Họ Nguyễn Phước

.

 

 *

 

Lời mở đầu:

 

Bài viết này không phải là một biên khảo hoàn chỉnh.  Trong một phạm vi có giới hạn, người viết chỉ mong điều chỉnh vài sự kiện không chính xác về dòng họ Nguyễn Phước đã được phổ biến trước đây trên một số tài liệu, nhằm  mục đích giúp bà con phân biệt các chi nhánh và nhận biết rõ mối liên hệ huyết thống trong gia tộc tránh lẫn lộn với người thuộc dòng họ khác, kết chặt dây liên lạc giữa họ hàng để đoàn kết nâng đỡ đùm bọc nhau và nhất là để tránh xẩy ra  những trường hợp hôn nhân đồng tộc. 

 

Khi nghiên cứu và thực hiện bài viết, tác giả cố gắng gạt bỏ mọi chủ quan thiên kiến, những xúc động nhất thời, tránh bị chi phối bởi mặc cảm dù là tự tôn hay tự ti.  Bài viết hoàn toàn không có dụng ý tôn vinh một dòng họ nào.  Triều đại nào cũng có minh quân và hôn quân, dòng họ nào cũng có người tốt và kẻ không tốt, giới nào cũng có người tự trọng và kẻ tự kiêu.  Tác giả đã cố gắng cẩn trọng tối đa để tránh vấp phải sự vụng về vô ý có thể xúc phạm người khác. Tuy nhiên nếu có những chi tiết nào, vì nhằm mục đích điều chỉnh các luận cứ hay sự kiện không chính xác, mà vô tình làm buồn lòng người liên hệ, tác giả chân thành xin được cảm thông, tha thứ. 

 

 

Tôn Thất Tuệ

 

*

 

1. Họ Nguyễn

 

Có rất đông người Việt Nam mang họ Nguyễn.  Cũng có rất nhiều dòng họ Nguyễn khác nhau: Nguyễn, Nguyễn bá, Nguyễn cảnh, Nguyễn cao, Nguyễn công, Nguyễn cửu, Nguyễn chế, Nguyễn chí, Nguyễn đình, Nguyễn đức, Nguyễn hữu, Nguyễn khắc, Nguyễn mậu, Nguyễn minh, Nguyễn ngọc, Nguyễn phúc, Nguyễn quốc, Nguyễn tấn, Nguyễn thái, Nguyễn thành, Nguyễn thế, Nguyễn thiện, Nguyễn thuận, Nguyễn tư, Nguyễn tường, Nguyễn trọng, Nguyễn văn, Nguyễn xuân… v..v… 

 

Thật khó tìm ra được hết những mối dây liên hệ xa gần giữa tất cả các dòng họ Nguyễn này. 

 

Vào thuở xa xưa, không rõ các dòng Nguyễn xuất phát từ đâu và vào thời kỳ nào. “Đại Việt  Sử  Ký Toàn Thư” chép đời Tấn Mục Đế nhà Đông Tấn có Nguyễn Phu làm Thứ  Sử  Giao Châu (353).  Lê Tắc trong “An Nam Chí lược” chép đời nhà Tống thời Nam Bắc triều ở Trung Hoa (420 588) có hai người họ Nguyễn làm Thứ Sử Giao Châu là Nguyễn Di Chi và Nguyễn Nghiên.  Trần Trọng Kim trong “Việt Nam Sử Lược” và Phạm Văn Sơn trong “Việt Sử Toàn Thư” chép vào thời kỳ “Mười Hai Sứ Quân” (945 – 967) có các sứ quân tên là Nguyễn Khoan, Nguyễn Thủ Tiệp và Nguyễn Siêu; vào đời nhà Đinh (968- 980) có vị khai quốc công thần tên là Nguyễn Bặc, vốn là anh em kết nghĩa với Đinh bộ Lĩnh và Đinh Điền, năm 791 được vua Đinh phong tước Định Quốc Công đồng thời với Lê Hoàn được phong làm Thập Đạo Tướng Quân. 

 

Định Quốc Công Nguyễn Bặc là vị tổ xưa nhất còn lưu lại dấu tích trong quốc sử, dã sử và tộc phả của dòng họ Nguyễn Phước. 

 

Họ Nguyễn Phước (hay Nguyễn Phúc) Con cháu của Định Quốc Công Nguyễn Bặc có nhiều người giữ những chức vụ quan trọng dưới các triều đại nhà Lý, nhà Trần và nhà Lê. 

 

Vào thời vua Lê Chiêu Tông, trong triều có nhiều quan lộng quyền hiếp vua khiến việc triều chánh rối loạn, Trừng Quốc Công Nguyễn Hoằng Dụ đem bộ thuộc về đóng giữ vùng Thanh Hóa.  Khi Mạc đăng Dung chiếm ngôi nhà Lê (1527), con của Nguyễn Hoằng Dụ là Điện tiền Tướng quân An Tĩnh Hầu Nguyễn Kim (Nguyễn Cam) lánh sang Ai Lao chiêu mộ binh sĩ, lập con út vua Lê Chiêu Tông lên ngôi tức vua Lê Trang Tông rồi đem quân đánh họ Mạc, mưu việc khôi phục nhà Lê và được vua Lê Trang Tông phong làm “Thái Sư Thượng phụ Hưng quốc Công chưởng nội ngoại sự.”

 

Nguyễn Kim có một con gái là Nguyễn Thị Ngọc Bảo gả cho Trịnh Kiểm (là người khai sáng sự nghiệp chúa Trịnh ở ngoài Bắc) và hai con trai: trưởng là Tả tướng Lãng Quận Công Nguyễn Uông bị Trịnh Kiểm giết hại, thứ là Thái Úy Đoan Quận Công Nguyễn Hoàng được vua Lê cử vào trấn thủ đất Thuận Hóa vào năm 1558.  Nguyễn Hoàng là người khai sáng sự nghiệp chúa Nguyễn ở trong Nam, đã cùng các thế hệ con cháu về sau tiếp tục và hoàn thành công trình nam tiến của dân tộc. 

 

Người con thứ sáu của Đoan Quận Công Nguyễn Hoàng được đặt tên là Nguyễn Phúc Nguyên.  Sử chép rằng trong thời kỳ mang thai ông, bà mẹ nằm mộng thấy thần nhân ban cho một tờ giấy viết đầy chữ  “Phúc” nên đã dùng chữ này làm tên lót cho con, đặt tên là Nguyễn Phúc Nguyên (1563).   Sau này Nguyễn Phúc Nguyên lên kế vị cha, sử gọi là Chúa Sãi (1613-1635).  Từ đó về sau con cháu đều mang họ Nguyễn Phúc hay Nguyễn  Phước. 

 

 

2.Tôn thất

 

Sau khi Nguyễn Phúc Ánh lên ngôi xưng đế hiệu là Gia Long, nhà vua đã truy tôn các tổ phụ làm Hoàng đế.  Có tất cả mười một vị được truy tôn Hoàng đế và được xếp thuộc vào phần Vương phả:

 

– Triệu Tổ Tĩnh Hoàng đế Nguyễn Kim (hay Nguyễn Cam).

– Thái Tổ Gia Dũ Hoàng đế Nguyễn Hoàng (Chúa Tiên).

– Hy Tông Hiếu Văn Hoàng đế Nguyễn Phúc Nguyên (Chúa Sãi).

– Thần Tông Hiếu Chiêu Hoàng đế Nguyễn Phúc Lan (Chúa Thượng).

– Thái Tông Hiếu Triết Hoàng đế Nguyễn Phúc Tần (Chúa Hiền).

– Anh Tông Hiếu Nghĩa Hoàng đế Nguyễn Phúc Thái (Chúa Nghĩa). (1)

– Hiển Tông Hiếu Minh Hoàng đế Nguyễn Phúc Chu (Quốc Chúa).

– Túc Tông Hiếu Ninh Hoàng đế Nguyễn Phúc Thụ (Ninh Vương). (2)

– Thế Tông Hiếu Võ Hoàng đế Nguyễn Phúc Khoát (Vũ Vương)

– Duệ Tông Hiếu Định Hoàng đế Nguyễn Phúc Thuần (Định Vương).

– Hưng Tổ Hiếu Khang Hoàng đế Nguyễn Phúc Côn. (3)

 

Từ Thái Tổ Gia Dũ Hoàng đế Nguyễn Hoàng đến Dụê Tông Hiếu Định Hoàng đế Nguyễn Phúc Thuần gồm chín đời được Sử gọi là Chúa và như trên đã nói, tên họ Nguyễn Phước bắt đầu từ Chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên. 

 

Tộc phả Nguyễn phước gồm hai phần:

 

  1. Phần “Tiền biên.” Các vị được truy tôn Hoàng Đế từ trước đời vua Gia Long cùng con cháu hậu duệ thuộc phần Tiền biên và được liệt vào “Tiền hệ.”

 

  1. Phần “Chánh biên.” Các vị thực sự ở ngôi Hoàng đế kể từ vua Gia Long trở về sau cùng với con cháu hậu duệ thuộc phần “Chánh biên” và được liệt vào “Chánh hệ.”

 

Từ khi vua Gia Long lên ngôi, tất cả những người trong họ Nguyễn Phúc đều liệt vào Hoàng Tộc và phái Nam được dùng hai chữ TÔN THẤT, phái Nữ được dùng hai chữ TÔN NỮ ghép thêm vào tên họ Nguyễn Phúc như một từ ngữ lót để phân biệt với người thuộc các dòng họ Nguyễn khác, tỷ dụ như Nguyễn Phước Tôn Thất Quang, Nguyễn Phước Tôn Nữ Thị Lan. (Về sau, để giản dị hóa, hai chữ Nguyễn Phước không phải nhắc lại và ở phái nữ nhiều người lược bỏ luôn chữ  “Thị”  thành ra Tôn Thất Quang, Tôn Nữ Lan, Tôn Nữ Thúy Liễu…)  Tôn thất chỉ có nghĩa là thuộc dòng họ nhà vua tức hoàng tộc (famille royale, famille impériale). 

 

Đời nhà Trần, người thuộc dòng họ vua Trần là tôn thất nhà Trần.  Đời nhà Lê, người trong dòng họ vua Lê là tôn thất nhà Lê.   Được liệt vào hoàng tộc triều đại Nguyễn Phước và được dùng tên lót TÔN THẤT, TÔN NỮ bao gồm các con cháu của Triệu Tổ Tĩnh Hoàng đế Nguyễn Kim đã đi theo Thái Tổ Gia Dũ Hoàng đế Nguyễn Hoàng vào Nam, góp công lao trong việc xây dựng sự nghiệp Chúa Nguyễn cùng với những hậu duệ của các vị ấy. (4)

 

Hậu duệ của những người khác trong dòng họ, kể cả con trai hay cháu nội của Thái Tổ Nguyễn Hoàng, nếu đã lưu lại ngoài Bắc làm quan dưới triều vua Lê chúa Trịnh như trường hợp các ông Nguyễn Vịnh, Nguyễn Mặc (đều là con của Nguyễn Hán và là cháu nội của Thái Tổ Nguyễn Hoàng) hoặc là hậu duệ của Đảng Khấu Tướng quân Uy Xuân Hầu Nguyễn Tôn Thái (em ruột của Triệu Tổ Nguyễn Kim) đều chỉ được ban công tánh “Nguyễn Hựu” chứ không được liệt vào hàng Tôn Thất Nguyễn Phúc.  Những người bị kết tội phản nghịch và bị khai trừ ra khỏi dòng họ Nguyễn Phúc như trường hợp các ông Nguyễn Hạp, Nguyễn Trạch (đều là con của Thái Tổ Nguyễn Hoàng) thì phải cùng con cháu về sau đổi sang họ “Nguyễn Thuận.”

 

 

3.Hoàng tộc Tiền hệ

 

Tiền hệ” gồm có mười hệ theo thứ tự trước sau của các vị Hoàng đế không thực sự ở ngôi vua mà chỉ được vua Gia Long truy tôn, bắt đầu từ  “Hệ nhất” thuộc Triệu Tổ Tĩnh Hoàng đế Nguyễn Kim đến “HỆ MƯỜI” thuộc Duệ Tông Hiếu định Hoàng đế Nguyễn Phúc Thuần.  (4)

 

Trên thực tế, ở phần Tiền Hệ chỉ có bảy trong mười hệ là có con cháu kế truyền.  Đó là các hệ Nhất, Nhì, Ba, Năm, Bảy, Tám và Chín.

 

Hệ nhất hay Một:  Triệu Tổ Nguyễn Kim, người được vua Gia Long truy tôn làm vị Hoàng đế thứ nhất, là tổ của Hệ Nhất (hay hệ Một) thuộc Tiền Hệ.  Tiền hệ Nhất gồm tất cả hậu duệ của Triệu Tổ Nguyễn Kim, dòng Lãng Quận Công Nguyễn Uông.  Sau khi Nguyễn Uông bị Trịnh Kiểm giết hại, người con là Nguyễn Uyên đã theo giúp chú là Đoan Quận Công Nguyễn Hoàng vào dựng nghiệp trong Nam. 

 

Hệ Nhì hay Hai: Hậu duệ của Thái Tổ Nguyễn Hoàng, tuy cũng là con cháu của Triệu Tổ Nguyễn Kim, nhưng không thuộc Tiền hệ Nhất mà thuộc về Tiền hệ Nhì (hay hệ Hai), vì Nguyễn Hoàng được vua Gia Long truy tôn là Hoàng đế thứ nhì và là tổ của Hệ Hai thuộc Tiền Hệ. 

 

Hệ Ba:  Con cháu trực hệ của Hy Tông Nguyễn Phúc Nguyên tuy cũng là hậu duệ của Thái Tổ Nguyễn Hoàng nhưng không liệt vào Hệ Hai mà thuộc Hệ Ba vì Nguyễn Phúc Nguyên là vị Hoàng đế thứ ba. 

 

Hệ Bốn (?) – khuyết (xem giải thích ở dưới) (?)

 

Cứ như thế:

 

Hệ Năm – gồm hậu duệ của Thái Tông Nguyễn Phúc Tần.

Hệ Sáu (?) – khuyết (xem giải thích ở dưới) (?).

Hệ Bảy – gồm hậu duệ của Hiển Tông Nguyễn Phúc Chu.

Hệ Tám – gồm hậu duệ của Túc Tông Nguyễn Phúc Thụ.

Hệ Chín  – gồm hậu duệ của Thế Tông Nguyễn Phúc Khoát.

Hệ Mười – khuyết (xem giải thích ở dưới) (?).

 

Các vị Hoàng đế thứ tư là Thần Tông Hiếu Chiêu Hoàng đế Nguyễn Phúc Lan tức Chúa Thượng chỉ có một con trai kế tự là Nguyễn Phúc Tần sau lên nối ngôi Chúa tức Chúa Hiền mở ra Hệ Năm, thứ sáu là Anh Tông Hiếu Nghĩa Hoàng đế Nguyễn Phúc Thái tức Chúa Nghĩa cũng chỉ có một con trai kế tự là Nguyễn Phúc Chu, sau lên nối ngôi Chúa  tức Quốc Chúa mở ra Hệ Bảy và thứ mười là Duệ Tông Hiếu Định Hoàng đế Nguyễn Phúc Thuần thì không có con trai mà chỉ có một con gái cho nên các hệ Tư, Sáu và Mười đều bị khuyết.  (Xem Phả đồ Tiền Hệ). 

 

Sau khi Duệ Tông Hiếu Định Hoàng đế mất, người cháu gọi bằng chú là Nguyễn Phúc Ánh (cháu nội của Thế Tông Nguyễn Phúc Khoát, con của Hưng Tổ Nguyễn Phúc Côn người bị quyền thần Trương phúc Loan bức hại) tiếp tục chống nhau với nhà Tây Sơn rồi toàn thắng, thống nhất đất nước, lên ngôi vua tức Thế Tổ Cao Hoàng đế Gia Long, mở ra “Chánh Hệ.

 

Ngoài các Hệ, tộc phả Nguyễn Phước còn ghi chép “Phòng” và “Chi.”   Mỗi Hệ gồm nhiều hay ít Phòng tùy theo số lượng và thứ tự của các Hoàng tử con của vị Chúa (nếu là Tiền Hệ) hay của vị Vua (nếu là Chánh Hệ) đã mở đầu Hệ đó.  Mỗi Phòng của một Hoàng tử lại gồm nhiều hay ít Chi tùy theo số lượng và vị thứ các con trai của vị Hoàng tử ấy. 

 

Ví dụ:

 

Thế Tông Nguyễn Phúc Khoát là tổ của Tiền Hệ Chín, có 18 con trai, mỗi con trai mở ra một Phòng.  Nguyễn Phúc Kính, con thứ 7 của Thế Tông, là tổ của Phòng Bảy thuộc Tiền Hệ Chín.  Ông Nguyễn Phúc Kính có 3 con trai, mỗi người mở ra một Chi.  Ông Nguyễn Phúc Tôn thất Đạo, con trai thứ  3 của ông Nguyễn Phúc Kính, là tổ của Chi Ba thuộc Phòng Bảy của Tiền Hệ Chín. 

 

Phả đồ tiền hệ (Xin xem trong attached file?)  – (*Không tìm thấy attachment ở đâu?!)

 

 

4.Hoàng tộc Chánh Hệ

 

Tộc phả Nguyễn Phước về thời kỳ các “Vua chính thức ở ngôi” kể từ Gia Long trở đi thuộc phần Chánh biên.  Hậu duệ của các vua Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị… v..v…  được liệt vào Chánh Hệ. 

 

Về Chánh Hệ, vua Minh Mạng có sáng tác mười một bài thơ, gồm một bài “Đế hệ thi” và mười bài “Phiên hệ thi.” Mỗi chữ theo thứ tự trong các bài thơ ấy được dùng làm tên đệm cho một thế hệ con cháu.  Con cháu của vua Minh Mạng thì dùng những chữ trong “Đế hệ thi,” còn con cháu của các hoàng tử khác (con của vua Gia Long, tức anh em của vua Minh Mạng) thì dùng những chữ trong các bài “Phiên hệ thi.”

 

Không kể những người con bị mất sớm sau khi được sinh ra, vua Gia Long còn có được mười ba hoàng tử hoặc còn sống sau khi nhà vua lên ngôi hoặc tuy chết trước khi vua lên ngôi nhưng trước đó đã được phong tước, đã thành hôn và có con kế truyền (như trường hợp Hoàng Tử Cảnh tức “Đông Cung Nguyên soái Anh Duệ Hoàng thái tử Nguyễn Phúc Cảnh,” mà Kỳ Ngoại Hầu Cường Để sau này là một phần tử hậu duệ). 

 

Trong số mười ba hoàng tử con của vua Gia Long, có ba người vô tự là hoàng tử thứ nhì, Thuận an công Nguyễn Phúc Hy chết lúc 20 tuổi (1801); hoàng tử thứ ba là Nguyễn Phúc Tuấn chết lúc 12 tuổi (1809); và hoàng tử thứ mười là Quảng Uy công Nguyễn Phúc Quân chết vào lúc 21 tuổi (1829).  Quảng Uy công Nguyễn Phúc Quân tuy cũng được vua Minh Mạng ban cho một bài phiên hệ thi (bài thứ 7), nhưng ông không có con cháu kế truyền.  Vị hoàng tử thứ mười hai là An Khánh vương Nguyễn Phúc Quang mặc dù không có con nhưng nuôi cháu là Diên Điệp (con của Diên Khánh Vương Nguyễn Phúc Tấn) làm con nuôi đổi tên là Khâm Thịnh, nhờ đó chi nhánh của ông được có người kế tập. 

 

Như vậy trên thực tế chỉ có mười người con trai của Thế Tổ Cao Hoàng đế Gia Long là có người kế tự, trong số đó vị hoàng tử thứ tư là Nguyễn Phúc Đảm (hay Kiểu) lên nối ngôi vua tức Thánh Tổ Nhân Hoàng đế Minh Mạng mở ra hệ Nhì của Chánh Hệ, còn chín vị kia mở ra chín phòng thuộc hệ Nhất của Chánh Hệ.  Sau đây là những bài thơ do vua Minh Mạng sáng tác:

 

Đế hệ thi (nhánh vua Minh Mạng)

 

Miên Hường Ưng Bửu Vĩnh

Bảo Quí Định Long Trường

Hiền Năng Kham Kế Thuật

Thế Thoại Quốc Gia Xương. 

 

(Nguyễn Phúc Miên Tông: vua Thiệu Trị, Nguyễn Phúc Miên Trinh: Tuy Lý Vương, Nguyễn Phúc Hồng Nhậm: vua Tự Đức, Nguyễn Phúc Ưng Lịch: vua Hàm Nghi, Nguyễn Phúc Bửu Lân: vua Thành Thái, Nguyễn Phúc Vĩnh San: vua Duy Tân, Nguyễn Phúc Vĩnh Thụy: vua Bảo Đại…)

 

Về bên phái Nữ, cũng như các đời vua chúa khác, con gái của vua Minh Mạng được phong là CÔNG CHÚA (Công chúa An Phú: Nguyễn Phúc Khuê Gia).  Ngoài ra nhà vua còn phong thêm cho vài đời kế tiếp (cháu, chắt, chiu, chút, chít) những tước hiệu khác như:

 

Cháu nội gái: Công Nữ, cùng thế hệ Hồng bên ngành Nam.

Chắt nội gái: Công Tôn Nữ, cùng thế hệ Ưng.

Chiu nội gái: Công Tằng Tôn Nữ, cùng thế hệ Bửu.

Chút nội gái: Công Huyền Tôn Nữ, cùng thế hệ Vĩnh.

Chít nội gái: Lai Huyền Tôn Nữ, cùng thế hệ Bảo (5).

 

Phiên hệ thi 1 (nhánh Đông Cung Anh Duệ Hoàng thái tử Nguyễn Phúc Cảnh ) (6).

 

Mỹ Duệ Tăng Cường Tráng

Liên Huy Phát Bội Hương

Linh Nghi Hàm Tốn Thuận

Vỹ Vọng Biểu Khôn Quang.

 

(Nguyễn Phúc Mỹ Đường, Kỳ ngoại hầu Nguyễn Phúc Cường Để, Tráng Đinh, Tráng Liệt, Liên Thành…)

 

Phiên hệ thi 2 (nhánh Kiến An Vương Nguyễn Phúc Đài). 

 

Lương Kiến Ninh Hòa Thuật

Du Hành Suất Nghĩa Phương

Dưỡng Di Tương Thức Hảo

Cao Túc Thể Vi Tường.

 

(Nguyễn Phúc Lương Kỳ, Kiến An Quận công Nguyễn Phúc Lương Viên…)

 

Phiên hệ thi 3 (nhánh Định Viễn Quận vương Nguyễn Phúc Bính).

 

Tĩnh Hoài Chiêm Viễn Ái

Cảnh Ngưỡng Mậu Thanh Kha

Nghiễm Khác Do Trung Đạt

Liên Trung Tập Cát Đa.

 

(Nguyễn Phúc Tĩnh Cơ, Tôn thất Chiêm Tân, Tôn thất Viễn Bào, Tôn thất Ái Diên…)

 

Phiên hệ thi 4 (nhánh Diên Khánh Vương Nguyễn Phúc Tấn).

 

Diên Hội Phong Hanh Hiệp

Trọng Phùng Tuấn Tuấn Lãng Nghi (?)

 

Phiên hệ thi 5 (?).

 

Phiên hệ thi 6 (nhánh Thiệu Hóa Quận Vương Nguyễn Phúc Chẩn).

 

Thiện Thiệu Kỳ Tuần Lý

Văn Tri Tại Mẫn Du

Ngưng Lân Tài Chí Lạc

Địch Đạo Doãn Phu Hưu.

 

(Thiệu Hóa Công Nguyễn Phúc Thiện Khuê, Lại Trạch Đình hầu Nguyễn Phúc Thiện Chi…)

 

Phiên hệ thi 7 (nhánh Quảng uy công Nguyễn Phúc Quân) (7).

 

Phụng Phù Huy Khải Quảng

Kim Ngọc Trác Tiêu Kỳ

Đôn Di Khắc Tự Trì.

 

(Nhánh này không có người kế tự).

 

Phiên hệ thi 8 (nhánh Thành Tín Quận Vương Nguyễn Phúc Cự) (7).

 

Thường Cát Tuân Gia Huấn

Lâm Trang Túy Thanh Cung

Thận Tu Di Tấn Đức

Thọ Ích Mậu Tân Công.

 

(Vĩnh Ân Hầu Nguyễn Phúc Thường Đổng, Trơ.  Quốc Khanh Nguyễn Phúc Thường Lâu…)

 

Phiên hệ thi 9 (nhánh An Khánh Vương Nguyễn Phúc Quang) (8).

 

Đề cập tới Tôn thất Thiệp, Ưng Bình, Bửu Hội… ta biết không phải các vị đó mang họ Tôn thất, Ưng hay Bửu…  mà sự thật là cùng chung họ  “Nguyễn Phước,” chỉ khác nhau về chi nhánh (Tiền hệ hay Chánh hệ)  và về thế hệ (hậu duệ đời thứ mấy của một vị Vua).  Những người họ tên có chữ đệm Tôn thất, Cường, Ưng, Bửu, Thể, Dương…  đều là hậu duệ của Triệu Tổ Nguyễn Kim, không có họ hàng với  những người thuộc các dòng họ Nguyễn khác như Nguyễn Văn Thành, Nguyễn Đình Chiểu, Nguyễn Khắc Du…  Nếu không dùng tên đệm để phân biệt, chỉ gọi chung chung là họ Nguyễn Phước thì còn có thể lẫn lộn với một số ít người khác cũng mang họ Nguyễn và cũng chọn chữ “Phước” làm chữ lót như các ông Nguyễn Phước Đại, Nguyễn Phước Hải… vốn không có cùng huyết thống.  Lại nữa có một số chữ lót trong các bài “Phiên hệ thi” trùng với những tên họ khác như Lương, Tư, Dương, Văn…  Ở trường hợp này, nếu không ghép thêm tên đệm Tôn thất hay tên họ Nguyễn Phúc vào như Tôn Thất Dương Kỵ,  Nguyễn Phúc Lương Viên thì người ta có thể lẫn lộn với những người có tên Kỵ mà họ Dương hay tên Viên mà họ Lương… 

 

Từ năm 1945, vị vua cuối cùng của triều đại Nguyễn Phước là Bảo Đại thoái vị, chính thể quân chủ cáo chung.  Những ai trong dòng họ Nguyễn Phước đã trót giản dị hóa họ tên, chỉ dùng các chữ lót như Tôn Thất, Bửu, Vĩnh…  nay nếu muốn bổ túc thêm tên họ Nguyễn Phước thì cần phải thông qua những thủ tục pháp lý nhiêu khê về  hộ tịch.  Những người này nếu còn ở trong nước, khi sinh con có thể dùng họ Nguyễn Phước trong khai sinh của con.  Nhưng trường hợp cư trú ở hải ngoại, hộ tịch được qui định theo luật lệ địa phương.  Tại nhiều quốc gia, vì người nước khác không am tường ý nghĩa cấu trúc trong họ tên và chữ lót của dân tộc ta, nhất là đối với họ Nguyễn Phước, cho nên cứ người mang chữ lót Bửu thì sinh con phải lấy họ là Bửu, chữ lót Vĩnh thì con phải mang họ là Vĩnh. 

 

Ông Bửu A sinh con đặt tên là B phải dùng chữ Bửu làm tên họ cho con.  Để phân rõ thế hệ, ông A cho lót thêm chữ Vĩnh trước tên B của con mình: Bửu Vĩnh B.  Khi thấy tên Bửu Vĩnh B, người ta sẽ biết rằng B thuộc dòng họ Nguyễn Phước, hậu duệ của vua Minh Mạng, thuộc thế hệ Vĩnh, rời Việt Nam ra cư trú ở hải ngoại từ đời cha thuộc thế hệ Bửu.

 

Có trường hợp con lấy theo họ mẹ thì dù là con trai mà mẹ là Công Tằng cũng phải mang họ là Công Tằng.  Bà Công Tằng H.T, ái nữ của Bác sĩ Ưng H., một bác sĩ nổi tiếng ở Huế, đem hai con đến tỵ nạn tại New Jersey, gái khai là Công Tằng Lena trai là Công Tằng Leno.  Con gái mà cha Tôn Thất thì phải mang họ Tôn Thất chứ không là Tôn Nữ.  Con trai của tôi là Tôn Thất Quốc Phong sinh cho tôi một cháu nội gái phải lấy họ tên là Tôn Thất Minh Anh chứ không là Tôn Nữ Minh Anh.  Sở dĩ có tình trạng này là bởi người nước khác vì không đủ điều kiện nghiên cứu, tưởng lầm những chữ Vĩnh, Bảo là họ đơn và Công Tằng, Tôn Thất là họ kép.  Bởi những lý do và hoàn cảnh phức tạp như kể trên mà những danh hiệu Tôn Thất, Vĩnh, Bảo, Dương, Quỳnh…  vẫn còn tiếp tục được dùng trong hộ tịch những người thuộc dòng họ Nguyễn Phước, chưa có cơ hội và điều kiện thuận lợi để sửa đổi cho thống nhất.  Một số người vừa thấy triều đại Nguyễn Phước cáo chung vội vàng chối bỏ ngay danh hiệu Tôn Thất để tỏ ra mình thức thời, tiến bộ (trong thể chế Cộng Hòa) hoặc tệ hơn nữa tỏ ra giác ngộ giai cấp, chống phong kiến (dưới thể chế CS).  Thiển nghĩ những ai mang tư tưởng như thế thật có phần thiển cận. 

 

Thực tế lịch sử đã chứng minh cho thấy dưới thể chế Cộng Hòa có nhiều người đã làm tổng thống trọn đời, cha truyền con nối, dưới chế độ CS có đầy rẫy những hiện tượng quan liêu, phong kiến, độc tài, áp bức, bất công…  đưa nhiều quốc gia và nhiều dân tộc vào cuộc sống vô cùng bi thảm.  Trái lại cũng có những nước còn theo thể chế quân chủ hay quân chủ lập hiến mà đất nước rất phú cường, nhân dân được sống tự do an lạc. 

 

Nếu quan niệm rằng những từ ngữ trên chỉ là danh xưng có giá trị như chữ lót để dễ nhận rõ các thế hệ, các chi nhánh của dòng họ Nguyễn Phước và để phân biệt khỏi có sự lẫn lộn giữa dòng họ này với những dòng họ Nguyễn khác thì chẳng phải mất công trải qua nhiều thủ tục phiền toái để sửa đổi, làm một việc chẳng bổ ích gì cho ai. 

 

Tốt hay xấu, tiến bộ hay lạc hậu… là do ở cung cách, tác phong, đạo đức, tư tưởng trong lối xử thế của từng cá nhân chứ không do từ hình thức của một danh hiệu. 

 

 

Tuệ Quang Tôn thất Tuệ

20.11.2007

 

 ______________

Chú thích:

 

Căn cứ vào những tài liệu khẩu tín (?) như Tộc phả, gia phả của dòng họ Nguyễn Phước, ta phát hiện ở vài sử liệu, tài liệu được phổ biến trước đây có một số sự kiện bị ghi chép không xác thực. 

 

  1. Trần trọng Kim (trong “Việt Nam Sử Lược”) và nhiều nhà biên khảo khác chép Chúa Nghĩa là Nguyễn Phúc Trăn thay vì Nguyễn Phúc Thái. Sự thật thì Nguyễn Phúc Trăn (sinh năm 1652, mất năm 1685) là con thứ ba của Chúa Hiền, em cùng mẹ với Chúa Nghĩa, tước vị Cương Quận Công, là vị Tổ của Phòng Ba, tiền hệ Năm.  Còn Chúa Nghĩa tên là Nguyễn Phúc Thái (sinh năm 1650, mất năm 1691) là con thứ nhì của Chúa Hiền, mới đúng là người nối ngôi cha làm Chúa tức Anh Tông Hiếu Nghĩa Hoàng đế và là tổ của Tiền hệ Sáu (Hệ này bị khuyết vì Chúa Nghĩa chỉ có một con trai là Nguyễn Phúc Chu sau mở ra Tiền hệ Bảy).  Con trưởng của Chúa Hiền là Phúc Quốc Công Nguyễn Phúc Diễn đã từ trần trước cha nên không nối ngôi Chúa mà chỉ là Tổ của Phòng Nhất tiền hệ Năm. 

 

  1. Tôn thất Cổn trong “Hoàng Tộc Lược Biên” âm là Túc; Trần trọng Kim trong “Việt Nam Sử Lược” âm là Trú hay Chú.

 

  1. Hưng tổ Hiếu Khang Hoàng đế Nguyễn Phúc Côn, con thứ nhì của Vũ Vương Nguyễn Phúc Khoát và là anh khác mẹ của Định Vương Nguyễn Phúc Thuần. Khi Vũ Vương mất, con trưởng là Nguyễn Phúc Chương cũng đã qua đời, Nguyễn Phúc Côn đáng lẽ được lên kế vị nhưng bị quyền thần Trương phúc Loan mưu hại. Ông có sáu người con trai, năm người hoặc mất sớm hoặc bị chết hại trong cuộc chiến chống nhà Tây Sơn, chỉ còn lại người con thứ ba là Nguyễn Phúc Ánh sau lên ngôi vua (Gia Long) mở ra Chánh hệ.  Ông Nguyễn Phúc Côn được truy tôn là Hoàng đế nhưng chưa hề ở ngôi Vua hay ngôi Chúa ngày nào cả. 

 

  1. Năm 1997 trong tạp chí Quốc gia ở Montréal, một ký giả ở Hoa Kỳ đã nhầm lẫn viết rằng “Một họ do vua chúa nhà Nguyễn ban cho các công thần là họ Tôn Thất.” Các công thần có công với triều Nguyễn được ban họ này, cho dù trước đây mang họ Lê, Lý, Trần… cũng trở thành Tôn Thất, cho nên họ Tôn Thất chia thành nhiều hệ: hệ gốc họ Lê, hệ gốc họ Trần.. v..v… 

 

  1. Các từ ngữ như Công Chúa, Công Nữ, Công Tôn Nữ, Công Tằng Tôn Nữ, Công Huyền Tôn Nữ, Lai Huyền Tôn Nữ bên ngành Nữ cũng như chữ Hoàng Tử bên ngành Nam chỉ là những tước hiệu thuộc dòng NỘI của vua MINH MẠNG chứ không phải là “họ kép” thuộc dòng NGOẠI như có người gần đây đã thuyết minh không đúng trên vài diễn đàn điện tử.

 

Theo chủ trương “Ngũ bất lập,” vua Minh Mạng không lập ngôi vị Thái Tử.  Trong tập san Việt Nam Học phát hành ở Montréal, cũng có người đã thuyết minh sai, cho rằng mỗi chữ trong Đế hệ thi (Miên, Hường, Ưng, Bửu, Vĩnh…) là một họ. 

 

  1. Theo “Nguyễn Phúc Tộc Thế Phả” thì Hoàng Tử Cảnh sinh năm Canh Tý (ngày 6.4.1780), mất năm Tân Dậu (ngày 20.3.1801) vì bệnh đậu mùa, hưởng dương 21 tuổi. Một Tập san ở Hoa Kỳ chuyên viết về Huế có bài nói là Hoàng tử Cảnh mất sớm, không có con cháu kế truyền. Sự thực Kỳ Ngoại Hầu Cường Để là hậu duệ của Hoàng Tử Cảnh.  Gần đây một bài viết được đưa lên các diễn đàn điện tử, không biết căn cứ vào đâu, nói rằng Hoàng tử Cảnh mất vào lúc 15 tuổi. 

 

  1. Hai vị Quảng Uy Công Nguyễn Phúc Quân và Thường Tín Quận Vương Nguyễn Phúc Cự có chung cùng mẹ là bà Đức Phi Lê Thị Bình tức công chúa Ngọc Bình, em của công chúa Ngọc Hân. Một tài liệu về họ Nguyễn Phước chú thích sai lầm rằng hai Hoàng tử này là con của bà công chúa Ngọc Hân. 

 

  1. Có thể nói chỉ chín người con trai của vua Gia Long có con cháu kế truyền và Chánh hệ Nhất chỉ có tám Phòng vì lẽ Hoàng tử thứ Mười Hai là An Khánh Vương Nguyễn Phúc Quang không có con, cháu là Diên Điệp (con của Diên Khánh Vương) lo việc thừa tự xem như là con nuôi và đổi tên là Khâm Thịnh.

 

_____________________

Tài liệu tham khảo:

 

–  Nguyễn Phúc tộc Thế phả.  Hội Đồng Trị Sự Nguyễn Phúc Tộc, nxb Thuận Hóa Huế, 1995. 

–  Nguyễn Phúc Tộc Hoàng Triều Tôn phả.  Phòng Kính Quận Công, Huế. 

–  Hoàng Tộc Lược Biên.  Tôn Nhơn Phủ, 1942. 

–  Nguyễn Phước Tộc Lược Biên.  Hội Đồng Hoàng Tộc Việt Nam Hải Ngoại, California 1995.

–  Gia phả Họ Nguyễn Phước, Hệ 9 Phòng 7 Chi 3.  Tôn thất Tuệ, Montréal 1999, bổ sung 2007. 

–  An Nam Chí Lược. Lê Tắc Viện Đại Học Huế phiên dịch, 1961.

–  Việt Nam Sử lược. Trần Trọng Kim, Nhà xb Đại Nam, California Hoa Kỳ. 

–  Việt Sử Toàn Thư. Phạm văn Sơn, Hiệp Hội Người Việt tại Nhật xb, 1983.

–  Đại Việt Sử Ký Toàn Thư.  Lê Văn Hưu, Phan Phù Tiên, Ngô Sĩ Liên; Viện Khoa Học Xã  Hội VIệT NAM phiên dịch 1985-1992; nxb Khoa Học Xã Hội Hà Nội, 1993; Chuyển điện tử 2001. 

–  Quốc Triều Chánh Biên Toát Yếu. Cao Xuân Dục 1908; Quốc Sử Quán phiên dịch 1925; Nhóm Nghiên Cứu Sử Địa Việt Nam xb 1972; Chuyển điện tử 2001. 

–  Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục. Quốc sử quán triều Nguyễn 1856 1881; Viện Sử Học phiên dịch 1957-1960; nxb Giáo Dục Hanoi 1998; Chuyển điện tử 2001. 

 

Trần Văn Giang (ghi lại)

.

 

Họ Nguyễn Phước – Tôn Thất Tuệ

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *