Tiếng Việt “Cùn”

 .

 

 “Tiếng Việt còn, nước Việt còn.”

Phạm Quỳnh

 

*

 

Những cách “làm cùn” tiếng Việt.

 

Ngôn ngữ là phương tiện của loài người dùng để truyền đạt tư tưởng. Loài người khác cầm thú ở chỗ có tư tưởng, biết suy nghĩ và có ngôn ngữ. Với những điều mới lạ, hoặc những phát minh trên mọi phương diện, con người càng ngày càng văn minh hơn, vì có tư tưởng tiến bộ. Tư tưởng tiến bộ được truyền đạt qua ngôn ngữ, nếu ngôn ngữ xuống dốc thì văn minh cũng xuống theo. Theo như nhận định của một số người*, tiếng Việt ngày nay đang bị xuống dốc, hay bị “làm cùn” đi một cách thê thảm. Ngôn ngữ thay vì tiến lên thì lại bị thụt lùi, do một nền giáo dục thấp kém đã tạo nên một thế hệ lụn bại, “trồng người” ở chỗ nào?!

 

Tiếng Việt dùng trong nước ngày nay đã bị “làm cùn” đi bởi nhiều cách khác nhau:

 

1 – Dùng một chữ thay thế cho nhiều chữ đã có sẵn và đã được diễn tả rõ ràng. Đây là cách làm mất chữ rất nhanh!

 

Thí dụXử lý (giải quyết, thi hành, chấn chỉnh, tu sửa, chữa, phạt, thanh toán, v.v…);  bức xúc (cấp bách, thúc bách, trăn trở, khó chịu, dồn nén, bực tức, bực bội, ấm ức, v.v….); hoành tráng (nguy nga, tráng lệ, đồ sộ, rộng lớn, diễm lệ, bề thế…).

 

2- Gom hai chữ thành một, tạo nên một chữ khó hiểu.

 

Thí dụ:  Chuyên cơ (phi cơ chuyên biệt); đề cương (chủ đề đại cương); hùng hiểm (hùng vĩ và hiểm trở).

 

3- Ghép một chữ Nôm với một chữ Hán Việt, lại viết theo kiểu chữ Hán dễ gây hiểu lầm.

 

Thí dụ như:  Đôi công ( cả hai phía cùng chọn cách tấn công); kích cầu (kích thích nhu cầu); thấp điểm (điểm thấp).

 

4- Đảo ngược chữ, tạo ra một chữ ngô nghê không ra Nôm, cũng không ra Hán Việt.

 

Thí dụ: Đảm bảo (bảo đảm); lược tóm (tóm lược); nhóm trưởng (trưởng nhóm). 

 

5- Dùng chữ có thể bị hiểu ngược nghĩa, hay hiểu lầm.

 

Thí dụ: Thiếu đói (nghèo đói, thiếu ăn), cơ trưởng (phi công trưởng), điểm yếu (điểm chính, điểm quan trọng, yếu điểm).

 

6- Sai văn phạm với cách dùng tự loại không đúng, như danh từ dùng làm tĩnh từ hay động từ, hoặc ngược lại, v.v….

 

Thí dụ: Kỷ luật (phạt); lái xe (tài xế, người lái xe); thông tin (tin, tin tức)

 

7- Làm dáng chữ nghĩa, “dốt hay nói chữ” nhưng lại viết hay nói sai.

 

Thí dụ: Thuyết minh (chú thích, nhận xét ), huyền thoại  (siêu đẳng), thanh lý (dẹp cho gọn và sạch)

 

8-Tạo chữ hay tiếng về kỹ thuật bằng cách dịch trực tiếp từ tiếng Anh hay Pháp nghe không thanh tao hay nếu không mốn nói là thô tục.

 

Thí dụ: Phần cứng, phần mềm (A. Hardware, software), máy quét (A. Scanner), bộ vi xử lý (A. Microprocessor).

 

Dùng chữ có gốc Hán là “lệ thuộc” Trung Hoa?

 

Sau ngày 30/4/1975, người miền Bắc tràn vào miền Nam như những “kẻ thắng cuộc”  huênh hoang, chê những chữ có gốc Hán, dùng những chữ thô tục, để thay thế những chữ đã có sẵn mà người miền Nam thường dùng,

 

Thí dụ như “xưởng đẻ” để thay cho “bảo sanh viện.” Rồi đến khi cả nước theo chính sách “kinh tế thị trường,” những viên chức đã trở nên giàu có bởi “nhiều cách,” với “khả năng giới hạn…” nhưng lại thích theo kiểu “trưởng giả học làm sang” nên “Hán hóa” tiếng Việt, tuy nhiên không hiểu rõ nghĩa nên dùng sai. Thí dụ như “quá trình đang thi hành” (“quá” là đã qua). Dùng chữ có gốc Hán (Nho) để tạo chữ mới cũng hay, nhưng phải tạo cho đúng và thanh tao và khi dùng phải dùng cho đúng.

 

Tiếng Việt, hay nói rõ hơn là chữ Quốc Ngữ, cách dùng để viết và diễn tả ngôn ngữ của người Việt. Mặc dù đã bị ảnh hưởng nội thuộc Tàu cả ngàn năm, nhưng ngày nay chúng ta đã có một cách viết và nói riêng, khác hẳn với Hán tộc. Ba quốc gia là Trung Quốc, Nhật và Đại Hàn dù đã nhiều lần* muốn mà làm không được! Chỉ với 29 chữ và các dấu (5 dấu và chữ không có dấu) chúng ta gần như đã có đủ chữ để diễn tả mọi điều, ngoại trừ những chữ về khoa học hay kỹ thuật, mà ngôn ngữ không theo kịp với đà tăng trưởng lũy tiến của thời đại.

 

Phải nói rằng rất nhiều chữ trong tiếng Việt có nguồn gốc từ chữ Hán. Tuy nhiên, một người Trung Hoa không thể hiểu chữ viết, hay phát âm tiếng Việt có ý nghĩa gì, nếu không biết tiếng Việt.

 

Tiếng Anh là một ngôn ngữ khá phổ thông trên thế giới ngày nay, cũng đã có sự du nhập từ các ngôn ngữ khác. Chúng ta thử nhận xét sơ lược về sự cấu tạo của tiếng Anh (English) ngày nay như thế nào.

 

Tỷ lệ các ngôn ngữ khác ảnh hưởng đến nguồn gốc của tiếng Anh: La Tinh (29%), Pháp (29%), Đức – chữ cổ (26%), Hy Lạp (6%), các ngôn ngữ khác và tên riêng (10%). (http://en.wikipedia.org/wiki/English_language).

 

Dù có nguồn gốc từ các ngôn ngữ khác, nhưng Anh ngữ vẫn là một ngôn ngữ riêng và rất phổ biến ngày nay. Không ai bảo là vì có nguồn gốc từ tiếng Pháp (29%) mà nói tiếng Anh “lệ thuộc Pháp.”

 

Tương tự như trường hợp của tiếng Anh, hay nhiều ngôn ngữ khác, tiếng Việt cũng thế, không phải vì có nguồn gốc từ chữ Hán (hay Nho) mà bảo là “lệ thuộc Tàu.” Vậy chúng ta có nên chuyển âm từ chữ Hán Việt sang chữ thuần Việt hay Nôm? Thí dụ “phi cơ trực thăng” thành “máy bay lên thẳng” hay “thủy quân lục chiến” thành “lính thủy đánh bộ”  mà “thủy” và “bộ” cũng vẫn là chữ Hán Việt. Nếu chuyển những chữ Hán Việt sang chữ thuần Việt thì tiếng Việt sẽ bị mất đi khá nhiều chữ, cũng như không đủ chữ để chuyển âm. Hơn nữa những chữ chuyển từ Hán Việt sang thuần Việt sẽ rất ngô nghê, như “thủy quân lục chiến” thành “lính nước đánh đất.”

 

Dù có gốc Hán, nhưng chữ Hán Việt đã là tiếng Việt từ lâu và viết bằng chữ Quốc Ngữ, với những chữ có tính cách tượng thanh và không có nét tượng hình, đây là tiếng Việt, vì thế  người Việt không có tiếng Hán Việt, chỉ có tiếng Việt và chữ viết là chữ Quốc Ngữ. Vậy thì chuyển ngữ làm gì? Việc chuyển ngữ là điều không cần thiết, đây là cách “làm cùn” tiếng Việt. Hơn nữa, ngữ vựng chữ Việt còn được tạo ra  từ những chữ có gốc tiếng Pháp như những chữ: tắc-xi, xích-lô, bù-lon, xi-măng, bê-tông, v..v…

 

 

Tiếng Việt tại Hải ngoại

 

Qua những đợt di tản (4/1975), vượt biên, đoàn tụ, HO (“Humanitarian Operation,” với tên chính thức là “Special Release Reeducation Center Detainee Resettlement Program”), “Chương trình ra đi có trật tự ODP” (Orderly Departure Program), lao động tại Đông Âu, số lượng người Việt tại hải ngoại có khoảng 4 triệu người, với gần một nửa (1.8 triệu) ở Hoa Kỳ. Những người này thuộc các thế hệ khác nhau:

 

Thế hệ thứ nhất là đợt di tản đầu tiên (4/1975). Những người này đều thông thạo tiếng Việt và có ít nhiều trở ngại với ngôn ngữ nơi mình định cư.

 

Thế hệ “1.5” là những người trẻ, con cái của thế hệ thứ nhất, lớn lên ở hải ngoại. Họ đa số đều khá rành tiếng Việt và ngôn ngữ ở nơi sống cũng không có trở ngại. Mộ số đông có thể viết tiếng Việt thông thạo.  Họ là lớp người khá thành công tại nơi định cư.

 

Thế hệ thứ hai là những con cái của thế hệ thứ nhất, nhưng sinh ra và lớn lên ở hải ngoại. Những người này, với họ tiếng Việt chỉ là ngôn ngữ phụ, tiếng Việt chỉ được dùng giới hạn trong phạm vi gia đình để đàm thoại với thế hệ thứ nhất. Viết câu văn tiếng Việt là một điều khó khăn hay gần như không!  

 

Thế hệ thứ ba là những con cái của thế hệ “1.5” hay thế hệ thứ hai. Họ biết rất ít về tiếng Việt, ngôn ngữ chính trong đàm thoại là tiếng của bản xứ nơi họ sống. Chỉ có một số ít nói được tiếng Việt là do cha mẹ đưa họ đến những nơi dạy tiếng Việt, tuy nhiên viết tiếng Việt vẫn là một việc khó khăn.   

 

Một điều mà nhiều người tại hải ngoại có lòng với quê hương lo lắng là sự mai một của tiếng Việt. Vì thế, ở chỗ có nhiều người Việt tụ tập, những trung tâm Việt ngữ đã được mở ra để dạy tiếng Việt cho lớp trẻ, như tại California có khoảng trên 50 chỗ dạy tiếng Việt. Tuy nhiên tại những vùng ít có người Việt, với thế hệ thứ hai, tiếng Việt đã gần như bị chìm vào quên lãng! Vì thế việc duy trì tiếng Việt tại hải ngoại là một việc khó khăn nhưng cần thiết.

 

Việc bảo tồn một ngôn ngữ là một điều rất quan trọng. Một thí dụ điển hình là trường hợp của người Do Thái, sau gần 2000 năm lưu lạc, họ vẫn duy trì tiếng nói của họ là Hebrews. Ngôn ngữ là một yếu tố quan trọng, đã tạo nên sự đoàn kết giữa những người Do Thái với nhau. Khi khôi phục lại nước và có độc lập (1948), họ đã cùng chung sức để chống lại kẻ thù, đã chiến thắng, dựng lại nước và trở nên cường thịnh rất nhanh, tạo nên một thế đứng vững mạnh bên cạnh các nước thuộc khối Ả Rập.

 

Một vấn đề khá quan trọng đáng được quan tâm là những chữ dùng sai, hay những tiếng “nghe không lọt tai” , như chữ “giải phóng,” “cải tạo,” “xuất khẩu,” “hải quan,” v..v…  từ trong nước đang lan truyền ra hải ngoại. Ngay những cơ quan truyền thông tại hải ngoại cũng đã có lúc dùng  những tiếng này. Có lẽ một phần do những người đã từng sống một thời gian dài, hay sinh ra dưới chế độ trong nước đã quen với chữ hay cách dùng này, mà ngày nay họ đang ở hải ngoại.

 

Để tìm hiểu những chữ hay tiếng mà người trong nước đang dùng có ý nghĩa ra sao, người viết mạo muội nêu một danh sách liệt kê những chữ này, với những nhận xét và thí dụ, để chúng ta có thể hiểu ý nghĩa câu nói, hay cách viết của họ.

Người viết sẽ có những thiếu sót hay có thể có vài điều sai lầm, xin bổ túc.   

 

 

Trần Việt Bắc

 

_____________________________

Tham khảo và những chữ viết tắt

 

Từ điển:

Từ Điển Thanh Nghị (TĐ Thanh Nghị)

Hán Việt Từ Điển của Đào Duy Anh

Từ Điển Khai Trí Tiến Đức

Tự điển Thiều Chửu

Từ điển tiếng Việt – Nhóm biên soạn

 

Các bài viết:

“Bảng đối chiếu từ ngữ,” tác giả: Trần Văn Giang,

“Cái Chết Của Một Ngôn Ngữ: Tiếng Việt Sài Gòn Cũ,” tác giả: Trịnh Thanh Thủy,

“Chiêu hồi” ngôn ngữ, tác giả Tâm Thanh,

“Có Nên Dùng Ngôn Ngữ của VC?,” tác giả: Đào Văn Bình,

“Giữ gìn tiếng Việt,” tác giả: Cao Xuân Hạo,

 “Nên dùng từ ngữ nào,” tác giả Trần Ngọc Giang,

“Ngôn ngữ ngậm ngùi,” tác giả Lê Hữu,

“Người Việt mới, tiếng Việt mới,” tác giả: Hàn Lệ Nhân,

“Những Từ Dùng Sai Trong Ngôn Ngữ Việt Nam” (Trích Triều Thành Magazine)

“Nỗi Buồn Tiếng Việt,” tác giả: Chu Đậu,

“Thế Nào Là Tiếng Việt Trong Sáng?” , tác giả: Đào Văn Bình,

“Tiếng Việt Kỳ Cục,” tác giả: Diệu Tần,

“Tiếng Việt mới,” tác giả: Yên Hà

“Tiếng Việt nào?,” tác giả: Nguyễn Hưng Quốc,

“Tiếng Việt tình tôi,” tác giả: Hàn Lệ Nhân,

“Tiếng Việt trong nước hiện nay sai,” tác giả: ? (nguồn: vuhuyduc.blogspot.com ),

“Tiếng Việt và Tiếng Vẹm,” tác giả: ?

 

*

Tiếng Việt Nội Địa <=> Tiếng Việt Hải Ngoại

 

Ấn tượng <=> Ấn tượng (dt. Hình tượng, cảm giác hay ảnh hưởng được in sâu trong trí nhớ do cảm xúc hay kinh nghiệm).

          Nhận xét: Chữ “ấn tượng” cả hai bên “Nội/ Ngoại” đều dùng, nhưng viết sai nếu dùng như động từ.

          Thí dụ: “Tôi ấn tượng với trận đấu” (www.baomoi.com). Nên viết: Tôi ấn tượng … với trận đấu.

 

Bắc bộ / Trung bộ / Nam bộ <=> Bắc phần / Trung phần / Nam phần.

Bài nói <=> Diễn văn.

Ban chấp hành <=> Ban điều hành, ban quản trị, ban giám đốc.

Ban ngành <=> Cơ quan, cục, sở, ty.

Bang <=> Tiểu bang (A. State).

Bao biện <=> Chống chế, biện bạch, tự bào chữa.

          Ghi chú: Chữ “bao biện” đã có từ lâu với nghĩa khác là ôm đồm việc của người khác.

          Thí dụ: .”..đưa ra lời bao biện để chống chế cho những hành động của mình” (baomoi.com).

Báo cáo <=>  Nói, kể, thưa trình.

          Nhận xét: Chữ “báo cáo” cả hai bên đều dùng, tuy nhiên người ở nội địa dùng chữ này trong những trường hợp không cần thiết.

          Thí dụ: “Đi sớm về muộn đều phải báo cáo với vợ” (dantri.com.vn).

Bảo hành <=>  Bảo đảm (vể thời gian hoạt động của một sản phẩm); (A. Warranty).

          Thí dụ: “Trung tâm bảo hành máy giặt Electrolux” (dienlanhgiadinh.com).

Bảo hiểm (mũ) <=> An toàn (mũ)

Bảo quản <=> (đgt.) Bảo tồn, giữ gìn, bảo vệ, duy trì, chăm sóc (A. Preserve).

Bệnh thành tích <=> Bệnh “làm láo báo cáo hay.”

Bệnh viện da liễu <=> Bệnh viện hay nhà thương trị bệnh ngoài da và bệnh hoa liễu.

Biên chế <=>   Tổ chức, sắp xếp; (A. Organize)

          Thí dụ:Hải quân Ấn Độ đã biên chế phi đội đầu tiên.” (dantri.com.vn)

Biên đội <=> Đội phòng vệ.

          Thí dụ:Trung Quốc đã hoàn tất việc định hình biên chế của biên đội tàu sân bay Liêu Ninh” (baomoi.com)      

Biến chất <=>  Thay đổi.

          Nhận xét: Chữ “biến chất” cả hai bên đều dùng, tuy nhiên nếu dùng cho người thì không đúng, vì chữ “chất” chỉ những thứ thuộc về vật thể.

          Thí dụ: “Lòng anh ấy biến chất rồi.”

 Biện lý (do) <=> Viện lý (do), kiếm cớ, biện hộ lý lẽ.

          Nhận xét: Chữ “biện lý ” đã có từ lâu, cũng có cùng nghĩa như “viện lý ,” tuy nhiên ít phổ thông, vì chữ “biện lý” được dùng như một danh từ để chỉ chức vụ “công tố viên” (A: Prosecutor) trong nghành tư pháp. Những chữ trùng hợp không nên dùng để tránh tình trạng khó hiểu hay bị hiểu lầm như câu “biện lý hay biện lý”! 

Bình ắc-quy <=> Bình điện.

Bình diện <=> Phương diện.

Bình quân <=> Trung bình.

Biểu diễn <=>Trình diễn.

Boa (tiền) <=> Tiền hoa (huê) hồng, tiền tặng, tiền thưởng (P. Pourboire).

Bóc lột <=> Tước đoạt công sức, tài vật hay thành quả.

          Nhận xét: Đây là một chữ đã bị lạm dụng rất nhiều để đả phá những gì khác với đường lối của chế độ Cộng Sản.

          Thí dụ: “Bóc lột sức lao động, bọn tư bản bóc lột, bóc lột tài sản, ... “

Bom hẹn giờ <=> Bom nổ chậm.

Bóng đá <=> Túc cầu (A. Soccer).

Bố trí <=> Sắp xếp, xếp đặt.

Bồi dưỡng <=>  Tẩm bổ.

          Nhận xét: Chữ “bồi dưỡng” đã có từ lâu, dùng để chỉ sự “làm tăng sức khỏe” của con người qua việc ăn uống tẩm bổ và nghỉ ngơi để thêm sức khỏe. Chữ “bồi dưỡng” đã bị lạm dụng và dùng không đúng như: Bồi dưỡng văn hóa, bồi dưỡng đạo đức, bồi dưỡng cán bộ, …. Ngày nay chữ “bồi dưỡng” còn được hiểu là “hối lộ” như “bồi dưỡng cấp trên.”

Bồi dưỡng văn hóa <=> Học thêm (ngoài khóa học chính thức).

Bổ sung <=> Thêm, bổ túc.

Bộ đội <=> 1- Quân đội; 2- Người lính, quân nhân.

Bộ gõ <=> Bàn phím (chữ) [ A. (Computer) keyboard].

          Nhận xét: Sau năm 1975 cho đến đầu thập niên 1980, “personal computer” chưa thông dụng, nên chưa có chữ để chỉ “computer keyboard.” Ngày nay, chữ “bàn phím” khá thông dụng tại hải ngoại. Tuy nhiên đàn dương cầm (piano), hay phong cầm cũng có “bàn phím” cho âm thanh; vì thế đề nghị là “bàn phím chữ” để phân biệt. Còn nếu dùng chữ “bộ gõ” thì thấy không thanh tao và không rõ nghĩa. Xin góp ý.

Bộ vi xử lý <=> (A. Microprocessor).        

Bức xúc <=> Cấp bách, thúc bách, trăn trở, khó chịu, dồn nén, bực tức, bực bội, ấm ức, …

          Nhận xét: Bức 偪, 逼: Bức bách. Xúc  促: Thúc dục. Vậy chữ “bức xúc” (tĩnh từ) chỉ có nghĩa là “cấp bách” hay “thúc bách.” Chữ này bị lạm dụng và viết không đúng, lại dùng như một động từ với ý nghĩa khó hiểu. Hơn nữa, nếu chỉ dùng chữ “bức xúc” để thay thế khá nhiều chữ đã nêu trên (diễn tả những cảm giác), thì tiếng Việt đã mất đi một số chữ.

          Thí dụ: “Chủ tịch nước lắng nghe bức xúc giá vàng, giá xăng” (vnexpress.net); “Thí sinh bức xúc trước chiến thắng của đối phương” (www.baomoi.com); “Mở rộng đường, trăm hộ dân mất nhà bức xúc” (vietbao.vn), …

Buổi đêm <=> Ban đêm.

          Thí dụ: “Ngắm vườn thực vật buổi đêm đẹp huyền ảo” (baomoi.com)

Bước sóng <=> Độ dài sóng (A. Wavelength).

          Thí dụ: “Bước sóng là khoảng cách giữa hai đỉnh sóng” (vi.wikipedia.org).

 

Ca từ <=> Lời ca (của bản nhạc).

Ca-ve <=> Vũ nữ.

Cách ly <=> Tách rời ra.

Cái a-lô <=> Cái điện thoại.

          Nhận xét: Chữ  “cái a-lô” nay ít được dùng tại nội địa và chữ “điện thoại” đã trở nên thông dụng hơn.

Cái đài <=> Máy thu thanh, radio.

          Nhận xét: Chữ  “đài” được dùng trong thập niên 70, 80. Ngày nay chữ  “máy thu thanh” hay “ra-đi-ô” đã trở nên phổ thông hơn.

Cải cách ruộng đất <=> Đấu tố để cướp đất đai, tài sản của các điền chủ, địa chủ.

Cải tạo <=> Bỏ tù không có án các quân nhân, công chức của chế độ cũ.

Cải tạo (vật chất) <=>  Cải tiến (để tạo sản phẩm tốt hơn).

          Thí dụ: “Tài liệu cách cải tạo đất phèn” (tailieu.vn).

Cải tạo thương nghiệp <=> Cấm (người dân) buôn bán.

Cải tạo công thương nghiệp <=> Cấm (người dân) kinh doanh, sản xuất.

          Nhận xét: “Cải tạo (công) thương nghiệp” chỉ là mỹ từ, để che dấu việc chính phủ dành quyền sản xuất và kinh doanh vào cuối thập niên 70, đầu thập niên 80, thế kỷ thứ 20.

Cải thiện <=> Cải tiến, cải biến.

          Nhận xét: “Cải” (改): đổi, “thiện” (善): Lành, tốt lành, trái với ác, “cải thiện”: thay đổi tâm tính, cách hành xử để trở nên tốt hơn (về đạo đức, hạnh kiểm). Chữ này dùng sai một cách bừa bãi như khi viết: “Cải thiện bữa ăn” (megafun.vn/tin…/), 

          Thí dụ: Tìm cách cải thiện chiều cao” (giadinh.vnexpress.net), “Phát hiện độc tố giúp cải thiện sự miễn dịch với HIV” (www.khoahoc.com.vn),… Dùng đúng như: “Cải thiện tâm hồn thay đổi cách sống.”

Cảm giác <=> Cảm tưởng (HV.).

          Nhận xét:  “Cảm giác” (感覺 A. sensation) là nhận thức được sự kích thích bằng ngũ quan. Người trong nước đã dùng chữ này để thay cho chữ “cảm tưởng” (感 想 A. Feeling) là nhận thức được sự việc qua trí óc. như :

          Thí  dụ: “Mới chín giờ tối mà tôi có cảm giác như đêm đã khuya” (vndic.net), nên viết là: “Mới chín giờ tối mà tôi có cảm tưởng như đêm đã khuya.”

Cảng biển <=> Hải cảng.

Cảng hàng không <=> Phi cảng, phi trường.

Cảnh báo <=> Cảnh giác, gây chú ý, báo trước nguy cơ có thể xảy ra.

Cảnh quan <=> Quan cảnh, phong cảnh.

          Ghi chú: Hán Việt Từ điển của ĐDA, chữ “cảnh quan” là “Quan viên cảnh sát.”

Cạnh khía <=> Khía cạnh.

Căn hộ <=> Căn nhà.

Căng (lắm) <=> Căng thẳng, gay cấn (A. Intense).

Cận cảnh <=> Nhìn tận mắt.

          Thí dụ:Bộ phim cho chúng ta được nhìn cận cảnh đời sống lao tù” (vndic.net).

Cấp cao <=> Cao cấp.

Cầu lông <=> Vũ cầu.

Cầu thị <=> Mong mở rộng tầm nhìn, mong hiểu biết thêm, mong học hỏi th êm.

          Thí dụ:Ngày hội Sách 2013: Cầu thị nhiều hơn giải trí” (vietnamnet.vn).

Chao đảo <=> Dao động mạnh.

Chảnh <=> Kiêu căng, kênh kiệu, hợm hĩnh, làm cao, lên mặt, làm tàng.

Chấp hành <=> Thi hành.

Chập điện <=> Chạm điện.

Chất lượng <=> Phẩm chất tốt.

          Nhận xét: Chữ “chất” chỉ đề cập về phẩm (A: quality); chữ “lượng” chỉ đề cập đến lượng ( A: quantity). Đây là danh từ mà lại dùng như tĩnh từ là không đúng, đã thế lại còn phải đoán mò nghĩa của câu văn thì “không trong sáng” tí nào!

          Thí dụ: “Các ý kiến phát biểu rất có chất lượng” (vndocs.docdat.com); “Ngân hàng có chất lượng thanh toán quốc tế xuất sắc năm 2012” (hanoimoi.com.vn)*, “Tình dục có chất lượng” ( tapchixinh.vn).

*Nguyên câu này là tên của giải thưởng cho ngân hàng.  “Thanh toán quốc tế xuất sắc” là gì?

Chất xám <=>  Trí óc, trí tuệ, sự thông minh.

          “Chảy máu chất xám”: Sự thất thoát ra nước ngoài những người trí thức và nhân tài.

CHDCND Triều Tiên, Bắc Triều Tiên <=> Bắc Hàn.

Chém gió <=> Nói ba hoa, nói vung vít, nói “vung xích chó,” nói không đúng sự thật, bốc phét.

Chế độ <=> Quy chế, cách thức.

          Nhận xét: “Chế độ” đúng nghĩa là thể chế chính trị, như chế độ phong kiến, chế độ độc tài, chế độ quân chủ, chế độ dân chủ,…  . Tuy nhiên chữ “chế độ” đã bị dùng một cách bừa bãi.

           Thí dụ:: “Vụ chế độ kế toán và kiểm toán” (www.mof.gov.vn), “Chế độ ăn uống” (www.baomoi.com), “Chế độ tiền lương” (kinhtexaydung.gov.vn), “Chế độ thai sản” (bhxhcaobang.gov.vn), v.v…. Phải hiểu là “quy chế” hay “cách thức” cho những thí dụ này.

Chế độ xem phố <=> Cách tìm lộ trình (qua Internet như Google, Map Quest).

          Thí dụ: Google Street View hay Chế độ xem phố…” (vi.wikipedia.org/wiki/Google).

Chi viện <=> Tiếp viện.

          Thí dụ: Chi viện cho tiền tuyến” (tratu.soha.vn).

Chí ít <=> Tối thiểu, ít nhất.

Chỉ đạo <=>  Chỉ thị, ra lệnh.

          Nhận xét: Chữ “chỉ đạo” cả hai bên đều dùng, tuy nhiên ở trong nước chữ này đã bị lạm dụng và dùng sai. Chữ “chỉ đạo” (指導): Dẫn đường, chỉ dẫn, chỉ bảo, hướng dẫn.

          Thí dụ: “Chính phủ chỉ đạo khẩn trương điều tra, xử lý nghiêm, …(www.cand.com.vn). Đây là “ra lệnh” chứ không hướng dẫn hay chỉ dẫn.

Chỉ tiêu <=> Tiêu chuẩn chỉ định.

Chiến sĩ <=> Binh sĩ, quân nhân, người lính.

Chiến sĩ gái, “lính gái” <=> Nữ quân nhân.

Chiêu đãi <=> Thết đãi; thiết đãi (chữ cũ).

Chiêu sinh <=> Tuyển mộ học sinh hay sinh viên.

          Nhận xét: Chữ “chiêu sinh” đã có từ lâu với nghĩa là “Trường học cáo bạch để dụ học sinh đến” (TĐ – ĐDA). Chữ này gần đồng nghĩa với chữ “tuyển sinh” như “thông báo tuyển sinh” đang được dùng trong nội địa.

Chính chủ <=> Người chủ (như chủ xe, chủ nhà); (A. Owner)                  

Chỉnh chu, chỉn chu <=> Chỉnh tề và chu đáo.

Choáng <=> Choáng váng.

          Nhận xét: Chữ “choáng” đã được dùng từ lâu như một tĩnh từ: 1- Hơi bị  xây xẩm, trí óc không bình thường vì bị kích thích bởi điều gì: Choáng hơi men; 2- Mầu mè, lòe loẹt, hào nhoáng; 3- Bị loá mắt vì ánh sáng mạnh cách bất chợt rọi vào mắt.

Tuy nhiên chữ “choáng” đã được dùng như một tiếng có tính cách “thời thượng,”  để nói tắt thay cho chữ “choáng váng” và khá phổ thông.

Choáng ngợp <=> Rất ngạc nhiên, gần như choáng váng.

Chủ đạo <=> Lãnh đạo, chỉ huy, điều khiển.

Chủ nhiệm <=> Trưởng ban, khoa trưởng, v.v…

          Nhận xét: Chữ “chủ nhiệm” cả hai bên đều dùng; tuy nhiên trước 1975, chữ  “chủ nhiệm” là danh từ, dùng để chỉ người đứng đầu một tòa báo. Ngày nay, tại nội địa, chữ này được dùng để chỉ người đứng đầu một cơ quan nào đó và đôi khi lại được dùng như một động từ.

          Thí dụ: Chủ nhiệm tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam” (vi.wikipedia.org). “Chủ nhiệm văn phòng chính phủ…” (chinhphu.vn). “Thầy giáo chủ nhiệm để trò lớp 4 dạy hộ” (tuoitre.vn/Giao-duc). Tiếng Việt đã bị mất đi một số chữ!

Chui <=> Lén lút.

Chủ trì <=> Chủ tọa.

          Nhận xét: Chữ “chủ trì” cả hai bên đều dùng; tuy nhiên chữ “chủ trì”  nói về việc điều hành và quản lý một công việc nào đó. Người “chủ tọa” (A. Chair person) là người điều hành một phiên họp, một hội nghị. Người “chủ trì” (A: Director), có thể là người “chủ tọa,” nhưng người  “chủ tọa” không hẳn là người “chủ trì.” Chữ “chủ trì” phổ thông tại nội địa và thường dùng không đúng.

          Thí dụ: “Thủ tướng … chủ trì phiên họp thường kỳ tháng 4 …” (radiovietnam.vn); “Thứ trưởng … chủ trì cuộc họp sơ kết…” (www.mt.gov.vn/).

Chùm ảnh <=> Một số ảnh.

Chùm thơ <=> Một tập thơ, thi tập.

Chuyên chở <=> Nói lên, nêu ra.

          Nhận xét: “Chuyên chở”: di chuyển vật gì từ chỗ này đến chỗ khác. Nếu dùng chữ này cho những gì trừu tượng thì không hợp.

          Thí dụ: “Dòng chữ này chuyên chở lời cám ơn…(books.google.com); “Nhạc như chuyên chở lời sâu vào tâm thức của người nghe…(cuongde.org); “Đó không phải là nhiệm vụ chuyên chở ý nghĩa qua những khác biệt ngôn ngữ” (phebinhvanhoc.com.vn); “Ngôn ngữ mầu nhiệm không chỉ chuyên chở ý tưởng mà còn …” (phebinhvanhoc.com.vn), v.v…

Chuyên cơ <=> Phi cơ chuyên biệt (dành riêng cho nhân vật hay mụ c đích rất quan trọng).

          Nhận xét: “Chuyên”( 專): Chuyên, chuyên môn, chuyên nhất, chuyên chú.  “” (机): máy. “Chuyên cơ” chỉ là cái máy dùng để chuyên chở hay di chuyển, không nói lên điều gì về sự  bay bổng, máy bay hay phi cơ cả. Có lẽ là từ chữ “Phi cơ chuyên biệt” được rút ngắn lại là “cơ  chuyên” và viết theo kiểu Hán Việt thành “chuyên cơ.”

          Thí dụ: “Bán đấu giá chuyên cơ chở 5 đời tổng thống Mỹ” (xalo.vn).

Chuyên tu <=> Tu nghiệp chuyên môn.

          Nhận xét: “Chuyên tu” ở trong nước là “cách học” của những quan chức theo học các lớp “Đại học tại chức.” “Đại học” này khác với “đại học chính quy” là những trường dạy theo đúng tiêu chuẩn chung của các đại học “bình thường” [như các nơi khác trên thế giới, khoảng 4 năm học để có bằng cử nhân, khoảng 6 năm để có “thạc sĩ” (Master degree), 8 năm hay hơn để có thể trình luận án lấy bằng tiến sĩ]. Vì thế tại Quốc Nội, dân chúng có câu “Dốt như chuyên tu, ngu như tại chức.”

Chuyên viên khói lửa <=> Chuyên viên (gia) chất nổ.

          Thí dụ: “Vụ nổ ở nhà chuyên viên khói lửa” (m.dnrtv.org.vn).

Chuyển ngữ <=> Dịch.

Chức năng <=> Nhiệm vụ, trách nhiệm.

Chữa cháy <=> Cứu hỏa.

          Nhận xét: Chữ “chữa cháy” cả hai bên đều dùng, có nghĩa như  nhau, tuy nhiên chữ này là chữ thuần Nôm và được dùng một cách phổ thông hơn ở nội địa.

Chứng minh nhân dân (CMND), chứng minh thư  <=> Thẻ căn cước.

Chuộng ngoại <=> Ưa thích những gì (hàng hóa) của nước ngoài.

Co cụm <=>  Thu hẹp.

Con tàu vũ trụ <=> Phi thuyền không gian.

Có nguy cơ, có khả năng <=> Có thể.

Có vấn đề <=> Trở ngại, lấn cấn, nghi vấn.

          Thí dụ: “MS Word bị có vấn đề” (www.benhvientinhoc.com); “Doanh nghiệp chê sinh viên ngoại thương là bị có vấn đề” (vietnamnet.vn), …

Còm sĩ <=> Người góp ý cho các bài viết trên “internet.”

Công an <=> Cảnh sát.

Công nghiệp <=>  Kỹ nghệ.

Công nhân viên <=> Công chức.

Công trình <=>  Công tác.

          Thí dụ: “Gởi anh em kỹ sư xây dựng đi công trình xa nhà” (www.ketcau.com).

Cơ bản <=> Căn bản.

          Nhận xét: Chữ “cơ bản” đã có từ lâu, là một danh từ, nghĩa là nền, gốc, nghĩa như chữ “căn bản.” Tuy nhiên, trước năm 1975 và tại hải ngoại ngày nay, chữ “căn bản” phổ thông hơn.   

Cơ cấu  (dt., đgt.) <=>  Xếp đặt (đgt.), tổ chức (dt., đgt.).

          Nhận xét: Chữ “cơ cấu” đã dùng từ lâu như một danh từ, tuy nhiên chữ này lại được dùng như một động từ, cách dùng này không đúng và xảy ra tình trạng lập lại nghĩa.

          Thí dụ: “Cơ cấu tổ chức Bộ Khoa học và Công nghệ” (most.gov.vn);

Cơ cấu (lại) vốn <=> Xếp đặt (lại) vốn liếng.

          Nhận xét: “Cơ cấu vốn là thuật ngữ dùng để chỉ một doanh nghiệp sử dụng các nguồn vốn khác nhau với một tỉ lệ nào đó của mỗi nguồn để tài trợ cho tổng tài sản của nó.” (docs.vn) . “Cơ cấu lại vốn” là mỹ từ đặt ra để (có thể) lạm dụng công quỹ hay tham nhũng.

          Thí dụ: “Thủ tướng đồng ý cơ cấu lại vốn…” (www.baomoi.com › Kinh tế › Tài chính); “Cơ cấu lại vốn để mở rộng dự án…” (baolangson.vn).

Cơ chế <=> Cách thức tổ chức và vận hành.

Cơ khí (tĩnh từ) <=> Cầu kỳ, phức tạp.

          Thí dụ: “Màu sắc rất cơ khí” (mechavn.org); “mang đến một cảm giác rất cơ khí…” (gamethu.vnexpress.net).

Cơ quan chủ quản <=> Ban quản lý hành chính.

Cơ sở <=> Căn bản, nguồn gốc, điều để dẫn chứng .

          Thí dụ: “Đòi thẩm định trạng thái tinh thần là không có cơ sở” (phapluattp.vn); “ ‘Đường lưỡi bò’ không có cơ sở pháp lý” (biendong.tuoitre.vn)

Cơ sở dữ liệu <=> Tập hợp dữ kiện (A. Data base).

Cơ trưởng <=> Phi công trưởng.

Cục đường sắt <=> Sở hỏa xa.

Cụm từ <=> Nhóm chữ.

          Nhận xét: “Cụm”: Nhóm (Nôm), “từ” (詞) : chữ (Hán). Tạo chữ mới không đúng cách.

Cứ gọi là <=> Thật là, đúng là.

          Thí dụ: “Nhìn cứ gọi là hoa cả mắt” (bbvietnam.com).

Cửa hàng ăn uống <=> Nhà hàng.

Cửa hàng bách hoá tổng hợp <=> Tiệm tạp hoá.

Cửa hàng may đo <=> Tiệm may.

          Nhận xét: May rồi mới đo?!

Cường điệu <=> Phóng đại.

          Nhận xét: “Cường điệu” là danh từ, nay lại dùng như một động từ, hết ý kiến!

          Thí dụ: “Cường điệu: trình bày trên mức sự thật một mặt nào đó của sự vật, hiện tượng để làm cho người ta chú ý” (tratu.soha.vn/dict/vn_vn/); “Hyundai cường điệu mức tiêu thụ nhiên liệu” (dantri.com.vn ).

Cường kích (phi cơ) <=> Oanh tạc cơ.

Cưỡng chế <=> Chế ngự, bắt ép, cưỡng đoạt.

          Thí dụ: “Cưỡng chế những hộ gia đình không chấp hành lệnh di dời nhà ở” (tratu.soha.vn); “Toàn cảnh vụ cưỡng chế đất ở huyện Tiên Lãng – BBC Vietnamese.”

Cự ly <=> Khoảng cách.

          Thí dụ: “Đánh giá máy chiếu cự ly ngắn…” (www.pcworld.com.vn). “Có câu: Nhất cự ly, nhì tốc độ, đủ thấy yếu tố khoảng cách và tốc độ quan trọng với tình yêu như thế nào.” (anninhthudo.vn).

Cửa khẩu <=>  Phi cảng, hải cảng, cửa ải.

          Thí dụ: “Về Quy chế cửa khẩu biên giới đất liền” (moj.gov.vn); “Hải quan cửa khẩu Tân Sơn Nhất đã “làm tiền” với kiều bào” (vietbao.vn). 

Cực đoan <=> Quá khích.

          Thí dụ: “Phát hiện tài liệu cực đoan trong máy tính…” (dantri.com.vn › Thế giới).

Cực kỳ <=> (trgt.) Rất, tuyệt, hết mức, quá sức.   

          Thí dụ: “Loài cực kỳ nguy cấp” (vi.wikipedia.org); “Thời tiết cực kỳ thất thường trong mấy ngày tới – Kênh 14 – Báo Mới.”

Lạm dụng chữ “cực kỳ” (để phóng đại?) trong những trường hợp không cần thiết.

Cứu hộ <=>  Cứu cấp, cấp cứu.

          Thí dụ: “Cứu hộ giao thông” (vi.wikipedia.org); “Vũng Tàu: Cứu hộ 32 khách tắm biển bị lọt ao xoáy” (phapluattp.vn).

 

Dạng <=> Loại, kiểu.

          Thí dụ: “ Chính sách của Việt Nam thuộc dạng lỗi thời so với các nước…” (vi.wikipedia.org)

Dã ngoại <=> Buổi đi chơi và ăn uống ở ngoài trời (A. Picnic).

          Thí dụ: .”.. thác Giang Điền hiện nay được xem là điểm dã ngoại sinh thái cuối tuần khá mới mẻ” (edu.vn)

Dân đi khiếu kiện <=>  Dân oan.

Di dời <=> Di chuyển.

Diễn viên điện ảnh <=> Tài tử (màn bạc).

Diện <=> Phương diện, thành phần.

          Thí dụ: “THÔNG TƯ. Ban hành danh mục vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật…” (moj.gov.vn); “Thí sinh thuộc diện ưu tiên khó được tuyển thẳng ĐH” (tuyensinh.mobi).

Diễu binh <=> Diễn binh.

Diễu hành <=> Diễn hành.

          Nhận xét: “Diễu” (Nôm): Chạy, đi chung quanh  (TĐ Thanh Nghị), “hành” (行) (Hán): đi. Tạo chữ mới không đúng cách, không đúng nghĩa.

          Thí dụ: “40.000 người tham gia diễu binh, diễu hành mừng đại lễ” (tuoitre.vn)

Doanh nghiệp <=> Công ty.

Doanh số  (doanh thu) <=> Tiền bán sản phẩm (trong một thời gian nhất định).

Doanh số xuất xưởng <=> Trị giá sản lượng.

Du sinh <=> Du học sinh.

Dữ liệu <=> Dữ kiện.

 

Đa năng <=> Linh hoạt, nhiều công dụng (A. Versatile).

Đả thông tư tưởng <=> Thuyết phục.

Đài, đài bán dẫn <=> Máy thu thanh, radio.

Đài khí tượng thủy văn <=> Đài khí tượng.

Đại đa số, tuyệt đại đa số <=> Đa số, phần lớn, hầu hết.

          Nhận xét: Chữ này cả hai bên Nội/Ngoại đều dùng, tuy nhiên người trong nước dùng có tính cách khoa trương và không cần thiết.

          Thí dụ: “ “Tuyệt đại đa số nhân dân tán thành: Dự thảo sửa đổi Hiến pháp” (daibieunhandan.vn);  “Đại đa số người Mỹ ít biết về Cử tri đoàn” (vietnam.usembassy.gov).

Đại Hàn Dân Quốc, Hàn quốc <=> Nam Hàn.

          Nhận xét:  Những chữ này đã có từ lâu, tuy nhiên quốc nội lại thích dùng những chữ Hán Việt này hơn những chữ thuần Việt (Nôm).

Đại học chính quy / Đại học tại chức <=> Đại học/Đại học hàm thụ.

          ( Xem phần “nhận xét” của chữ “chuyên tu”).

Đại học mở, đại học trên mạng <=> Đại học hàm thụ  (A.Online University).

          Thí dụ: “Dễ như… mua bằng đại học trên mạng” (nguoiduatin.vn).

Đại táo / Tiểu táo <=>  Nấu ăn chung, ăn tập thể / Nấu ăn riêng, ăn gia đình.

Đại trà <=>  Quy mô, cỡ lớn.

Đại từ  <=> Đại danh từ.

Đảm bảo <=> Bảo đảm.

Đánh tư sản mại bản <=> Đoạt tài sản của các thương gia.

Đào tị  <=>  Tị nạn.

Đạo cụ <=> Dụng cụ làm phim ảnh.

          Thí dụ: “Cháy nổ kho chứa đạo cụ làm phim” (anninhthudo.vn).

Đáp án <=> Bài trả lời, kết quả.

Đạt yêu cầu <=> Đủ điều kiện.

          Thí dụ: “Đa phần MBH không đạt yêu cầu về hấp thụ xung động” (baomoi.com › Kinh tế); “Nhiều cơ sở giết mổ chưa đạt yêu cầu” (thanhnien.com.vn); “Nếu lô hàng đạt yêu cầu nhập khẩu theo quy định” (moh.gov.vn).

Đăng ký <=> Ghi danh, ghi tên.

          Nhận xét: Chữ “đăng ký” đã bị lạm dụng và dùng sai. Chữ này đã có từ lâu như trong TĐ Thanh Nghị với định nghĩa: “ Ghi chép: Đăng ký vào bộ điền. Enresistor.” Chữ “đăng ký” chỉ được dùng để ghi tên người vào các văn kiện hành chính, có nhân viên của chính phủ chấp thuận. Tuy nhiên chữ này đã dùng trong các trường hợp không thuộc về hành chính như nhà băng, trường học, trò chơi, internet, v.v…

          Thí dụ: “Đăng ký gmail,” “đăng ký tên miền,” “đăng ký tài khoản,” “đăng ký dự thi đại học” v.v ….  

Đặc trưng <=> Đặc điểm.

          Nhận xét: Chữ “đặc trưng” đã có từ lâu với định nghĩa là “Trưng dụng đặc biệt, Réquisition exceptionnelle” (TĐ Thanh Nghị). Nay lại  dùng với ý nghĩa là đặc điểm trong những thí dụ như sau: “Mỗi tộc người có những nét đặc trưng riêng”(dt.); “đặc trưng văn hoá,” “đặc trưng ngôn ngữ,” … (tratu.soha.vn/dict/vn_vn/).

Đặc thù <=> Đặc biệt.

           Nhận xét: Chữ “đặc thù” đã có từ lâu và được dùng như một tĩnh từ. Người trong nước lắm lúc lại dùng như một danh từ, đọc thấy lạ lùng!

          Thí dụ: “Một số đặc thù của công việc” (tratu.soha.vn); “Tạo cơ chế, chính sách phù hợp với đặc thù của khoa học và công nghệ” (duthaoonline.quochoi.vn) – Đại biểu “cuốc hội” mà viết trong bản dự thảo như thế này thì xin chào thua!

Đẳng cấp <=> Thứ bậc, hạng (dt.).

          Nhận xét: Chữ “đẳng cấp” đã có từ lâu, tuy nhiên chỉ được dùng như một danh từ. Thí dụ: “Các đẳng cấp trong xã hội.” Ngày nay tại quốc nội còn dùng chữ này như một tĩnh từ.

          Thí dụ: “ Chelsea là đội bóng rất đẳng cấp” (baomoi.com); “Nghệ thuật tạo hình từ bóng của đồ vật cực kỳ đẳng cấp” (kenhsinhvien.net).

Ðấu tranh giai cấp <=> Tạo hận thù trong xã hội.

Đầu gấu <=> Côn đồ, du đãng.

Đầu ra / Đầu vào <=>  Xuất lượng / Nhập lượng.

          Thí dụ: “Chênh lệch lãi suất đầu ra – đầu vào, đâu là sự thật?” (www.misa.com.vn ); “Khảo sát phân tích yếu tố “đầu vào” và “đầu ra” của công ty cơ điện” (tailieutonghop.com).

Đề cương <=> Đề tài đại cương, chủ đề đại cương.

          Thí dụ: “đề cương môn Sử” (vietnamnet.vn)

Đề xuất <=>  Đề nghị.

          Thí dụ: “Trung Quốc hôm qua đã bất ngờ đề xuất đàm phán với ASEAN” (dantri.com.vn).

Đi nặng/ đi nhẹ <=> Đại/ tiểu tiện.

Điều kiện khí tượng <=> Điều kiện thời tiết.

          Thí dụ: “Bản tin dự báo về điều kiện khí tượng cho tàu bay cất cánh” (vatm.vn)

Điểm yếu <=> Yếu điểm (điểm quan trọng).

          Nhận xét: Chữ “điểm yếu” (nhược điểm) đã bị dùng một cách nhầm lẫn, nghĩa là “điểm quan trọng,” đã dùng trong cuối thập niên 70 và 80 thế kỷ 20. Tuy nhiên ngày nay chữ “điểm yếu” đã được hiểu là “nhược điểm” từ khá nhiều trang “web” (kiểm chứng qua Google).

Điều phối LCD <=> Màn hình LCD (A: Liquid Crystal Display computer monitor).

Định kiến <=> Thành kiến.

          Nhận xét: Chữ “định kiến” đã có từ lâu với nghĩa: “Chủ ý nhất định, thành kiến” (TĐ. Thanh Nghị). Tuy nhiên chữ “định kiến” phổ thông hơn ở trong nước.

Đôi công <=> (về thể thao).

          Thí dụ: “Những pha đôi công nghẹt thở trong môn bóng bàn” (kenh14.vn).

Đối kháng điện tử <=> (A. Electronic countermeasure)         

Đối tác <=> Đối tượng hợp tác.

          Thí dụ: “SGVF hợp tác với những đối tác đáng tin cậy” (sgvf.com.vn).

Đội ngũ <=> Hàng ngũ

          Thí dụ: “Đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý trong lĩnh vực giáo dục…” (tim.vietbao.vn).

Đồng bào dân tộc <=> Đồng bào sắc tộc, dân tộc thiểu số.

Động não <=>  Vận dụng trí óc, suy luận, suy nghĩ.

Động thái <=> Thái độ hành động, động tác.

          Thí dụ: “Chính quyền Indonesia vừa có động thái phản đối hộ chiếu Trung Quốc in bản đồ đường lưỡi bò…” (xalo.vn/news)

Động viên <=>  Khuyến khích, cổ võ

           Nhận xét: Chữ “động viên” đã có từ lâu, với ý nghĩa là huy động nhân lực cho mục đích quân sự trong thời chiến. Ngày nay tại nội địa dùng chữ này với nghĩa là “khuyến khích.” Thí dụ: “Chủ tịch nước gửi thư động viên gia đình nam sinh dũng cảm” (dantri.com.vn › Xã hội‎).

Đột xuất <=> Bất ngờ.

Đột phá <=> 1- Chọc thủng và phá vỡ (tuyến phòng thủ); 2- Tạo biến chuyển mới.

          Thí dụ: “Đột phá phòng tuyến địch” (tratu.soha.vn), “Lý thuyết về Tư duy đột phá” (vi.wikipedia.org)

Đứng lớp <=>  Dạy học, giảng dạy.

          Thí dụ: “Cắt tiền đứng lớp của hàng trăm GV,…” (dantri.com.vn › Giáo dục).

Đương đại <=> Đương thời.

Đường băng <=> Phi đạo.

          Nhận xét: Chữ “phi đạo” là một chữ khá rõ nghĩa (dù là Hán Việt) là đường để phi cơ cất cánh hay hạ cánh. Nay lại bị thay thế bằng một chữ rất tối nghĩa là “đường băng.” Nếu viết “đường băng trên mặt băng” thì khó có thể hiểu rõ câu này. Nhưng nếu viết “phi đạo trên mặt băng” thì dễ hiểu hơn.

Đường cao tốc <=> Xa lộ.

 

Gái gọi <=> Gái bán dâm.

Gần gụi <=> Gần gũi.

Gia công <=> Làm công (để tạo sản phẩm theo yêu cầu).       

          Nhận xét: Chữ “gia công” đã được dùng từ lâu với nghĩa “thêm công phu vào mà làm” (TĐ Thanh Nghị). Ngày nay, trong nước dùng chữ này với nhiều nghĩa khác nhau ngoài ý nghĩa là cố sức thêm (“gia” (加): thêm) như: (đgt.) 1- Làm thay đổi trạng thái hình dạng của vật thể; 2- Làm công (để tạo sản phẩm theo yêu cầu với vật liệu được cung cấp); 3- Làm tăng giá trị một sản phẩm tiểu công nghệ; (dt) 1-  Sản phẩm tiểu công nghệ đã được “gia công” về giá trị.

          Thí dụ: “May gia công,” “gia công kim loại” (tratu.soha.vn/dict/vn); “Gia công phần mềm” (vi.wikipedia.org); “sản phẩm gia công qua cửa khẩu phụ” (dncustoms.gov.vn).

Gia cố <=> Tu bổ, làm cho vững chắc hơn.

          Thí dụ: “Công nghệ gia cố móng” (vietraco.vn), “Hà Nội: Gia cố lại chân đế của hai con nghê ở Đàn Xã Tắc” (baomoi.com).

Giá trị thặng dư <=> Đây là danh từ đặc biệt của CNXH.

          Nhận xét: (Giá chủ nhân kiếm được từ sức lao động của công nhân) – (Giá trả cho sức lao động của công nhân) = (Giá trị thặng dư).

Giải phóng <=> Cướp, lấy, áp bức, áp chế, ràng buộc, chiếm đóng, bỏ tù, giết, v.v…

          Nhận xét: Chữ “giải phóng” từ trước đã dùng với nghĩa “mở thả ra” (TĐ ĐDA), hay “cởi mở một sự bó buộc tù hãm, thả ra” (TĐ Thanh Nghị).

Chữ “giải phóng” không có tội vạ gì cả, tuy nhiên ý nghĩa đã trở nên tốt hay xấu tùy theo hậu quả của mục đích chính trị hay quân sự qua việc lạm dụng chữ này. Vì thế tại Hải ngoại, những nạn nhân của hậu quả này đã nhận thấy ý nghĩa của chữ “giải phóng” như đã nêu trên, đó là “Cướp, lấy, áp bức, áp chế, ràng buộc, chiếm đóng, bỏ tù, giết, v.v…

Không đề cập đến tính cách chính trị, ở trong nước, chữ này ngày nay đã bị lạm dụng với những cách dùng bừa bãi như sau.

          Thí dụ:Giải phóng mặt bằng”( tinmoi.vn); “Chế máy để giải phóng lao động chân tay” (baodatviet.vn); “Giải phóng dung lượng ổ cứng” (dantri.com.vn); “Phải giải phóng chó khỏi công việc cho nó hoàn toàn yên…” (hanoigsd.com); “Giải phóng tình yêu” (tinhte.vn); “Khát vọng giải phóng nhu cầu tình cảm bản năng” (hanu.vn); “ Nói tới giải phóng tình dục là nói tới dân chủ tình dục” (tamdaoconf.com) (?!); “Về nhà giải phóng hết đống hộp nhựa” (lamchame.com); v.v… Hết ý kiến!

Giải phóng mặt bằng <=>  Ủi cho đất bằng.

Giản đơn <=>  Đơn giản.

Giao diện <=> Phần tiếp giao, phần trung gian (A: Interfacing).

Giao lưu <=>  Giao thiệp, trao đổi.

          Thí dụ:Học sinh tham gia giao lưu văn hóa Mỹ sẽ được sống tại gia đình bản xứ” (edu.vn); “Trung tâm giao lưu văn hóa Nhật Bản tại Việt Nam” (jpf.org.vn).

Giao lưu tình cảm <=> Kết bạn tâm tình.

Giáo trình <=> Bài giảng, sách giáo khoa (A: Textbook).

Giáo án <=> Bài soạn, chương trình giảng bài.

Giấy kết hôn <=> Giấy giá thú, giấy hôn thú.

Giấy mời làm việc <=> Giấy gọi để điều tra.

 

Hà lan <=> Hòa Lan (A: Netherlands).

Hạch toán <=> Kế toán (A. Accounting).

Hải quan <=>  Quan thuế.

Hải quân đánh bộ <=> Thủy Quân Lục Chiến.

Hàng không dân dụng  <=> Hàng không dân sự.

Hát đôi <=>  Song ca.

Hạt nhân (vũ khí) <=> Nguyên tử (vũ khí), hạch tâm (vũ khí) [A:Nuclear (weapon)].

Hát tốp <=> Hợp ca.

Hầm hố (tĩnh từ) <=> Lạ lùng, táo bạo, bảnh bao, hung hăng, hùng hổ, “ngầu” (tglg.), dữ dằn, quái dị,…

          Thí dụ:Cách đóng gói sản phẩm của GooPhone trông rất hầm hố” (laodong.com.vn); “Một đám người mặc thường phục trông rất hầm hố” (bbc.co.uk).

Hậu cần <=> Tiếp liệu.

Hệ <=> Hệ thống.

          Thí dụ:Danh sách hành tinh trong Hệ Mặt Trời” (vi.wikipedia.org); “Hệ tuần hoàn hở – Thư viện sinh học.”

Hệ mét, mét hệ <=> Hệ thống đo lường dùng “mét” làm đơn vị căn bản (A. Metric system).

Hệ quả <=> Hậu quả.

Hiển thị <=> Hiện ra.

Hiện đại <=> Tối tân.

Hiệu ứng <=> Phản ứng, tác động.

          Thí dụ: “Độc đáo màn tạo hiệu ứng Domino từ 10.000 chiếc iPhone 5” (dantri.com.vn).

Một câu viết “lạ”! Nên viết là “Màn tạo hiệu ứng Domino độc đáo từ 10.000 chiếc iPhone 5.”

Hóa <=> Hóa.

          Nhận xét: Chữ “hóa” đã được dùng từ lâu, gốc là chữ Hán, nghĩa là “biến thành, trở thành,”  cả Nội / Ngoại đều dùng. Tuy nhiên, ở trong nước, chữ này đã bị dùng sai và lạm dụng bừa bãi bằng cách ghép Hán với Nôm một cách rất ngô nghê và ngớ ngẩn.

           Thí dụ: “Nhiều gia đình bị “nghèo hóa” vì chi phí y tế – Cộng đồng Dược”; “Thí nghiệm này đánh giá việc giàu hóa vitamin B2” (mekongfish.net.vn)

Hoàn cảnh <=> Nghèo khổ.

          Nhận xét: Chữ “hoàn cảnh” là danh từ, nghĩa là “cảnh ngộ hay cảnh giới chung quanh.” Ngày nay trong nước lại dùng như tĩnh từ với ý nghĩa là “nghèo khổ” thì không thể hiểu được!         

          Thí dụ:Giúp đỡ cho bà, chứ bà ấy hoàn cảnh lắm” (baomoi.com).

Hoành tráng <=>  Nguy nga, tráng lệ, đồ sộ, rộng lớn, diễm lệ, bề thế…

           Nhận xét: Chữ “hoành tráng” là một chữ có từ lâu, một tĩnh từ, thường để diễn tả những gì thuộc về không gian như kiến trúc hay quang cảnh. Tuy nhiên chữ “hoành tráng” đã bị lạm dụng cách bừa bãi với tính cách khoa trương không cần thiết và không đúng, cái gì cũng “hoành tráng” làm mất đi những chữ rất hay đã có sẵn trong tiếng Việt.

          Thí dụ: “ Tôi từng mơ tương lai hoành tráng” (vnexpress.net); “Tiệc tối hoành tráng” (dantri.com.vn); “Đám cưới rất hoành tráng” (chaobuoisang.net); “Shop váy online cực hoành tráng” (rongbay.com › Hà Nội); “ Màn thi tài năng hoành tráng” (vietduc.org).

Học tập cải tạo <=> Bỏ tù không có bản án.

Học tập tốt <=> Học giỏi.

Học từ xa <=> Học hàm thụ.

Hồ hởi <=> Phấn khởi.

Hộ <=> Nhà.

          Nhận xét: Chữ “hộ” (戶) chữ Hán, nghĩa là nhà, gia đình. Tiếng Việt đã có chữ “nhà” là chữ Nôm từ ngàn năm, sao lại phải dùng chữ Hán để thay thế?!

          Thí dụ: “Xã có gần một nghìn hộ” (tratu.soha.vn)

Hộ chiếu <=>  Sổ thông hành.

          Nhận xét: Chữ “hộ chiếu” (護照) đã có từ lâu, đây là chữ Hán, có nghĩa là “giấy vi bằng để bảo hộ cho kẻ lữ khách hoặc hàng hóa chuyên chở” ( TĐ ĐDA), hay là “Giấy thông hành” (TĐ Thanh Nghị).  

Hộ khẩu <=>  Tờ khai gia đình.

Hộ lý <=> Nhân viên y tế.

Hội nhập <=> Hòa nhập.

Hội chữ thập đỏ <=>  Hội Hồng Thập Tự.

Hủ hoá <=> Trở nên hư đốn, hư hỏng, ngoại tình.

Hùng hiểm <=> Hùng vĩ và hiểm trở.

Huyền thoại <=> Siêu đẳng, ngoại hạng, thượng hạng, thượng thặng.

          Nhận xét: Chữ “huyền thoại” đã có từ lâu, là những truyền thuyết, truyện thần bí không có thật, do tưởng tượng; như huyền thoại “Bà Âu Cơ sinh 100 trứng.” Chữ này là một danh từ, tuy nhiên trong nước lại hay dùng như một tĩnh từ với nghĩa khác hẳn; để “làm dáng chữ nghĩa” hay  dịch thẳng từ chữ “legendary” của tiếng Anh?! Thay vì có nghĩa là “siêu đẳng” lại biến thành truyện “không có thật”!

           Thí dụ: “Huyền thoại bóng rổ sắp đi Triều Tiên giải cứu công dân Mỹ” (dantri.com.vn); “Huyền thoại Không quân Nhân Dân Việt Nam” (yeutoquoc.org); “Vị chủ tịch huyền thoại” (globaledu.com.vn), “Mi-8 là cỗ máy bay trực thăng huyền thoại của Không quân Xô viết” (baomoi.com)

Hư cấu <=> Tưởng tượng.

Hưng phấn <=> Kích động, vui sướng.

          Thí dụ: “ĐT Anh đang rất hưng phấn khi thắng Ukraine – Báo Bóng Đá” (baomoi.com)

Hữu hảo <=> Thân thiện (A. Friendly).

          Thí dụ: “Tính cá heo thích chơi đùa, …, hơn nữa chúng rất hữu hảo với con người” (hanoimoi.com.vn).

Hữu nghị <=> Thân hữu (A. Friendship).

 

In ấn <=> Ấn loát.

 

Kênh <=> Đài (A. Channel).

Kênh sóng <=> Băng tần.

          Thí dụ:  .”.. du lịch trên kênh sóng của Đài Truyền hình KTS VTC” (bacgiang.gov.vn).

Kết từ <=> Liên từ (A. Conjunctions)

Khả năng (có) <=>  Có thể.

          Nhận xét: Chữ “khả năng” là danh từ, chỉ tài năng, hay sức có thể làm được điều gì của người, hoặc của động vật. Trong nước ngày nay dùng chữ này một cách lung tung và lộn xộn.

          Thí dụ:  “Cơn bão có khả năng sẽ suy yếu dần” (tratu.soha.vn); “Tỷ số khả năng trả lãi” (vi.wiktionary.org); “Miền Bắc có khả năng mưa diện rộng vào giữa tuần” (baomoi.com)

Kém văn hóa <=> Ít học.

Khắc phục <=> Khôi phục, chữa, vượt qua trở ngại.

           Nhận xét: Chữ này đã có từ lâu, tuy nhiên trong nước lạm dụng chữ này một cách kỳ dị.

          Thí dụ: “Khắc phục vườn ươm giống cây lâm nghiệp” (baobacgiang.com.vn); “Chế độ dinh dưỡng khắc phục bệnh trĩ, táo bón” (suckhoe.24h.com.vn); “Khắc phục heo nái sinh sản kém” (thuvien.qnamuni.edu.vn).

Khẳng định <=> Xác định.

Khẩn trương <=>  Nhanh, gấp rút, mau lẹ; gay cấn, căng thẳng.

          Nhận xét: Chữ “khẩn trương” có nghĩa là “căng thẳng” (TĐ Thanh Nghị). Tuy nhiên trong nước nay lại dùng chữ này một cách rất lạ lùng.

          Thí dụ: “Học sinh, sinh viên phải ăn tranh thủ, ngủ khẩn trương” (laodong.com.vn); “Lào Cai: Khẩn trương ổn định đời sống cho nhân dân sau mưa đá” (baodientu.chinhphu.vn).

Khâu <=>  Bộ phận, yếu tố, nhóm, ngành, ban, khoa, phần hành, giai đoạn, v.v…

          Nhận xét: Một chữ “khâu” để thay thế bao nhiêu chữ khác đã có sẵn; tiếng Việt đang bị làm “cùn” một cách thảm hại.

          Thí dụ:Khâu trung gian, khâu then chốt, một khâu quan trọng trong dây chuyền sản xuất” (tratu.soha.vn); “Bỏ HĐND – bớt một khâu gật đầu?” (hienphap.net); “Tổ chức là một khâu quyết định đối với việc thực hiện thắng lợi đường lối,…” (voer.edu.vn); “Một khâu đột phá” (laodong.com.vn).

Khí tài <=> Quân trang và quân dụng.

          Thí dụ:Hải quân Việt Nam mua thêm khí tài của Nga” (songmoi.vn).

Khu quy hoạch <=> Khu đất có dự án xây cất.

Khuyến mãi <=> Quảng cáo, khuyến khích mua hàng.

Khủng <=> Khủng khiếp.

Kích cầu <=> Kích thích nhu cầu (tiêu thụ).

Kích hoạt <=> Kích thích hoạt động, khởi động.

          Thí dụ: “Kích hoạt chương trình máy tính” (tratu.soha.vn); “Gửi mail kích hoạt tài khoản” (id.ming.vn ).

Kiên định <=> Ý định kiên tr ì.

Kiểm sát <=> Kiểm tra và giám sát.

Kiểm thảo <=> Kiểm tra và thảo luận.

Kiểm tu <=> Kiểm tra và tu bổ.

          Thí dụ: “Biên bản kiểm tu xe ô tô” (cpc.vn).

Kiên quyết <=> Cương quyết.

Kiều hối <=> Ngoại tệ.

Kinh qua <=> Trải qua.

Kỷ luật <=> Phạt.

          Nhận xét: Chữ “kỷ luật” (A. Discipline) được dùng đã lâu, là danh từ, có nghĩa là những “quy định bắt buộc.” Người trong nước lại dùng chữ này như một động từ!

          Thí dụ: “Em bị kỷ luật, anh khủng bố người tố cáo” (baomoi.com › Pháp luật); “Công chức vi phạm kỷ luật, bị kỷ luật,…” ( thabacninh.vn)

 

Lá chắn tên lửa <=> Hệ thống chống hỏa tiễn (A. Missle defense system).

Lái xe <=> Tài xế, người lái xe.

          Nhận xét: Chữ “lái xe” , “lái” là động tự, nay lại thành ra danh từ là “người lái.” Cách dùng này đưa đến những câu ngô nghê như: “Công nhân lái xe, lái xe buýt bị đánh trọng thương” (vnmedia.vn). Sao không viết cách đơn giản và dễ hiểu như: “  Công nhân lái xe buýt bị đánh trọng thương.”    

Làm chủ tập thể <=> Cướp hết tài sản của dân.

Làm gái <=> Làm nghề bán dâm.

          Thí dụ : “Làm gái ở nhà mẹ Tú khác hẳn với mấy “bãi đáp” kia” (Tôi Làm Gái – TruyenViet.com)

Làm kinh tế <=> Buôn bán, làm thương mại, kinh doanh.

Làm việc <=>  Thẩm vấn, điều tra.

           Thí dụ : .”.. bị công an gọi lên làm việc và lại cho về...” (phapluattp.vn).

Lãnh đạo <=> Người chủ trương đường lối, kế hoạch.

          Nhận xét: Chữ “lãnh đạo” đã được dùng từ lâu như một động từ,với nghĩa “ dẫn đường, dìu dắt” (TĐ Thanh Nghị) và đôi khi dùng làm tĩnh từ như “khả năng lãnh đạo.” Tuy nhiên, ngày nay trong nước chữ này dùng như một danh từ chỉ “người lãnh đạo” là một điều sai lầm. Nếu viết: “Lãnh đạo lãnh đạo đường lối nhà nước” là một câu ngô nghê đến độ ngớ ngẩn!

Lao cải <=> Tù khổ sai.

Lầu năm góc  <=>  Ngũ Giác Đài.

Lẽ tất dĩ ngẫu <=> Lẽ tất nhiên.

          Thí dụ: .”..đó là lẽ tất dĩ ngẫu trong một trận bóng đá” (baomoi.com)

Lên lớp (tglg.) <=> Dạy bảo.

          Thí dụ: “Bị ‘lên lớp’, dùng hóa chất đốt người” (luathoc.cafeluat.com )

Lễ tang <=> Tang lễ.

Lễ tân (ban) <=> Tiếp tân (ban).

Liên hệ  <=>  Liên lạc, tiếp xúc (A. Contact).

          Nhận xét: Chữ “liên hệ” từ lâu đã được dùng như một tĩnh từ, có nghĩa là “tt. Dính líu: Việc ấy liên hệ đến quyền lợi chung” (TĐ Thanh Nghị). Nay trong nước lại dùng như động từ, thí dụ như: “Liên hệ qua điện thoại” (tratu.soha.vn).

Liên hoan <=>  Đại hội, ăn mừng.

Lính gái <=>  Nữ quân nhân.

Lính thủy đánh bộ <=>  Thủy quân lục chiến.

Linh tinh <=>  Vớ vẩn, lung tung, nhăng nhít.

Lớp trưởng <=> Trưởng lớp.

Lồng tiếng <=> Chuyển âm (phim ảnh).

          Thí dụ: “Thú vị với phim lồng tiếng” (baomoi.com)

Lược tóm <=> Tóm lược.

          Thí dụ: “Lược tóm bình luận của học viên…” (vrmi.wordpress.com)

Lưu ban <=> Ở lại lớp, học lại lớp.

          Thí dụ: “HS bị lưu ban vì không đi học thêm?” (dantri.com.vn)

Lý giải <=> Giải thích.

Lý lịch <=> Lai lịch.

 

Mạng <=> (A. Network)

Mạng mạch <=> (A. Network Circuits)

Mặt bằng <=> Khu đất phẳng.

          Thí dụ: “Diện tích mặt bằng là 200 hecta” (tratu.soha.vn).     

Mặt mạnh, mặt yếu <=> Ưu điểm, khuyết điểm.

          Thí dụ: “Cần đánh giá chính xác mặt mạnh, mặt yếu của 20 năm đổi mới” (cpv.org.vn).

Máy ảnh kỹ thuật số <=> (A. Digital camera)

Máy bay lên thẳng <=> Phi cơ trực thăng.

          Nhận xét: “Harrier jump jet,” “F35 Lightning2” là “ máy bay lên thẳng có cánh”?!   

Máy in lê-dờ <=> (A. Laser printer)

Máy in tia mực màu <=> (A. Inkjet printer)

Máy kích điện <=> Máy điện dự phòng (khi bị cúp điện), (A. Batterry power backup)

Máy kích âm, khuếch âm <=> (A. Audio amplifier)

Máy quét <=> (A. Scanner)

Mét hệ , hệ mét <=> Hệ thống đo lường dùng “mét” làm đơn vị căn bản (A. Metric system).

<=> Mỹ (Hoa Kỳ USA)

Minh chứng <=> Chứng minh.

Minh họa <=> Hình tượng trưng.

Múa đôi <=>  Khiêu vũ, nhảy đầm.

Mục từ <=> Danh mục chữ.

          Thí dụ: “Mục từ được xếp theo trật tự A, B, C” (tratu.soha.vn).

 

Nắm bắt <=>  Nắm vững, hiểu rõ.

          Thí dụ: “Khả năng nắm bắt tâm lý của người đối diện khi nói chuyện” (ttvnol.com)

Năng nổ <=>  Siêng năng, tháo vát, năng hoạt động, hăng hái, nhiệt tình.

          Thí dụ: “Một giám đốc năng nổ vì người nghèo,” “Người chỉ huy năng nổ” (baophuyen.com.vn); “Bí quyết để luôn là một giáo viên năng nổ” (tailieu.vn).

Nâng cấp <=> Cải tiến, nâng giá trị.

Nền công nghiệp âm nhạc <=> Kinh doanh về âm nhạc.

Nghệ danh <=> Tên nghệ sĩ.

Nghệ nhân <=>  Nghệ sĩ, thợ (thủ công).

Nghệ sĩ nhân dân, nghệ sĩ ưu tú <=> Nghệ sĩ trung thành với đảng.

Nghề rừng <=> Lâm nghiệp.

Nghĩa vụ quân sự <=> Đi quân dịch.

Nghiêm túc <=>  Nghiêm chỉnh, nghiêm trang, nghiêm nghị, đứng đắn.

          Nhận xét: Nghĩa gần như nhau, tuy nhiên cách dùng có đôi chút khác nhau, tùy theo trường hợp như “nghiêm trang nơi thờ phượng,” “nghiêm chỉnh khi chào cờ,” “đứng đắn với phụ nữ,” “nghiêm túc trong phòng họp,” “nghiêm nghị lúc chỉ huy.” Người trong nước dùng chữ “nghiêm túc” hầu như cho mọi trường hợp.

          Thí dụ: “Giữ vẻ nghiêm túc trong lễ ăn hỏi” ( baodatviet.vn), nên dùng chữ “nghiêm trang” trong câu này; “Thiết kế váy khá kín đáo tạo vẻ nghiêm túc, lịch sự” (thoitrangphuongnam.com), nên dùng chữ “đứng đắn”; “Người chỉ huy phải chấp hành nghiêm túc mệnh lệnh của cấp trên” (baobacgiang.com.vn), nên dùng chữ “nghiêm chỉnh” trong câu này.

Nghiên cứu sinh <=>  Sinh viên chuẩn tiến sĩ, sinh viên tiến sĩ dự bị.

          Nhận xét: Chữ “Nghiên cứu sinh”  hiển nhiên là một danh từ, dùng như một động từ là cách viết sai đến độ khó hiểu.

          Thí dụ: “Chế độ với nhà giáo được cử đi nghiên cứu sinh” (baodientu.chinhphu.vn); “Làm visa cho người đi nghiên cứu sinh” (dichvuvisa.asia)

          Nhận xét qua hai thí dụ trên:  Dễ  bị hiểu lầm là .”.. nhà giáo được cử đi” nghiên cứu về cách sinh đẻ? Xin chào thua!  Sao không viết là “ Quy chế cho nhà giáo khi được cử đi như một nghiên cứu sinh”; rồi .”..người đi nghiên cứu sinh” là người đi nghiên cứu về ngành hộ sản? Sao không viết cách đơn giản và dễ hiểu là “Làm visa cho nghiên cứu sinh”?!

Nghiệp dư <=> 1- Nghề có tính cách tài tử và không chuyên môn; 2- Nghề phụ, nghề tay trái.

Nhóm trưởng <=> Trưởng nhóm.

Ngoan cường <=> Gan dạ, bạo dạn, kiên cường.

Ngụy <=> “Thua cuộc,” “theo ngoại bang,” “bán nước.”

          Nhận xét: Đây là một tĩnh từ, chữ “ngụy” (僞) đã có từ lâu kể cả trong chữ Hán và Hán-Việt với nghĩa là “giả dối, trái với chân thực” (TĐ KTTĐ), “ trái với thực, giả dối” ( TĐ Thanh nghị) và Hán tự với nghĩa là “dối, giả, giặc” (TĐ ĐDA).

Phe “thắng cuộc” đã áp đặt ý nghĩa; một chữ đầy tính cách chính trị. Ý nghĩa này sẽ bị thay đổi theo chủ từ và thời gian, như những chữ “ngụy quân,” “ngụy quyền.” Lịch sử sẽ cho biết ai là “ngụy” theo như định nghĩa trên.

Nguy cơ (có) <=> Có thể.

          Thí dụ: “Trung – Mỹ có nguy cơ bước vào cuộc chạy đua về UAV”   (laodong.com.vn)

Ngư dân <=> Ngư phủ.

Người nước ngoài <=> Ngoại kiều.

Người phát ngôn <=> Phát ngôn viên.

Ngưỡng <=> Tầm hay mức (giới hạn).

          Nhận xét: Chữ “ngưỡng” vốn là danh tự, là vật thể, chỉ thanh gỗ chắn ngang dưới đáy cửa, để chặn cánh cửa khi đóng. Ngày nay, trong nước lại dùng chữ này theo như nghĩa l à tầm hay mức cho những câu viết có tính cách trừu tượng. Cách dùng này đưa đến những câu viết khó hiểu.

          Thí dụ: “ Thế giới đang vượt quá ngưỡng tự nhiên” (baomoi.com); “Nhiều đoạn sông Đồng Nai bị ô nhiễm vượt ngưỡng cho phép” (monre.gov.vn); “Đối đầu liên Triều tới “ngưỡng” chiến tranh tổng lực” (danviet.vn).

Ngữ pháp <=> Văn phạm.

          Nhận xét: Từ những cách viết lộn xộn, cách dùng chữ bừa bãi, sai văn phạm, loạn “ngữ pháp,” nên trong nước đã có câu nói khá phổ biến “Phong ba bão táp không bằng ngữ pháp Việt Nam.”

Nhà cao tầng <=> Cao ốc.

Nhà hát <=> Rạp hát.   

Nhà khách <=> Khách sạn (dành cho người của chính phủ đến hay đi công tác).

          Thí dụ: “Nhà khách bộ quốc phòng” (tratu.soha.vn).

Nhà Trắng <=> Tòa Bạch Ốc (A. The White House)

Nhắc nhớ <=> Nhắc nhở.

Nhân dân <=> Dân chúng, đồng bào, công dân.

          Nhận xét: Chữ “nhân dân” đã bị lạm dụng, dùng làm bung xung bởi chính quyền trong nước, để phục vụ cho quyền lợi của phe nhóm.

Nhân thân <=> Lai lịch cá nhân.

Nhập khẩu <=> Nhập cảng.

Nhất quán <=> Trước sau như một.

          Thí dụ: “Độc chiếm biển Đông là chiến lược nhất quán của Trung Quốc” (news.go.vn).

Nhất trí <=>  Đồng lòng, đồng ý.

Nhạy cảm <=> 1- Tế nhị (về giao tế); 2- Dễ xúc động (về tình cảm); 3- Dễ gây cảm giác (về ngũ quan); 4- Dễ bị kích thích (thân thể). 

          Nhận xét: Chữ “nhạy cảm” cả hai phía Nội/Ngoại đều dùng. Người trong nước thường dùng chữ “nhạy cảm” cách vô tội vạ cho những gì liên quan đến chữ “nhạy” (A. Sensitivity), như cái máy nhạy cảm, cây nhạy cảm, vùng nhạy cảm, v.v…. Cách dùng này dễ bị hiểu lầm.

          Thí dụ: “Do vậy chính sách quản lý vàng rất nhạy cảm và ảnh hưởng rất nhiều …” (congly.com.vn); “Thị trường chứng khoán đang rất nhạy cảm” (tintuconline.com.vn); “Mía là cây nhạy cảm với ánh sáng” (vi.wikipedia.org); “Hiện nay đã có máy nhạy cảm có thể cảm thụ được một số khí” (elib.dostquangtri.gov.vn).

 

Nổi cộm <=> Nổi bật.

Nội thất <=> Bên trong nhà.

Nợ trần <=> Mức nợ giới hạn (A. Debt ceiling ).

          Nhận xét: Mới đọc tưởng “nợ trần” là vay nợ không có bảo chứng (nợ mua xe, nợ mua nhà là nợ có bảo chứng, nếu không trả, xe hay nhà sẽ bị lấy đi). Đọc thêm mới hiểu đây là mức nợ tối đa được vay (của Hoa Kỳ). Một chữ dễ gây hiểu lầm được “chế” ra.

          Thí dụ: “Hạ viện Mỹ thông qua giải quyết nợ trần” (vtv.vn/thoi-su-quoc-te)

Nữ nhà báo <=> Nữ ký giả.

 

Oa-sing-tơn <=> Hoa thịnh đốn ( Washington DC).

Ổ cứng,  phần cứng <=> (A. Hardware); cương kiện (góp ý của tác giả Hàn Lệ Nhân).

Ổ mềm,  phần mềm <=> (A. Software); nhu liệu.

Ổn áp ( bộ, máy) <=> (A. Voltage regulator); điều điện thế (bộ, máy)

          Nhận xét: Đây chỉ là ý kiến cá nhân cho chữ điều điện thế;  (“điều” (調) là điều hòa, “điện thế”: A. Voltage).

 

Pa-ri (Paris) <=> Ba-lê.

Phát hiện <=> Phát giác.

Phát sóng <=> Phát thanh, phát hình.

Phát tán <=> Phổ biến.

Phản ánh <=> Phản ảnh.

Phản cảm <=> Phản tác dụng, khó chịu, bực mình.

          Nhận xét: Chữ “phản cảm” được dùng tại nội địa một cách bao quát quá đáng. Những cảm giác nào gây ra sự khó chịu qua  nhận thức từ giác quan đều gọi là “phản cảm.” Nhìn thấy xốn mắt, không có thẩm mỹ: “hình ảnh phản cảm”; âm thanh, giọng nói khó nghe: “nghe phản cảm”;  mùi hôi thối khó ngửi: “mùi phản cảm”; ăn không ngon: “hương vị phản cảm,” cảm thấy khó chịu qua nhận thức của xúc giác: “cảm xúc phản cảm.” Thế là bao nhiêu chữ để diễn tả về cảm giác đang bị mất, tất cả chỉ thay bằng chữ “phản cảm” là xong hay sao?!

Phản động <=> Chống đối. 

Phản hồi <=> Phản lại, trở lại.

Phần mềm gián điệp <=> (A. Spyware).

          Thí dụ: “Năm 2013 sẽ “bùng nổ” các phần mềm gián điệp” (phapluattp.vn)

Phần mềm chia sẻ <=> (A: shareware)

Phần mềm <=> Nhu liệu (A: Software).

Phẫu thuật <=> Giải phẫu.

          Nhận xét: Chữ “phẫu thuật” rõ ràng là danh từ, nhưng lại dùng như động từ.

          Thí dụ: “Tại sao phải phẫu thuật răng khôn? “ (nhakhoavietgiao.com.vn)

Phi khẩu <=> Phi trường, phi cảng.

Phòng công tác người nước ngoài <=> Tòa đại sứ, lãnh sự quán.

Phồn thực <=> Sự truyền giống.

Phúc quyết (quyền) <=> Quyết định (quyền).

          Nhận xét: “Phúc quyết” là người dân được quyền bỏ phiếu thông qua Hiến pháp trong một cuộc trưng cầu dân ý.     

Phục hồi nhân phẩm <=> Hoàn lương.

Phương án <=> Kế hoạch.

 

Quá độ (thời kỳ) <=> Qua lúc giao thời, thời đã chuyển tiếp.

          Nhận xét: Đây là chữ đặc biệt của chế độ Cộng Sản Việt Nam, một chữ đặt ra để lấp liếm những sai trái của một chính sách. Chữ “thời kỳ quá độ” được đặt ra để nói về thời kỳ thay đổi đường lối chính trị khi thấy đã “quá độ” sai nên phải tìm cách che giấu và lừa dân.

          Thí dụ: “Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH,…” (lhu.edu.vn).

Quá tải <=>  Quá sức, quá mức.

Quá trình <=> Tiến trình (A. Process).

          Nhận xét:  Chữ“quá trình” (過程: quá là đã qua, trình là trình tự, thứ tự trước sau) đã có từ lâu, nghĩa là “Đường đi qua, con đường của một sự vật gì đã trải qua” (TĐ ĐDA). Chữ này chỉ một trình tự đã qua, thuộc về quá khứ. Nay trong nước lại dùng chữ “quá” chỉ sự việc đang xảy ra, mâu thuẫn trong câu nói hay viết.

           Thí dụ: “Một quá trình đang hoàn tất” (baomoi.com › Xã hội); “Ngay trong quá trình còn đang thi công” (wrd.gov.vn/Noi-dung)

Quà biếu trên mức tình cảm <=> Quà hay tiền hối lộ.

          Thí dụ: “Ông chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng trong một thời gian dài “miệt mài” nhận tới 750 triệu đồng tiền quà biếu trên mức tình cảm” (phapluattp.vn)

Quan chức <=> Viên chức.

Quan hệ <=> Liên lạc mật thiết

Quan hệ trên mức tình cảm <=> Ngoại tình, liên quan tình dục bất chính.

          Thí dụ: “Bà … có mối quan hệ trên mức tình cảm với một phụ huynh” (baomoi.com).

Quan ngại <=> Quan tâm và lo ngại, e ngại.

Quán triệt <=> Hiểu rõ.

Quản lý <=>  Quản trị.

Quản giáo <=> Cai tù.

Quảng bá thương hiệu <=> Quảng cáo.

Quảng trường <=> Công trường.

Quân hàm <=>  Cấp bực (trong quân đội).

Quốc giỗ <=> Ngày giỗ chung trong nước.

          Nhận xét: “Quốc” là chữ Hán Việt, ghép chung với chữ “Giỗ” là chữ Nôm, đọc lên thấy rất ngô nghê.

          Thí dụ: “Khẳng định chủ quyền biển đảo trong ngày Quốc giỗ” (dantri.com.vn)

Quy hoạch <=> Kế hoạch, sự hoạch định.

          Thí dụ: “Phê duyệt điều chỉnh quy hoạch phát triển giao thông vận tải” (chinhphu.vn).

Quy phạm <=> Phạm vi quy định.

          Thí dụ: “Quan hệ xã hội cần được điều chỉnh bằng quy phạm kinh doanh thương mại” (thongtinphapluatdansu.edu.vn); “Nghi ngờ đối với các quy phạm hàng hải truyền thống” (nghiencuubiendong.vn).

Quy trình <=> Tiến trình.

Quyết sách <=> Chính sách quyết định, quyết định đường lối, sách lược.

          Thí dụ: “Cần có quyết sách về quản lý vỉa hè – Báo An ninh Thủ đô.”

 

Sách trắng <=> Bạch thư (A. White paper).

          Nhận xét: “Sách trắng, bạch thư” là bản hướng dẫn hay báo cáo của nhân vật hay cơ quan có thẩm quyền.

Sai phạm <=> Vi phạm (điều).

          Thí dụ: “Xử lý dứt điểm sai phạm về quản lý đất đai” (nhandan.com.vn).

Sân bay <=> Phi trường.

Siêu <=> Siêu đẳng, siêu việt, phi thường (A. Super).

          Nhận xét: Tĩnh tự “siêu” (超) bị lạm dụng đến độ ngớ ngẩn khi ghép với chữ  Hán Việt với Nôm, nhưng lại theo cách viết chữ Hán là tĩnh tự đi trước như “siêu sao” (minh tinh siêu đẳng), “siêu xe,” “siêu bóng đá,” “siêu máy tính,” “siêu nhà máy,” “siêu nhanh chóng,” “siêu dốt” v.v…

Sinh học <=> Sinh vật học (A. Biology).

Sinh thái <=> Trạng thái môi sinh. 

Sơ tán <=>  Tản cư (A. Evacuation).

Sốc (xốc)  <=>  (dt.) Sự ngạc nhiên, sự sửng sốt, cảm giác bất ngờ, sự đột biến; (đgt.) Làm ngạc nhiên, làm hoảng sợ; (tt.) Kinh hãi, kinh ngạc, bàng hoàng, ngạc nhiên, có phản ứng nguy ngập.

          Nhận xét: Chữ “sốc” nguồn gốc từ tiếng Anh (shocked), tuy nhiên người trong nước lại dùng chữ này để thay thế những chữ diễn tả về cảm giác đã có từ trước, tiếng Việt đang mất dần!

          Thí dụ: “Những cú sốc đầu đời” (dantri.com.vn); “Trung Quốc sốc vì thịt cừu ‘rởm’ làm từ chuột” (vietnamnet.vn); “Nhiều phát ngôn gây sốc về Thông tư 02 – Lao Động – Báo Mới.” 

<=>  Sư đoàn.

          Thí dụ: “Quân số đủ cho một sư là tầm 10-12 ngàn” (hoangsa.org); “chỉ huy một sư” (tratu.soha.vn); “Sư đoàn, nói tắt: chỉ huy một sư: sư 308” (www.vietdicts.com).

Sức ép <=> Áp suất, áp lực, gánh nặng, sự thúc bách, sự ép buộc, sự quẫn bách, sự khẩn cấp.

          Nhận xét: Chữ “sức ép” được người trong nước dùng có lẽ là dịch từ chữ “pressure.” Tuy nhiên nếu dùng “sức ép” để thay thế những chữ nêu trên  thì không hợp, đây là cách làm nghèo tiếng Việt.

          Thí dụ: “ Sức ép công việc, hàng loạt quan TQ tự tử” (tinngan.vn); “Sức ép sản xuất quá lớn” (ttvn.vn); “nhằm giảm sức ép tiêu thụ sản phẩm theo thời vụ” (agroviet.gov.vn); “Triều tăng sức ép yêu cầu Hàn bỏ lệnh cấm du lịch” (www.baomoi.com).

Sự cố <=>  (dt.) Việc bất ngờ xảy ra, việc gây trở ngại; (tt.) trở ngại, trục trặc, rắc rối;

          Nhận xét: “Sự cố” là chữ phiên dịch từ chữ “事故” [Tra trong Google: About 231,000,000 results (0.28 seconds)].

          Thí dụ: “Sự cố sập nhịp dẫn cầu Cần Thơ” (vi.wikipedia.org); “ Máy bay Vietnam Airlines hạ cánh khẩn cấp vì sự cố” (vnexpress.net).

         

Tai tệ nạn <=> Tai nạn và tệ nạn.

          Thí dụ: “Thí dụ: “Thái Bình xây dựng xã, phường, thị trấn không có tai tệ nạn xã hội” (?) (thaibinh.gov.vn); “Phòng chống tai, tệ nạn dịp tết” (hungyentv.vn).

Tái cơ cấu <=> Tổ chức lại.

Tài khoản <=> Trương mục.

Tàn dư <=> Những gì còn sót lại.

Tải trọng <=> Trọng tải.

          Thí dụ: “Kiểm soát tải trọng xe: Mạnh và triệt để giải quyết nạn quá tải” (giaothongvantai.com.vn).

Tan tầm <=> Giờ tan ca, khi tan sở, lúc tan việc.

Tản mạn <=> 1- Phân tán; 2-  Lan man (nói hay bàn chuyện).

Tạo điều kiện <=> Tìm cách, thu xếp.

Tâm đắc <=> Ưng ý.

          Thí dụ: “Cuốn sách tâm đắc” (tratu.soha.vn).

Tập trung cải tạo <=> 1- Tập trung để bắt đi tù khổ sai (không có án); 2- Cố gắng cải tiến.

Tập kết <=> Tập trung và kết nạp.

          Nhận xét: Chữ đặc biệt của đảng Cộng Sản miền Bắc, chỉ về việc đưa những người miền Nam Việt Nam theo đảng, được đưa ra miền Bắc để huấn luyện, sau đó mang trở lại miền Nam để hoạt động và đánh phá.

          Thí dụ: “Cán bộ tập kết,” “các cánh quân đã ở vị trí tập kết” (tratu.soha.vn).

Tàu hoả cao tốc <=>  Xe lửa tốc hành.

Tầu lửa <=>  Xe lửa.

Tầu sân bay <=> Hàng không mẫu hạm.

Tặc <=> Kẻ cướp, quân giặc.

           Nhận xét: Chữ “tặc”(賊) để chỉ về những kẻ làm những việc bại hoại. Chữ “tặc” được ghép với những chữ Hán Việt đã quen dùng như “quốc tặc,” “hải tặc,” “đạo tặc,” “dâm tặc,”… Tuy nhiên chữ này đã được người trong nước ghép với chữ Nôm một cách rất “thoải mái.” Việc này đưa đến những chữ nghe “buồn” “cười” như “tin tặc,” “vàng tặc,” “xe tặc,”  “đinh tặc,” “tôm tặc,” “chó tặc,” “gà tặc,” “điện tặc,” “lão chồng tặc,” … Một hình thức tạo chữ mới rất ngô nghê để nghe cho vui, tuy nhiên nếu dùng quen và đưa vào văn bản (đã thấy rất nhiều khi tra qua Google) thì không biết văn chương viết bằng tiếng Việt sẽ ra sao?!

Tên lửa <=> Hỏa tiễn.

Tên lửa hành trình tầm xa <=> (A. Long range cruise missiles).

Tệp <=> Xấp, tập

          Thí dụ: “Cần sang nhượng lại 1000 tệp giấy Nhận xét, có keo dán” (vatgia.com)

Tệp tin <=> Tập tài liệu (A. File).

          Thí dụ: “Tập tin (viết tắt cho tập thông tin; còn được gọi là tệp, tệp tin, file) là một tập hợp của thông tin được đặt tên.” (vi.wikipedia.org).

Tham gia lưu thông (xe cộ) <=>  Lưu hành (xe cộ).

Tham quan <=>  Thăm viếng, du ngoạn.

          Nhận xét: Chữ “tham quan” là chữ Hán Việt, với nghĩa là “quan lại tham ô” (TĐ ĐDA). Tiếng Việt đã dùng những chữ có nghĩa rõ ràng, tại sao lại phải tạo ra những chữ mới để đưa đến sự khó hiểu hay hiểu lầm, thí dụ như câu “tham quan lại tham quan”!

Thao tác <=> Sử dụng, dùng, vận dụng.

          Thí dụ: “Sau khi hoàn tất thao tác máy vi tính sẽ tự động thực hiện các thiết lập.” (tiengiang.gov.vn)

Thân thương <=> Thân mến và yêu thương.

Thần tượng <=> Người được chiêm ngưỡng (A. Icon)

          Nhận xét: Chữ “thần tượng” được cả Nội/Ngoại dùng và là danh từ. Tuy nhiên nếu dùng như động từ thì không đúng, vì chữ “tượng” là danh từ.

          Thí dụ: “Đừng thần tượng nước Mỹ thái quá” (tintuctonghop.com.vn/tin-tuc)

Thanh lý <=>  Thanh lọc, thanh toán, dẹp cho gọn và sạch (A. Liquidate)

           Nhận xét: Chữ “thanh lý” (清理) đã có từ lâu, là một động từ nghĩa là “sửa sang lại cho gọn gàng sạch sẽ” (TĐ ĐDA). Tuy nhiên trong nước lắm lúc lại dùng như một tĩnh từ để ra vẻ “làm dáng chữ nghĩa.”

          Thí dụ: “Thanh một số máy móc cũ” (tratu.soha.vn); “Bán đấu giá tài sản thanh lý” (stp.dongnai.gov.vn); “Xác định trị giá tính thuế thanh lý vật tư” (dngcustoms.gov.vn).

Thao tác <=> Sử dụng, vận dụng.

          Thí dụ: “Tài liệu thao tác máy tính cơ bản” (tailieu.vn)

Thấp điểm <=> Lúc thưa thớt, khi ít dùng.

          Nhận xét: Chữ “thấp điểm” dùng trong nước ngày nay với chữ “thấp” (Nôm) nghĩa là dưới trung bình, chữ “thấp” (Hán) là “ẩm, ướt.”

          Nhận xét: Lấy Nôm ghép với Hán theo cách viết chữ Hán (tĩnh tự đứng trước), cách ghép chữ thật là lạ lùng và ngô nghê, dễ gây hiểu lầm. Giả sử viết ấm ớ như “thấp điểm trên đường vẫn bị ùn tắc khi thấp điểm” (chỗ ướt trên đường vẫn bị nghẽn lúc ít xe) sẽ rất khó hiểu.

          Thí dụ: “Giảm giá điện vào giờ thấp điểm” (tratu.soha.vn)

Thi công <=> Thi hành, làm.

          Thí dụ: “Thi công đê chắn sóng tại khu vực tàu cổ đắm” (thanhnien.com.vn)

Thị phần <=> Tỷ lệ bán trên thị trường (A. Market share).

          Nhận xét: Theo ý kiến cá nhân thì đây là một chữ khá hay đã được tạo ra.

          Thí dụ: “Thị phần là phần thị trường tiêu thụ sản phẩm mà doanh nghiệp chiếm lĩnh” (vi.wikipedia.org).

Thi thoảng <=>  Thỉnh thoảng.

Thiết bị <=> Dụng cụ trang bị (A. Equipment).

Thịt kho Trung Quốc <=>  Thịt kho Tàu.

           Nhận xét: Vậy chứ “thịt kho Đài Loan” thì thế nào? Hay là tại nguyên liệu làm thịt kho tùy thuộc theo xuất xứ? Nịnh hay chê không cần thiết, vì sản phẩm từ Tàu Cộng rất độc hại. Ngôn ngữ phải dùng để diễn tả sự thật, “mập mờ đánh lận con đen” sẽ nay đúng mai sai!

Thiếu đói <=> Nghèo đói, thiếu ăn, ốm đói.

          Nhận xét: Chữ “thiếu” được hiểu là “không đủ,” vậy “ thiếu đói” là “không đủ”đói,” có nghĩa là “no”? Giả sử như nếu đọc câu “tham quan thiếu đói” thì người đọc có thể hiểu ra nhiều ý nghĩa khác nếu không tra tự điển từ nội địa: “quan lại tham nhũng không đủ (hay không có cơ hội) đói” hay “đi thăm viếng được no” hoặc …. Vậy sự trong sáng hay rõ nghĩa đã trở thành tối tăm và khó hiểu.

          Thí dụ: “Trong vòng 1 tháng đã có thêm 13,6 nghìn hộ bị thiếu đói” (laodong.com.vn)

Thống nhất <=> Đồng ý, bằng lòng, làm cho giống nhau.

          Nhận xét: “Thống nhất” là hợp thành một khối. Chữ này thường có tính cách chính trị, liên quan đến những gì lớn lao và đông đảo như “vua Gia Long thống nhất đất nước.” Nay lại dùng với tính cách rất nhỏ nhặt, kỳ dị thật!

          Thí dụ: “Hai người đã thống nhất ngày cưới,” “Thống nhất đồng hồ trước trận đấu” (tratu.soha.vn); “Văn bản thống nhất ý kiến về hồ sơ dự án” (thuvienphapluat.vn)                  

Thông qua <=> Chấp thuận.

          Thí dụ: “Dự thảo đã thông qua” (duthaoonline.quochoi.vn)

Thông số <=> Biến số (A. Variables).

Thông tin <=> Tin, tin tức.

           Nhận xét: Chữ “thông tin” là động từ, người trong nước lại dùng như một danh từ.

          Thí dụ: “Xử lí thông tin trên máy tính” (tratu.soha.vn); “Kênh cung cấp thông tin chính thống của Chính phủ Việt Nam” (chinhphu.vn).

Thư giãn <=> Thảnh thơi, thoải mái, thư thái.

Thu nhập <=> Lợi tức.

Thủ trưởng <=> Trưởng toán, trưởng đơn vị, trưởng cơ quan.

Thực đơn cao cấp <=> Thực đơn sang (những món ăn đắt tiền).

Thuyết minh <=> Chú thích, nhận xét, cách hướng dẫn (A. Notes).

          Nhận xét: “Thuyết minh” ( 請明) nghĩa là giải thích hay hướng dẫn cho rõ ràng. Nếu điều gì cũng nói là “thuyết minh” thì chỉ là cách “làm dáng chữ nghĩa,” tiếng Việt có sẵn sao không dùng? Cố tạo nên sự khó hiểu một cách không cần thiết?

          Thí dụ: “Phim nước ngoài được thuyết minh bằng tiếng Việt,”Bản vẽ thiết kế có kèm thuyết minh” (tratu.soha.vn); “Thuyết minh du lịch” (vi.wikipedia.org).      

Tích cực/tiêu cực <=>  Tốt/Xấu (hành động)

          Nhận xét: Chữ “tích cực/ tiêu cực” đã dùng từ lâu với nghĩa  “hăng say, chăm, cố gắng / chậm chạp, lười, lè phè,” chỉ về thái độ hoạt động mạnh hay yếu mà thôi, không chỉ về “tốt/xấu” của hoạt động.

          Thí dụ: “Kết quả tích cực của Dự án …” (ninhthuan.gov.vn); “Nhiều kết quả tích cực trong công tác” (baobaovephapluat.vn); “Hà Nội: Quá tải thi công chức dẫn tới tiêu cực” (phapluattp.vn); “Chấn chỉnh biểu hiện tiêu cực, phản cảm tại các lễ hội” (nhandan.com.vn).

Tiêm kích (phi cơ)  <=> Khu trục cơ, phi cơ khu trục (A. Fighter aircraft).

Tiêm phòng <=> Chích ngừa.

Tiến công <=>  Tấn công.

Tiên tiến <=>  Xuất sắc.

Tiền tươi <=>  Tiền mặt.

Tiếp đất <=>  Đáp, hạ cánh (phi cơ).

          Thí dụ: “Máy bay tiếp đất bằng một bánh” (.baomoi.com)

Tiếp thu <=>  Tiếp nhận, thâu nhận, lãnh hội.

Tiếp viên <=> Nhân viên tiếp đón.

Tiếp viên máy bay, tiếp viên hàng không <=> Chiêu đãi viên hàng không.

          Thí dụ: “Tìm thấy thi thể cơ trưởng và tiếp viên máy bay Pháp” (dantri.com.vn)

Tiết học <=> Giờ học.

          Thí dụ: “ Một ngày học được phân bổ thành 12 tiết học (không kể lớp buổi tối), bắt đầu từ 6h55 và kết thúc…” (tinchi.hau.edu.vn).

Tiêu chí <=> Tiêu chuẩn.

          Thí dụ: “VTV cam kết luôn đặt tiêu chí phục vụ khán giả lên hàng đầu” (qdnd.vn)

Tiêu dùng <=> Tiêu thụ.

          Thí dụ: “Nhu cầu tiêu dùng ngày càng tăng” (tratu.soha.vn)

Tinh tướng <=> Kênh kiệu, lên mặt, ra vẻ ta đây.

          Thí dụ: “Đừng có mà tinh tướng!” (tratu.soha.vn)

Tính từ <=> Tĩnh từ.

Tình huống <=> Tình thế, tình cảnh, hoàn cảnh, tình hình.

          Nhận xét: Chữ “tình huống” (情況) đã dùng trong các văn bản chữ Hán từ lâu đời. Nay trong nước lại “sính” dùng chữ này để bỏ đi những chữ có sẵn. Kết quả tìm chữ “tình huống” trong Google: “About 10,300,000 results (0.35 seconds).” Tiếng Việt đang bị “thui chột”?!

           Thí dụ: “Lập luận theo tình huống” (vi.wikipedia.org); “Giải đáp các tình huống vướng mắc.” (gdt.gov.vn)

To đùng <=> Rất to, to quá, to hết cỡ.

Tổ lái <=> Phi hành đoàn.

          Thí dụ: .”.. tổ lái chuyến bay VN 595 của Vietnam Airlines vì đã “mời” diễn viên Lý Nhã Kỳ vào buồng lái.” (dantri.com.vn › Xã hội‎)

Tờ rơi <=>  Truyền đơn.

Tổ trưởng dân phố <=> Liên gia trưởng.

Tồn nghi <=> Còn nghi vấn.

          Thí dụ: “Tên tác giả của cuốn sách đang còn là vấn đề tồn nghi” (tratu.soha.vn)

Trang thiết bị <=>  Dụng cụ trang bị.

          Thí dụ: “Tăng cường trang thiết bị khảo sát nghiên cứu hải dương học” (vnio.org.vn)

Trấn lột <=> Cướp.

Tranh thủ <=> Cố gắng

Trao đổi <=> Nói chuyện với, bàn bạc, bàn luận, thảo luận.

           Nhận xét: Chữ “trao đổi” rất phổ thông, nghĩa là qua lại về điều gì hay cái gì. Tuy nhiên người trong nước lại đổi ra nghĩa khác.

          Thí dụ: “Trao đổi với Sếp – Nói càng ít càng tốt” (uct2.edu.vn); “Chủ tịch nước trao đổi với cử tri về tiền lương, giá xăng” (dantri.com.vn › Xã hội‎).

Trích ngang <=> Chọn điểm chính hay yếu điểm (về lai lịch của một cá nhân, cơ quan, hay một tổ chức).

          Thí dụ: “Lý lịch trích ngang của các thành viên hội đồng quản trị” (thuanthao.com.vn); “có trách nhiệm lập bản trích ngang trụ sở hoặc nhà làm việc” (baomoi.com )

Triển khai  <=> Khai triển.

Triệt để <=> Tối đa, hết mức, đến cùng.

          Thí dụ: “Xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm” (baodientu.chinhphu.vn)     

Triều cường <=> Mức thủy triều cao, con nước lớn.

          Thí dụ: “Cần đề phòng đợt triều cường trong tháng Giêng” (danviet.vn )

Trọng thị <=> Coi trọng.

Trục quan hệ <=> Mối tương quan

          Thí dụ: “Lá chắn tên lửa của Mỹ có tạo ra trục quan hệ Nhật-Hàn và trục Trung-Triều? (giaoduc.net.vn )

Trung tâm quản lý đường bay <=> Đài kiểm soát không lưu.

Trúng thưởng <=> Thắng giải.

Trùm sò (tglg.) <=> Hà tiện. 

Trực tuyến <=> Kết nối internet (A. Online).

Truy cập <=> Vào xem thông tin (A. Access to web page).

Truy đuổi <=> Truy nã. 

Truy hỏi, truy vặn <=> Tra hỏi, tra vấn.

Truy quét, truy lùng <=> Truy kích.

Truy tầm <=> Tầm nã.

Truy xuất <=> Tìm trên internet.

          Thí dụ: “Tài Liệu Truy Xuất Cơ Sở Dữ Liệu – Thư Viện eBook” (tailieu.vn)

Truyền dữ liệu <=> Chuyển dữ kiện (A. Data transfer).

          Thí dụ: “Phát minh cáp truyền dữ liệu bằng vận tốc ánh sáng” (thanhnien.com.vn).

Trường kỳ <=> Làm điều gì có tính cách lâu dài, “thi gan” (tđph.).

          Nhận xét: Chữ “trường kỳ” đã được dùng từ lâu, là tĩnh từ. Người trong nước lại dùng như một động từ.

          Thí dụ: ”… chị em mình cứ trường kỳ nhất định sẽ thắng lợi” (tuoitre.vn).

Tu sửa <=> Tu bổ.

Từ  <=>  Tiếng, chữ.

          Nhận xét: Chữ “từ” (詞)  là tiếng Hán Việt, người Việt đã có “tiếng, chữ” thuần Nôm để dùng, sao còn cần đến chữ Hán Việt? Cách dùng này dễ đưa đến sai lầm, nếu dùng chữ “từ” để chỉ một chữ đơn âm Hán Việt là không đúng, như viết “ môn là từ chỉ cái cửa.” Vì “môn” là “tự” (字) chứ không phải “từ.” Chúng ta thường đã nghe về “tam tự kinh” (“sách 3 chữ” dậy chữ Nho xưa).

          Thí dụ: “Phụ nữ hay đàn bà là từ chỉ giống cái của loài người.” (vi.wikipedia.org)

Tư duy <=> Suy nghĩ.

Tư liệu <=> Tài liệu.

Tư vấn <=> Cố vấn.     

Từ vựng <=> Ngữ vựng.

Tư sản <=> Cường hào ác bá.

          Nhận xét: Chữ “tư sản” (私產) chỉ có nghĩa là “của cải thuộc về cá nhân” (TĐ ĐDA). Tuy nhiên chữ này đã bị gán cho nghĩa xấu theo nhu cầu chính trị.

          Thí dụ: “Tư sản: Người thuộc giai cấp chiếm hữu các tư liệu sản xuất chủ yếu, sống và làm giàu bằng cách bóc lột lao động làm thuê” (Tratu.soha.vn)

Tư sản mại bản <=> Thương gia cần phải bị tiêu diệt.

          Thí dụ: “ Nào học tập cải tạo, nào tiêu diệt tư sản mại bản,…”(bbc.co.uk)

Tư vấn <=> Cố vấn.

Tương thích <=> Tương đương và thích hợp.     

Tụt hậu  <=> Thụt lùi, xuống dốc, lạc hậu.

          Nhận xét: Ghép chữ “tụt” (Nôm) với chữ “hậu” (Hán Việt) để tạo một chữ rất ngô nghê?

          Thí dụ: “Công nghệ tiết kiệm năng lượng tụt hậu” (thanhnien.com.vn); “ … mục tiêu phấn đấu là không để tụt hậu xa hơn về kinh tế so với các nước chung quanh” (nhandan.com.vn).

 

Ùn tắc , ách tắc <=> Kẹt xe.

 

Văn hóa ẩm thực <=> Cách ăn uống.

          Nhận xét: Văn hóa chỉ những gì liên quan đến lối sống, cách suy nghĩ, sự biểu lộ tình cảm, niềm tin của một tập thể. “Ẩm thực” chỉ là một nét trong văn hóa, dùng chữ “văn hóa ẩm thực” là khoe và lạm dụng chữ nghĩa cách không cần thiết.

           Thí dụ: “Trong kho tàng văn hóa ẩm thực, Việt Nam là quê hương của nhiều món ăn ngon” (vietbao.vn).

Văn hoá hiện đại <=> Văn hóa ngày nay.

Văn hóa phổ cập <=> Văn hóa chung.

Vận động viên  <=> Lực sĩ, thể tháo gia, cầu thủ, võ sĩ,…

          Nhận xét: Thoạt nhìn thì tưởng “vận động viên” là người đi vận động hay cổ võ cho một điều gì. Đọc thêm mới hiểu là có nghĩa như trên. Đặt ra một chữ dễ gây hiểu lầm, để loại bỏ những chữ dễ hiểu, có ý nghĩa rõ ràng là cách huỷ diệt một ngôn ngữ.

          Thí dụ: “Vận động viên hay lực sĩ là những người được đào tạo để thi đấu các môn thể thao đòi hỏi sức bền, sức khỏe và tốc độ.” (vi.wikipedia.org); “Thể loại:Vận động viên … Vận động viên theo quốc gia‎ (31 tl). Vận động viên bóng bàn‎ (1 tl). Cầu thủ bóng đá‎ (9 tl, 24 tr.) Vận động viên bơi lội‎ (1 tl). Vận động viên cờ tướng‎ (2 tl)” (vi.wikipedia.org).

Vi sóng <=> Sóng ngắn, vi ba.

          Nhận xét: Ghép chữ “vi” (Hán Việt) với chữ “sóng” (Nôm) để tạo ra một chữ lạ lùng, ngô nghê, khó hiểu!

          Thí dụ: “ Sóng vi sóng trong lò vi sóng là các dao động của trường điện từ với tần số thường ở 2.450 MHz (bước sóng cỡ 12,24 cm). (dienlanhgiadinh.com).

          Nhận xét: Tại sao không viết: “Sóng ngắn trong lò vi ba (microwave oven) là dao động của điện từ trường với tần số 2450 MHz (độ dài sóng khoảng 12,24 cm)”!

Viện Kiểm Sát Nhân Dân <=> Công tố viện.

Viện Ung Bướu <=> Viện Ung Thư.

Vô tư  <=>  Tự nhiên, đừng áy náy.

Vòng xoay <=> Bùng binh.

          Thí dụ: “Cầu vượt vòng xoay Cây Gõ” (vi.wikipedia.org); “Hạn chế lưu thông qua vòng xoay Hàng Xanh” (dantri.com.vn)

Vụ việc <=> Việc, sự việc.

          Thí dụ: “Hà Nội lại vào cuộc vụ việc chùa Một Cột” (laodong.com.vn).

Vùng biển  <=> Hải phận, lãnh hải.

          Thí dụ: “Nhật Bản phát hiện tàu ngầm lạ tại vùng biển Okinawa” (dantri.com.vn); “Đài Loan dọa tập trận hải quân gần vùng biển Philippines” (gafin.vn).

Vùng sâu, vùng xa <=> Vùng hẻo lánh.

 

X-quang <=> Quang tuyến X, tia X.

          Thí dụ: “Chụp X-quang có ảnh hưởng đến thai nhi?” (giadinh.vnexpress.net)

Xa xót <=> Xót xa.

          Thí dụ: “Đi hội chùa Hương, nhìn người, thấy cảnh mà xa xót!” (dantri.com.vn)

Xác tín  <=> (đgt.) Tin một cách chính xác, xác nhận sự tin tưởng; (tt.) chính xác và đáng tin.

          Thí dụ: “Xác tín chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa” (nld.com.vn).

Xe cải tiến  <=> Xe cút kít hai bánh.

          Thí dụ: “ Chiếc xe máy Trung Quốc cũ nát, phía sau kéo theo một chiếc xe cải tiến” (baomoi.com).

Xe con, ô tô con <=> Xe hơi, xe du lịch.

Xe khách  <=> Xe đò.

Xe máy  <=> Xe gắn máy

Xịn (tglg.) <=> Sang, đắt tiền.

Xử lý  <=> Giải quyết, thi hành, chấn chỉnh, tu sửa, chữa, phạt, thanh toán, v.v…

          Nhận xét: Chữ “xử lý”  đã có từ lâu là chữ Hán Việt, “xử” (處) là xử trí, “” (理) là sửa , trị hay chỉnh lý. Vậy “xử lý” là xử trí và chỉnh lý. Tuy nhiên, trong nước lại dùng chữ này bừa bãi, thay thế cho quá nhiều chữ đã dùng cho từng trường hợp, với ý nghĩa chính xác.

          Thí dụ: “Xử lí vết thương, xử lí nước thải, xử lí thông tin,dữ liệu chưa qua xử lí, xử lí các vụ vi phạm pháp luật, bị xử lí kỉ luật” (tratu.soha.vn).

Xử lý nội bộ <=> Thanh trừng nội bộ, thanh toán lẫn nhau.

          Thí dụ: “Tạm ngưng để xử lý nội bộ” (tinhte.vn); “Tử tù tự xử lý nội bộ” (wapviet.vn/truyendai).

Xuất khẩu  <=> Xuất cảng.

Xuất nhập khẩu <=> Xuất nhập cảng.

Xuống cấp  <=> Bị xấu đi,

Xưởng đẻ  <=> Viện hay nhà bảo sanh.

          Nhận xét: Chữ “xưởng đẻ” nay chỉ dùng trong ngoặc kép để mỉa mai về cách nói thô tục ở cuối thập niên 70 đầu 80 thế kỷ trước.

 

 

Trần Việt Bắc

 

Trần Văn Giang (ghi lại)

 

Tiếng Việt “Cùn” – Trần Việt Bắc

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *