Phạm Duy

(100 Năm Ngày Sinh Người Hát Rong Vĩ Đại

của Âm Nhạc Việt Nam)

.

 

*

 

Phạm Duy vẫn ở đâu đó trong cuộc đời này, không chỉ 100 năm này, mà có lẽ còn nhiều trăm năm nữa trong những trái tim thuần khiết yêu nước Việt, đi cùng những giai điệu gần gũi và khoan nhặt của ông. Nghe nhạc Phạm Duy, đôi lúc tôi nhận ra như nhu cầu của một người Việt. Nó thôi thúc và cồn cào. Thậm chí khi im lặng nghe mà cứ tưởng như mình đang cất tiếng, bởi lời ca đã âm vọng không biết bao điều. Và tôi cũng đã chứng kiến điều như vậy.

 

Có lần linh mục Đặng San ở Sài Gòn trở bệnh nặng. Ông nằm lặng lẽ trong phòng mình nhiều giờ rồi lặng lẽ nhắn cho một cô bạn của tôi “Có thể đến hát cho Cha nghe một bài Phạm Duy không?”  Bác sĩ không cho ông hút thuốc nữa, cũng không cho xem điện thoại nữa. Sự tĩnh lặng và chăm sóc chu đáo thể xác, vẫn không đủ cho phần hồn. Ông nằm nhìn lên trần nhà. Im lặng. Thở mệt nhọc.Tôi đến cùng cô bạn của mình, mang theo cây “guitar.” Cha ngồi dậy, vui như trẻ nhỏ. Ông đòi nghe hát ngay. Đàn so dây và bài hát “Tôi đang mơ giấc mộng dài” vang lên. Những bài hát của Phạm Duy có ma lực lạ lùng, như nhấn sâu người nghe vào một hồ chứa tâm trạng mênh mông, vẫy vùng tâm hoặc.

 

Hình ảnh của bài hát như bao bọc không gian của mọi người chung quanh. Lần đầu tiên tôi thấy một cụ già tóc bạc, yếu ớt trên xe lăn khi nghe được đôi câu, đã ôm mặt khóc nức nở. Ông khóc như gặp lại người thân, và cố ôm mặt vì sợ tiếng khóc sẽ ngăn mọi người ngừng trình bày bài hát đó.Chắc cũng nên nói một chút về linh mục Đặng San, để biết ông không phải là một người dễ bị chinh phục bởi mọi loại văn nghệ. Khởi đầu ông chọn tự mình trở thành tu sĩ Phật Giáo khổ hạnh, bỏ lên núi sống một mình với kinh kệ. Rồi một ngày mưa gió, ông ngã lăn bất tỉnh và được người ta đưa về một nhà dòng Công Giáo gần đó cứu giúp. Sau một thời gian ông được ơn gọi và trở thành linh mục. Những kiến thức uyên bác của cả hai hệ tín ngưỡng đầy ắp trong người, nên khi ông giảng hay viết đều song hành các dẫn chứng của cả hai tôn giáo. Ấy vậy mà, con người chứa trong mình sâu thẳm những triết giáo khôn ngoan hàng ngàn năm đó, lại bật khóc, và nói “cần gì tìm cao xa nữa, bài hát này cất tiếng, nó đã đẹp như một thánh lễ rồi.” Trong phút giây ấy, tôi chợt nhận ra rằng nếu chúng ta yêu dân tộc này, yêu những khổ đau và nghịch cảnh của quê hương này đã và đang chịu, thì nghe nhạc Phạm Duy mà bật khóc cũng không phải là điều quá lạ lùng.

 

Có một thời gian dài, tôi cứ ám ảnh về bài “Bên cầu biên giới” của nhạc sĩ Phạm Duy. Những gì day dứt tự hỏi lòng, ông đều trải ra đủ trên từng nốt nhạc, từng nhịp chất vấn dồn dập của đời người và thời thế. Đời hỏi ông muốn được vinh danh như một kẻ làm chính trị không? Ông đã trả lời bằng cách bước xuống tàu, đi theo con đường của một nghệ sĩ, bất chấp phận mình có thể nổi trôi theo vận nước. Nhiều thập niên sau, ông nhắc lại điều này với tôi trong một lần được hỏi “Tôi thấy mình hạnh phúc là một người hát rong, một người hát rong hạnh phúc.”

 

Hành trình của những người hát rong trong lịch sử nhân loại, có kẻ mua vui cho bạo chúa, có kẻ sống và chấp nhận rơi đầu để giữ vẹn lời ca về sự thật. Phạm Duy đã làm trọn phần hát rong cao quý của mình, ông hát cho con người và không đem tài năng của mình để phục vụ bạo quyền hay dối trá. Dòng chảy đau đớn của dân tộc Việt Nam đi đến đâu, vẫn thấy có ông nơi đó kể lại, hát lại. Từ cuộc chia ly 1954 cho đến những ngày dựng đời cùng Bình Ca. Rồi cả khi một lần nữa rời khỏi quê nhà 1975, ông vẫn không dừng ghi lại ký ức với “Tỵ nạn ca,” “Ngục Ca”… Và đến cả những tiên đề của đất nước trong “Rong Ca” về thế kỷ mới.

 

Năm 2002, ông gửi về tặng tôi quyển “Chân Dung Nghệ Sĩ” của Trường Kỳ, trong đó có bài về ông. Viết trong thư tay, ông dặn “Không phải cái gì viết trong đây về tôi cũng đúng. Nhưng không đúng cũng là một kỷ niệm. Đời người rồi cái gì cũng thành kỷ niệm.” Đọc đến đó, tôi mỉm cười. Ông lại chơi chữ với tôi rồi, như để nói về chính cuộc đời của ông. Tôi hình dung cái cách rất “Phạm Duy” của ông, cười nhếch mép, nheo mắt, gật gù. Cái cách y như lúc ông về Việt Nam và nói với tôi “Anh có cái kiểu hỏi han khó chơi lắm. Nhưng được đấy!

 

Trước lúc ông mất, tôi có ghé nhà ở quận 11, Sài Gòn, thăm ông. Lúc đó, ông gần như đã cạo trọc, yếu ớt và ngồi trên xe lăn. Thấy tôi cất lời chào, ông khoát tay như bảo “Chờ đấy, đừng hỏi” và cho đẩy xe đến trước một cái tivi lớn, phát một cái DVD tự làm “slideshow,” trình bày chi tiết từ lúc bệnh, đi cấp cứu cho đến về nhà. “Đấy, nhiều người đến hỏi lắm, cho xem thì biết, khỏi mất công trả lời,” ông cười, có vẻ khoái trá vì thấy tôi hơi ngỡ ngàng với sự chuẩn bị của ông. Có người khuyên là ông nên về Mỹ, vì có thể việc chăm sóc y tế sẽ tốt hơn. Ông lại hỏi ngược “Rồi được thêm bao lâu nữa?”Hơn một năm sau, ông mất. Dường như về cuối đời, chọn về Việt Nam, ở lại, và ở lại mãi mãi là ước muốn lớn nhất của đời ông. Một lần trả lời phỏng vấn của đài BBC, ông nói “Tôi về đây không phải là tôi đi tìm danh vọng, hay tôi tìm đồng tiền kinh tế. Không phải. Tôi về đây là vì tôi yêu nước thôi. Mà tôi phải về vì người già nào cũng muốn chết ở quê hương của mình, thế thôi.

 

Ngay cả đến cái chết, Phạm Duy cũng như câu chuyện kể sống động ở giữa chúng ta, nhắc về những người Việt Nam khốn đốn trước cơ đồ cha ông để lại bị cưa xẻ, bất lực trước những dòng người vơ vét đất mẹ bằng quyền lực chính trị, giàu có và chọn thành công dân và chết ở một quốc gia xa lạ nào đó. Nhưng quê hương, đó là thứ không thể lìa xa với mỗi chúng ta, những người yêu nước Việt.

 

Phạm Duy không hô hào yêu nước. Nhưng âm nhạc của ông dạy người ta yêu nước. Dạy và thấm sâu ở từng câu chữ, giai điệu. Bất kể tôi, hay một linh mục, hoặc một người bạn trẻ nào đó lắng nghe rồi cũng sẽ tự thấy mình có một duyên lành với đất nước mình. Đó là điều được chia sẻ từ quyền năng của một người hát rong sống trọn vẹn với nghiệp đời.

 

Người hát rong đó vẫn ở giữa chúng ta, trong muôn ngàn lời tha thiết Việt Nam, khắc sâu, thấm sâu hơn cả những bài giáo khoa buộc phải học.

 

 

 

Tuấn Khanh

 

 

*

 

 

CHÚNG TÔI ĐI THĂM MỘ PHẠM DUY

 

 

 

Duy Cường dẫn chúng tôi đi thăm mộ cha. Ông ở Bình Dương, trên một vùng đất đẹp. Trong Vườn Phạm Duy, thực hiện theo ý tưởng của Duy Cường, bên cạnh ông là mộ Thái Hằng và bia Duy Quang. Trên tượng bán thân bằng đồng đen, khắc theo ảnh chụp của Phong Quang, do điêu khắc gia Nguyễn Văn An thiết kế và Đoàn Tấn Huệ đúc đồng, ông sừng sững như còn tại thế.

 

Trên mộ ghi “Tôi yêu tiếng nước tôi từ khi mới ra đời người ơi!” bằng chính chữ của Phạm Duy. Ông đã vĩnh viễn trở về với đất nước, với tiếng nói và con người

 

Vào miền Nam, 1952 Phạm Duy bắt đầu một thiên tình sử mới với quê hương qua những bản tình ca bất hủ “Tình hoài hương,” “Tình ca,” “Con đường cái quan,” “Mẹ Việt Nam”… Ở Phạm Duy tình ca, tình người và tình yêu quy thành một mối, một khối, một trái tim.

 

Chúng ta gặp lại công chúa Huyền Trân qua nhạc Phạm Duy, chúng ta đi xuyên Việt qua nhạc Phạm Duy, chúng ta biết yêu tiếng nước tôi từ khi mới ra đời, qua nhạc Phạm Duy. Chúng ta yêu nhau cũng với Phạm Duy: ngày đó có em đi nhẹ vào đời, chúng ta cưới nhau cũng có Phạm Duy: nhìn trên mây xa khơi có áo dài khăn cưới… Chúng ta giã biệt nhau cũng với Phạm Duy: ngày ấy có em ra khỏi đời rồi… Chúng ta van xin nhau cũng có Phạm Duy: Đừng xa nhau, đừng quên nhau, đừng rẽ khúc tình nghèo… Đừng cho không gian đụng thời gian… Mỗi giây phút thiêng liêng, hạnh phúc, xót xa… trong đời ta đều có Phạm Duy. Ngoài Nguyễn Du, chưa một nhà thơ, một nghệ sĩ nào đi sâu vào tâm hồn người Việt đến thế.

 

Sau ngày 30 tháng Tư năm 1975, ta di tản, vẫn cùng Phạm Duy: “Một ngày năm bốn, cha rời quê xa… Một ngày bẩy lăm đứng ở cuối đường…” Ở hải ngoại, Phạm Duy hát cho Bầy chim bỏ xứ, Phạm Duy dựng lại thi ca Hàn Mặc Tử, làm sống lại Kiều trong âm nhạc.

 

Người ta trách Phạm Duy, khi ông bỏ kháng chiến về thành là phản bội cách mạng. Người ta trách Phạm Duy khi ông bỏ hải ngoại về nước là phản bội miền Nam. Nhưng người ta quên Phạm Duy là Người. Người Tự Do. Phạm Duy không có bổn phận với ai, trừ với chính mình. Phạm Duy không phải là chiến sĩ: Chiến sĩ đấu tranh dưới một ngọn cờ. Phạm Duy không phải là kẻ sĩ: Kẻ sĩ trung quân ái quốc. Phạm Duy không phải là chí sĩ:

 

Chí sĩ Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh, muốn dìu dắt dân tộc ra khỏi ách nô lệ, đoạ đầy.  Phạm Duy là người Nghệ Sĩ.  Nghệ sĩ cần tự do như khí trời để thở, để sáng tác. Nghệ sĩ cần khán thính giả, nếu không có khán thính giả, sẽ không còn nghệ sĩ. Không nên buộc Phạm Duy phải làm giống ta, bởi ta chưa sáng tạo được một tác phẩm nào, một lời ca nào, cho quê hương, đất nước, con người.

 

Đứng trước mộ Phạm Duy, ai đã đo được tầm vóc vĩ đại của người nhạc sĩ số một của đất nước, năm lần “ba-lô” xuyên Việt, để lại bao nhiêu kiệt tác cho dân tộc cùng với sự vô ơn vĩ đại của lớp quần chúng bạc như dân đã chôn sống ông vì vài ba tiểu tiết, khi ông còn tại thế?

 

 

 

Thụy Khuê

 

 

Phạm Duy – Tuấn Khanh

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *