cuộc sống hàng ngày khá vất vả.  Các bạn K10 nhiều khi phải nhao nhao la lên là:

.

“Thôi Chính đừng nói nữa!  Để người khác nói!” 

.

Với bạn TTC, theo tôi, châm ngôn tốt nhất lúc này có lẽ là “Silence is gold!”  Miệng là cái họa-phước làm tâm không yên ổn.  Cứ theo gương sư Chế “túy ngọa sa trường quân mạc tiếu”: Chỉ đứng ngoài cười cười, nghe thiên hạ “coỏng” để khỏi phải mất công đính chính sau này.  Đôi khi đ/c Chế chỉ nói khẽ vài lời cần thiết là đủ…  “Sư Chế” ta coi như mọi chuyện đã nằm yên trong túi.

.

 

  1. Lê Xuân Thú (Canh Nông)

.

.

Trước khi đến lượt bạn Lê Xuân Thú nói qua về chuyện “tình sử” của mình, mợ Sâm đã đánh phủ đầu:

.

“Hồi trước tôi thấy Thú trong trường thì tôi ghét lắm!  Bởi vì người bạn gái của tôi sau khi “broken up” với Thú đã rất buồn.  Cô bạn bước đi chỉ nhìn xuống đất…”

.

Bạn LXT giải thích ngay là:

.

“Chuyên tình của tui phải… đứt bóng vì thấy không còn hợp nữa.  Lúc đầu thấy ngọt mà lúc sau thấy đắng; mà tui không chịu đắng không quen nên không muốn kéo dài thêm. Ngoài vấn đề khác biệt quan trọng nhất là tín ngưỡng – tui là con trai độc nhất, là dân miền Trung, gia đình tui không muốn sau này không có người thờ phượng Ông Bà – tui còn thấy tính tình người bạn gái đồng môn K10 sao không ‘giống’ như tính tình cô bạn gái cũ của tui đã mất 3 năm về trước?!”

.

Bạn LXT lập gia đình lúc đang học năm thứ 3 NLS; và gần đây LXT đã được 3 đứa con và người em tổ chức làm lễ “hấp hôn” (Wedding Anniversary Warmup) kỷ niệm 40 năm cho 2 vợ chồng; tiệc tiếp tân tại một nhà hàng sang trọng hết biết ở Bình Chánh / Saigon với số khách tham dự có đến 300+ người.  Qua hình ảnh buổi tiếp tân “hấp hôn” được gởi đến cho các bạn K10 ở hải ngoại, tôi nhìn thấy phải tảng thần luôn?!  Đám cưới thật của nhiều bạn K10 ở hải ngoại cũng chỉ bằng một góc nhỏ (only a small fraction) của cái tiếp tân “hấp hôn” của đại gia LXT.  Bạn Lý Bạch Lang sau khi xem hình hấp hôn của LXT đã bàn loạn loại Thánh Thán (“Thánh phải than”) Mao Tôn Cương như sau:

.

“Ở Mỹ mà làm tiệc ‘hấp hôn’ cỡ này là bị bà con ‘quở, chà giấy nhám số một’ te tua!!!”

.

Làm rồi; làm lại lần thứ hai mà vẫn… quá đã!

.

 

  1. Trần Duy Chế (Canh Nông)

.

 

 

.

Bạn Trần Duy Chế có lẽ là người trầm tĩnh, điềm đạm, vẻ chân tu, nói ít nhất trong buổi họp mặt 2018.  Bây giờ là “Sư Chế,” như “Thầy Sáu” Tuấn đã đặt tên, ăn chay niệm Phật. TDC thường chắp hai tay kính cẩn vái, cảm ơn mỗi khi các bạn đưa đến cho TDC bất cứ món gì.  A-di-đà-Phật!

.

Trước hết, Sư Chế cảm ơn sự họp mặt K10 hôm nay vì chính nhờ nó mà sư Chế đã học thêm được 2 chữ ngữ vựng quá tài tình: Bảo mẫu.” (of course, do “Thầy Sáu” chế ra!)

.

Sư Chế ít nói nhưng không có nghĩa là không có gì quan trọng để nói.  Nên biết trong đám học trò K10 cũ, số nữ sinh viên rất ít, có thể đếm chưa hết các ngón trên bàn tay; vậy mà sư Chế nhà ta, vì có võ (Bình Định?!), đã có “tình sử” (love story) một lúc với 2 nàng kỹ sư K10.  Kết cục, TDC kết duyên với một nàng mặc dù gia đình bạn TDC, nhất là bà mẹ, đã khuyến cáo thằng con trai là phải coi chừng “Dần-Thân-Tỵ-Hợi Tứ Hành Xung.”  TDC khai là trước khi lấy nàng, sư nhà ta phải về quê nói dối với gia đình mình là “Cô này tuổi Mẹo!” để gia đình yên tâm chấp thuận…

.

Bây giờ, sư Chế mới thấy “Núi cao không che nổi mặt trời.”  Nghiệm ra là lời mẹ già về “Dần Thân Tỵ Hợi Tứ Hành Xung” đúng ngay chóc.  Từ năm 2001, sư Chế đã bắt đầu sống cuộc sống độc thân tại chỗ, ăn chay và ngủ cũng chay, niệm Phật, tịnh khẩu và ngồi thiền tối ngày (his reality was probably rough!?)… Đến năm 2017 thì sư Chế chính thức buông thả tất cả để đi theo tiếng gọi của Phật pháp.

.

Duyên nợ là vậy.  Không (chưa) biết ngày mai ra sao?  Nhưng tu vẫn luôn luôn là cội phúc…  Tôi rất thán phục sự lựa chọn của sư Chế – It’s tough choice! Don’t you agree?  I cannot do that!

.

 

  1. Nhân vật thứ 15: Trần Văn Giang (Canh Nông)

 .

.

Trong bản thảo (draft version) đầu tiên, không có mục số 15 này; lý do Trần Văn Giang mà viết về TVG thì không ai ngửi được (!)  Bạn Nguyễn Văn Đạt lại cho là 15 người tham dự mà chỉ có bài viết cho 14 người coi sao đặng!?

.

Kết quả, các bạn K10 có viết đôi dòng về “người viết” mà bỉ nhân xin phép ghi lại nguyên con ở phần dưới đây để gọi là “cho trọn phim bộ”:

.

By Lý Bạch Lang:

.

Bác Giang ui,

.

Bạn Nguyễn Văn Đạt đề nghị phải có người viết về TVG.  Sâm viết vài hàng về “characteristics” của Bác, tui chỉ “characterize more details” thôi. Bác xem lại rồi nhập vô cho trọn bộ bình tích. Bỏ “quotation marks.” Xem lại Typo luôn.

.

Lang

.

*

.

Giang hồi còn đi học, chơi thể thao khỏe mạnh, nhìn giò cẳng Giang ngon lành nếu TVG ở vào thời đại “a còng” dưới chế độ XHCN thì cũng đã được “classified” vào lớp… gái chân dài đắt địa lắm. Qua Mỹ, với “champagne” và thịt bò, TVG phát triển thấy mà ham, tưởng rằng thì là Giang sẽ theo nghiệp “Sumo Wrestler” kiếm bạc triệu nhưng lạ là Giang lại đủ tầm vóc nhập cuộc viết lách ở hải ngoại. Cái đặc điểm của TVG là viết mà không lách cũng như ông già Ba Tri: 

.

“Đâm mấy thằng gian bút chẳng tà.”

(Nguyễn Đình Chiểu)

.

Sơn Nam ngày xưa phải khởi từ rừng U Minh lên Sè-gòn lập nghiệp mới có văn phong của ông già Nam Bộ. TVG thuộc cánh Bắc Kỳ dưới ba tây trên tám nút chính hiệu, Giang chỉ dừng chân trước ngưỡng cửa đồng bằng sông Cửu Long trong cuộc di cư mà hơi hướng văn phong miệt vườn Nam Kỳ vui quá cỡ. Tinh anh nầy chắc phát tiết từ ngày TVG phải lòng một “bậu” nào ở miệt dưới mà Giang giấu kỹ.

.

Với “Ruột Đau Chín Chiều,” “Đất Lạ,” “Văn Hoá Gì,”  “Biết Rồi Khổ Lắm!” “Có Còn Hơn Không,“… Bác làm cho lắm kẻ quậy phải ngậm bồ hòn mà lặn mất.

.

*

.

By Trần Thị Sâm:

.

Nhóm tụi tôi thỉnh thoảng vẫn nhận được các bài viết của Giang.

.

Đặc điểm văn của TVG không bóng bẩy, không đánh bóng, không mầu mè riêu cua; viết ngay, nói thẳng nói thật không sợ mất lòng.

.

Bài viết luôn được chấm phá bằng những câu văn rất hóm hỉnh, nửa diễu cợt nửa châm biếm cộng thêm những “từ” mang âm hưởng địa phương miệt vườn Nam bộ nói sao viết dzậy, pha lẫn đôi chút hài hước một cách dzí dỏm.

.

Rất ít nhà văn nào ở hải ngoại làm được việc này một cách tự nhiên thoải mái như Giang.

.

 

(Hình Bánh Kỷ Niệm Họp Mặt K10 2018)

 

.

Ngày Thứ Bảy 4/7/2018 

 

(Hình chụp của K10 chụp tại nhà Chị Trần Kiều Nga)

 

Ngày thứ Bảy 4/7/2018 theo tin thời tiết cho tàu chay ven biển trên TV cùa vùng Đông bắc Hoa Kỳ tiên đoán là sẽ có “mưa tuyết và lạnh… tím chim (blue birds).”  Đáng lẽ ra anh Đạt đã dự tính làm một chuyến đi thăm viếng “Nghĩa Trang Quốc Gia Arlington” ở DC cho cả đám K10; nhưng chương trình lại phải hủy bỏ vì nhân sự lủng củng quá xá….

.

Cha con tôi lại đáp một chuyến “Lyft taxi” 25 phút từ Gaithersburg MD lên trung tâm Eden ở Fall Church, Virginia.  Tôi chỉ thấy lất phất mưa sa trên mầu cờ hoa, có bụi tuyết lơ thơ đủ làm ướt đường xá chứ không lạnh tê… tái.  Sau khi hội đủ mặt bá quan K10 đến bằng nhiều xe khác nhau, chúng tôi cùng nhau ăn môt bữa ăn trưa nữa cũng tại tiệm Phở Hải Dương (Ấy chà!  Mấy mợ nhà K10 chê là đồ ăn của tiệm phở này dở ẹc!!! Tui là “thuyền nhân đã từng nhịn đói 7 ngày” cho nên ăn thấy vẫn ngon như… cơm tiệm như thường!).

.

Cả bầu đoàn K10 về nghỉ ngơi một thời gian ngắn tại “Lounge” của Marriot Hotel, Falls Church.  Đến 2 giờ chiều, đoàn cải lương hồ quảng K10 cà rịch cà tang kéo nhau đi đến Trung Tâm Eden để “pickup” thức ăn do chị Nga đã đặt làm tại nhà hàng “5 sao” (chỉ còn thiếu 995 sao!) từ buổi sáng sớm; và ùn ùn lên đường lưu diễn đợt 2 tại nhà chị Nga – anh Toại ở Bethesda, Maryland.

.

Buổi họp mặt lần này, ngoài 15 nhân sự của K10, còn có tham dự của anh chị Nguyễn Ngọc Châu (K5 – ở Virgina); anh Nguyễn Quốc Khải (Khóa 5?) và anh chị Nguyễn Tuấn (Khóa 5 – đến từ Pennsylvania).

.

Trong khi ăn uống, anh Toại đã sắp đặt sẵn một dàn “Karaoke” loại xịn với vài trăm bài hát để anh em K10 và các “bảo mẫu” cùng tham gia phần hát hay không bằng hay hát…

.

Ăn, uống, hò, hát, ngâm thơ, kể chuyện, xem lại (reviewing) hình ảnh cũ của những ngày xưa thân ái dưới mái trường NLS đầy kỷ niệm: Những giờ học ngay tại trường, buổi thực tập xa nhà, học quân sự học đường, buổi ra trường và các sinh hoạt đáng nhớ… cho đến quá 9 giờ đêm mới tan hàng cố gắng từ nhà chị Nga anh Toại.

.

 

Lời kết

.

Có hợp thì phải có tan.  Lúc hợp thì vui, lúc tan thì buồn.  K10 gặp nhau 3, 4, 5 ngày khá đủ, rồi thì cũng phải đến lúc chia tay. 

.

Cuộc đời còn biết bao chuyện bất trắc; danh vọng sẽ mai một; sức khỏe nghị lực lên xuống như nước thủy triều; nhưng mong là tình bạn sẽ mãi trường tồn theo bước chạy của thời gian… 

.

Trước khi đi đến phần kết thúc bài tản mạn nhạt nhẽo này, tôi xin mượn 2 bài thơ rất hợp tình (già) và hợp cảnh (cũng già không kém) của Thầy Như Thiên – Thích Tánh Tuệ để K10 mình cùng nhau suy gẫm:

 

  1. Thói Thường…

Vắng rồi, mới thấy lòng đau

Lúc còn bên cạnh nhìn nhau hững hờ

Khuất rồi, quay quắt, thẩn thờ

Khi gần chẳng thiết một giờ cho nhau.

Tháng ngày lạnh lẽo lướt mau

Câu thương chưa nói, lời đau đã nhiều!

– Biệt rồi, mới biết là yêu

Hỏi thời gian có ngược chiều được chăng?

Xa rồi, mới thấy ăn năn

Chưa lời tha thứ lòng băn khoăn hoài!

Giận rồi, mới hiểu mình sai

Người đi thôi hết còn ai tự tình.

Mất rồi, mới biết đoái nhìn

Còn đây chỉ một tấm hình lặng im.

– Hết rồi, nhịp đập trái tim

Mới hay một kiếp vô minh sống cùng

Đông rồi, tiếc những ngày Xuân

Thả mồi bắt bóng… hư không cuối đời.

*

  1. Sống vội

Vội đến, vội đi, vội nhạt nhòa
Vội vàng sum họp vội chia xa.
Vội ăn, vội nói rồi vội thở
Vội hưởng thụ mau để vội già.

Vội sinh, vội tử, vội một đời
Vội cười, vội khóc vội buông lơi.
Vội thương, vội ghét, nhìn nhau lạ!
Vội vã tìm nhau, vội rã rời…

Vội bao nhiêu kiếp rồi vẫn vội
Đuổi theo hạnh phúc cuối trời xa.
Ngoài hiên, đâu thấy hoa hồng nở
Vội ngày, vội tháng, vội năm qua.

Cứ thế nghìn thu đời vẫn vội
Mặt mũi ngày xưa không nhớ ra.
”Đáy nước tìm trăng” mà vẫn lội
Vội tỉnh, vội mê, vội gật gà…

Vội quên, vội nhớ vội đi, về
Bên ni, bên nớ mãi xa ghê!
Có ai Giác lộ bàn chân vội
”Hỏa trạch” bước ra, dứt não nề…

.

(Như Thiên – Thích Tánh Tuệ)

.

.

Thiệt tình!  Đời người như bóng câu qua cửa; thoáng một cái mới thấy đó đã… hui nhị tì. Tới vội vàng, đi vội vã, không biết ngày sau sẽ ra sao (?)  Mọi việc đều do duyên nghiệp mà nên; vì vậy cứ “an nhiên tự tại,” thuận theo sự tự nhiên mà binh tiếp cho tới bến; cho tới khi bò về chuồng… hà cớ gì phải bận lòng cho tình kia bít lối.

.

 

Trần Văn Giang

Canh Nông Khóa 10

Orange County, California USA

Tháng 4 năm 2018.

.

Hội Hoa Anh Đào / Họp mặt Khóa 10, 2018 – Trần Văn Giang

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *